Làng Chăm cổ rục rịch chuyển mình

Thứ Tư, 24/11/2021, 09:58

Nơi đây, ngàn năm trước từng là vùng đất sinh tụ của hàng ngàn người Chăm tộc Trà, nay người làng vẫn lặng lẽ giữ mình trước những nguy cơ bị mai một.

Chênh vênh Tháp Sáng

Tôi về thăm lại làng cổ Đồng Dương (xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) sau những cơn mưa gió bão bùng. Quang cảnh trống vắng, âm u bởi những hàng keo mọc ngang ngửa trên khu di tích, những viên gạch lăn lóc bên Tháp Sáng xơ xác và nỗi buồn mênh mang của tộc Trà - hậu duệ người Chăm sẽ làm bất cứ ai yêu những giá trị văn hóa Chăm cảm thấy nao lòng.

Làng Chăm cổ rục rịch chuyển mình -0
Đường vào làng cổ Đồng Dương và Di tích Quốc gia đặc biệt.

Tháp Sáng, hiện thân còn lại và cuối cùng của “vùng đất của Thần” là Phật viện Đồng Dương - Indrapura trong ký ức huy hoàng của người Chăm ở mảnh đất này. Một Đồng Dương là một đô thành thiêng tiêu biểu của Chămpa, còn Phật viện Đồng Dương chính là tu viện Laksmindra Lokesvara mà bia ký đã nhắc đến. Một Đồng Dương huy hoàng của quá khứ giờ đang chứa đầy những bí ẩn. Những cuộc nghiên cứu khảo cổ quy mô từ cả thế kỷ trước cho đến những dấu chân sau này, ngõ hầu muốn giải mã bí ẩn của vùng đất cũ. Chỉ đến khi các nhà khảo cổ Pháp tới đây khai quật và nghiên cứu, người ta mới được biết những ngôi Tháp cổ Đồng Dương là di tích của một tu viện Phật giáo trong lòng kinh đô Indrapura của vương triều Indrapura do vua Indravarman II sáng lập năm 875.

Vậy là đã hơn 1200 năm tồn tại. Bây giờ, Đồng dương chỉ còn là phế tích, để lại một Tháp Sáng chơ vơ đầy bí ẩn cũng như Phật viện cả ngàn năm trước với sự kỳ bí và những huyền thoại đến gai người. Hơn một ngàn năm, Tháp Sáng vẫn đứng thi gan cùng với nắng gió miền nắng lửa, vẫn còn lại ít ỏi nét chạm trổ của những con người mà tuổi tên đã hóa vào cùng sa thạch. Giữa bạt ngàn gió, bạt ngàn cây rừng, bạt ngàn nắng, Tháp Sáng dù xuống cấp nhưng vẫn long lanh như bàn tay búp măng của người thiếu nữ đang thả mình cùng vũ điệu Apsara huyền thoại, hòa trong tiếng kèn đắm đuối của những nghệ nhân làng cổ Đồng Dương, của người tộc Trà bao đời hoài tưởng về một “vùng đất của Thần”. Cho dù theo thời gian, Đồng Dương hoang phế, gạch đá ngổn ngang nhưng người dân Đồng Dương và tộc Trà vẫn tin vào sự linh thiêng ấy.

Làng Chăm cổ rục rịch chuyển mình -0
Ngày 15 tháng 3 âm lịch hàng năm là ngày giỗ tổ của chi phái Tộc Trà Đồng Dương. (Ảnh: Trà Tấn Minh).

Năm 2000, Phật viện Đồng Dương được công nhận Di tích cấp Quốc gia, đến tháng 12-2016 được công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt, nhưng giờ chỉ còn sót lại một chút là cổng Tháp Sáng sau hơn nghìn năm tồn tại. Nhưng Tháp này cũng đang phải vất vả chống đỡ với sự khắc nghiệt của thời gian.

Giữ lại cho tộc Trà

Làng cổ Đồng Dương đã tồn tại từ lâu đời, gắn chặt với nhịp sống địa phương nơi đây, nhưng người nơi khác ít ai biết tới. Bởi, do điều kiện khách quan, nếu du khách có tới xã Bình Định Bắc, vào làng Đồng Dương thường chỉ được giới thiệu đến Phật viện Đồng Dương, Tượng đài chiến thắng Đồng Dương... mà ít người biết rằng khi đến vùng đất này, qua cổng làng Đồng Dương, sẽ thấy Tháp Sáng trầm mặc giữa cỏ cây um tùm. Và ở làng ấy, những hậu duệ tộc Trà - một trong 4 họ tộc xưa cũ của người Chăm vẫn lặng lẽ sinh sống ở xứ Quảng này.

Ông Trà Tấn Bình, Phó Chủ tịch HĐND xã Bình Định Bắc, một người con của tộc Trà chia sẻ, chính vì đức tin, lòng thành tuyệt đối của người dân nơi đây đến chủ nhân vùng đất này nên người tộc Trà từ lớn đến bé đều gìn giữ những di sản tổ tiên để lại. Ông Trà Tấn Bình cũng cho biết, việc lưu truyền và cất giữ cổ vật này tính đến nay đã được nhiều đời chủ tịch xã xem như là tôn chỉ hành động của mình. Hiện tộc Trà tại Đồng Dương có khoảng hơn 110 hộ với hơn 200 nhân khẩu. Hậu duệ của vương quốc Chămpa xưa, tại Đồng Dương này duy chỉ có tộc Trà, không có thêm các họ khác như: Ung, Chế và Ma. “Chúng tôi tự hào là người thừa kế và bảo vệ di sản của cha ông để lại, đó là khu di tích Tháp Đồng Dương này. Nhưng do điều kiện thiên nhiên và chiến tranh tàn phá, Khu di tích Đồng Dương nay trở thành phế tích mặc dù đã được nhà nước công nhận là di tích cấp quốc gia và đang có kế hoạch trùng tu”, ông Trà Tấn Bình cho biết.

Làng Chăm cổ rục rịch chuyển mình -0
Những viên gạch ngàn năm tuổi tại Phật viện Đồng Dương.

Tộc Trà Đồng Dương đã sinh sống tại vùng đất này từ lúc nào không ai còn nhớ chỉ biết rằng tộc Trà Đồng Dương đã sinh ra, tồn tại và phát triển cùng với sự hưng thịnh của vương quốc Champa, tộc Trà chính là chủ nhân, là những người khai khẩn và cai quản vùng đất này từ rất lâu đời. Tộc Trà Đồng Dương là một điển hình của văn hóa quần cư của người Chăm xưa. “Trước đây cả làng này đều là người mang họ Trà sau này mới có thêm các họ khác. Tại thời điểm bây giờ Tộc Trà vẫn là một tộc họ chiếm đa số đến 98% tại làng Đồng Dương này. Đến nay, vốn quý nhất mà cư dân nơi đây còn giữ được là ý thức tự giác tộc người, là dòng máu tộc Trà cùng với những bức tượng Chăm kiêu sa và Tháp Sáng tráng lệ một thuở huy hoàng”, ông Trà Tấn Tôn (tổ 6, thôn Đồng Dương) bộc bạch. Cũng theo ông Trà Tấn Tôn cho biết, nhà thờ tộc Trà đã trải qua nhiều lần tu sửa, thay đổi vị trí. May nhờ tộc Trà vẫn còn tổ tiên, còn Tháp Sáng, còn nhà thờ Tộc nên hằng năm, con cháu ở khắp mọi miền của Tổ quốc còn hướng về cội nguồn thông qua các cuộc hành hương về thăm Tháp Sáng và nhà thờ Tiền hiền tộc Trà.

Cụ Trà Tấn Huệ cho biết, hiện tộc Trà tại Đồng Dương có 3 nhánh. Nhánh 1 đã tuyệt do ông Trà Cung làm trưởng nhánh (đã mất) chỉ có con gái. Sau đó, nhánh 1 nhập vào nhánh 2 là nhánh của cụ, do ông Trà Tấn Tôn làm trưởng nhánh. Nhánh 3 do ông Trà Tấn Sắn làm trưởng tộc, nhánh 4 do ông Trà Tấn Tư làm trưởng tộc. Nhiều đời nay, tộc Trà sống quần tụ trong làng Đồng Dương và đã ghi nhận nhiều câu chuyện linh thiêng liên quan đến họ - hậu duệ của vương quốc Chămpa huy hoàng một thời.

Làng Chăm cổ rục rịch chuyển mình -0
Ngao đá, văn bia với những ký tự cổ tại Nhà thờ Tộc Trà Đồng Dương.

Ông Trà Tấn Bình tự hào chia sẻ, ngày 15 tháng 3 âm lịch hàng năm là ngày giỗ tổ của chi phái Tộc Trà Đồng Dương. Trong ngày này con cháu tụ họp về thắp nhang tưởng nhớ tổ tiên và tham gia các hoạt động của tộc họ. Tộc Trà Đồng Dương hiện nay là tập hợp của 5 Nhánh cùng 1 đầu ông sinh ra. Cùng sinh hoạt và phụng sự tổ tiên trong một nhà từ đường khang trang rộng rãi khánh thành tháng 8-2016.

Ngày khánh thành nhà Từ đường tộc Trà cách đây 5 năm, niềm vui càng nhân lên khi có sự tham dự của đại diện tộc Trà Bắc - Trung  - Nam và đại diện một số chi phái khác ở nhiều địa phương. Đặc biệt hơn, một nhánh họ Trà có nguồn gốc xã Đại Thắng (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) cùng chung một ông tổ rất xa xưa với Đồng Dương cũng về dự rất đông. Người họ Trà đi xa không ít, song có một điểm chung là họ chưa bao giờ quên cội nguồn, tổ tiên, nhà thờ tộc, nhà thờ tiền hiền và trung tâm làng chính là Tháp Sáng - biểu tượng dẫn đường cho con cháu tứ phương khắp mọi miền đất nước trở về. Cứ đúng ngày 15 tháng 3 âm lịch hàng năm, Tháp Sáng bớt trầm mặc bởi bước chân của những đoàn người xa quê về hành lễ.

Ngày nay, nhờ những nỗ lực của chính quyền, đời sống bà con dần ổn định, con cháu sinh ra được đi học đầy đủ, có công ăn việc làm đường hoàng. Đường làng Đồng Dương nhỏ, được bê tông hóa cho xe ô tô qua lại. Nhà thờ tộc Trà đã được xây dựng khang trang, sơn màu vôi mới. Ngoài ra, tộc Trà cũng đã xây dựng quỹ khuyến học hoạt động được 2 năm nay nhằm khích lệ và tôn vinh con cháu trong làng có thành tích học tập tốt. Điều đáng quý là trải bao thăng trầm, tại làng Đồng Dương ngày nay, nhiều tập tục vẫn được dân làng gìn giữ.

Những chạm trổ trên phiến đá kia, những tượng thần nữ, những hoa văn tinh xảo, những hình khắc vết, những viên gạch không vôi vữa gắn với nhau biết bao thế kỷ còn đang “thi gan cùng tuế nguyệt”… ở trong đó còn biết bao những gửi gắm của người xưa về vũ trụ, về thần linh, về cuộc sống, và là cả một bảo tàng vô giá về bao tuyệt phẩm nghệ thuật bây giờ không còn ai tạo tác được nữa.

Người xưa đã dùng cách gì để biến đất qua ngàn năm vẫn không hề phai sắc, chở cả hồn người trong những viên gạch hồng tươi trong nắng chiều? Có phải đấy là nơi tụ hội của hồn người, hồn đất, hồn cốt của cả hơn 255 đền Tháp khắp vùng miền Trung này? Để tầng tầng lớp lớp những trầm tích văn hóa cứ lắng lại, bồi tụ cùng thời gian mang chở những vui buồn của người Chăm, của người tộc Trà còn lại ở Đồng Dương này.

Những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mà Tháp Sáng, mà rộng hơn là Phật viện Đông Dương đang mang trong mình vẫn cứ im lìm ngủ yên giấc, để chờ đợi con người hiện tại giải mã những điều tuyệt cùng của bí ẩn, thách thức tất cả những cố gắng lớn lao cùng biết bao máy móc và những bộ óc thông minh nhất, để rồi còn lại vẫn là câu hỏi: Vì sao? Trăn trở với những điều ấy, cùng cả người tộc Trà, ông Trương Công Hùng - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Thăng Bình cho biết, huyện đã thành lập tổ quản lý di tích Phật viện Đồng Dương, đồng thời xây dựng kế hoạch cụ thể từng giai đoạn đối với công tác bảo tồn di tích này. Còn ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL khi đề cập đến Đồng Dương cũng cho biết, Sở đã yêu cầu địa phương quản lý nghiêm ngặt cũng như khoanh vùng quản lý, tuyệt đối không cho phép người dân trồng cây trong khu vực vùng lõi khu di tích cũng như tác động xâm hại đến di tích.

Hơn một ngàn năm, Tháp Sáng của Phật viện Đồng Dương vẫn là một chứng nhân câm lặng của một nền văn hóa hưng thịnh một thời. Người Chăm xưa liệu có thể nào biết sau nhiều thiên niên kỷ, họ đã để lại những câu hỏi không dễ trả lời cho nhân loại hôm nay?

Để bây giờ Tháp Sáng vẫn đứng sừng sững và lặng lẽ giữa bạt ngàn rừng và những nghi vấn, những bí ẩn mang sắc màu huyền thoại, nằm yên trong gạch, trong đất và trong cả bao tầng tháp vĩnh cửu. Để người tộc Trà tự hào về “vùng đất của Thần” nơi họ vẫn đang sống hiện tại, và chăm chút những gì còn lại để giữ cho mai sau.

Tiêu Dao – Minh Ngọc
.
.