Lạc vào ma trận điều trị hậu COVID-19

Thứ Hai, 14/03/2022, 21:30

Nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 được cho là có di chứng ảnh hưởng không ít đến sức khỏe và tinh thần. Người có bệnh thì đang cố gắng tìm kiếm, xoay xở mọi phương pháp điều trị, các loại thuốc cũng như lời rỉ tai mách nước bài chữa trong dân gian.

Lợi dụng tâm lý này, ma trận thuốc điều trị hậu COVID-19 được rao tràn lan trên các trang mạng xã hội, cùng với đó là hàng loạt “thần y” tự phong với tay nghề và kinh nghiệm... 3 đời bốc thuốc cứu người, bệnh gì cũng chữa khỏi?!

Từ  “bác sĩ” chỉ chuyên kê khám online...

Thời gian gây đây, thực tế ghi nhận không ít người gọi là lương y, bác sĩ giả danh liên tục đột nhập, trà trộn vào các group: “Bác sĩ của bạn”, “Bác sĩ Online24h”, “Bác sĩ online mùa dịch” và “Cộng đồng kết nối Y khoa phòng chống COVID-19” để câu nhử, mồi chài tiếp cận bệnh nhân có nhu cầu điều trị chứng bệnh hậu COVID-19.

Lạc vào ma trận điều trị hậu COVID-19 -0
Bệnh nhân đến bệnh viện khám hậu COVID-19

Chị Lê Thị Thu Minh, 35 tuổi, ngụ Bình Dương mới đây đã gửi phản ánh tới trưởng nhóm “Bác sĩ của bạn” việc chị bị một người tự xưng là bác sĩ gửi tin nhắn chát riêng, sau khi người này xem được thông tin của chị Minh đăng trên nhóm hỏi bác sĩ cách điều trị về tình trạng hậu COVID-19 của mình.

Vị này giới thiệu là bác sĩ, lương y, công tác tại Viện Y học cổ truyền Việt Nam có nhã ý giúp chị Minh điều trị hiệu quả chứng bệnh hậu COVID -19. Chị Minh hoàn toàn tin tưởng, vì người này cùng trong group uy tín của các bác sĩ, chị không ngần ngại cho số điện thoại để người này tiện trao đổi. “Bác sĩ” gọi điện cho chị Minh hỏi rất kỹ về công việc, hoàn cảnh gia đình, nhà cửa, thu nhập sau đó đã giới thiệu cho chị Minh dùng combo Đông y chuyên điều trị chứng hậu COVID-19 do chính vị này nghiên cứu, bào chữa và cũng đã đưa lên thành đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia, hiện đang làm quy trình nghiệm thu.

“Lương y” kê cho chị Minh danh mục thuốc mà ông ta nói sánh ngang với “thần dược”.  Trong đó, “Thiên sứ hộ tâm đan” có tác dụng chữa chứng nặng ngực, khó thở, đau ngực, mệt khi gắng sức; “hương sa lục quân” chữa ăn không tiêu, trướng bụng đầy hơi, tiêu chảy; “Thập toàn đại bổ” uống khi mệt mỏi kéo dài…

Chị Minh cho địa chỉ để “lương y” ship thuốc tới tận nhà. Giá của combo 3 loại “thần dược” này là 3,5 triệu đồng, uống trong vòng 3 tuần, đảm bảo đỡ 50% triệu chứng và sang đợt uống thứ 2 thì chắc chắn hết tiệt, không còn triệu chứng nào, người khỏe như bình thường? 2 ngày sau, chị Minh đã nhận được thuốc và thanh toán tiền đầy đủ cho shipper. Chị Minh uống theo lời dặn của “bác sĩ” đúng và đủ liều cũng như thời gian quy định và thấy một số triệu chứng giảm đi rõ rệt. Chị ăn được và đỡ mệt hơn nhưng vẫn ho và tức ngực.

Chị liên hệ với “lương y” báo cáo hiệu quả sử dụng thuốc, sau đó tiếp tục nhận thêm một liệu trình nữa với giá 4,2 triệu, lần này “bác sĩ” nói chắc chắn khỏi hẳn. Uống 1 tháng thuốc, chị Minh vẫn cảm thấy người rệu rã, những cơn ho kéo dài hơn. Chị Minh hỏi một người bạn là bác sĩ đang làm việc tại bệnh viện TP Thủ Đức về tình trạng của mình. Người bạn khuyên chị Minh nhanh chóng đến bệnh viện kiểm tra. Kết quả chị Minh bị sơ phổi, tổn thương do di chứng hậu COVID-19, đồng thời bị thiếu máu trầm trọng.

Lạc vào ma trận điều trị hậu COVID-19 -0
Nhiễu loạn thông tin điều trị hậu COVID-19 trên các mạng xã hội

Bác sĩ xem đơn thuốc chị Minh uống và cho biết, đây là thuốc thực phẩm chức năng hỗ trợ đề kháng, không thể điều trị được bệnh viêm phổi của chị Minh, cũng không phải là thuốc đặc trị một số triệu chứng hậu COVID-19. Thuốc này được bán rộng rãi trên các nhà thuốc với giá từ 150 đến 300 ngàn/hộp. Tính ra, combo thuốc mà “lương y” kê cho chị Minh chỉ có giá 1 triệu đồng. Chị Minh quay lại tìm “bác sĩ” mạng, gọi điện phàn nàn về chuyện kê thuốc đắt, không đúng bệnh. Vị này nghe xong liền cáo bận việc rồi cúp máy, sau đó chặn luôn số điện thoại của chị Minh.

Chị Minh là một trong rất nhiều trường hợp “sập bẫy” bác sĩ giả trên mạng. Nếu không phát giác kịp thời thì không chỉ mất tiền mà còn mang họa vào thân khi tin và nghe lời tư vấn, mua thuốc của các thể loại “lương y” này.

Tiến sĩ, Bác sĩ Dương Văn Trung, trưởng nhóm “Bác sĩ của bạn” đã từng cảnh báo trên group về tình trạng giả danh bác sĩ để lừa gạt người bệnh. Ông khuyên mọi người nên tỉnh táo, tránh tương tác với các nickname lạ tự xưng là bác sĩ.

...cho đến “thần y” chữa bách bệnh!

 Ở các nhóm kín, quản trị viên có thể phát hiện và loại ra khỏi nhóm trường hợp nghi ngờ. Với các nhóm hoạt động công khai, ngoài bác sĩ, lương y, còn có những thể loại thần y tự phong xuất hiện nhan nhản nhằm tiếp cận “con mồi”. Số này nhiều không kể xiết, và cũng chẳng ai có trách nhiệm xử lý được hết. Trang “Cộng đồng hậu COVID-19 Việt Nam” hiện đang có gần 29 nghìn thành viên đăng ký, hoạt động công khai nên nhiều nạn nhân dở khóc dở cười khi bị lọt lưới giăng mắc của “ma trận” thần y. Những người tham gia trang này đa phần đều là bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh, với mong muốn cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau vượt qua thời điểm hậu COVID-19.

Ông Nguyễn Văn Đạt, ngụ quận 6, TP Hồ Chí Minh đã khỏi bệnh được 2 tháng nay nhưng triệu chứng hậu COVID thì rất khủng khiếp. Ông Đạt đã tìm đến bệnh viện điều trị hơn 2 tuần sau đó thì xuất viện nhưng sức khỏe của ông vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. Ông luôn thấy trong người mệt mỏi, thỉnh thoảng khó thở, tức ngực, đặc biệt là mất ngủ. Ông Đạt tham gia nhóm và chia sẻ tình trạng bệnh của mình. Mọi người khuyên ông đủ cách điều trị, chia sẻ nhiều loại thuốc ngủ. Trong đó, có một người phụ nữ nhắn tin cho ông Đạt giới thiệu mình là y sĩ Hiền, hậu duệ của lương ly Hải Thượng Lãn Ông.

Bà này cho biết, đang có một vườn thuốc nam ở núi Cấm, An Giang, chuyên bào chế, cung cấp các loại thảo dược cho hệ thống nhà thuốc Đông y tại khu vực đường Hải Thượng Lãn Ông, quận 5, TP Hồ Chí Minh. Y sĩ Hiền tư vấn cho ông Đạt, chữa bệnh hậu COVID chỉ có thể là thảo dược Đông y thì mới dứt cái gốc bệnh, điều trị Tây y chỉ chữa được phần ngọn không bao giờ hiệu quả. Về chứng bệnh mất ngủ của ông Đạt, bà Hiền cam đoan chỉ uống 3 thang “thần dược” của bà là sẽ ngủ ngon và say như em bé. Thuốc của bà được bào chế từ những cây dược liệu tinh túy nhất của vùng Thiên Cấm Sơn, hàng ngàn người bệnh mắc hậu COVID-19 đã khỏi dưới bàn tay chữa trị của y sĩ Hiền.

Bà Hiền bảo mình làm từ thiện là chính, cứu người mới quan trọng. Nửa tháng đầu tiên, bà miễn phí hoàn toàn cho ông Đạt và chỉ nhận đúng 1,2 triệu đồng cho cả một tháng uống thuốc. Bà Hiền cam đoan nếu uống thuốc vào mà ông Đạt vẫn không ngủ được bà sẽ bồi hoàn gấp 5 lần phí thuốc và lấy danh phận của mình ra chịu trách nhiệm.

Ông Đạt uống thuốc vào đúng là hiệu quả thần kỳ ngay, ông ngủ li bì, ngủ mê man, ngủ như chưa bao giờ được ngủ. Nhưng bù lại, người ông lại mệt mỏi, uể oải như không còn chút sức lực nào nữa. Ông Đạt gọi cho “y sĩ” Hiền thông báo, thì được trấn an, đó là tác dụng phụ của thuốc, ăn uống tẩm bổ vào sẽ hết. Một tháng uống “thần dược” chữa hậu COVID-19, ông Đạt thường xuyên cảm thấy chóng mặt đã đi bệnh viện khám thì phát hiện huyết áp tăng bất thường, cộng thêm triệu chứng rối loạn lo âu. Bác sĩ khuyên dừng ngay các loại thuốc đã uống chữa mất ngủ trước đó, phải nhập viện để tập trung điều trị bệnh huyết áp. Ông Đạt không biết phải xử lý làm sao với bài thuốc thần kỳ của bà Hiền mà trước đó ông đã đi quảng cáo, giới thiệu cho rất nhiều người bị hậu COVID -19. Họ tin tưởng ông nên đã mua dùng.

Không thể uống thuốc rao bán trên mạng xã hội

Hiện nay, các loại thuốc điều trị hậu COVID -19 từ Đông y đến Tây y trở thành ma trận mọc như nấm sau mưa. “Tập đoàn” bác sĩ, lương y dỏm xuất thân từ nhân viên bán hàng online dùng mọi thủ đoạn tiếp cận người bệnh, chèo kéo, bán các loại “thần dược” trên trời, dưới biển. Rất nhiều người bệnh là nông dân, người lao động như cá nằm trên thớt, trót uống phải thứ thuốc có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần và sức khỏe về lâu dài.

Lạc vào ma trận điều trị hậu COVID-19 -0
Tiến sĩ Trương Thị Ngọc Lan - Phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP Hồ Chí Minh

TS Trương Thị Ngọc Lan - Phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP Hồ Chí Minh cho biết, hậu COVID-19 phần lớn là do suy nhược cơ thể, mỗi người một thể trạng sẽ có bài thuốc tương ứng khác nhau. Trong Đông y hiện nay không có bài thuốc nào điều trị chung cho tất cả các hội chứng hậu COVID-19. Mạng xã hội xuất hiện nhiều bài thuốc Đông y bán cho người bệnh là hết sức nguy hiểm, người bệnh không thể biết được nguồn gốc xuất xứ của thuốc ra sao, đã được Bộ Y tế cấp phép chưa...? Không thể dựa trên mạng xã hội để uống thuốc được, nguyên tắc là phải khám bệnh trực tiếp cho người bệnh, bác sĩ mới được bốc thuốc.

Lạc vào ma trận điều trị hậu COVID-19 -0
Bác sĩ Quế Lan Hương là một trong những người đầu tiên tham gia điều trị cho bệnh nhân hậu COVID-19 từ giai đoạn đầu

Bác sĩ Quế Lan Hương, Khoa điều trị Cán bộ cao cấp, Bệnh viện Thống Nhất là người trực tiếp chữa trị cho bệnh nhân hậu COVID -19 cho biết, đội ngũ y bác sĩ điều trị cho người bệnh phải tổng hòa chuyên môn y khoa, hồi sức, vật lý trị liệu và tâm lý. Bệnh nhân nhập viện thường gặp phải sang chấn tâm lý rất lớn, họ dễ xúc động và dễ tổn thương. Hậu COVID-19 là bệnh nguy hiểm và phức tạp, nên không thể dùng các loại thuốc trôi nổi trên thị trường được mà bắt buộc phải thăm khám bác sĩ để có phác đồ chữa bệnh hiệu quả. 

Việt Nam hiện có hơn 2 triệu ca mắc COVID-19, chiếm gần 2% dân số, trong số đó có nhiều bệnh nhân mắc hội chứng hậu COVID-19 với các triệu chứng phổ biến là mệt mỏi, khó thở, giảm tập trung, rối loạn giấc ngủ, thậm chí rối loạn nhận thức... Theo khảo sát, có đến hơn 200 triệu chứng khác nhau liên quan đến hậu COVID-19 nên không có thuốc nào có thể chữa bách bệnh. Các loại thực phẩm chức năng chỉ có tác dụng hỗ trợ, không thể thay thế thuốc.

Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, hậu COVID-19 không chỉ tác động đến sức khỏe với các triệu chứng dai dẳng, tổn thương trên người bệnh, ảnh hưởng xấu sức khỏe, nhu cầu chăm sóc và phục hồi chức năng mà còn ảnh hưởng công việc, đến khả năng trở lại làm việc, khả năng đáp ứng yêu cầu công việc, tác động đến xã hội và kinh tế, ảnh hưởng tài chính của cá nhân và xã hội, thái độ của xã hội với người bệnh, hệ thống an sinh xã hội. Tại TP Hồ Chí Minh hiện có hơn 300.000 người bệnh mắc COVID-19 đã xuất viện, vì vậy nhu cầu được chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19 là vấn đề đáng quan tâm.

Trong bối cảnh ghi nhận nhiều bệnh nhân có di chứng sau khi mắc COVID-19, nhiều bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh đã thành lập khoa điều trị hậu COVID-19 nhằm chăm sóc, khôi phục sức khỏe và tinh thần cho những bệnh nhân đã điều trị khỏi bệnh COVID-19 như: Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh viện Chợ Rẫy… Vì vậy, nếu không muốn rước họa vào thân, tiền mất tật mang thì người bệnh nên đến các cơ sở y tế uy tín để kiểm tra và điều trị, tất cả những phương pháp bên ngoài chỉ có giá trị tham khảo mà thôi.

Ngọc Thiện
.
.