Luật Lực lượng tham gia bảo vệ An ninh, trật tự ở cơ sở - Nhu cầu cấp thiết từ cuộc sống

Kì cuối: Luật hóa để hoạt động hiệu quả hơn

Thứ Tư, 20/04/2022, 09:50

Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở là một trong những dự án luật quan trọng do Bộ Công an chủ trì soạn thảo. Theo dự thảo luật, sẽ kiện toàn lại lực lượng Công an bán chuyên trách, bảo vệ dân phố, dân phòng, nâng cao năng lực, phẩm chất, trách nhiệm cũng như quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của họ trong nhiệm vụ bảo vệ ANTT trên các địa bàn phường, xã, vùng sâu vùng xa cùng với lực lượng Công an chính quy đảm bảo ANTT ở cơ sở...

Thống nhất các lực lượng để tiết kiệm ngân sách

Hiện nay, toàn quốc có 103.568 thôn, tổ dân phố; 72.362 người tham gia hoạt động trong lực lượng bảo vệ dân phố; 89.045 công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở cơ sở; 19.390 công an xã bán chuyên trách đang xem xét giải quyết chế độ, chính sách và 128.664 đội trưởng, đội phó đội dân phòng. Như vậy, tổng số người đang tham gia hoạt động trong lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng là khoảng 300.000 thành viên và khi kiện toàn thống nhất sẽ có khoảng 300.000 thành viên hoạt động trong lực lượng tham gia bảo vệ ANTT cơ sở. Đây là lực lượng gắn bó mật thiết với nhân dân, có chức năng hỗ trợ cho lực lượng CAND trong thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở cơ sở.

Thời gian qua, lực lượng bảo vệ dân phố đã nắm tình hình và cung cấp cho lực lượng Công an 486.778 nguồn tin có giá trị, giúp điều tra, khám phá nhiều vụ án, triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm, phục vụ phòng ngừa đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; hòa giải trên 122.409 vụ việc mẫu thuẫn, tranh chấp trong xã hội.

Kì cuối: Luật hóa để hoạt động hiệu quả hơn -0
Lực lượng an ninh, trật tự cơ sở là cánh tay nối dài của Công an chính quy.

Lực lượng Công an xã bán chuyên trách trước khi hoàn thành việc bố trí công an xã chính quy đã phát hiện 17.020 vụ, bắt giữ 26.082 người phạm tội quả tang; 1.452 đối tượng truy nã... Lực lượng dân phòng phát huy vai trò hỗ trợ lực lượng Công an trong công tác phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ và thực hiện một số nhiệm vụ đảm bảo ANTT ở cơ sở...

Tuy nhiên, bất cập nhất hiện nay là chưa có một văn bản thống nhất quy định về các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở mặc dù họ đều có chức năng, nhiệm vụ như nhau về bảo vệ ANTT ở cơ sở và làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tổ chức, hoạt động của các lực lượng này đang được quy định ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật với nhiều hình thức khác nhau và do nhiều cơ quan có thẩm quyền ban hành nên không đồng bộ, không thống nhất, mâu thuẫn, chồng lấn, có nội dung trùng giẫm. Vì vậy, cần thiết phải phải quy định vào một đạo luật chung để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về ANTT.

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an cho biết, việc xây dựng, ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT cơ sở để xác định đầy đủ trên cơ sở phân định rõ về vị trí, vai trò, chức năng của các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT cơ sở bảo đảm đồng bộ, thống nhất của các văn bản quy phạm pháp luật và phù hợp với thực tiễn hiện nay. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý quy định về tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ, chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động của công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở cơ sở. Việc xây dựng và ban hành luật còn để thực hiện sắp xếp, bố trí lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở theo hướng thống nhất, kiện toàn, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quan hệ công tác.

Kì cuối: Luật hóa để hoạt động hiệu quả hơn -0
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an.

Theo quy định hiện hành, bảo vệ dân phố và công an xã bán chuyên trách được hưởng phụ cấp hằng tháng và bồi dưỡng, hỗ trợ. Toàn quốc có 72.456 thành viên thuộc lực lượng bảo vệ dân phố; 126.084 công an xã, thị trấn bán chuyên trách. Nếu tính trung bình mỗi người được hưởng phụ cấp bằng mức lương cơ sở (1,49 triệu đồng/tháng) thì mỗi tháng ngân sách nhà nước phải chi trả khoảng 100 tỷ đồng cho lực lượng bảo vệ dân phố (trung bình mỗi tỉnh, thành phố phải bảo đảm 1,5 tỷ đồng/tháng) và khoảng 180 tỷ đồng cho công an xã, thị trấn bán chuyên trách (trung bình mỗi tỉnh, thành phố phải bảo đảm 2,8 tỷ đồng/tháng). 

Theo TS Nguyễn Xuân Trường, Vụ trưởng Vụ Địa phương I, Ban Nội chính Trung ương, thì rất cần thiết phải ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. “Thực tế, các lực lượng này đã có và đang hoạt động hằng ngày, chứ không phải xây dựng luật này để tổ chức một lực lượng mới. Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở về bản chất tương đối giống với Luật Dân quân tự vệ, thậm chí có những điểm giống nhau, tương thích, đồng thuận và có thể vận dụng những kinh nghiệm, chính sách của Luật Dân quân tự vệ để xây dựng, thực hiện Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Nhiệm vụ bảo đảm ANTT tại cơ sở là một nhiệm vụ rất quan trọng để góp phần thực hiện phương châm 4 tại chỗ: “chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ” theo quan điểm chỉ đạo của Đảng”.

Bảo vệ an ninh, trật tự từ sớm, từ xa

Theo các chuyên gia pháp luật, xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở có vai trò quan trọng trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm ANTT ở địa bàn cơ sở.

Thực tế thời gian qua đã chứng minh lực lượng ở cơ sở với lợi thế là những người dân sinh sống, sinh hoạt trực tiếp tại cơ sở, thường xuyên, trực tiếp tiếp xúc với người dân, gắn bó mật thiết với nhân dân nên hiểu rõ về đặc điểm tự nhiên, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; năng lực, uy tín của hệ thống chính trị cấp cơ sở; tình hình ANTT tại địa bàn; các mối quan hệ làng xã, dòng họ... Vì vậy, những thông tin do lực lượng này cung cấp sẽ tạo điều kiện cho công an chính quy chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, vô hiệu hóa âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động và đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác về ANTT ở cơ sở, góp phần quan trọng thực hiện yêu cầu “an ninh chủ động”, ngăn ngừa các nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia từ sớm, từ xa.

Kì cuối: Luật hóa để hoạt động hiệu quả hơn -0
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Vân, Giám đốc Công an tỉnh Sơn La.

Từ thực tế một trong những địa bàn nóng nhất nước về tội phạm ma túy, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Vân, Giám đốc Công an tỉnh Sơn La khẳng định, cùng với Công an, Bộ đội biên phòng, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở đã phối hợp, hỗ trợ lực lượng chức năng trong đấu tranh với các loại tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh Sơn La. Trong giai đoạn năm 2015-2020, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở phối hợp, hỗ trợ lực lượng Công an toàn tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 4.762 vụ, 6.882 đối tượng (tăng 1.014 vụ, 1.329 đối tượng so với giai đoạn 2011-2015), tang vật thu giữ gồm: 320kg heroin, 190,6kg thuốc phiện, 1.360.818 viên ma túy tổng hợp, 14kg ma túy khác (giảm 151kg heroin, tăng 139kg thuốc phiện, 891.061 viên ma túy tổng hợp so với giai đoạn 2011-2015), 6,6 tỉ đồng, 47 ô tô, 1.532 xe máy, 1.708 điện thoại di động, 108 khẩu súng, 7.468 viên đạn các loại cùng nhiều tang vật liên quan khác; phát hiện, triệt phá hoàn toàn 42.120 m2 diện tích tái trồng cây thuốc phiện tại địa bàn một số huyện biên giới...

Quá trình tham gia, phối hợp, hỗ trợ lực lượng Công an chính quy thực hiện công tác bảo đảm ANTT trên địa bàn cấp xã, các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở đã góp phần quan trọng vào thành công chung trong công tác bảo đảm ANTT, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.

Theo PGS.TS Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện Hành chính quốc gia, việc xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là một nhu cầu khách quan hiện nay, là một hình thức của dân chủ ở cơ sở, qua đó, góp phần bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của quản lý hành chính nhà nước trong Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Để xây dựng được lực lượng này, cần có được không gian pháp lý cho sự vận hành mạng lưới tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở do Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý.

Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Văn Tài, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng cho rằng, công an chính quy xã, phường, thị trấn đã khẳng định rõ vai trò nòng cốt trong đảm bảo ANTT tại cơ sở. Tuy nhiên, xuất phát từ tình hình thực tế hiện nay, cần có sự tham gia phối hợp rất quan trọng của các lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở như: công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phổ, dân phòng... Bởi số lượng cán bộ công an xã chính quy rất hạn chế, khối lượng công việc nhiều, đảm nhiệm cả công tác quản lý nhà nước về ANTT.

Kì cuối: Luật hóa để hoạt động hiệu quả hơn -0
Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Văn Tài, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng.

Trong giai đoạn hiện nay, trước yêu cầu ngày càng cao của công tác bảo đảm ANTT, cần phải tiếp tục xây dựng, củng cố, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc. Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là lực lượng làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở. Đây cũng chính là một yếu tố quan trọng trong xây dựng thế trận an ninh nhân dân.

Kì cuối: Luật hóa để hoạt động hiệu quả hơn -0
Lực lượng Bảo vệ dân phố phối hợp Công an làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự tại một chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19.

“Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là một công cụ của Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, do vậy cần phải được tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật. Cần phải pháp điển hóa tất cả các quy định của pháp luật đã có từ trước, có sự điều chỉnh, bổ sung, phát triển để phù hợp với yêu cầu xây dựng của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trong thời kỳ mới”, Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Văn Tài nhấn mạnh.

Trâm Anh
.
.