Lính cứu nạn, cứu hộ và 1001 câu chuyện dở khóc dở cười

Chủ Nhật, 06/11/2022, 09:46

Vì buồn tình, vì say xỉn, vì 1001 lý do, nhiều người đã bỏ xe máy, tư trang trên bờ, rồi gieo mình xuống dòng sông, con kênh. Nhưng, cũng không ít trường hợp tự tử không thành, tự bơi vào bờ và về nhà ngủ ngon lành, hay còn có nạn nhân sau đó trốn về nhà người yêu… Chỉ báo hại cứ hễ có tin báo thì các cán bộ, chiến sĩ lực lượng cứu nạn, cứu hộ (CNCN lại phải mất nhiều công sức, thời gian lặn mò dưới dòng nước tìm kiếm họ…

Từ những vụ việc “trời ơi”…

Mới đây nhất, cuối tháng 10 vừa qua, một người phụ nữ tên L.A.T (39 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) đã tới Cơ quan công an trình báo việc con gái 2 tuổi N.H.T.N của người này “mất tích” lúc rạng sáng khi đang ngủ trên cầu.

Chị T. cho biết, cùng hai con là cháu N. và con trai 5 tuổi thường xuyên giăng mùng ngủ trên cầu Ông Cày (phường Phước Long B, TP Thủ Đức). Gần 4 giờ sáng 22/10, chị T. dậy đi mua sữa cho con, tới khi quay về thì chỉ còn bé trai đang ngủ, bé gái mất tích, đôi dép vẫn trên cầu... Ngay sau đó, Công an TP Thủ Đức phối hợp với lực lượng CNCH thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) và CNCH Công an TP Hồ Chí Minh triển khai lực lượng tới khu vực rạch Ông Cày để lặn tìm vì nghi cháu bé bị rơi xuống rạch.

Lính cứu nạn, cứu hộ và 1001 câu chuyện dở khóc dở cười -0
Lực lượng cứu nạn, cứu hộ tổ chức tìm kiếm bé gái 2 tuổi ở cầu Ông Cày.

Tuy nhiên, theo Trung tá Đào Quốc Trung, Tổ trưởng Tổ CNCH, Đội Công tác chữa cháy và CNCH, sau nhiều giờ đồng hồ lặn tìm dưới rạch Ông Cày không có kết quả nên tới hơn 18 giờ lực lượng cứu hộ tạm thời rút khỏi hiện trường do trời tối. Trong khi đó, công an đã hỏi thêm thông tin từ cha mẹ của bé và mở rộng phạm vi tìm kiếm, trích xuất camera. Qua đó, lực lượng chức năng ghi nhận một camera nhà dân ghi lại cảnh có người đàn ông cõng một bé gái đi trên đường Đỗ Xuân Hợp lúc 4 giờ 26 phút sáng 22/10, trùng thời điểm bé N. mất tích.

Tới khoảng 5 giờ sáng 23/10, Công an phường Phước Long B nhận được tin báo có một bé gái ngồi khóc một mình trên cầu Ông Cày (nơi bé N. mất tích) nên lập tức đến hiện trường và xác định đây chính là bé N. mà chị T. trình báo mất tích.

Thời điểm được tìm thấy, bé gái vẫn khỏe mạnh và không có biểu hiện bất thường. Bé gái sau đó được đưa về phường kiểm tra sức khỏe rồi bàn giao lại cho vợ chồng chị T. chăm sóc.

Trong vụ việc này, người đã cõng bé gái đi nhiều khả năng là người quen của họ, nhưng lại không báo với cha mẹ của cháu khiến cho cha mẹ cháu và bao người vất vả, lao tâm khổ tứ...

Một vụ việc khác, khoảng 4h ngày 28/9/2021, chị N.T.H.D (34 tuổi, ngụ hẻm B18, ấp 3B, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) phát hiện một chiếc xe gắn máy, một đôi dép nữ để trước cửa nhà nên ra kiểm tra. Khi đến khu vực ao nhà rộng hơn 3.000 m2, chị D. tiếp tục thấy một mũ bảo hiểm nổi trên mặt nước.

Nghi ngờ có người nhảy xuống ao tự tử, chị D. hô hoán người dân khu vực cùng tìm kiếm nhưng không có kết quả. Thông tin được báo với lực lượng chức năng. Đội CNCH thuộc Phòng  Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp với Đội Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an huyện Bình Chánh điều động 19 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường mò tìm nạn nhân... Sau nhiều giờ lặn tìm trong ao rộng và sâu, đầy các chướng ngại vật bên dưới, những “người nhái” đã dừng cuộc tìm kiếm khi hay tin hai người bỏ xe máy nhảy xuống ao nghi tự tử đã bơi vào bờ và trở về nhà...

Lính cứu nạn, cứu hộ và 1001 câu chuyện dở khóc dở cười -0
Trung tá Đào Quốc Trung (giữa) và đồng đội.

Theo Trung tá Đào Quốc Trung, những vụ việc “trời ơi” kiểu này xảy ra trong thực tế không phải là ít đã khiến các cán bộ, chiến sĩ CNCH phải dở khóc dở cười.

Trường hợp bi hài cách đây ít lâu là vụ một thanh niên sau khi cãi nhau với người yêu đã giận dỗi rồi nhảy xuống sông Sài Gòn tự tử nhưng rồi lặng lẽ bơi vào bờ về nhà đi ngủ, mặc cho các cán bộ, chiến sĩ phải ngụp lặn nhiều tiếng đồng hồ dưới sông sâu để tìm “thi thể nạn nhân”. Theo đó, khoảng 10 giờ 30 phút đêm 28/3/2021, nhiều người phát hiện một nam thanh niên dừng xe máy cãi nhau với bạn gái rồi leo qua lan can cầu gieo mình xuống sông Sài Gòn. Cứ ngỡ nạn nhân đã mất tích dưới sông nên người dân gọi điện báo lực lượng chức năng.

Do nước sông dâng cao, sau nhiều giờ tìm kiếm cả đêm quá mệt mỏi, tổ công tác CNCH phải tạm ngừng lặn mò, để đến rạng sáng 29/3, công tác lặn mò tìm kiếm nạn nhân được tiếp tục. Nhưng, cũng chính thời điểm này, nam “nạn nhân” đã đến cơ quan chức năng trình báo sự việc. Anh này cho biết đêm hôm đó sau khi nhảy xuống sông đã bơi vào bờ phía địa phận phường 25 (quận Bình Thạnh). Tuy nhiên, sau khi bơi vào bờ, thanh niên này không đến cơ quan chức năng trình báo mà về nhà ngủ một giấc ngon lành.

Lính cứu nạn, cứu hộ và 1001 câu chuyện dở khóc dở cười -1
Sau khi cãi nhau với người yêu, nam thanh niên nhảy sông, bơi về nhà ngủ khiến lực lượng cứu nạn, cứu hộ vất vả suốt đêm lặn tìm.

Khi những ông “thần nhậu” và trốn nợ bày trò

Trung tá Đào Quốc Trung cho biết, khu vực Thanh Đa, phường 27, quận Bình Thạnh, rồi cầu Sài Gòn, hay khu vực cầu Kiệu, đường Nguyễn Văn Trỗi, quận 3... còn có một số vụ việc khác cũng bi hài không kém. Trong đó có vụ mấy người đàn ông sau khi nhậu xỉn đã thách thức nhau bơi qua kênh khu vực Thanh Đa, một trong những người này đã bơi được qua kênh rồi cứ thế về nhà “vợ bé” nằm ngủ ngon lành. Bạn nhậu và người thân tìm mãi không thấy đã báo lực lượng chức năng hụp lặn miệt mài tìm kiếm...

Trung tá Đào Quốc Trung đến giờ vẫn nhớ vụ việc “có một không hai” cách đây mấy năm liên quan đến các “thánh nhậu”. Buổi sáng hôm ấy nhiều người dân sống trên đường Đỗ Xuân Hợp, đoạn gần cầu Cống Đập (còn gọi là cầu Nam Lý, phường Phước Bình, quận 9, nay là TP Thủ Đức) đi tập thể dục sớm thì phát hiện chiếc xe gắn máy BKS 59X2-550... nằm sát mé nhánh sông Rạch Chiếc.

Mọi người đến gần kiểm tra thì phát hiện có dấu vết cày từ mặt đường đến vị trí của chiếc xe nên nghi ngờ có chuyện chẳng lành, đã báo lực lượng chức năng. Hàng chục cán bộ, chiến sĩ CNCH nhanh chóng đến hiện trường lặn mò nhiều giờ đồng hồ dưới nhánh sông Rạch Chiếc, đoạn gần cầu Cống Đập để tìm nạn nhân nhưng không có kết quả. Quá trình xác minh biển số xe, công an nhận được thông tin chủ sở hữu chiếc xe này là anh C.N.A (ngụ đường Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh). Xác minh nơi ở của chủ chiếc xe thì được biết, chủ nhân chiếc xe đã bán nhà đi nơi khác sống nhiều năm nay.

Tưởng chừng việc tìm kiếm đã đi vào bế tắc thì chiều cùng ngày, một thanh niên tên Châu Anh Huy (30 tuổi, ngụ Trường Thọ, Thủ Đức) đã đến trụ sở công an nhận mình là người điều khiển chiếc xe gắn máy nằm ở mé nhánh sông Rạch Chiếc.

Huy khai vào tối hôm trước, sau khi làm việc xong (Huy là nhân viên bán hàng), Huy cùng nhóm bạn đi nhậu đến khuya mới về nhà. Khi đến khu vực cầu Cống Đập, do quá xỉn nên Huy loạng choạng tay lái khiến cả người và xe lao xuống mé sông. Chiếc xe máy mắc kẹt trên bờ, riêng Huy bị rơi xuống sông. Sau khi bơi được lên bờ, do quá xỉn, không thể khiêng xe máy lên, Huy bỏ mặc xe máy ở đây và đi bộ về nhà ngủ. Đầu giờ chiều, sau khi tỉnh, Huy phát hiện vụ việc của mình được đăng tải trên báo chí, hàng chục người nhái mò lặn tìm mình dưới sông nên hoảng hốt đến Cơ quan công an trình báo...

Lính cứu nạn, cứu hộ và 1001 câu chuyện dở khóc dở cười -1
Lặn tìm hai người nghi nhảy ao tự tử ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh.

Ngoài ra, có một số trường hợp bỏ tư trang trên cầu rồi nhảy xuống sông Sài Gòn, nhưng do biết bơi, đã vào được bờ mà không báo cho cơ quan chức năng, để mặc lực lượng CNCH vật vã kiếm tìm trong vô vọng...

Trung tá Đào Quốc Trung cho biết, có người do bị thiếu nợ nên đã “chơi chiêu” - dùng cách viết thư tuyệt mệnh kể lể nợ nần nhiều quá, không có đủ tiền để trả nên phải nhảy cầu tự tử... “Nhưng, đây thực chất là để trốn nợ, để chủ nợ khỏi truy tìm, vì nhảy xuống xong họ bơi vào bờ rồi trốn mất... Trong khi đó, lực lượng CNCH được báo tin đã phải triển khai người và phương tiện đến tìm kiếm trong nhiều giờ đồng hồ...”, Trung tá Đào Quốc Trung kể lại.

Cũng theo Trung tá Đào Quốc Trung, có một số trường hợp nhảy cầu, nhảy sông xong, do may mắn có tàu đi ngang qua đã cứu vớt rồi đưa vào bờ nhưng họ lại không báo với ai, trong khi lực lượng CNCH vẫn phải xuống ngay hiện trường áp dụng các biện pháp nghiệp vụ như hỏi các thông tin liên quan về thời gian, địa điểm, nạn nhân, nhân chứng, để khoanh vùng, lên kế hoạch tìm kiếm cho hợp lý... Ngoài ra, cũng phải quan sát địa hình, khu vực, dòng nước như thế nào để phán đoán việc nạn nhân sẽ bị cuốn đi hay trôi dạt ra sao để thu hẹp hay mở rộng phạm vi tìm kiếm...

“Nói chung, có rất nhiều việc phải thực hiện khi CNCH bất kỳ trường hợp nào và các cán bộ, chiến sĩ CNCH cũng luôn quyết tâm tìm kiếm cho bằng được nạn nhân khi được trình báo vụ việc, nhưng không tránh khỏi những vụ việc dở khóc dở cười như kể trên...”, Trung tá Đào Quốc Trung giãi bày.

Đáng nói, với những trường hợp “nạn nhân” như kể trên thì hiện biện pháp xử lý thường chỉ là nhắc nhở, phạt hành chính. Nếu có bị giữ lại thì sau đó cũng giao cho địa phương áp dụng các quy định xử phạt hành chính.

Có thể nói, bao năm qua, hình ảnh những người lính PCCC và CNCH đã cómặt trong nhiều hoạt động khi người dân yêu cầu hỗ trợ như chữa cháy, tai nạn, cứu người mắc kẹt trong thang máy, trên các tòa nhà hay công trình cao, người sử dụng ma túy gây rối trật tự công cộng, nhà sập, người đuối nước, lặn tìm tang vật trong các vụ án hình sự... Thậm chí, khi đàn ong làm tổ lớn trên cây, gây ảnh hưởng đến an toàn của bản thân, người dân cũng gọi điện báo cho lực lượng PCCC và CNCH. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết và hiểu hết được những tình huống dở khóc dở cười như kể trên.

“Đúng là nhiều khi rất khó chịu, nhưng nghĩ lại cũng thấy nhẹ nhàng vì biết họ qua khỏi và vẫn sống, như vậy cũng là có phước rồi. Đặc thù công việc của chúng tôi là làm vì cái tâm muốn giúp đỡ cũng như chia sẻ với sự mất mát của gia đình nạn nhân và tránh nhiệm cứu nạn, cứu hộ (trong trường hợp nạn nhân đã tử vong và đang mất tích phải tìm kiếm), “tìm cái còn trong cái mất” nên dù thế nào chúng tôi cũng coi như một phần trong công việc của mình mà thôi...” - Trung tá Đào Quốc Trung chia sẻ.

Phú Lữ
.
.