Khi thú cưng hóa... thú dữ!

Thứ Hai, 22/04/2024, 08:20

Rất nhiều sự việc đau lòng xảy ra khi chó nuôi làm thú cưng bỗng dưng hóa thú dữ tấn công người khác. Những quy định về việc nuôi thú cưng đã có, tuy nhiên việc người dân không tuân thủ cũng như chế tài xử phạt chưa mạnh tay đã khiến nhiều hệ lụy xảy ra.

Khi thú cưng hóa thú dữ

Thời gian gần đây, bệnh dại từ chó, mèo lây sang người gia tăng đột biến ở nhiều tỉnh, thành phố, số ca tử vong do bệnh dại cũng tăng cao. Trong số đó, nhiều nhất phải kể đến nguyên nhân do chó. Đặc biệt, các giống chó săn, bản tính hiếu chiến, biết tấn công kẻ thù, bảo vệ chủ nhân như chó Phú Quốc, becgie, pitbull, rottweiler, bulldog, ngao Tây Tạng... được nhiều gia đình nuôi đã tiềm ẩn những nguy cơ có hại, đặc biệt là việc chó tấn công người gây nên nhiều hệ lụy đáng tiếc.

Khi thú cưng hóa... thú dữ! -0
Bé A (5 tuổi, thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương vì bị chó cắn (Ảnh do Bệnh viện cung cấp).

Theo số liệu thống kê, cả nước hiện có hơn 4,9 triệu hộ nuôi chó, mèo, với tổng đàn là 7,6 triệu con. Phong trào nuôi chó, mèo đang phát triển mạnh, nhưng việc nuôi chó, mèo nếu không được quản lý sẽ dẫn đến nguy cơ lây lan một số dịch bệnh từ động vật sang người, trong đó có bệnh dại. Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, từ đầu năm 2024 đến cuối tháng 3, cả nước xảy ra 27 ca tử vong trên người do bệnh dại (tăng hơn 2 lần so cùng kỳ năm 2023 - 12 ca). Theo thống kê của cơ quan chức năng thì năm 2023 đã có gần 700.000 người bị chó, mèo cắn phải đi tiêm phòng, 82 người tử vong vì bệnh dại, tăng 12 trường hợp so với năm 2022.

Từ đầu năm 2024 đến nay đã có khoảng 100.000 người bị chó mèo cắn phải đi tiêm phòng và 27 người tử vong vì bệnh dại. Có 16/63 tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh dại trên người, trong đó khu vực miền Trung ghi nhận số ca bệnh dại tử vong tăng đột biến, hiện đang cao nhất cả nước với 10 ca. Khu vực Tây Nguyên và miền Nam vẫn tiếp tục gia tăng, trong đó tỉnh Đắk Lắk 4 ca, Long An 3 ca. Tại Bình Thuận, trong 3 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh ghi nhận 3 trường hợp tử vong do bệnh dại tại huyện Hàm Tân, thị xã La Gi và huyện Hàm Thuận Nam. Đồng Nai cũng đã ghi nhận 3 ổ bệnh chó dại từ đầu năm đến nay tại các huyện Định Quán, Nhơn Trạch và Trảng Bom. Riêng số ca bị chó cắn 2 tháng đầu năm 2024 phải tiêm phòng bệnh dại là hơn 4.000 ca, tăng cao so với cùng kỳ năm 2023.

Chuyện chó nuôi tấn công gây thương tích cho người và cả gây tử vong từng xảy ra không hiếm trong những năm qua. Năm trước, cụ bà 82 tuổi ở phường Bình Thắng (Bình Dương) bị một con chó pitbull bất ngờ tấn công gây tử vong. Trước đó mấy năm ở thị trấn Lương Bằng (tỉnh Hưng Yên) xảy ra vụ bé trai 7 tuổi bị đàn chó 7 con hung dữ tấn công dã man, gây tử vong. Mới đây, tối 27/3/2024, bé A. (5 tuổi, thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) đi chơi quanh xóm thì một con chó dữ lao đến cắn tới tấp vào vùng vai, cánh tay và môi. Đặc biệt, tại địa phương này cũng trong tối 27/3, chó thả rông không đeo rọ mõm đã tấn công nhiều người dân khiến 4 người (gồm 3 trẻ em và 1 người lớn) bị thương.

Tương tự, đầu tháng 3/2024, tại Quảng Ninh, một con chó không rọ mõm lọt vào trường giờ tan học buổi trưa đã tấn công 14 học sinh và giáo viên trường Tiểu học và THCS Dực Yên (xã Dực Yên, huyện Đầm Hà). Mới đây nhất, ngày 11/4, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng tiếp nhận một bệnh nhân nữ 68 tuổi (Đông Anh, Hà Nội) bị chó nhà hàng xóm tấn công. Khi bà đang quét xóm thì con chó nặng hơn 20 kg lao vào cắn liên tục vào vùng mặt và tay, chân của cụ bà, gây ra những vết thương nghiêm trọng. Các bác sĩ đã phải tiến hành phẫu thuật để cắt lọc, làm sạch vết thương và tránh nhiễm trùng. Vì những vết thương rất lớn nên bác sĩ phải khâu gần 70 mũi.

Thời gian qua, Phòng tư vấn tiêm chủng vaccine Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp đến tiêm phòng dại do chó mèo và cả động vật hoang dã cắn. Chỉ trong buổi sáng 9/4, tại cơ sở Kim Chung đã có 20 người dân đến tiêm vaccine phòng dại và 5 trường hợp tiêm huyết thanh kháng dại. Những vụ việc và thực tiễn trên cho thấy, một loài mà nhiều người coi là thú cưng, song đã gây ra tai họa cho con người nhiều hơn cả thú dữ. Một số loài chó như pitbull, chó lai thực sự là thú dữ có thể tấn công con người bất cứ lúc nào. Còn chó nhà một khi mắc bệnh dại hoặc bị kích động, có bầy đàn cũng có thể trở thành thú dữ.

Các chuyên gia y tế cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng nguy cơ bùng phát bệnh dại là do đàn chó, mèo thả rông còn phổ biến; tỷ lệ đàn chó, mèo được tiêm vaccine thấp; chưa áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, chó thả rông, tiêm vaccine phòng bệnh dại. Qua báo cáo của cơ quan chuyên ngành thú y, từ năm 2022 đến nay, tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại chỉ đạt gần 50% tổng đàn chó, mèo; cá biệt có một số tỉnh, thành phố chỉ đạt khoảng 10%. Ngoài ra, lực lượng thú y cơ sở còn thiếu về số lượng, yếu về chuyên môn, nhất là nhận thức của người dân về mức độ nguy hiểm của bệnh dại còn hạn chế.

Khi thú cưng hóa... thú dữ! -0
Nhiều địa phương đã triển khai các đội bắt chó thả rông để đảm bảo an toàn cho người dân.

Từ ý thức người nuôi tới chế tài xử phạt

Thông tin tại hội nghị trực tuyến liên ngành tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024, Tiến sĩ Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, việc nuôi chó làm thú cưng cũng là một thú vui cho một số người dân. Nhưng, cũng cần có những quy định cụ thể hơn nữa loại chó nào mà người dân được nuôi, chó nào chỉ để cho lực lượng chức năng huấn luyện mới được nuôi. Tuy nhiên, thực tiễn không hẳn thú hoang dã mới là thú dữ. Có loài thú đã thuần hóa từ lâu, thân thiện với con người như chó nhà thì có lúc vẫn trở thành thú dữ do bản năng vốn có của loài thú. Điều đáng nói, nhiều người chỉ chú ý nuôi mà xem nhẹ việc bảo đảm an toàn cho cộng đồng, dẫn đến nhiều tai nạn đáng tiếc.

Năm 2018, Quốc hội đã ban hành Luật Chăn nuôi, tại Điều 66 của luật quy định chủ nuôi chó, mèo phải thực hiện các yêu cầu như: Thực hiện tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo; khi nghi ngờ có triệu chứng bệnh dại phải báo ngay cho UBND cấp xã hoặc cán bộ chăn nuôi, thú y cơ sở; có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y; trường hợp chó, mèo tấn công, gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Những điều luật trên tuy khá đầy đủ song tính khả thi lại hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức tự giác của con người, cụ thể là chủ nuôi. Thực tế cho thấy, rất nhiều chủ nuôi thú coi thường quy định của pháp luật, bất chấp sự an toàn của cộng đồng bởi việc xử phạt còn quá ít ỏi và nhẹ tay. Điều đó dẫn tới việc nhiều địa phương đã lập những đội ngũ chuyên đi bắt chó thả rông để đảm bảo an toàn cho mọi người.

Chó là loài vật nuôi thông minh, trung thành và có nhiều ích lợi cho con người. Tuy nhiên, nuôi chó đã không còn gói gọn trong quyền cá nhân nữa mà còn gắn liền với trách nhiệm với cộng đồng xung quanh. Điều này được minh chứng thông qua những quy định rõ ràng về quản lý nuôi chó của các nước trên thế giới. Tại Đức, người nuôi chó phải có giấy phép nuôi chó và trả thuế nuôi chó hằng năm. Đồng thời, người nuôi chó cũng phải có bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho trường hợp chó gây hại cho người hoặc tài sản của người khác. Tại Singapore, người dân chỉ được phép nuôi một số giống chó nhất định và phải tuân thủ các điều kiện về diện tích nhà ở, số lượng chó nuôi, việc đeo vòng cổ và dây xích khi ra ngoài.

Tại Anh, người nuôi chó có thể bị phạt tiền không giới hạn hoặc phạt tù tới 6 tháng (hoặc cả hai) nếu để chó nuôi mất kiểm soát, gây ảnh hưởng tới người khác và chó nguy hiểm có thể bị tiêu hủy. Nếu để chó của mình làm bị thương người khác, chủ nuôi có thể bị phạt tù tới 5 năm hoặc bị phạt tiền (hoặc cả hai). Nếu cố tình dùng chó để làm bị thương người khác, chủ nuôi có thể bị buộc tội "cố ý gây thương tích". Trường hợp tệ nhất nếu để chó của mình hại chết người, chủ nuôi có thể bị phạt tù tới 14 năm hoặc phạt tiền không giới hạn (hoặc cả hai).

Khi thú cưng hóa... thú dữ! -0
Chó thả rông không rọ mõm nơi công cộng có thể gây nguy hiểm cho người.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, mùa hè nắng nóng là thời điểm bệnh truyền nhiễm có thể bùng phát, đặc biệt là bệnh dại. Những hộ gia đình nuôi chó, mèo nên cho đi tiêm phòng đầy đủ. Nếu cho chó đi ra ngoài cần được rọ mõm để phòng bệnh cho cộng đồng. Để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra, khi bị chó cắn, người dân nên đến cơ sở y tế để được sơ cứu, vệ sinh, sát khuẩn lại vết thương và tư vấn, tiêm phòng dại càng sớm càng tốt.

Tại Việt Nam, Điều 66 Luật Chăn nuôi năm 2018 quy định rõ ràng, cụ thể từng trường hợp. Thực tế cho thấy, rất nhiều chủ nuôi thú coi thường quy định của pháp luật, bất chấp sự an toàn của cộng đồng bởi việc xử phạt còn quá ít ỏi và nhẹ tay. Việc nhiều gia đình, cá nhân nuôi chó, nhưng không hiểu được sự nguy hiểm của các loại chó, cũng như chưa hiểu hết các điều luật liên quan đã làm ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh. Đơn cử như việc thả rông chó, hay khi đưa chó ra nơi công cộng không bảo đảm an toàn bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người chăn dắt.

Với tình trạng nguy hiểm của một số loại chó nuôi làm thú cưng, có lẽ cần có chính sách hạn chế nuôi hoặc quy định điều kiện cụ thể đối với việc nuôi những loại thú cưng nguy hiểm nhằm hạn chế việc gây nguy hại đến con người, tránh tình trạng đáng tiếc có thể xảy ra như trong thời gian qua.

Tiêu Dao
.
.