Khách từ “Mỹ” qua
1. Sau Tết Mậu Thân, địch phản kích quyết liệt chiến trường Đông và Tây Bắc Sài Gòn. Nhiều nơi, lực lượng du kích cũng không thể bám trụ tại địa phương mình. Để bảo toàn lực lượng và đánh lạc hướng theo dõi của địch, cấp trên có lệnh “Tất cả các đơn vị hoạt động bí mật có liên quan tới Sài Gòn, cần nhanh chóng rời khỏi địa bàn bám trụ. Sớm ổn định căn cứ mới và chắp mối liên lạc ngay với các lưới nội thành”.
Chấp hành lệnh trên, căn cứ bám trụ của đơn vị chúng tôi tại mật khu Bời Lời (xã Đôn Thuận - Trảng Bàng - Tây Ninh) thuộc miền Đông Nam bộ (trọng điểm hủy diệt của địch) quyết định chuyển về miền Tây Nam bộ thuộc xã An Phước – Châu Thành – Bến Tre.
Thời điểm đó, địch tập trung bảo vệ Sài Gòn và chiến trường miền Trung nên chiến trường đồng bằng Tây Nam bộ dễ thở hơn. Cuối năm 1969, chỉ sau 3 tuần hành quân vượt Đồng Tháp Mười, vượt sông Cửu Long, đơn vị đã đảm bảo quân số an toàn về địa bàn mới và được sự giúp đỡ của địa phương chỉ sau 2 tháng (cuối tháng 2 năm 1970) chúng tôi đã xây dựng xong 2 căn cứ bám trụ tại ấp I và II xã An Phước và 2 căn cứ dự bị tại xã Quới Sơn (bên kia tỉnh lộ 17 về phía Đông Bắc) và xã Phước Thạnh (bên kia sông Ba Lai, địa bàn giáp ranh thị xã Kiến Hòa).
Căn cứ bám trụ thế là tạm ổn. Gọi là “có bát ăn, bát để”. Cái khó nhãn tiền, ấy là việc chắp nối liên lạc với các cơ sở nội thành. Chỉ có phương án duy nhất là qua mạng lưới giao thông viên. Địa bàn cũ đã quá thông luồng bén giọt. Ngược, xuôi cũng chỉ bám Quốc lộ 22 từ An Tịnh - Tổng Bàng về Sài Gòn chỉ 2 tiếng đồng hồ là tới nơi. Nếu xảy ra sự cố trên Quốc lộ 22, có thể lách qua Củ Chi, qua cửa ngõ Trung Hòa là về tới Sài Gòn. Chiều ngược lại, từ Sài Gòn trở về, chỉ cần về tới cửa ngõ là đã có tổ trinh sát ra đón.
Vậy mà bây giờ, địa bàn mới xa hơn, mỗi con đường độc đạo là Quốc lộ 4, con đường huyết mạch đi miền Tây, xe cộ nườm nượp, tắc đường như cơm bữa. Ấy là chưa kể cái nạn xe cộ nối đuôi nhau xếp hàng qua phà Rạch Miễu - cái bến phà rộng nhất cả nước từ Mỹ Tho qua Bến Tre. Nhanh thì một tiếng. Chậm thì vài giờ mới qua nổi. Cỡ năm, sáu giờ chiều còn giậm chân ở bến Mỹ Tho thì coi như kết thúc nửa chừng chuyến liên lạc. Bởi có qua được đất Bến Tre, đáp xe lam về tới cửa ngõ địa bàn thì trời đã tối, tìm đâu ra nơi tá túc. Nếu ở lại trên đất Mỹ Tho thì cũng chung số phận. Ấy là chưa kể chuyện không may xảy ra, trúng ngày giặc càn vào địa bàn An Phước, giao thông viên có về sớm cũng không tiếp cận được cửa ngõ.
Nan giải là vậy, nên yêu cầu bức thiết của đơn vị là phải xây dựng bằng được một số cơ sở bí mật tại cửa ngõ vào căn cứ An Phước và một cơ sở bí mật, hình thức là trạm trung chuyển tại thành phố Mỹ Tho mà cơ sở ấy phải có mối thân tình với người ở Châu Thành Bến Tre để hợp thức hóa việc qua lại trong mọi tình huống.
2. Trưa mùng Một tết năm đó, trinh sát Hai Hiệp sang hầm làm việc của tôi thông báo – “chú Bảy (Cụm trưởng Lê Văn Vĩnh - Bảy Vĩnh) kêu “…” anh sang hầm chú Bảy tiếp “khách từ Mỹ qua” - “Cha… khách từ Mỹ qua à!” – Tôi thốt lên và thắng bộ chỉnh tề, thầm nghĩ, trong mấy anh em quê miền Bắc, Cụm trưởng có phần ưu ái với tôi vì có thâm niên chiến trường lâu nhất, lại là người Cục II cử vào, nên ngoài công tác chuyên môn riêng, ông giao thêm nhiệm vụ theo dõi, tập hợp tình hình giới ký giả về văn nghệ sĩ của chế độ Sài Gòn; tạo điều kiện tiếp xúc với những người bên kia chiến tuyến (kể cả sĩ quan, binh lính) của chế độ Sài Gòn có dịp họ về thăm quê, góp phần làm công tác địch vận, cảm hóa để có thể xây dựng họ thành cơ sở bí mật phục vụ công tác nghiệp vụ; phối hợp với Cụm phó Năm Tuyến (người phụ trách bộ phận căn cứ) trong quan hệ tiếp xúc với địa phương, góp phần làm công tác dân vận; nhiệm vụ kép cuối cùng là khi có ý kiến chỉ đạo của Cụm trưởng có thể tiếp xúc một số cán bộ hoạt động bí mật ở Thành về. Cuộc gặp “khách ở Mỹ qua” có lẽ nằm trong cái “xép” này.
Khi còn cách hai bờ mương dừa, quan sát trên cái bàn tre trong lán của Cụm trưởng, tôi thấy cả chủ lẫn khách có tới 4 người. Một khách nam chừng ngoài 50 tuổi, vận bộ comple sẫm màu và 2 cô gái xấp xỉ nhau, chừng mười bảy, mười tám tuổi vận áo tân thời màu thiên thanh. Tôi vừa bước chân vào lán, Cụm trưởng như reo lên:
- A…Ba Dương (tên thường gọi của tôi ở chiến trường) tới rồi! – ông chỉ tay sang vị khách giới thiệu – Đây là Thầy Tám cùng 2 cô con gái từ bên Mỹ qua ăn tết với đơn vị. Nghe tôi nói ở ta có một số anh em từ miền Bắc vô, thầy muốn được tiếp xúc, nên tôi kêu đồng chí đại diện cho anh em qua tiếp chuyện Thầy.
Tôi cúi đầu chào và bắt tay khách. Ông nở nụ cười hồn hậu, xởi lởi:
- Chào cậu ba! Chào Nhà báo… Rất hân hạnh cho cha con tui. Xin mạn phép được đính chính lời anh Bảy… Cha con tui từ Mỹ Tho qua chớ không phải bên Hoa Kỳ đâu nghen! Thói quen ở xứ nầy khiến người nơi khác tới đều ngỡ ngàng. Như cha con tui nè, chắc cậu Ba sẽ ngộ là từ Hoa Kỳ sang phải hôn! Tỷ như người Bến Tre sang bên tui, lại biểu “Chị Hai ơi! Chị Hai nè, ngày mốt tui qua Mỹ đó, cần mua chi cứ viết ra giấy tui mua giùm”. Tiếng cười rộ lên khiến căn lán thêm ấm cúng.
Cụm trưởng Bảy Vĩnh gọi với sang lán bên:
- Hiệp ơi! Bay đưa hai em qua bên lán hội trường để tụi nó biết không khí tết trong vùng giải phóng nghen.
Hai cô bé đi rồi, Cụm trưởng day về phía tôi, hạ thấp giọng:
- Thuở học trò ông Tám đã từng học cùng với Trần Văn Hương (nhân vật sau này đã từng leo lên tới chức Thủ tướng, rồi Phó tổng thống “Việt Nam cộng hòa”). Hết phổ thông, mỗi người đi một ngả. Trần Văn Hương theo đường chính trị, ông Tám theo ngành sư phạm, nghỉ làm thầy mấy năm nay. Thầy là người rất có cảm tình với Cách mạng, với xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, nhưng lại hiểu về miền Bắc không bao nhiêu…
Tôi ngước nhìn Cụm trưởng, khẽ gật đầu tỏ ý hiểu ý ông. Nhấp ngụm nước, ngước nhìn vị khách, tôi vào đề luôn:
- Kính thưa thầy Tám! Rất cám ơn Thầy, nhân ngày Tết cổ truyền của dân tộc, thầy đã quá bộ tới thăm đơn vị cũng đồng nghĩa thầy tới một đơn vị Cách mạng. Là một người con của miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa vinh dự được chi viện cho chiến trường miền Nam chống Mỹ xâm lược, may mắn được thay mặt anh em miền Bắc công tác tại đơn vị tiếp kiến thầy, cám ơn thầy nhiều lắm. Tôi được lãnh đạo đơn vị giao trách nhiệm theo dõi hoạt động lĩnh vực báo chí và đài phát thanh của chế độ Sài Gòn, nhận thấy họ ngụy biện, tuyên truyền xuyên tạc, vu khống mặt trận Giải phóng và miền Bắc hết sức trắng trợn; họ bưng bít chiến thắng của ta trên khắp các chiến trường. Tỷ như Mỹ, năm 1954 hất cẳng Pháp, từ Tây bán cầu đưa binh hùng tướng mạnh vượt hàng vạn cây số sang xâm lược miền Nam thì họ gọi là đồng minh của họ.
Còn miền Bắc, thực hiện chủ trương của Đảng với hai nhiệm vụ chiến lược: Thắt lưng buộc bụng để xây dựng miền Bắc XHCN, chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, đồng thời huy động sức người sức của chi viện cho chiến trường để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thì họ cho là miền Bắc xâm lược. Với thủ đoạn tuyên truyền hết sức thô bỉ rằng – “vì tham vọng xâm lược miền Nam mà những người Cộng sản để cho dân miền Bắc cơ cực lầm than, thanh thiếu niên không được cắp sách tới trường vì bị bắt vào lính” – thật nực cười. Thưa thầy Tám, ngay từ khi nước nhà giành được độc lập (2/9/1945), cụ Hồ đã kêu gọi toàn dân chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm.
Vì đề cao lĩnh vực giáo dục mà bộ đội ta hiện nay hầu hết phổ cập cấp II, số đông có trình độ cấp III, tức là qua Tú tài và hàng vạn sinh viên các trường đại học đã tạm xếp bút nghiên lên đường tòng quân đánh giặc. Với nhân dân miền Bắc, còn nhiều khó khăn là sự thật, nhưng đi tới miền quê nào cũng hừng hực khí thế bằng các khẩu hiệu rợp trời: “Tất cả vì đồng bào miền Nam ruột thịt”; “Thóc không thiếu một cân – quân không thiếu một người – Tất cả vì giải phóng miền Nam, vì chiến thắng giặc Mỹ xâm lược”…
Khách nhìn tôi như thôi miên. Ông giơ bàn tay trái lên khỏi mặt bàn, đỡ lời tôi giọng đầy xúc động:
- Cám… Cám ơn anh Bảy! Cám ơn cậu Ba! Thiệt may mắn cho chuyến đi này của tui. Thiệt không ngờ cậu lại am tường chế độ ông Thiệu - Kỳ như vậy. Tui mạn phép thay mặt đồng bào yêu nước miền Nam cám ơn nhân dân miền Bắc.
3. Chiều hôm ấy, chia tay khách xong, Cụm trưởng trịnh trọng pha bình trà mới, kéo tôi ngồi xuống bàn trút bầu tâm sự:
- Ông già cư ngụ tại thành phố Mỹ Tho. Đã nhận làm cơ sở bí mật của ta. Đây sẽ là “hộp thư sống” để anh chị em giao thông từ Sài Gòn về gặp sự cố sẽ tá túc ở đây. Thầy Tám có ý gửi gắm hai con nhỏ vừa rồi. Ý định của tôi sẽ sử dụng đứa lớn (Tám Thảo – Hàng Thu Thảo) huấn luyện thành giao thông viên đường dài, tuyến Mỹ Tho – Sài Gòn. Đứa nhỏ là Mười Thủy (Hàng Thu Thủy) bố trí tuyến đường ngắn từ Mỹ Tho về cửa ngõ An Phước.
Là người gắn bó lâu năm ở đơn vị, tôi rất tự hào được làm việc dưới trướng một vị chỉ huy đầy kinh nghiệm trong “nghề” hoạt động bí mật. Bởi thế, sau 6 năm đơn vị bám trụ ở chiến trường đồng bằng sông nước đầy khó khăn mà không một chuyến liên lạc nào giữa căn cứ với các cơ sở bí mật nội thành bị gián đoạn, một yếu tố quan trọng để Cụm trở thành đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang, góp công vào chiến thắng huy hoàng của toàn dân tộc.