Hơn 70 năm vẫn mòn mỏi vì sự tắc trách?

Thứ Ba, 31/05/2022, 20:52

Cho rằng, do đang xảy ra việc tranh chấp thờ cúng giữa hai gia đình nên các cấp chính quyền tại Nghệ An vẫn chưa làm hồ sơ, thủ tục cấp công nhận liệt sĩ, đề nghị cấp bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ đã hy sinh cách đây 71 năm về trước. Trong khi đó, để được hưởng trợ cấp thân nhân, phía người nhà họ Lê đã mạo danh hồ sơ để thờ liệt sĩ họ Hà, bị cơ quan chức năng phát hiện, cắt chế độ từ nhiều năm qua.

Suốt mấy chục năm qua, ông Hà Khắc Liêm (92 tuổi), trú tại xóm 3, xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn (Nghệ An) vẫn miệt mài, cần mẫn ôm tập hồ sơ dày cộp, gõ cửa khắp nơi đến các ban ngành của tỉnh Nghệ An, cầu cứu về việc người anh con bác của mình là Hà Văn Tam, hy sinh đã 71 năm nhưng đến nay vẫn chưa làm hồ sơ, thủ tục cấp công nhận liệt sĩ, đề nghị cấp bằng Tổ quốc ghi công. Day dứt và cũng là trăn trở lớn nhất của ông Liêm, là sợ một ngày bản thân mình nhắm mắt xuôi tay, sự việc vẫn chưa được giải quyết thì sẽ có lỗi với cả người đã khuất lẫn những người còn sống trong gia tộc, khi đã ủy quyền cho ông đi đòi công lý nhưng chưa thực hiện được.

Hơn 70 năm vẫn mòn mỏi vì sự tắc trách? -0
Ông Hà Khắc Liêm (92 tuổi) cho biết, hàng chục năm qua mong mỏi liệt sĩ Hà Văn Tam được công nhận liệt sĩ, cấp bằng Tổ quốc ghi công

Liệt sĩ họ Hà, thờ nhà họ Lê

Theo ông Liêm, anh con bác của ông là Hà Văn Tam (sinh năm 1925), nhập ngũ tháng 7-1948, là liệt sĩ chống Pháp, hi sinh ngày 29-12-1951. Hồ sơ của liệt sĩ Hà Văn Tam hiện nay không còn được lưu giữ, nhưng được ghi danh trong bia tưởng niệm của nghĩa trang liệt sĩ xã Nam Thanh và cuốn Lịch sử Đảng bộ xã. Được sự ủy quyền của anh em nội tộc dòng họ Hà, từ năm 2013, ông Hà Khắc Liêm làm hồ sơ để cấp bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ Hà Văn Tam thì được Sở LĐ,TB&XH Nghệ An trả lời là không có hồ sơ. Nhưng cũng dịp này, ông Liêm phát hiện có một bộ hồ sơ mang tên Hà Văn Tam ở xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn được bà Lê Thị Thỉu (bà Thỉu là chị em cùng mẹ khác cha với liệt sĩ Hà Văn Tam, bà đã mất vào năm 2003 - PV), nay là bà Nguyễn Thị Tứ, con dâu bà Thỉu lập để nhận chế độ thờ cúng một lần vào năm 2001. Nghi ngờ bộ hồ sơ này là giả, ông Liêm đã tìm hiểu và phát hiện nhiều điểm đáng ngờ.

Hơn 70 năm vẫn mòn mỏi vì sự tắc trách? -0
Mong mỏi lớn nhất của ông Liêm là liệt sĩ Hà Văn Tam được trả lại đúng danh phận khi đã hy sinh vì tổ quốc

Sau đó, ông Hà Khắc Liêm đã gửi đơn tố cáo đến cơ quan chức năng về việc, bà Lê Thị Thỉu khai man hồ sơ để hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ Hà Văn Tam. UBND huyện Nam Đàn đã thành lập đoàn kiểm tra, xác minh đơn tố cáo. Kết quả cho thấy, bà Lê Thị Thỉu khai là chị gái của liệt sĩ Hà Văn Tam là không đúng sự thật, hồ sơ để xác lập hưởng chế độ thờ cúng liệt sĩ Hà Văn Tam là giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ Hà Viết Tám (liệt sĩ Hà Viết Tám là em trai của ông Hà Khắc Liêm, em con chú ruột của liệt sĩ Hà Văn Tam - PV), số bằng Tổ quốc ghi công 8Y427b là bằng cấp cho liệt sĩ Hà Viết Tám. Do đó, việc xác lập hồ sơ hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ Hà Văn Tam là không đúng quy định. Từ kết quả xác minh, Phòng Lao  động, Thương binh và Xã hội huyện Nam Đàn đã báo cáo Sở Lao  động, Thương binh và Xã hội thu hồi số tiền trợ cấp chế độ thờ cúng liệt sĩ Hà Văn Tam đã cấp đối với bà Lê Thị Thỉu. Đến nay, việc giải quyết trợ cấp thờ cúng liệt sĩ đối với thân nhân Hà Văn Tam chưa thực hiện được theo Nghị định 31/NĐ-CP của Chính phủ do không có hồ sơ liệt sĩ và bà Nguyễn Thị Tứ không phải là người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ Hà Văn Tam.

Theo Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An, mặc dù hồ sơ của liệt sĩ Hà Văn Tam hiện nay ngành lao động, thương binh và xã hội cũng như Bảo hiểm xã hội Nghệ An không lưu giữ, song tại UBND xã Nam Thanh hiện còn lưu giữ sổ ghi danh liệt sĩ, được lập từ tháng 9-1980, theo dõi việc chi trả chế độ cho thân nhân, gia đình liệt sĩ, trong đó có ghi là liệt sĩ Hà Văn Tam. Từ những dữ liệu này, Bộ chỉ huy quân sự Nghệ An cho rằng, liệt sĩ Hà Văn Tam đã được báo tử, công nhận liệt sĩ và thân nhân cũng đã được hưởng các chế độ, song việc kê khai hồ sơ của thân nhân đề nghị hưởng chế độ của liệt sĩ về sau còn có những sai sót, dẫn đến việc gia đình liệt sĩ Hà Văn Tam đến nay chưa được cấp bằng Tổ quốc ghi công. Mặc dù đủ điều kiện nhưng việc lập hồ sơ cấp bằng Tổ quốc ghi công vẫn chưa thực hiện được, vì chưa có sự thống nhất việc thờ cúng liệt sĩ giữa ông Hà Khắc Liêm và bà Nguyễn Thị Tứ. Để được làm các thủ tục liên quan, hai gia đình cần phải bàn bạc, thống nhất người thờ cúng và người đứng ra kê khai hồ sơ để làm thủ tục.

Ai là thân nhân của liệt sĩ Hà Văn Tam?

Ông Hà Khắc Liêm khẳng định, liệt sĩ Hà Văn Tam là con trai của ông Hà Văn Phú và bà Trần Thị Em, được ghi trong gia phả và hiện đang thờ cúng tại nhà thờ họ Hà. Trong khi đó, tại hồ sơ để được hưởng chế độ trợ cấp mà chính quyền xã Nam Thanh lập cho bà Lê Thị Thỉu hưởng chế độ một lần có nhiều điểm sai sự thật, cho rằng mẹ đẻ của liệt sĩ Hà Văn Tam là bà Đặng Thị Cường, là hoàn toàn không chính xác. Mặt khác, xác nhận của ông Đinh Xuân Tư với vai trò là chủ tịch xã trong biên bản họp gia tộc vào năm 1983 cũng không đúng, vì ông Tư đến năm 1999 mới giữ chức chủ tịch UBND xã Nam Thanh, và hồ sơ này cũng không có xác nhận của Phòng Lao  động, Thương binh và Xã hội huyện Nam Đàn. Tất nhiên, bộ hồ sơ này sau đó được xác định là khai man, làm giả và đã có quyết định thu hồi lại số tiền trợ cấp đã cấp cho gia đình bà Thỉu. “Ngay việc lập hồ sơ giả để hưởng chế độ thờ cúng liệt sĩ cũng đã cho thấy, gia đình này đã không đủ tư cách để đứng ra làm hồ sơ liệt sĩ chứ chưa nói đến việc tranh chấp. Cũng không có lý do gì mà liệt sĩ Hà Văn Tam mang họ Hà nhưng lại được thờ cúng tại nhà họ Lê cả. Vậy mà không hiểu sao, chính quyền cấp xã, cấp huyện cơ quan chức năng hữu quan vẫn để sự việc kéo dài hàng chục năm trời”, ông Liêm ngán ngẩm.

Hơn 70 năm vẫn mòn mỏi vì sự tắc trách? -0
Tên của liệt sĩ Hà Văn Tam được ghi danh trong bia tưởng niệm của nghĩa trang liệt sĩ xã Nam Thanh

Liên quan đến vấn đề này, bà Hồ Thị Châu Loan, Phó giám đốc Sở Lao  động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An cho biết, mới đây đơn vị đã nhận được hồ sơ kèm theo đơn đề nghị của bà Nguyễn Thị Tứ về việc đề nghị cấp bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ Hà Văn Tam nên đã tiến hành kiểm tra, thẩm định. Trên cơ sở hồ sơ này, ngày 6-5-2022, Sở này đã có công văn gửi xã Nam Thanh, hướng dẫn bà Tứ bổ sung hồ sơ ủy quyền của những người liên quan, đồng thời xã Nam Thanh có trách nhiệm lập danh sách niêm yết công khai, lấy ý kiến nhân dân và thông báo trên phương tiện truyền thông đại chúng trong thời gian 40 ngày. Với hướng dẫn này, Sở Lao  động, Thương binh và Xã hội Nghệ An đã mặc nhiên thừa nhận, việc lập hồ sơ công nhận liệt sĩ Hà Văn Tam sẽ chỉ định cho bà Nguyễn Thị Tứ, điều này trái ngược với công văn số 1393 ngày 28-4-2022, khi báo cáo với UBND tỉnh Nghệ An, Sở Lao  động, Thương binh và Xã hội Nghệ An lại cho rằng “liệt sĩ Hà Văn Tam đủ điều kiện để lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền cấp bằng Tổ quốc ghi công. Sở Lao  động, Thương binh và Xã hội Nghệ An đã chỉ đạo huyện Nam Đàn và UBND xã Nam Thanh hướng dẫn thân nhân liệt sĩ Hà Văn Tam lập hồ sơ. Đề nghị ông Hà Khắc Liêm trực tiếp đến UBND xã Nam Thanh để được hướng dẫn lập hồ sơ đề nghị cấp bằng Tổ quốc ghi công”, văn bản nêu rõ. Trước đó, tại các công văn 1582 ngày 6-8-2014 và Công văn số 3580 ngày 8-12-2016 của Sở Lao  động, Thương binh và Xã hội Nghệ An cũng đã đề nghị ông Hà Khắc Liêm liên hệ trực tiếp cơ quan quân sự để được hướng dẫn lập hồ sơ công nhận cho liệt sĩ Hà Văn Tam.

Hơn 70 năm vẫn mòn mỏi vì sự tắc trách? -0
Việc tranh chấp thờ tự liệt sĩ đã được giải quyết nhiều lần nhưng bất thành

Hướng dẫn là vậy, và sự việc tưởng chừng như đã được giải quyết nhưng không hiểu sao, chính quyền xã Nam Thanh và UBND huyện Nam Đàn vẫn đồng ý, chấp nhận để bà Nguyễn Thị Tứ lập hồ sơ chứ không phải là ông Hà Khắc Liêm. Vấn đề này, theo chính quyền xã Nam Thanh, sau khi ông Liêm có ý kiến và tranh chấp việc thờ cúng liệt sĩ, xã đã tổ chức giải quyết, đối thoại rất nhiều lần giữa hai bên. Đã có thời điểm hai bên đi đến thống nhất là sẽ chuyển giao thờ cúng liệt sĩ về gia tộc họ Hà. Tuy nhiên, sau đó bà Tứ lại có đơn khiếu nại, không đồng ý việc chuyển giao khiến sự việc dai dẳng từ đó đến nay.

Hơn 70 năm vẫn mòn mỏi vì sự tắc trách? -0
Quyết định trợ cấp cho bà Thỉu đã được thu hồi khi phát hiện hồ sơ giả mạo

Việc liệt sĩ Hà Văn Tam hi sinh là có thật, và cũng đủ điều kiện để công nhận liệt sĩ, cấp bằng Tổ quốc ghi công. Nhưng chỉ vì tranh chấp thờ cúng giữa hai gia đình, mà hơn 70 năm kể từ ngày hi sinh, liệt sĩ vẫn chưa được công nhận là một việc làm có phần tắc trách, thậm chí thờ ơ, vô trách nhiệm của chính quyền xã Nam Thanh, của huyện Nam Đàn và Sở Lao  động, Thương binh và Xã hội Nghệ An cũng như các ban, ngành liên quan. Đề nghị UBND tỉnh Nghệ An sớm vào cuộc, chỉ đạo các đơn vị, địa phương liên quan, giải quyết dứt điểm vụ việc, sớm hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để công nhận liệt sĩ, cấp bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ Hà Văn Tam.

Thiện Thành
.
.