“Lộc rừng” giữa đại ngàn Trường Sơn

Thứ Sáu, 17/02/2023, 21:35

Từ trung tâm thành phố Huế, vượt chặng đường gần 100 km, chúng tôi đến với đại ngàn Trường Sơn ở huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Tại đây, từ sau ngày rằm tháng Giêng, bông đót bắt đầu vàng ươm, tỏa mùi hương thơm giữa núi rừng Trường Sơn. Cũng vào thời điểm này, hàng ngàn người dân đồng bào các dân tộc Cơ Tu, Pa Cô, Tà Ôi, Vân Kiều… đi hái lộc rừng, giúp họ có thêm thu nhập.

1. Nắng ấm vừa lên, cũng là lúc chúng tôi dừng chân bên đèo A Co ở xã Hồng Hạ, huyện A Lưới. Giữa núi rừng Trường Sơn hùng vĩ, những cây đót đã nở hoa. Men theo triền đồi, chứng kiến người dân ở xã Hồng Hạ (huyện A Lưới) bàn tay đang thoăn thoắt bứt đót. Vừa bứt đót, bà Kăn Tin (67 tuổi, trú xã Hồng Hạ) cho biết: “Tôi bứt đót gần 20 năm nay. Số đót bứt được bán khoảng 120.000 đồng/ngày. Do tuổi cao nên tôi bứt được ít hơn so với những người khỏe mạnh trong làng. Nhưng với tôi, số tiền kiếm được từ bứt đót đã là quá quý. Nhờ bứt đót mà gần tháng nay, tôi mới có tiền mua sữa cho con dâu đang mắc bệnh hiểm nghèo, mua cho cháu nội tập vở, cây bút để đến trường tìm con chữ”.

“Lộc rừng” giữa đại ngàn Trường Sơn -0
Bà Kăn Tin có gần 20 năm làm nghề bứt đót

Đã có nhiều năm kinh nghiệm bứt đót mưu sinh, bà Kăn Tin cho biết, bứt đót ở các triền đồi, ven suối an toàn hơn nhiều so với việc đi vào tận các cánh rừng sâu. Thế nhưng, thời gian gần đây, khi đót ngày càng ít nên có nhiều hôm bà cũng phải trèo đồi vượt suối để bứt đót. Hầu hết, ngày nào sau khi bứt đót trở về nhà, bà Kăn Tin cũng như nhiều người trong xã cũng bị vết xước trên tay chân do gai cào lá cứa khi bứt đót.

Vượt đèo A Co, chúng tôi tiếp tục vượt núi rừng Trường Sơn. Hai bên vệ đường, bông đót được người dân phơi đầy thoang thoảng mùi hương thơm đặc trưng. Anh Hồ Văn Kền (người dân tộc Tà Ôi, trú thôn Pahy, xã Hồng Hạ) đang phơi đót, cho biết, bình quân một ngày anh có thể bứt được từ 25-30kg bông đót tươi. Người nào hái giỏi cũng được khoảng 50 kg. Phụ nữ, trẻ em sức yếu thì bứt được từ 12-15 kg. Sau khi hái trên rừng về, bà con thường bán đót tươi, một số gia đình phơi đót khô rồi bán cho các thương lái. Trung bình mỗi người thu về khoảng từ 150-300 nghìn đồng/ngày”. Theo kinh nghiệm của anh Kền, công đoạn hái đót khá vất vả, có nhiều trường hợp phải đối mặt với hiểm nguy bởi đót thường mọc từng bụi, lùm ở nơi có độ dốc cao. Muốn bứt đót, người hái phải một tay nắm giữ lá đót đoạn trên cùng, tay còn lại nắm bông đót kéo ngược về phía sau.

“Lộc rừng” giữa đại ngàn Trường Sơn -0
Chị Hoàng Thị Kén cùng người dân phơi đót

Ông Hồ Văn Lương, Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ cho biết, thời điểm này, có ngày cao điểm, trên địa bàn xã có cả hàng trăm người dân vào rừng, lên núi bứt đót. Trên địa bàn xã có khoảng 10 thương lái thu mua tại nhà và đến tận các khu vực người dân khai thác để thu mua. Hiện, đót tươi có giá 5.000 đồng/kg. Người dân cho biết, trước đây, khi chưa trồng keo tràm, cây đót mọc khắp rừng, chỉ mất vài giờ là có thể bứt đầy gùi mang về. Nhưng thời gian gần đây, việc bứt bông đót khó khăn hơn do có nhiều người cùng làm.

Già làng Nguyễn Hoài Nam, thôn Paring – Căn Sâm (xã Hồng Hạ) cho biết, mặc dù nghề bứt đót có phần hiểm nguy nhưng được cái “ông trời thương” nên nhiều năm nay, trên địa bàn chưa có trường hợp nào bị tai nạn nghiêm trọng khi đi bứt đót. Chỉ có một số trường hợp bị trầy xước hay bị ong đốt. Cũng nhờ nghề bứt đót mà nhiều người dân trên địa bàn có thêm thu nhập đáng kể, trang trải cuộc sống gia đình và con cái được đến trường. Tại các cuộc họp thôn, xóm, các già làng, trưởng bản ở huyện vùng cao A Lưới thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân cần thận trọng khi vào rừng mưu sinh nói chung cũng như đi bứt đót để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc.

“Lộc rừng” giữa đại ngàn Trường Sơn -0
Hoa đót bung nở trên các triền đồi, thung lũng, núi rừng ở huyện vùng cao A Lưới

2. Đến huyện A Lưới, qua lời giới thiệu của chị Hồ Thị Sương – Chủ tịch Hội phụ nữ xã A Ngo, chúng tôi tìm gặp chị Hoàng Thị Kén (64 tuổi, trú xã A Ngo, huyện A Lưới). Chị hiện là chủ nhiệm Hợp tác xã sản xuất chổi đót và gia công mỹ nghệ Hoàng Thiện. Từ một nông dân, chị Kén đã trở thành giáo viên dạy nghề làm chổi đót cho hàng ngàn chị em phụ nữ người dân tộc ở A Lưới. Chị Kén nhớ lại, năm 1982, do cuộc sống khó khăn nên chị rời quê và đi kinh tế mới tại huyện miền núi A Lưới. Đầu những năm 2000, chị Kén nhận thấy, cứ tầm vào tháng 2 đến tháng 3 hàng năm, trên địa bàn huyện cây đót bắt đầu trổ bông - là nguyên liệu để làm chổi đót mà thị trường rất ưa chuộng. Lúc đó, chị quyết định đi xe đò từ A Lưới về thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên-Huế) để học nghề làm chổi. Và cứ thế, đầu tuần chị lại lên xe đò về xuôi để học, rồi cuối tuần chị lại tranh thủ ngược lên A Lưới để chăm sóc gia đình, nhà cửa, chăm lo đàn lợn, vườn tược…

“Lộc rừng” giữa đại ngàn Trường Sơn -0
Sau hơn 3 giờ, một người thu được gần 20 kg đót

Sau khi học được nghề, chị Kén trở lại A Lưới đi thu mua đót của người dân rồi tự tay làm chổi để bán cho khách hàng. Từ làm nhỏ lẻ bán cho các đại lý và khách lẻ, chị Kén bắt đầu mạnh dạn mở rộng thành tổ hợp sản xuất rồi đến thành lập hợp tác xã. Cơ sở của chị Kén trung bình có khoảng 50 lao động làm việc bán thời gian. Có nghĩa là, ngoài việc chính của họ là chăn nuôi, trồng trọt, đi rẫy thì nhiều người dân làm thêm cho cơ sở chị Kén để có thêm thu nhập với mức lương dao động từ 2,5 đến 4 triệu đồng/người. Chị Kén nói: “Nghề này vừa dễ làm vừa tranh thủ được thời gian nhàn rỗi. Để có một cây chổi đẹp, mỗi người đảm nhận một công đoạn, từ mua đót, cân đót, phơi đót, rũ bông đót, phân loại, gia công cán chổi... Mỗi người làm một phần việc, vừa nhanh vừa chất lượng”. Mỗi tháng, hợp tác xã của chị Kén làm khoảng hơn 1.000 cái chổi, ngoài tiêu thụ trong huyện còn đưa đi tiêu thụ tại các tỉnh, thành như: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam.

Từ năm 2008 đến nay, chị Kén được Trung tâm dạy nghề huyện A Lưới mời để đào tạo nghề làm chổi đót cùng với các nghề thủ công khác   cho hàng ngàn phụ nữ dân tộc thiểu số tại các xã: Hương Phong, Hồng Thượng, Phú Vinh, A Ngo, Nhâm, Hồng Quảng, Hồng Bắc, Bắc Sơn, Hồng Thủy… Đã có rất nhiều học viên ở huyện biên giới A Lưới sau khi được chị đào tạo đã lấy nguyên liệu tại hợp tác xã chị Kén về làm. Đã có rất nhiều gia đình thoát nghèo nhờ vào làm nghề chổi đót.

“Lộc rừng” giữa đại ngàn Trường Sơn -0
Bạn trẻ thích thú khi được chụp ảnh bên hoa đót
“Lộc rừng” giữa đại ngàn Trường Sơn -1
Phụ nữ dân tộc thiểu số ở xã Nhâm, huyện A Lưới được học nghề làm chổi đót

Ông Nguyễn Đức Ngọc, người gắn bó với nghề làm chổi đót 10 năm qua ở xã A Ngo cho hay, nhà ông thu mua mỗi năm 3- 3,5 tấn đót; làm tầm 450-500 cái chổi cung cấp cho thị trường trong, ngoài tỉnh. Một mình tự làm tất cả các công đoạn, ngày cao điểm ông làm 10-12 cái chổi. Giá mỗi cái bán khoảng 80.000 đồng. Theo ông Ngọc, từ sáng sớm cho đến chiều tối, trung bình mỗi người dân có thể bứt được từ 50 – 60kg bông đót tươi. Tùy vào thời tiết và độ già mà bông đót có giá cả khác nhau. Thông thường 1 kg bông đót tươi có giá từ 5.000 - 6.000 đồng/kg, bông đót xanh và non thì có giá gấp đôi. Sau khi phơi 5 nắng, bông đót khô hẳn anh mới bán lại cho thương lái. Cây đót sau khi phơi khô sẽ được dùng làm chổi. Nghề chổi đót kéo dài 6-8 tháng. Bắt đầu từ giáp tết, người làm chổi đã bắt tay với công việc nhằm có sản phẩm phục vụ thị trường.

Theo TS Lê Quang Vĩnh, Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Huế, quá trình triển khai, thực hiện đề tài khoa học – công nghệ “Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển các mô hình lâm sản ngoài gỗ (LSNG) ở huyện A Lưới” do Trường Đại học Nông Lâm chủ trì, cho thấy, LSNG ở huyện A Lưới khá đa dạng, trong đó, nhóm vật liệu thủ công mỹ nghệ (đót, mây, lá nón…) người dân thường khai thác với số lượng lớn để bán ra thị trường. Thu nhập từ LSNG đã đóng góp thêm cho kinh tế gia đình của người dân thu hái LSNG ở một số xã của huyện A Lưới như Hồng Bắc, A Roàng, Hồng Hạ (chiếm 13,9 - 15,8% trong cơ cấu thu nhập các hộ có nguồn thu từ LSNG), bổ sung cho việc chi tiêu trong đời sống hàng ngày của người dân.

Tô Ngọc Lan
.
.