Tình trạng tảo hôn ở Lào Cai: Vẫn còn nan giải

Lời ru buồn trên đỉnh non cao

Thứ Sáu, 13/05/2022, 10:16

Tại một xã ở tỉnh Lào Cai hiện vẫn còn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống còn tồn tại đã để lại nhiều hệ lụy về sức khỏe, tinh thần cho người dân. Bước vào cuộc sống hôn nhân ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” các em dần thấm thía sự nghèo khổ, mơ ước được quay trở lại trường cùng chúng bạn nhưng mọi thứ đã quá muộn màng.

1. Con đường từ trường THCS Tả Giàng Phình, thị xã Sapa, vào nhà em Sùng Thị Sáo, xã Tả Giàng Phình toàn dốc quanh co khúc khuỷu. Nếu không nhờ vào “tay lái lụa” của cô giáo Nông Thị Thực và thầy Hiệu phó Hoàng Văn Tiến, có lẽ chúng tôi không thể nào đến được tới nơi.

Nhưng, với các thầy cô, những cung đường này đã quá quen thuộc, thậm chí vẫn còn dễ đi so với những con đường nhỏ còn nguy hiểm, khó đi hơn gấp nhiều lần. Có những tuần, các thầy cô phải đi lại cả chục lần trên những con đường ấy rồi cuốc bộ vào những thôn, bản sâu xa, vận động, tuyên truyền các em học sinh tảo hôn quay lại trường học.

Trường hợp của Sùng Thị Sáo có lẽ là trường hợp cô Nông Thị Thực tiếc nuối nhất bởi Sáo là học sinh giỏi của lớp. Dù cô đã vào khuyên nhủ, phân tích rất nhiều lần, thậm chí còn nhờ chính quyền địa phương can thiệp, nhắc nhở gia đình nhưng Sáo vẫn nhất quyết bỏ học đi lấy chồng.

Kì 1: Lời ru buồn trên đỉnh non cao -0
Thầy Hoàng Văn Tiến chia sẻ những khó khăn trong cuộc chiến chống tảo hôn ở Tả Giàng Phình.

Sáo sinh năm 2008, chồng Sáo sinh năm 1993. Hai đứa yêu nhau được 2 năm thì đến năm lớp 7, Sáo quyết định bỏ học lấy chồng dù thầy cô bạn bè ra sức ngăn cản. Khi chúng tôi đến, Sáo mới sinh con được gần 4 tháng. Thằng bé ngủ trong chiếc giỏ đựng hoa quả đặt ngay dưới nền nhà ẩm thấp, tối tăm. Căn nhà lụp xụp của gia đình chồng Sáo lắp ghép bằng những thanh gỗ là nơi sinh sống của mấy thế hệ. Mùi hôi nồng, ẩm thấp, cùng mùi phân gà, chó ngay cửa ra vào xộc vào mũi khiến chúng tôi rùng mình. Dù là ngày nắng nhưng căn nhà tuềnh toàng vẫn khiến chúng tôi cảm nhận được cái lạnh của vùng núi cao theo những cơn gió rít qua khe cửa. Ngày đông, căn nhà còn lạnh lẽo, ẩm thấp hơn gấp nhiều lần.

Hằng ngày chỉ có mẹ con Sáo cùng bà mẹ chồng ở nhà trông cháu. Chồng Sáo đi làm công nhân ở đâu, Sáo cũng không biết.Gần đây, Sáo nghe nói chồng mới xin đi làm công nhân phun thuốc sâu tại một khu trồng hoa ở trên thị xã Sapa, công việc vất vả và độc hại.Trước đó, cả nhà chồng Sáo chỉ ở nhà làm nương rẫy, trồng rau nuôi gà.

16 tuổi đã phải làm mẹ, giờ đây hằng ngày đối mặt với cuộc sống vất vả, thiếu thốn đủ bề, bà mẹ trẻ con này mới hối hận.Hỏi gì Sáo cũng bẽn lẽn không muốn trả lời. Nhưng, khi cô Thực tâm sự hỏi han, Sáo lại rơm rớm nước mắt, bảo em thấy hối hận vì không nghe lời cô. Vậy là cô trò lại sụt sùi an ủi, động viên nhau.

Kì 1: Lời ru buồn trên đỉnh non cao -0
Mỗi khi rảnh, Sùng Thị Mai ngồi bần thần nhìn ra phía cổng trường đầy tiếc nuối.

Cũng như Sáo, Vừ A Diệp sinh năm 2007, cũng bỏ học khi đang học lớp 9 để lấy chồng. Khác với Sáo được bố mẹ ủng hộ vì cho rằng con gái đã đến tuổi lấy chồng thì bố mẹ Diệp luôn động viên con tiếp tục việc học hành. Sau này tốt nghiệp cấp 3 thì có thể đi học lấy cái nghề để thay đổi cuộc sống. Thế nhưng, chỉ vì mải mê yêu đương, Diệp bỏ ngoài tai lời thầy cô và bố mẹ khuyên nhủ.

Chồng Diệp cũng chỉ hơn vợ 2 tuổi.Sau khi cưới, hai vợ chồng chỉ ở nhà làm nương.Công việc đồng áng vất vả khiến Diệp bắt đầu thấm thía cái khổ sở của việc lấy chồng sớm.Thấy các bạn cùng lớp hằng ngày vẫn được đến trường, không phải vất vả việc nhà, Diệp thèm được quay lại trường học nhưng đã quá muộn.

Trong số những em học sinh bỏ học sớm ở Tả Giàng Phình, có lẽ Hồ Thị Tùng may mắn hơn cả vì hai vợ chồng chung vốn với người họ hàng mở quán bún phở ở gần trung tâm xã nên có nghề để nuôi sống gia đình mà không phải vất vả việc đồng áng nặng nhọc như nhiều bạn bè cùng trang lứa khác. Lấy chồng cách đây 3 năm khi mới 15 tuổi, hiện Tùng đã có một bé trai hơn 2 tuổi. Nhưng, ở Tả Giàng Phình không phải ai cũng may mắn như Tùng.

Sùng Thị Mai cũng bỏ học lấy chồng cách đây hơn 1 năm khi mới 15 tuổi.Mai không đi làm nương mà xin làm thuê ở một quán bún phở gần trường THCS Tả Giàng Phình. Hằng ngày chứng kiến bạn bè cùng trang lứa đến trường, vui vẻ nô đùa khiến Mai hối hận lắm. Vừa ăn vội bát cơm, Mai vừa cúi mặt né tránh câu hỏi của chúng tôi vì ngượng, vì xấu hổ và cả vì buồn chán. Vợ chồng Mai vẫn chưa có con nên chồng Mai quyết định đi làm công nhân xa còn Mai ở nhà bưng bê, rửa bát thuê cho quán phở để kiếm đồng ra đồng vào. Mai bảo nếu bây giờ được quyết định lại, em chỉ muốn đi học như các bạn thôi.

Kì 1: Lời ru buồn trên đỉnh non cao -0
Dù cô Thực hết lời khuyên nhủ nhưng Sùng A Sáo vẫn quyết bỏ học giữa chừng để lấy chồng. Ảnh: BáoHà Nam.

Trong số những học sinh của cô Thực bỏ học giữa chừng để lấy chồng còn có Giàng A Say. Tình cờ, chúng tôi gặp Say đưa đứa con mới hơn 1 tuổi vào quán ăn trưa. Bập bẹ nói được vài tiếng Kinh, Say kể mình lấy chồng từ năm 16 tuổi.Năm nay, 19 tuổi đã một nách hai con.Người xã Giàng Tả Phình nhưng Say lấy chồng ở xã khác. Chồng đi làm công nhân xa, mấy mẹ con chỉ ở nhà nương rẫy, lo việc đồng áng, nhà cửa. Thỉnh thoảng không hỏi được chuyện Say, chúng tôi đành phải nhờ chị chủ quán phiên dịch.

2.Theo số liệu thống kê, giai đoạn 2018-2020, Lào Cai có 897 người tảo hôn và 5 cặp hôn nhân cận huyết thống, tập trung nhiều nhất ở các huyện Bắc Hà, Bảo Yên, Bát Xát và thị xã Sapa. Không chỉ vi phạm pháp luật, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết còn để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng, lâu dài đối cho cá nhân, gia đình và xã hội. Riêng năm 2020 có 311 người tảo hôn, chiếm 6,22%. Độ tuổi tảo hôn đối với nam từ 14-16 tuổi: 24 người; từ 17->19 tuổi: 102 người; đối với nữ từ 14->15 tuổi: 92 người; từ 16->17 tuổi: 82 người, chia theo dân tộc: Dân tộc Mông 244 người, dân tộc Dao 14 người và còn các dân tộc khác. Hôn nhân cận huyết thống có 1 cặp ở xã Nậm Mả, huyện Văn Bàn.

Hôm đến xã Y Tý, huyện Bát Xát, hỏi chuyện Phó Chủ tịch UBND xã Y Tý Lồ A Lử, anh bảo năm nay cũng có 4 trường hợp tảo hôn nhưng chính quyền cũng đã can thiệp kịp thời. “Một số trường hợp lấy từ xã khác thì chúng tôi trục xuất ra khỏi xã đồng thời liên hệ với xã bên kia đến đón người về.Năm ngoái, tôi cũng đã từng đi giải cứu 2 trường hợp tảo hôn. Một trường hợp mới 15 tuổi, khi nghe thông tin đôi trẻ đó đưa nhau về ra mắt gia đình là chúng tôi đã làm công văn đến UBND xã Nậm Chạp, yêu cầu họ đưa người lên ủy ban xã để chúng tôi đón về”, anh Lử kể.

Kì 1: Lời ru buồn trên đỉnh non cao -0
Giàng A Say tranh thủ cho con ăn bữa trưa rồi còn về lên nương.

Xã Pa Cheo cũng không ngoại lệ khi đây là xã đặc biệt khó khăn của huyện Bát Xát, với 624 hộ, hơn 3.000 nhân khẩu, 100% là đồng bào Mông, sinh sống ở 5 thôn. Đời sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, nhận thức của bà con còn hạn chế, trong đó tỷ lệ hộ nghèo chiếm 77,24%. Tình trạng tảo hôn trên địa bàn vẫn xảy ra và là nỗi trăn trở của chính quyền địa phương. Năm 2020, trên địa bàn xã có 20 trường hợp tảo hôn.Tình trạng này có xu hướng giảm trong năm 2021, với 13 trường hợp tảo hôn.

Theo các cơ quan chức năng, nguyên nhân tình hình tảo hôn tăng là do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, học sinh nghỉ học dài ngày, bố, mẹ đi làm ăn xa không về được, không có ai chăm sóc nên dẫn đến tình trạng các em có ý định tự về chung sống với nhau như vợ chồng. Bên cạnh đó, nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là do trình độ hiểu biết về pháp luật và những hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều nơi còn chưa cao. Một số địa phương do quan niệm, hủ tục lạc hậu đã ăn sâu vào nhận thức, trực tiếp ảnh hưởng và chi phối đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Họ cho rằng, con kết hôn sớm gia đình sẽ có thêm người lao động, kết hôn trong cùng họ tộc thì mới giữ được tài sản của gia đình, dòng họ. Điều đó dẫn đến việc dù tình trạng tảo hôn đã có xu hướng giảm nhưng vẫn chưa thể giải quyết triệt để ở những vùng sâu vùng xa.

(Còn tiếp)

Ngọc Trâm - Ngọc Anh
.
.