Khóc cười chuyện “xe duyên” trên mạng

Thứ Năm, 02/11/2023, 10:47

Nắm bắt nhu cầu tâm lý của nhiều người, khi gặp vận hạn không may mắn trong đường công danh, tình duyên, sự nghiệp..., các đối tượng tự xưng là “thầy”, “cô”, “cậu”... dùng các nền tảng mạng xã hội để quảng cáo, truyền bá bói toán, mê tín dị đoan khiến nhiều người tin theo và dâng tiền giải hạn.

Tuy nhiên, vận hạn thực sự có được hóa giải hay không thì không ai biết, nhưng chắc chắn rằng “thầy”, “cô”, “cậu”... ngày càng giàu lên nhờ sự cuồng tín của những người xem bói.

Muôn kiểu “xe duyên”

Vợ chồng chị Đ.T cưới nhau 5-6 năm nay, cuộc sống không phải giàu có nhưng cũng có của ăn của để. Hồi anh chị mới cưới, ông bà nội ngoại hai bên đều đi xem bói, bảo hai vợ chồng chị tương đối hợp tuổi, chị tuổi Ất Sửu, chồng chị Quý Hợi, nếu có con một bề, cuộc sống càng ổn định, hạnh phúc. Quả thật, anh chị sinh được 2 cô con gái kháu khỉnh, cuộc sống anh chị cứ êm đềm trôi qua, cho đến khi chị T mắc vào trò xem bói online. Thi thoảng rảnh chị lại lướt TikTok và nghe nhiều “thầy”, “cô” phán tuổi hai vợ chồng chị thuộc vào cung Cấn, Ly rất kị nhau, không thể bền lâu, thậm chí có thể sau này người mất, người còn.

Khóc cười chuyện “xe duyên” trên mạng -0
Người dân cần cẩn trọng với những lời quảng cáo xem bói tình duyên nhan nhản trên mạng

Đặc biệt, thời gian gần đây, thấy tình hình làm ăn của chồng càng đi xuống, vợ chồng hay mâu thuẫn vì việc tiền bạc, chị càng tin vào lời bói trên mạng nên đã liên hệ với một “thầy” trên TikTok để luận giải đường tình duyên của hai vợ chồng. Càng nghe, chị càng hoảng, nên người này gợi ý bao nhiêu tiền lễ bái, giải hạn, chị đều nghe theo. Thậm chí, còn theo lễ hằng tuần, hằng tháng. Cứ có việc gì không thuận lợi trong cuộc sống gia đình, hay làm ăn không hanh thông, chị lại “kêu” cửa “thầy”. Đầu óc lúc nào cũng chỉ nghĩ đến việc chồng có quan hệ ngoài luồng chỉ vì anh hay đi công tác liên miên, lo sợ hạnh phúc gia đình tan vỡ, làm ăn khó khăn nên chị chẳng tập trung được việc gì, thậm chí còn hay cáu gắt với chồng con, đồng nghiệp. Từ con người vô thần vô thánh, chị T trở thành tín đồ của xem bói khiến anh em, bạn bè đều lắc đầu ngán ngẩm.

Còn chị H.V (Nam Từ Liêm, Hà Nội) thì tin bói toán đến mức không ngày nào là không lên mạng mở tử vi, xem bói vận hạn trong ngày cho mình, nhất là đường tình duyên. 5 năm lận đận 2 mối tình, tưởng cưới đến nơi, cuối cùng chị vẫn đi về lẻ bóng. Cứ mỗi lần giận nhau với người yêu là chị lại đến hỏi “thầy” cách hàn gắn và tương lai của hai người. Nhiều lần “thầy” còn nghi ngờ bạn trai chị có những mối quan hệ ngoài luồng, dễ ảnh hưởng đến tình cảm hai bên và bày cách chị thử người yêu. Không ít lần chị và người yêu cãi nhau vì điều đó. Hệ quả là hai mối tình của chị đều tan vỡ. Nhiều người biết chuyện thì đều đổ lỗi do chị hay ghen, hay nghi ngờ, lại quá tin vào bói toán khiến người yêu khó chịu và lâu dần thành đường ai nấy đi, thế nhưng bản thân chị V thì vẫn tin tưởng là “thầy” nói đúng, người yêu chị chắc chắn có nhiều điều giấu chị nên việc bỏ nhau cũng là cách để trút bỏ gánh nặng, tránh sau này lấy nhau về dễ bị lừa dối.

Nhà có cô con gái 37 tuổi vẫn chưa chồng dù làm ở một công ty lớn nên bà H.N (Hà Nội) thường xuyên đi xem bói cho con. Cả online lẫn đến các tỉnh, thành, hễ ai mách ở đâu có “thầy” cao tay, có thể cắt duyên âm là bà lại tìm đến. Mỗi chuyến đi mất vài triệu đồng, chưa kể tiền làm lễ nhưng suốt 10 năm nay cô con gái bà ế vẫn hoàn ế.

Quả thật, chưa bao giờ dịch vụ xem bói online lại nở rộ như hiện tại. Đặc biệt, cùng với sự bùng nổ của công nghệ thời 4.0, khắp các nền tảng mạng xã hội như Zalo, TikTok, YouTube, những người tự xưng là “cô đồng”, “thầy”, “cậu”... càng trở nên “hot” và được nhiều người tìm đến để xem bói.

Đánh vào tâm lý của các tín chủ thường có những vấn đề bất ổn về gia đình, cuộc sống, tình duyên, công việc, vận hạn... nên các thầy bói online thường đưa ra những nhận định riêng cho từng tuổi theo từng tháng, từng năm. Chủ đề chính vẫn là xoay quanh công danh, sự nghiệp, tình duyên, vận hạn, là những chủ đề được rất nhiều người quan tâm, theo dõi.

Dưới mỗi bài đăng của các “thầy” có cả trăm bình luận thắc mắc về chỗ xem bói hoặc để lại ngày tháng năm sinh, hình ảnh chụp bàn tay nhờ các “thầy” luận giải. Các “quẻ” xem ban đầu thường không phải trả phí nên người nhờ “thầy” càng đông. Người xem muốn đăng ký thì để lại số điện thoại trực tiếp hoặc nhắn tin qua Facebook, Zalo.

Ban đầu là những lời phân tích, nhận xét tương đối chính xác cho từng độ tuổi (vì thường các “thầy” sẽ lục tìm thông tin của con mồi qua timeline của Facebook hoặc dựa vào lá số tử vi, vận hạn chung trên mạng của các độ tuổi), khiến nhiều người mê tín sẽ thấy khá đúng với hoàn cảnh của mình, tưởng “thầy” phán như thể đã nắm rõ tâm can của mình vậy.

“Thầy” luôn dùng những lời lẽ như rót mật, động viên an ủi và khẳng định chỉ cần thiện tâm sẽ hóa giải được tất cả mọi ưu phiền. Sau đó, “thầy” sẽ dẫn dắt con mồi đến việc lễ bái, giải hạn và thu phí nếu tín chủ tiếp tục xin tư vấn, trợ giúp. Nhiều người thành thói quen, mỗi khi làm việc gì lại “xuống tiền” nhờ “thầy” giúp đỡ. Số tiền cho một lần xem bói online không nhiều, chỉ vài trăm, thậm chí vài chục nghìn đồng nhưng số tiền để giải hạn thì cao gấp nhiều lần. Điều quan trọng là những người mê tín sẽ tin và “theo thầy” hằng tháng, hằng năm, thậm chí hằng tuần và khi gặp bất cứ khúc mắc gì trong cuộc sống. Và, thay vì phải đến nhà “thầy” thì người xem hoàn toàn có thể ngồi nhà nghe “thầy” luận giải tử vi, vận hạn, chỉ cần chuyển khoản đến tài khoản của “thầy” là xong. Chính vì sự tiện lợi đó mà dịch vụ xem bói online ngày càng nở rộ. Đó cũng là cơ hội cho những kẻ lừa đảo, trục lợi trên niềm tin tâm linh của nhiều người.

Tiền mất, tật mang

Mới đây, ngày 23/10, Công an huyện Như Xuân (Thanh Hóa) phối hợp với Công an TP Thanh Hóa và Công an huyện Gia Lâm (Hà Nội) bắt giữ nhóm chuyên lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng theo hình thức bán “bùa ngải” và các đồ vật tâm linh. Nhóm đối tượng do Lê Tất Đạt (sinh năm 1996, trú tại thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn, Hòa Bình) cầm đầu. Khám xét tại chỗ, lực lượng chức năng đã thu giữ 18 bộ máy tính bàn, 20 điện thoại di động, 1 laptop là công cụ, phương tiện các đối tượng sử dụng để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng của hàng nghìn nạn nhân trên địa bàn cả nước.

Khóc cười chuyện “xe duyên” trên mạng -0
Cơ quan điều tra lấy lời khai đối tượng Lê Tất Đạt.

Theo tài liệu của cơ quan điều tra, từ khoảng cuối tháng 9/2023 đến khi bị bắt, Lê Tất Đạt đã mua 20 bộ máy tính cũ, 20 điện thoại di động thông minh mang về Hà Nội, Thanh Hóa, thuê 2 địa điểm để đặt cơ sở hoạt động. Tại TP Thanh Hóa, Lê Tất Đạt đã thuê một căn hộ chung cư phường Đông Vệ. Còn tại Hà Nội, Đạt thuê nhà ở tổ dân phố An Lạc, thị trấn Trâu Quỳ (Gia Lâm) để hoạt động.

Sau khi thuê được địa điểm, Đạt tuyển dụng gần 20 sinh viên, học sinh có kiến thức tin học, có kỹ năng giao tiếp. Đồng thời, giao cho mỗi người 1 bộ máy tính để bàn, 1 điện thoại di động có cài sẵn các nội dung, dữ liệu trên tài khoản Facebook, Zalo và phân ra 2 nhóm tại Hà Nội, Thanh Hóa để tổ chức hoạt động lừa đảo trên không gian mạng.

Lê Tất Đạt đã hướng dẫn các thành viên “kỹ năng” lừa đảo. Đầu tiên là lập ra các fanpage “Xem tình duyên miễn phí”... trên mạng xã hội Facebook và chạy quảng cáo. Khi có khách nhắn tin qua fanpage hỏi, thì các đối tượng đã tự xưng là “thầy”, “cậu”, “cô”... và yêu cầu nạn nhân kết bạn Zalo để được tư vấn. Trong quá trình tư vấn, các đối tượng đã yêu cầu khách để lại thông tin, như: Họ tên, ngày tháng năm sinh... Sau đó, các đối tượng lên mạng tìm kiếm thông tin cơ bản về phong thủy hợp với tuổi của khách cung cấp, rồi giả vờ tư vấn cho khách. Đồng thời, đưa ra những lời đe dọa phải giải vận hạn, nếu không sẽ gặp nhiều rủi ro trong thời gian tới.

Sau khi tạo được lòng tin, các đối tượng đề nghị khách mua các đồ vật tâm linh như: Bùa, ngải... để giải hạn hoặc vật phẩm mang lại may mắn như “đồng tiền xu, vòng gỗ hoàng đàn, vòng tỳ hưu, nhẫn” với giá dao động từ 200.000 đồng đến 2.000.000 đồng tùy theo điều kiện của khách hàng.

Tuy nhiên, những đồ vật mà nhóm này yêu cầu khách trả tiền, có giá trị thấp, các đối tượng chỉ mua với giá từ 1.000 đồng đến 10.000 đồng. Với thủ đoạn trên, chỉ tính từ cuối tháng 9/2023 cho đến khi bị bắt, Lê Tất Đạt đã chỉ đạo nhân viên thực hiện hành vi chiếm đoạt của hàng nghìn nạn nhân trên cả nước số tiền khoảng hơn 1 tỷ đồng.

Khóc cười chuyện “xe duyên” trên mạng -0
“Cô đồng” Trương Hương bị lực lượng chức năng bắt giữ.

Trước đó, vào tháng 8/2023, Công an thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương cũng đã bắt giữ “cô đồng” Trương Thị Hương (hay Trương Hương, sinh năm 1986) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trương Hương nổi tiếng với việc bổ cau xem bói “đúng nhận, sai cãi” trên các nền tảng mạng xã hội. Với việc xem bói bằng bổ cau, “cô đồng” Trương Hương bị Công an thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng vì hành vi cổ xúy mê tín dị đoan vào tháng 2/2023. Sau khi bị xử phạt hành chính, “cô đồng” Trương Hương tiếp tục bị người dân tố cáo đến Cơ quan công an về việc nhận 180 triệu đồng để cúng bán nhà, có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tiền.

Theo tài liệu điều tra, ngày 6/12/2022, anh Trần Thế Xuân cùng mẹ là bà Vũ Thị Hằng đến nhà Hương ở phường Hiến Thành, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương để xem bói. Tại đây, Hương đã “phán” nhà anh Xuân đang ở bị yểm bùa, trước cửa nhà có ma quỷ quấy phá... gây vận hạn cho gia đình. Sau đó, Hương gợi ý với anh Xuân làm lễ di cung hoán số, cầu bán được nhà, cầu bình an là 270 triệu đồng. Khi anh Xuân trình bày hoàn cảnh gia đình không lo được số tiền 270 triệu đồng thì Hương giảm giá xuống còn 180 triệu đồng. Ngoài ra, Hương còn hứa hẹn với anh Xuân, sau khi làm lễ xong, khoảng ngày 28/12/2022 gia đình sẽ bán được nhà.

Sau khi cúng về, anh Xuân chờ đến hết ngày 28/12/2022 nhưng không bán được nhà. Nghĩ đã bị lừa, anh Xuân làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của Trương Thị Hương lên Cơ quan công an.

Pháp luật ghi nhận quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo của người dân, đây là một trong những quyền cơ bản được nêu rõ tại Hiến pháp. Dù vậy, pháp luật nghiêm cấm hành vi mê tín, dị đoan thông qua việc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để xâm hại đến chế độ chính trị, an ninh quốc phòng, đạo đức xã hội, sức khỏe, nhân phẩm, tài sản của người khác và có hành vi trục lợi bất chính. Khi việc xem bói biến tướng trở thành hành vi mê tín dị đoan với những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội thì hành vi mê tín dị đoan này được xem là vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính, xử lý hình sự.

Để tránh bị lừa đảo, tiền mất tật mang, mỗi người phải tự rút ra bài học kinh nghiệm cho riêng mình, đừng vì mê tín mà mất tiền cho những kẻ “buôn thần bán thánh”. Mỗi người trong mỗi cuộc đời đều có những giai đoạn khó khăn về kinh tế, sức khỏe... phong thủy tốt nhất của một người chính là sống tử tế, có đạo đức; đối với cha mẹ phải hiếu thảo, đối với anh em phải tình nghĩa trước sau như một...

Ngọc Trâm
.
.