Khi quà thượng lưu bị làm giả

Thứ Tư, 27/12/2023, 20:33

Chỉ còn ít ngày nữa là năm 2023 khép lại, không khí tết đang len lỏi khắp nơi, quà tặng dịp Tết đua nhau tràn vào thị trường. Đặc biệt, mặt hàng quà cho giới nhà giàu như nhân sâm, yến, rượu... được chú ý săn lùng. Lợi dụng điều này, một số kẻ đã dùng nhiều mánh khóe, chiêu trò để làm giả, làm nhái các loại quà thượng lưu như sâm Ngọc Linh, sâm Hàn Quốc...

“Mặc áo” cho sâm Ngọc Linh

Sâm Ngọc Linh được xem như “quốc bảo” của Việt Nam. Giá sâm Ngọc Linh chính gốc loại 1 lên đến hơn 300 triệu đồng/kg. Trước sức hút mạnh mẽ từ báu vật này, không ít người có tiền khao khát muốn có được củ sâm để thể hiện đẳng cấp hoặc đơn giản là làm quà biếu tặng.

Khi quà thượng lưu bị làm giả -0
Lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ lô sâm Ngọc Linh giả tại Kon Tum.

Những ngày cuối tháng 12, tại thủ phủ sâm Ngọc Linh, môi giới đã tung tin vừa trúng cả rừng sâm Ngọc Linh ở huyện Tu Mơ Rông, sau đó rao bán khắp nơi với giá từ 3 đến 20 triệu đồng/kg. Nhiều người cả tin, ham rẻ đã rơi vào mánh lừa. Tại TP Hồ Chí Minh, nghe cô em họ nói có sâm Ngọc Linh rẻ, bà Lê Thị Minh Tâm (ngụ P. Phạm Ngũ Lão, Q.1) đã hối cô em đi mua cho mình 2 kg sâm, loại thượng hạng. Cô em họ tức tốc làm theo lời chị, tới một đầu mối bán sâm Ngọc Linh đặt hàng. Đầu mối này nói chỉ còn 2 túi khoảng 2,3 kg bán với giá 45 triệu đồng. Người này nói, nếu không mua ngay thì vài tiếng nữa sẽ có người ở Hà Nội bay vào lấy. Sợ mất hàng quý, em bà Tâm chốt đơn luôn.

Sâm Ngọc Linh sau đó được gửi xuống TP Hồ Chí Minh cho bà Tâm để mang đi biếu “người rất quan trọng”. Bà Tâm hí hửng và vui mừng vì vừa tặng thành công món quà vô cùng quý cho dịp Tết này. Tuy nhiên, chỉ vài hôm sau, bà nhận được tin nhắn của chủ nhân món quà cho biết, số sâm Ngọc Linh đó là củ tam thất. Bà Tâm bất ngờ, không thốt nên lời, bà nổi giận đùng đùng gọi ngay cho cô em truy vấn. Ngặt nỗi, người em cũng là nạn nhân, không thể biết được đó là sâm giả.

Cùng thời điểm này, tại TP Kon Tum, vợ chồng ông Lê Văn Mạnh cũng mua trúng lô sâm Ngọc Linh giả với giá 21 triệu đồng. Để tạo uy tín, trước khi đóng hộp mang ra Hà Nội biếu, ông Mạnh mang củ sâm đi chứng nhận tem kiểm định hàng thật thì ngã ngửa khi cho ra kết quả là củ tam thất. Ông Mạnh chạy tới người bán sâm hỏi cho ra nhẽ, người này cũng nói mình bị lừa lấy lô hàng nên giờ không thể trách nhau được. Không biết thực hư thế nào, những người dính bẫy lừa sâm Ngọc Linh chỉ biết ngậm đắng nuốt cay.

Đây là trò lừa đảo không mới, song nhiều người vẫn mắc mưu vì giá trị quý hiếm của sâm Ngọc Linh, loại cây dược liệu có công dụng bồi bổ sức khỏe, tăng cường sinh lực và trị bệnh chỉ có trên núi Ngọc Linh, vùng đất giáp ranh giữa tỉnh Kon Tum với tỉnh Quảng Nam.

Ông Lê Duy Minh, chuyên gia nghiên cứu nhân sâm (Viện Cây trồng miền Nam) nhận định, công nghệ làm giả từ củ tam thất sang sâm Ngọc Linh rất tinh vi. Họ xay củ sâm Ngọc Linh thật ra lấy nước ngâm với củ tam thất để chúng có mùi sâm. Tam thất ngâm sâm mang ra, hình dáng như thật, vị lại gần như thật nên những người không chuyên chẳng thể biết đâu là thật, đâu là giả. Theo ông Minh, rất có thể loại sâm Ngọc Linh “đại hạ giá” mà nhiều người đã mua tại Kon Tum thời gian qua là củ tam thất, mọc nhiều ở một số tỉnh miền núi phía Bắc. Cách nhận biết thông thường nhất là lõi củ tam thất khô có màu xanh. Tuy nhiên, họ bán sâm tươi nên càng khó phân biệt.

Khi quà thượng lưu bị làm giả -0
Một hội thảo trá hình để bán “sâm Hàn Quốc”.

Một sự kiện gây xôn xao giới thưởng thức sâm là vào tháng 8/2023, hơn 2 kg sâm Ngọc Linh đã “lọt” được vào hội chợ sâm Ngọc Linh lần thứ 5, tổ chức tại huyện Nam Trà My (Quảng Nam). Đây là lễ hội sâm và chỉ bán một loại sâm duy nhất là Ngọc Linh. Ngoài ra, không bán bất cứ loại nào khác. Số lượng sâm Ngọc Linh đưa vào hội chợ đã bị chuyên gia thẩm định nghi ngờ nên mang đi giám định và kết quả không phải sâm Ngọc Linh. Ngay cả hội chợ về sâm mà sâm giả còn trà trộn vào được đã phản ánh một sự thật chua chát: Tìm hàng thật khó như “mò kim đáy biển”.

Mới đây nhất, vào ngày 20/12, Cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum phối hợp với Công an TP Kon Tum bắt giữ 40 kg nghi là sâm Ngọc Linh giả tại bến xe Kon Tum. Qua kiểm tra, có 26 kg củ và 14 kg lá. Trong số hàng nói trên, đa số là củ điền trúc, tam thất, sâm Lai Châu được vận chuyển từ các tỉnh phía Bắc vào Kon Tum để tiêu thụ. Những loại này có giá trị kinh tế và chất lượng thấp hơn nhiều so với sâm Ngọc Linh.

Vì giá trị kinh tế cao, các đối tượng đã tuồn sâm Ngọc Linh giả vào Kon Tum, thủ phủ của loài sâm Ngọc Linh để đánh tráo. Tại đây, họ sẽ gắn mác "sâm Ngọc Linh" và rao bán tại các chợ, cửa hàng và trên mạng xã hội. Điều đáng nói, khi cơ quan mang sâm Ngọc Linh giả đi kiểm nghiệm đã phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật gấp nhiều lần cho phép.

Không phải ai cũng dễ dàng phát hiện ra đâu là sâm Ngọc Linh giả, đâu là sâm thật. Điều này phải là chuyên gia hoặc người trồng sâm lâu năm, có kinh nghiệm phân biệt các loại sâm. Theo ông Võ Trung Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum), thị trường sâm Ngọc Linh đang đối diện với không ít áp lực từ nạn sâm giả. Đặc biệt là tình trạng trà trộn các giống sâm ngoại lai từ nơi khác vào gắn mác thương hiệu sâm Ngọc Linh. Để phân biệt sâm Ngọc Linh, ông Mạnh cho biết loại sâm này có bề mặt vỏ xù xì, thô ráp do sinh trưởng trong điều kiện hoàn toàn tự nhiên, trong khi vỏ của các loại sâm khác có độ bóng mượt hơn, không có điểm thắt. Cấu tạo rễ của sâm Ngọc Linh là rễ chùm, phân bổ dọc theo thân, rễ chính và rễ phụ bám và phát triển từ các đốt. Trong khi các loại sâm khác có thân trơn và rất ít sợi rễ. Trọng lượng của sâm Ngọc Linh lớn nhất chỉ khoảng 300-500 gram, cầm chắc tay, nhìn củ bé nhưng trọng lượng nặng, trái ngược với các loại sâm khác cầm xốp tay, nhìn củ to nhưng trọng lượng nhẹ, có củ lên tới 3 kg. Ngoài ra, mùi vị sâm Ngọc Linh là đắng gắt, sau đó ngọt thanh và thơm, giòn, không có xơ, trong khi các loại khác khi thưởng thức sẽ có vị dai, đắng gắt và ngái, không thanh ngọt và ăn thấy rát cổ.

Ông Mạnh khuyên người dân có nhu cầu mua sâm Ngọc Linh chính hãng hãy tìm đến những nơi uy tín, có chứng nhận thương hiệu rõ ràng hoặc nhờ chuyên gia thẩm định trước khi quyết định mua mặt hàng đắt đỏ này.

“Vị đắng” sâm Hàn

Nếu sâm Ngọc Linh được xem là “quốc bảo” của Việt Nam thì sâm Hàn Quốc được ví như “thần dược” có tác dụng rất tốt cho sức khỏe, được cánh nhà giàu ưa thích và không tiếc tiền bỏ ra săn lùng, tìm kiếm. Ồ ạt mua sâm Hàn dưới nhiều dạng sâm tươi, rượu sâm, cao sâm..., có mấy ai biết được gốc tích, ngọn ngành của những sản phẩm sâm Hàn mà mình phải tiêu tốn tiền triệu để đổi quyền sở hữu.

Nếu tường tận sản phẩm sâm Hàn đang được bày bán tràng giang đại hải trên thị trường thì mới thấy được nhiều sự thật phũ phàng, từ đó người tiêu dùng sẽ biết cân nhắc, đắn đo trước khi quyết định mua sâm xứ Hàn về làm quà cho người thân hoặc tẩm bổ.

Đầu tháng 12/2023, bà Nguyễn Thị Lệ Thu (60 tuổi, ngụ Q. Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh tham gia một hội thảo về sâm Hàn Quốc. Tại đây, bà Thu được chuyên gia người Hàn Quốc trực tiếp nói về tác dụng của củ sâm xứ kim chi. Qua phiên dịch, bà Thu hoàn toàn tin tưởng về loại sâm này. Giờ nghỉ giải lao, mỗi người tham gia hội thảo đều được phái đoàn cho thưởng thức một ly nước sâm hảo hạng và được tặng một chai sâm nhỏ mang về nhà. Cuối buổi hội thảo, bà Thu được nhân viên chăm sóc khách hàng tiếp cận, rỉ tai nói nhỏ: “Đây là lần cuối cùng trong năm các chuyên gia sang Việt Nam, họ chỉ mang theo một ít sâm thôi, nên tranh thủ mua kẻo không có cơ hội. Sâm Hàn Quốc xách tay chính hiệu, đảm bảo ngoài thị trường không có bán”.

Khi quà thượng lưu bị làm giả -0
Hồng đẳng sâm được “hóa phép” thành sâm Hàn Quốc và củ tam thất được “mặc áo” thành sâm Ngọc Linh.

Bà Thu cũng đang đau đầu nghĩ đến món quà Tết này tặng gia đình thông gia, nay vớ được món quà phù hợp lại sang chảnh, chất lượng nên không suy nghĩ nhiều, bà rút hầu bao mua hộp sâm dạng nước có giá 3,5 triệu đồng/10 lọ. Mang quà về nhà, bà Thu cất kỹ trong tủ, chờ năm mới đi chúc Tết. Tuy nhiên, hộp sâm mới để một tuần trong tủ thì vón cục trắng dưới đáy lọ, phía trên có váng giống như mỡ lợn. Bà Thu lấy ra xem, cả 10 lọ đều nổi váng. Bà bóc một lọ xem thử, nước trắng trong lọ tràn ra, có mùi hắc và chua. Bà lặng lẽ đi bỏ, không dám nói cho người nhà biết. Bà Thu sau đó gọi điện cho cô gái đã tư vấn mình mua sâm tại hội thảo. Nhân viên này cũng thật thà khai, không biết đó là sâm gì, có phải từ Hàn Quốc hay không. Vì cô ấy cũng chỉ giới thiệu để hưởng hoa hồng thôi. Riêng chuyên gia đứng nói chuyện thì cô ta khẳng định là người Hàn Quốc chính hiệu.

Không chỉ bà Thu “mắc bẫy” sâm giả, mà nhiều người cùng cảnh ngộ nhưng chỉ biết kêu trời cho thấu. Trường hợp ông Lê Minh Tuấn (52 tuổi, ngụ Q.7, TP Hồ Chí Minh) được con gái tặng một hộp sâm Hàn Quốc dạng củ ngâm. Dạo này ông Tuấn thấy người hơi mệt, khó ngủ nên lấy sâm ra dùng cho khỏe. Ông ăn gần hết hộp vẫn không thấy khỏe hơn chút nào, người có dấu hiệu dị ứng, mẩn đỏ. Ông Tuấn hỏi con gái mua sâm ở đâu thì được trả lời mua tại cửa hàng trên đường Hải Thượng Lãn Ông (Q.5), thiên đường thuốc Đông y cùng các loại thực phẩm chức năng ở TP Hồ Chí Minh. Ông Tuấn mang củ sâm còn lại nhờ người bạn làm bác sĩ Đông y kiểm tra.

Bác sĩ khẳng định, đây là hồng đẳng sâm, có nhiều vào mùa mưa ở Tây Nguyên, được bán với giá 200-350 ngàn/kg sâm tươi. Người vùng cao thường mang sâm này ngâm mật ong để dùng trong mùa lạnh. Lúc này, ông Tuấn mới vỡ lẽ, ông bị dị ứng mật ong rất nặng nên khi uống sâm Hàn Quốc giả vào thì nổi mẩn đỏ khắp người. Con gái ông Tuấn được một phen giận run người, cô bỏ ra hơn 3 triệu đồng để mua cho cha hộp sâm Hàn Quốc “chính hiệu”. Vậy mà, chỉ có cái hộp là Hàn Quốc thôi, còn ruột là đồ nhái.

Ngọc Thiện
.
.