Ngay khi có thông tin về dịch COVID -19 xuất hiện trở lại ở Việt Nam, trên trang mạng xã hội, các hội nhóm kín, mở cũng tái xuất lực lượng “bác sĩ, thần y” online tranh nhau bày cách phòng ngừa, chữa trị căn bệnh này và không quên nhiệm vụ chính là… bán hàng online không rõ nguồn gốc, xuất xứ…
Trên nhóm “hỗ trợ điều trị COVID-19” có hơn 2.000 thành viên tham gia mỗi ngày đều đăng nhiều câu hỏi về cách phòng ngừa, điều trị khi bị nhiễm COVID-19. Tại đây, nhiều người tự xưng là bác sĩ, lang y đã nhiệt tình đưa ra những bài thuốc tây, thuốc ta, thuốc y học cổ truyền và thuốc dân gian cho các con dân lựa chọn.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên đeo khẩu trang nơi công cộng và tại bệnh viện để giữ gìn sức khỏe.
Tài khoản “Blouse xanh” tự xưng là bác sĩ y học cổ truyền có trên 30 năm kinh nghiệm đã đưa ra bài thuốc phòng ngừa COVID -19 bằng pháp trị “Tân ôn giải biểu”, cách gọi dân gian là xông bằng các loại lá như: Hành, tre, duối, bưởi, tía tô…cộng thêm tinh dầu và hương liệu thiên nhiên như quế, mùi. Bác sĩ “Blouse xanh” quảng cáo, các dược liệu trên rất thông dụng nhưng phải biết kết hợp theo tỷ lệ và pha chế đúng phương pháp thì mới hiệu quả. Vì thương bà con mình bị bệnh khổ sở lại không biết cách chữa trị nên “bác sĩ” online này đã dày công nghiên cứu và bào chế ra gói thuốc dược liệu chữa COVID -19 bằng bài thuốc “Tân ôn giải biểu”. “Trong gói thuốc đã có đầy đủ dược liệu cần thiết, có pha chế đúng tỷ lệ nên bà con cứ yên tâm sử dụng. Mỗi ngày xông 1 lần vào buổi sáng trước khi ăn. Nếu bệnh nặng thì xông 2 lần, đảm bảo sau 3 ngày sẽ hết triệu chứng và khỏe mạnh trở lại”, bác sĩ online quảng cáo.
Để chứng minh mặt hàng mình bán là uy tín và hiệu quả, bác sĩ online đã tung ra nhiều đoạn nhắn tin giữa người bệnh với bác sĩ, có nội dung ca ngợi công dụng của thuốc điều trị COVID-19 vừa tốt lại vừa lành, vì không cần sử dụng đến kháng sinh hay thuốc tây. Sau khi mời chào và tư vấn, thấy có nhiều người vào hỏi để mua thuốc, bác sĩ online đều bảo “inbox riêng”. Chúng tôi nhắn tin riêng cho bác sĩ online và được chào giá cho mỗi gói thuốc điều trị COVID-19 là 150.000 đồng/gói/lần xông. Bệnh nhân mua tối thiểu 6 gói, tức 3 ngày điều trị thì bác sĩ mới giao hàng. Trung bình mỗi người mua một liệu trình sẽ tốn hết 900.000 đồng, có nhiều người đã đặt một lúc 5 -10 liệu trình để phòng ngừa hoặc biếu tặng người thân.
Chữa COVID-19 bằng phương pháp đông y đã được các chuyên gia và bác sĩ đầu ngành xác định. Tuy nhiên, theo bác sĩ đông y Nguyễn Văn Dũng (Trung tâm Nghiên cứu dược liệu Tuệ Đức) thì, các bài thuốc đông y điều trị bệnh COVID-19 cũng như các loại bệnh cảm cúm, phong hàn cần phải có hướng dẫn cụ thể của bác sĩ đông y có chuyên môn. “Bệnh nhân đặt niềm tin vào bác sĩ trên mạng để mua thuốc đông y về điều trị có nguy cơ gặp phải biến chứng nguy hiểm, vì chúng ta không thể kiểm định chất lượng của thuốc, về nguồn gốc thuốc, thành phần trong thuốc có đảm bảo an toàn không”, bác sĩ Dũng cảnh báo.
Thông tin sai sự thật, nhiễu loạn gây hoang mang về COVID-19 lan truyền trên mạng xã hội thời gian gần đây.
Phó giáo sư Nguyễn Thị Bay, nguyên Trưởng bộ môn Y học Cổ truyền Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay chưa có bài thuốc dân gian nào được khẳng định có thể chữa khỏi COVID-19. Các bài thuốc cổ phương hay các bài thuốc dân gian cấu tạo theo đối chứng lập phương, chỉ nhằm phối hợp với thuốc và các phương pháp y học hiện đại, hoặc hỗ trợ giảm nhẹ diễn biến, giảm nhẹ biến chứng, không tiến triển thành nặng.
Việc sử dụng thuốc y học cổ truyền để điều trị COVID-19 nên được chỉ định bởi các bác sĩ có chuyên môn trên cơ sở khám và chẩn đoán y học cổ truyền cá thể hóa. Sau khi được chỉ định và có toa thuốc y học cổ truyền, người dân cần sắc và sử dụng đúng theo hướng dẫn của thầy thuốc nhằm đạt hiệu quả điều trị.
Việc sử dụng phương pháp không dùng thuốc y học cổ truyền có thể được thực hiện tại nhà như: Phương pháp dưỡng sinh, các bài tập thở có thể giúp giảm stress cho những người mắc COVID-19 được điều trị tại nhà, phương pháp thực dưỡng có thể thực hiện thông qua hướng dẫn trực tuyến với các bác sĩ y học cổ truyền, phương pháp châm cứu, cần người có chuyên môn để thực hiện.
Coi chừng rước họa vào thân
Ngoài các bác sĩ đông y tự xưng, trên hội nhóm còn “mọc” ra bác sĩ tây y không ngừng “nổ” về kinh nghiệm nghề y của mình. Khoe mẽ bản thân, đưa ra vài clip nói chuyện về nghề y, các “bác sĩ” này bắt đầu rao bán hàng hóa là thuốc chữa bệnh. Tài khoản “Tần Anh”, tự xưng là bác sĩ tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, có thời gian dài tu nghiệp ở Anh quốc về ngành đa khoa đã quảng cáo hàng loạt loại thuốc điều trị COVID-19 của Nga, Mỹ, Ấn Độ… rất được ưa chuộng. “Bác sĩ có nhiều bạn bè ở nước ngoài nên hàng lúc nào cũng có sẵn để giúp đỡ bà con Việt Nam mình”, dòng giới thiệu sản phẩm và bên dưới vị bác sĩ online chụp ảnh về lọ thuốc điều trị COVID-19 Molnupiravir của Mỹ.
Các bài thuốc xông được bác sĩ online hướng dẫn người dân trên mạng xã hội.
Phía dưới phần bình luận có hàng chục người nhắn tin hỏi giá và nhận báo giá. Là một trong nhiều người có chung nỗi lo “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, chị Nguyễn Thu Hương (phường Tân Quy, quận 7, TP Hồ Chí Minh) bày tỏ: “Mỗi ngày nhận thông tin số ca F0 tăng cao tôi lại lo lắng. Do vậy, tôi đã tìm mua các loại thuốc điều trị COVID-19 để phòng khi gia đình có người mắc triệu chứng thì uống”.
Ngoài thuốc Mỹ, các loại thuốc đặc trị của Nga cũng được rao bán rất nhiều. Tài khoản tên Tuyết Nhung trong nhóm “Alo bác sĩ” tự nhận là dược sĩ, ngày nào cũng có bài đăng về biến thể của COVID -19, cũng như cảnh báo về mối nguy hại của dịch bệnh này. Sau đó, “dược sĩ” online đăng bán thuốc điều trị COVID-19 Arbidol 200mg của Nga với công dụng phòng ngừa và điều trị hiệu quả COVID-19, giá bán 300.000 đồng - 350.000 đồng/hộp 10 viên; thuốc Areplivir của Nga là thuốc đặc trị có giá cao hơn từ 2,2 - 2,5 triệu đồng/hộp.
Không chỉ có bài thuốc trên mạng xã hội, các hội nhóm còn lan truyền bài thuốc sử dụng Đông - Tây y kết hợp đảm bảo điều trị khỏi COVID-19 như: “Ngày 3 lần, mỗi lần nhai 3 tép tỏi, uống nhiều nước chanh gừng hoặc trà gừng, xông hơi với gừng, sả, tỏi, hành tím và dầu gió. Khi khó thở thì uống thêm 1 viên Aspirin và 1 viên Amoxicillin”. Hoặc “xông hơi bằng sả, dầu, 1 muỗng cà phê giấm (con virus nấm nó sợ chua), xông 2 lần mỗi ngày. Uống nước chanh nóng hàng ngày, nếu người lớn tuổi thì thêm vài lát gừng vào cho ổn định huyết áp”.
Đáng chú ý, trên một số tài khoản mạng xã hội còn nhận định, việc điều trị COVID -19 tương tự với bệnh hen hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và đưa ra những hướng dẫn về bài thuốc trị COVID -19 như một chuyên gia thực thụ. Những bài viết này đã được nhiều người lan truyền, hiệu quả đến đâu vẫn không ai có thể kiểm chứng. Trong khi đó, một vấn đề khác nảy sinh, khi những bác sĩ online tự xưng tái xuất sẽ kéo theo thông tin nhiễu loạn trên mạng xã hội về các loại thuốc, kit xét nghiệm, cách chữa, cách phòng, chống COVID-19 khiến người dân, nhất là các F0 điều trị tại nhà hoang mang.
Gia đình chị Vân Hương (quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) vừa bị nhiễm COVID -19 nên rất lo lắng. Chị Minh lên các hội nhóm tìm đọc thông tin và thuốc điều trị. “Tôi tìm thấy nhiều bác sĩ cũng như bài thuốc, có người khoe về loại thuốc giúp bất tử mà không bị nhiễm COVID-19. Nếu chẳng may vẫn bị nhiễm cũng sẽ khỏi trong 3 ngày khi dùng sản phẩm của bác sĩ online. Khi gọi điện thoại và tìm hiểu kỹ thông tin tôi nhận ra nhiều bác sĩ không tồn tại hoặc là bác sĩ giả mạo”, chị Vân Hương kể.
Còn gia đình anh Lê Trường Nhật (ngụ P. Phước Long, TP Thủ Đức) dù chưa ai bị nhiễm COVID-19 nhưng lên mạng và nghe lời bác sĩ online tư vấn và bán thuốc, anh đã xuống tiền mua một hộp thuốc Ấn Độ, một của Mỹ và một của Nga để “nếu bị thì sẽ có hàng mà dùng”. “Mấy hôm trước có chị bạn của tôi đi du lịch về bị nhiễm COVID-19, tôi có ý định nhượng lại mấy hộp thuốc đã mua trên mạng cho chị ấy dùng. Sau khi biết thuốc tôi mua trên mạng không có hóa đơn chứng từ, không xác định rõ nguồn gốc, lại nghe theo tư vấn của bác sĩ online tự xưng thì chị ấy đã dạy cho tôi một bài học nhớ đời. Tôi cũng lặng lẽ bỏ luôn mớ thuốc đã mua”, anh Nhật chia sẻ.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyên người dân không nên hoang mang về dịch COVID-19 tăng trở lại.
Nhận định về tình hình số ca mắc COVID -19 đang có dấu hiệu gia tăng trở lại tại một số quốc gia, đặc biệt là Thái Lan, nơi đã ghi nhận hàng chục ngàn ca nhiễm và hàng chục trường hợp tử vong, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên Chi hội Truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh cho rằng, người dân không nên quá lo lắng trước việc số ca mắc COVID-19 tăng.
Bác sĩ Khanh nhận định, việc có người mắc COVID-19 và tử vong cần phải xét kỹ. Đó là ai, có bệnh nền không? Bệnh gì cũng có thể gây tử vong nếu người mắc đã yếu sẵn. Do đó, không nên chỉ nhìn vào con số mà hoảng loạn. Đừng đổ lỗi cho lễ, Tết hay đám đông. Virus hô hấp như COVID-19 thì đi chơi cũng lây, mà ở nhà cũng có thể bị lây. Quan trọng là phần lớn người dân hiện nay đã có miễn dịch nền nên nguy cơ chuyển nặng là rất thấp. COVID-19 bây giờ về cơ bản không khác gì cảm cúm thông thường. Những người mắc bệnh phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch hoặc người lớn tuổi. Nhóm này nên tuân thủ nghiêm các khuyến cáo về phòng bệnh hô hấp. Nhưng về cơ bản các biện pháp như đeo khẩu trang khi cần, rửa tay, giữ vệ sinh cá nhân, theo dõi triệu chứng… là áp dụng cho tất cả mọi người.
“COVID-19 đã được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm B, tương tự như cúm. Ngành y tế đã chủ động theo dõi và ứng phó, người dân cũng đã có miễn dịch cộng đồng. Không ai phong tỏa hay cách ly như trước nữa đâu. Người dân cần tỉnh táo, không hoang mang trước những tin đồn hoặc suy diễn trên mạng xã hội”, bác sĩ Trương Hữu Khanh đưa ra lời khuyên trấn an người dân.