Kỷ niệm 57 năm Chiến thắng Đồng Lộc (24/7/1968 - 24/7/2025):
Kết nối truyền thống - đương đại ở Ngã ba Đồng Lộc
Thứ Tư, 23/07/2025, 12:22
Từ trước đến nay, nhắc đến các khu di tích lịch sử, nhiều người thường nghĩ đến đây là nơi lưu giữ ký ức quá khứ, thường chỉ dành cho các cựu chiến binh. Tuy nhiên, đến với Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) hôm nay, ai cũng phải ngỡ ngàng vì sự đổi thay kỳ diệu đến từ việc nhanh chóng bắt nhịp và ứng dụng vào thực tiễn trong kỷ nguyên số.
Lần thứ 2 trở lại khu di tích lịch sử đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc sau gần 10 năm, cựu chiến binh Trần Ngọc Hòa (65 tuổi), trú tại phường Hoàn Kiếm, TP Hà Nội không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay cả về khung cảnh khang trang lẫn sự chuyên nghiệp trong tiếp đón, hướng dẫn của đội ngũ nhân viên, hướng dẫn viên tại khu di tích.
Ông Hòa kể, mới hôm nào, trong chuyến hành hương về nguồn, khi đến với di tích Ngã ba Đồng Lộc, bản thân ông cùng đoàn tham quan thực sự không có nhiều nhiều ấn tượng về di tích - nơi được biết đến nhiều qua sách vở, truyền thông khi thực tế là một vùng đất khô cằn, nắng gió với những cụm di tích đã cũ, một số hạng mục từ lâu không được đầu tư, tôn tạo. Cùng với đó là lối mòn trong đón tiếp, hướng dẫn tham quan khiến du khách thập phương nhàm chán.
Hướng dẫn du khách quét mã QR để trải nghiệm tham quan di tích bằng công nghệ số.
Nhưng, đó là chuyện của nhiều năm trước, đến khu di tích Ngã ba Đồng Lộc hôm nay, bản thân cựu binh Trần Ngọc Hòa cũng như hàng vạn du khách khác đã thực sự bị níu chân bởi sự đổi thay đến ngỡ ngàng. Lọt thỏm giữa lòng chảo xanh trù phú là những công trình, kiến trúc hiện đại - truyền thống đan xen, tất cả được chăm chút, tô điểm hết sức tỉ mẩn, toát lên sự trang nghiêm nhưng cũng rất gần gũi đời thường.
Đến với Ngã ba Đồng Lộc hôm nay, du khách thập phương có thể lựa chọn hình thức tham quan truyền thống, vừa di chuyển bằng hệ thống xe điện, vừa nghe hướng dẫn viên giới thiệu trực tiếp; hoặc chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, thông qua các mã QR tại các cụm di tích và nút bấm hệ thống trình chiếu thông tin tại nhà truyền thống, tất cả thông tin về khu di tích sẽ được truyền tải đầy đủ dành cho những ai muốn trải nghiệm, tìm hiểu.
Chia sẻ về việc “làm mới” quần thể khu di tích này, anh Đặng Quốc Vũ, Giám đốc Ban quản lý khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc cho biết, ngay sau khi nhận nhiệm vụ mới tại đây từ đầu năm 2024, là một người trẻ từng làm công tác tại Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn, anh đã trăn trở rất nhiều trước việc làm thế nào để thay đổi được khu di tích theo hướng hiện đại, tân tiến nhưng vẫn bảo tồn nguyên trạng và phát huy giá trị lâu dài của di tích, để thu hút khách tham quan đủ mọi lứa tuổi là việc không hề dễ dàng. Nhưng, với quyết tâm của mình, bản thân anh Vũ cùng với anh chị em trong Ban quản lý đã làm một cuộc cách mạng để làm mới địa chỉ đỏ này bằng cách vừa tôn tạo, phục dựng lại các hạng mục di tích trong quần thể, vừa số hóa di tích khi nỗ lực xây dựng hệ thống thiết bị chuyển đổi số tại không gian nhà truyền thống, xây dựng hệ thống check in mới mẻ, đem đến sự tiện ích, văn minh cho du khách.
Các điểm check in mang lại trải nghiệm hào hứng cho du khách.
Để làm được điều đó, Ban quản lý khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đã kêu gọi từ nhiều nguồn xã hội hóa để xây dựng, tu bổ, tôn tạo các cụm di tích gắn với truyền thống như khu mộ 10 nữ anh hùng liệt sĩ, cụm tượng đài 10 cô gái, tháp chuông, hố bom, tượng đài chiến thắng... Bên cạnh đó, xác định việc số hóa di tích, ứng dụng công nghệ để quảng bá là bước tiến mới của công tác bảo tồn và phát huy giá trị của khu di tích là yếu tố tiên quyết, là hồn cốt để níu chân du khách thập phương nên trong công cuộc chuyển đổi số, với quyết tâm và sự táo bạo của những người trẻ làm công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành đơn vị dẫn đầu, tiên phong trong số hóa di tích.
Viết tiếp câu chuyện hòa bình
Từ đầu năm 2023, thực hiện công cuộc chuyển đổi số để phục vụ tốt nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách, Ban quản lý khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đã lắp hệ thống thiết bị chuyển đổi số tại nhà truyền thống. Điểm nhấn là lập trình giới thiệu về Ngã ba Đồng Lộc, tiểu sử, cuộc đời của 10 liệt nữ thanh niên xung phong và lập trình tham quan Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc từ mã QR qua công nghệ VR360 chỉ với một nút bấm, được kết nối qua màn hình cảm ứng.
Tại mỗi cụm di tích hiện nay cũng đã xây dựng, lắp đặt các bảng gắn mã QR thông tin khu di tích, thông qua đó đã xây dựng hệ thống không gian thực tế ảo, hệ thống infographic, video clip song ngữ Việt - Anh và xây dựng các điểm check in trong khuôn viên khu di tích; nâng cấp hệ thống sa bàn điện tử, phòng chiếu phim tư liệu... Đặc biệt, trong những năm gần đây, khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đã xây dựng và vận hành hiệu quả các trang Facebook, TikTok, YouTube kết hợp với tổ chức các trạm cảm xúc để du khách lưu lại những cảm xúc, cảm nhận của mình. Chính những thay đổi này đã tăng sự trải nghiệm cho du khách khi đến với Ngã ba Đồng Lộc, góp phần đưa khu di tích này đến gần hơn với mọi tầng lớp nhân dân, du khách.
Thế hệ trẻ hào hứng trước những đổi thay tích cực ở địa chỉ đỏ Ngã ba Đồng Lộc.
Với mục tiêu xây dựng khu di tích Ngã ba Đồng Lộc không chỉ làm điểm dâng hương, tri ân mà còn là điểm đến tham quan, giáo dục truyền thống, nghiên cứu lịch sử cho thế hệ trẻ và nhân dân cả nước, trong thời gian vừa qua tại đây đã và đang được đầu tư xứng tầm khi các hạng mục di tích được đầu tư, tôn tạo theo hướng hiện đại, kỳ vĩ nhưng vẫn giữ lại được những nét đặc trưng truyền thống nhất. Thực tế cho thấy, sự kết hợp giữa công nghệ và lịch sử đang tạo ra những trải nghiệm xúc động, chân thực khi tiếp cận, tham quan tại khu di tích Ngã ba Đồng Lộc. Không gian tưởng niệm được đánh thức bằng âm thanh và hình ảnh, kết hợp trực quan sinh động đang kỷ vật, hiện vật chiến tranh và những công trình di tích đã mở ra một chiều sâu mới trong cách tiếp cận lịch sử dân tộc.
Nét hiện đại, trẻ trung được các bạn trẻ yêu thích và tìm về địa chỉ đỏ này ngày một nhiều hơn là việc bài trí, xây dựng các điểm check in và các trạm cảm xúc mới lạ, độc đáo. Cũng bởi vậy, không chỉ các ngày lễ, tết mà trong những ngày bình thường, du khách muôn phương đã tìm về với Ngã ba Đồng Lộc ngày một nhiều hơn, có những ngày cao điểm cuối tuần lên đến cả nghìn lượt người. Điều đáng mừng, tại khu di tích này ngày càng thu hút giới trẻ trong nước và du khách nước ngoài đến tham quan, check in, tri ân lịch sử.
Trạm cảm xúc lưu lại những cảm nhận của du khách ở Ngã ba Đồng Lộc.
Chị Nguyễn Ny Hương, Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh cho biết thêm, thực hiện lời căn dặn của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn trong chuyến về thăm Đồng Lộc năm 1969, rằng: “Sau chiến tranh phải làm cho Đồng Lộc xanh tươi”, đến nay Đảng bộ và nhân dân cùng tuổi trẻ Hà Tĩnh đã hiện thực hóa lời căn dặn ấy bằng việc đưa Đồng Lộc trở thành một khu di tích xanh ngút ngàn màu xanh của huyền thoại. Ngã ba Đồng Lộc hôm nay không chỉ là biểu tượng của một giai đoạn lịch sử bi tráng mà còn là minh chứng sống động cho khát vọng hòa bình, tinh thần đoàn kết và sự trường tồn của dân tộc Việt Nam. Từ trong chiến tranh ác liệt, ngã ba huyết mạch - tọa độ chết ngày nào đã trở thành nơi gặp gỡ giữa quá khứ và hiện tại, trở thành một địa chỉ đỏ lưu giữ và giáo dục truyền thống cách mạng.
Đến với Đồng Lộc trong những ngày tháng 7 lịch sử để cảm nhận lịch sử không chỉ dừng lại ở những chứng tích chiến tranh, mà lịch sử của mảnh đất này còn được viết tiếp bằng niềm tin và ý chí đổi mới, bằng những câu chuyện hòa bình được viết nên trên sự thật của quá khứ. Chính sự bắt nhịp được với công cuộc chuyển đổi số là cả một nỗ lực của những người giữ hồn thiêng ở Ngã ba Đồng Lộc nhằm phát huy giá trị, ý nghĩa của di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt trên hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại này.
Từ tháng 4 đến tháng 10/1968, giặc Mỹ đã đánh vào Ngã ba Đồng Lộc 1.863 lần, ném gần 50.000 quả bom các loại. Bình quân mỗi tháng chúng đánh 28 ngày, ngày đánh nhiều nhất 103 lần bay với trên 800 quả bom. Tại chiến trường Đồng Lộc, các lực lượng của ta đã bắn rơi 14 máy bay Mỹ, phá 1.780 quả bom. Trong suốt 300 ngày đêm khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh, hơn 16.000 người thuộc các lực lượng đã đối mặt, bám trụ chiến đấu kiên cường để nối mạch, thông đường với tiền tuyến.
Tượng đài chiến thắng và Tháp chuông - biểu tượng của sự kết nối truyền thống - hiện đại ở Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc.
16h ngày 24/7/1968, trong lúc 10 cô gái thuộc Tiểu đội thanh niên xung phong 4 đang làm nhiệm vụ san lấp hố bom, sửa chữa đường cách Ngã ba Đồng Lộc vào phía Nam khoảng hơn 300m thì bất ngờ bị một tốp máy bay phản lực của đế quốc Mỹ dội bom trúng đội hình khiến cả 10 cô gái trẻ hy sinh. Để khắc sâu sự hy sinh anh hùng đó, ngày 7/6/1972, Quốc hội và Chính phủ đã truy tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động” cho 10 liệt sĩ thanh niên xung phong hy sinh tại chiến trường Ngã ba Đồng Lộc.