Khí cười, người khóc

Thứ Năm, 07/09/2023, 08:11

“Bóng cười” từ lâu đã trở thành chủ đề bàn tán râm ran trong giới trẻ, nhiều người nghĩ đó là thú vui tức thời, đê mê, sảng khoái một chút trong những cuộc vui cần phải có. Vì thế, “bóng cười” được sử dụng công khai tại các tụ điểm vui chơi, thậm chí tràn lan trên quán cà phê vỉa hè, ngoài đường phố. Việc lạm dụng “bóng cười” đã gây ra nhiều tác hại cho xã hội, để lại những hệ lụy khôn lường…

Mối nguy hại từ “bóng cười”

Trong khi ở nhiều nước châu Âu, “bóng cười”, còn gọi là fankyball được xếp vào loại hàng cấm, thì ở Việt Nam và một số nước châu Á, “bóng cười” đang trở thành một món đồ chơi được nhiều bạn trẻ tò mò và tìm kiếm sử dụng. Nếu như cách đây vài năm, bóng cười chỉ được bán trong những quán bar, thì hiện tại bóng cười gần như được bày bán công khai ở những quán cà phê công cộng, trên những trang mạng xã hội với giá chỉ vài chục đến vài trăm ngàn đồng cho một quả bóng.

h4.png -0
Công an TP Hồ Chí Minh kiểm tra quán bar trên địa bàn quận 1 phát hiện nhiều người sử dụng “bóng cười”.

Trong vai người cần mua “bóng cười” để dùng, chúng tôi được chủ trang web bán hàng có tên Kendy Hùng giới thiệu về mặt hàng này. Đầu tiên, Hùng hỏi chúng tôi đã dùng loại bóng này chưa? Nếu dùng rồi thì anh ta không cần giới thiệu nữa, còn chưa dùng thì nên dành ít phút để nghe qua “công hiệu” của sản phẩm. Tất nhiên là chúng tôi chưa dùng. Hùng bật cười, nói theo cách rất chuyên nghiệp: “Bóng cười” được các bạn trẻ sử dụng nhiều và cũng được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Có người hiểu đây là một chất gây ghiện, có người hiểu đây là một món đồ chơi. Thế nhưng, để hiểu một cách chính xác và khoa học nhất thì bóng cười chính là những quả bóng có chứa chất khí không màu. Chất khí này có thể kích thích tinh thần con người trở nên sảng khoái cũng như gây cười. Chỉ với bằng các thao tác đơn giản, hút- hít- thở thì người dùng sẽ cảm nhận được cảm giác này, tinh thần sẽ đê mê hơn, đồng thời cũng hưng phấn hơn…”, Hùng quảng cáo và khẳng định.

Trên trang web của Kendy Hùng cũng ghi rõ nội dung quảng cáo “bóng cười”: “Phát triển cùng với shisha, bóng cười hiện đang là một cơn sốt tại Việt Nam với các cơ sở trải rộng từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hạ Long, Hải Phòng...

h2.png -0
Kho “khí cười” khổng lồ bị phát hiện bắt giữ.

Tại TP Hồ Chí Minh, “bóng cười” không còn là điều gì đó lạ lẫm với giới trẻ, trái lại, nó còn rất thịnh hành và trở thành mặt hàng không thể thiếu trong mỗi cuộc dạo chơi. Tại một quán cà phê trên khu phố đi bộ Bùi Viện (quận 1, TP Hồ Chí Minh) chúng tôi gặp một nhóm bạn trẻ đang “ngậm bóng” với tinh thần vô cùng phấn khích. Họ còn rất trẻ, trong độ tuổi 17 -18 tuổi, chủ yếu là học sinh và sinh viên, cũng có người làm lao động tự do. “Dùng cái này rẻ như một ly cà phê”, thanh niên tên Luân vừa nói vừa cười với chúng tôi.

Những lời quảng cáo bán hàng của Kendy Hùng hay lời trần tình cho thú chơi nguy hiểm của nhóm bạn Luân chỉ là lý lẽ của người trong cuộc. Thực tế, “bóng cười” chưa bao giờ là trò giải trí tao nhã và lành mạnh. Có nhiều người đã phải nhập viện điều trị thần kinh hoặc những ca cấp cứu do ngộ độc “khí cười”. Vào cuối tháng 7, Bệnh viện Quân y 7A (TP Hồ Chí Minh) đã tiếp nhận và điều trị cho nữ bệnh nhân 26 tuổi (ngụ TP Hồ Chí Minh) có dấu hiệu ngộ độc sau khi sử dụng 6 - 7 quả bóng cười chứa khí N2O liên tục trong 2 ngày. Theo người nhà bệnh nhân, sau khi hít “bóng cười”, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện cảm giác kim châm, đi lại khó khăn, các biểu hiện tăng dần kèm theo rối loạn chức năng cơ vòng.

h5.jpg -0
Hít “bóng cười” trở thành thú chơi công khai trên đường phố.

Các biểu hiện này tăng dần nhưng bệnh nhân không đi khám mà tự mua thuốc uống. Sau 15 ngày, khi bệnh tiến triển nặng hơn bệnh nhân mới đến Bệnh viện Quân y 7A để khám. Qua khai thác tiền sử, bệnh nhân này cho biết, suốt 5 năm qua, cô thường xuyên sử dụng “bóng cười”, cứ một tuần dùng 2 - 3 lần, mỗi lần sử dụng 5 - 7 quả. Là người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, Bác sĩ CKII Kiều Mạnh Hà, Chủ nhiệm khoa Thần Kinh, Bệnh viện Quân y 7A cho biết, việc bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu ngộ độc “khí cười” nhưng lại không đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám mà tự ý mua thuốc điều trị ở nhà sẽ làm tăng các triệu chứng, tổn thương nặng khi nhập viện, để lại hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe về lâu dài. Bệnh nhân này đã tổn thương tủy cổ đoạn dài từ C1 đến C6, liệt không đi lại được.

h1.png -0
Bác sĩ Kiều Mạnh Hà đang thăm khám cho bệnh nhân bị ngộ độc “khí cười”.

Bác sĩ Hà lưu ý, khí N2O không tan trong máu, lượng oxy thấp, có quả bóng không có oxy nên khi sử dụng sẽ làm thiếu oxy lên não. Ban đầu có thể phấn khích, sau đó sẽ rơi vào hôn mê nếu người dùng có tiền sử các bệnh tim mạch, hen suyễn, dễ kích ứng thần kinh. Nhiều người không hiểu rõ cơ chế gây tác hại của bóng cười nên vô tư sử dụng để giải trí là điều rất nguy hiểm.

Bác sĩ Ngô Minh Quân, Khoa ngoại thần kinh bệnh viện nhân dân Gia Định, TP Hồ Chí Minh phân tích: “Dinitơ monoxit là một hợp chất hóa học có công thức N2O, ở nhiệt độ phòng chất này tồn tại ở dạng khí không màu, có mùi vị hơi ngọt và có tác dụng ức chế thần kinh. Người hít khí này cảm thấy thoải mái, thư giãn và cười khúc khích, đây cũng chính là lý do mà nó còn có tên là "khí gây cười''. Hít "bóng cười" tức là những quả bóng được bơm đầy khí N2O. Tuy nhiên hầu hết những người dùng đều không rõ về độc tính và khả năng gây tổn thương thần kinh của loại khí này.

Bắt giữ hàng tấn khí cười

Mới đây, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường – Công an TP Hồ Chí Minh phát hiện xe container bồn chở khoảng 21 tấn khí N2O (khí cười) lưu thông qua địa bàn TP Hồ Chí Minh đưa về tập kết tại kho hàng ở TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương do Cao Đức Dũng đứng ra thuê. Đồng thời, đối tượng Dũng cũng thuê người sang chiết “khí cười” từ bồn container qua các bình nhỏ để đưa đi tiêu thụ. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 1.202 bình chứa đầy “khí cười”, gồm: 920 bình lớn loại 67kg và 282 bình nhỏ loại 12,7kg, cùng nhiều máy móc, thiết bị, dụng cụ phục vụ việc sang chiết “khí cười”.

Khí cười, người khóc -0
Những xe tải chứa “khí cười” này nếu không bị phát hiện ngăn chặn sẽ được tuồn vào các quán bar và khu phố đêm.

Bên trong kho, đối tượng Dũng có che chắn, làm vách ngăn "ngụy trang" cẩn thận số bình “khí cười” và máy móc phương tiện sang chiết “khí cười” tồn chứa tại đây. Nếu không phát hiện ngăn chặn kịp thời, thì số “khí cười” khổng lồ này sẽ được đưa đi tiêu thụ tại các quán bar, khu phố đêm... dưới hình thức bóng cười, dẫn đến nguy cơ gây ngộ độc và ảnh hưởng sức khỏe của người sử dụng.

Ngoài việc quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn hành vi sản xuất, kinh doanh khí cười không đúng quy định, Công an TP Hồ Chí Minh còn thường xuyên kiểm tra lập hồ sơ, xử lý quán bar vi phạm trong kinh doanh. Đáng chú ý, Công an Quận 1 kiểm tra quán bar OSLO trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (phường Nguyễn Thái Bình) phát hiện nhân viên quán đang cầm nhiều quả “bóng cười” được bơm đầy khí chuẩn bị phục vụ cho khách, dưới sàn nhà có tới hàng chục vỏ “bóng cười” đã qua sử dụng. Bên trong kho chứa hàng của cơ sở này, tổ công tác phát hiện 5 bình khí cười (N2O). Làm việc với công an, quản lý quán bar thừa nhận, số bình khí N2O được mua về để bơm vào bóng, bán cho khách với giá gần 300.000 đồng/bóng.

Hiện nay, khí N2O không nằm trong mục các chất ma túy nên người sử dụng bóng cười sẽ không bị coi là vi phạm pháp luật vì không nằm trong danh mục cấm. Tuy nhiên, vì khí N2O bị hạn chế sản xuất kinh doanh và chỉ được dùng trong các lĩnh vực công nghiệp và y tế nên nếu kinh doanh, sản xuất khí N2O không đúng quy định này sẽ bị coi là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo báo cáo của một số địa phương, thời gian gần đây, tình trạng mua bán, sử dụng "bóng cười" có chứa khí Nitơ Oxit (N2O) tại các quán bar, vũ trường, quán karaoke, khu vui chơi giải trí… diễn biến phức tạp, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng đồng thời gây ra những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội. Bộ Y tế cho biết, việc lạm dụng, sử dụng không đúng mục đích khí N2O trong vui chơi, giải trí (sử dụng bóng cười) khi hít vào cơ thể con người có khả năng tác động, kích thích mạnh lên một số điểm của hệ thần kinh, tạo ra cảm giác lâng lâng và gây cười sảng khoái.

Việc lạm dụng thường xuyên N2O có thể gây ra các rối loạn như: Cảm giác châm chích ở đầu các chi và đi lại loạng choạng, gây ra rối loạn khí sắc, rối loạn trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng đến tim mạch, hạ huyết áp, thiếu máu lên não. Sử dụng bóng cười chứa khí N2O đặc biệt nguy hiểm khi dùng chung với một số ma tuý khác làm mất kiểm soát năng lực hành vi, gây mất an ninh trật tự và nguy hiểm cho xã hội.

Để đảm bảo sức khỏe, đảm bảo an ninh, an toàn cho xã hội, ngày 24/8, Bộ Y tế đã gửi thông báo đề nghị các địa phương giám sát, quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, sử dụng N2O đúng theo quy định của pháp luật; Xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, sử dụng sai mục đích đối với khí N2O. Tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông đến người dân, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên về tác hại và hậu quả của việc lạm dụng sử dụng, sử dụng sai mục đích khí N2O.

Ngọc Hoa
.
.