Lời sám hối bên dòng Krông Nô

Thứ Ba, 05/09/2023, 07:50

Sông Krông Nô cuồn cuộn khởi nguồn từ dãy núi cao Chư Yang Sin chảy tới vùng Đầm Ròn, huyện Đam Rông (Lâm Đồng) thì lại hiền hòa tới lạ. Những thác nước đang mùa hung dữ ngày đêm gầm gừ ai oán đột ngột biến mất. Dòng sông phẳng lặng, chắt chiu những hạt phù sa bazan nặng trĩu từ miền thượng đổ về.

Hoa màu được con nước nuôi dưỡng tốt tươi, làm nổi bật lên màu xanh mướt của lá, thăm thẳm của rừng già. Con sông trở thành ranh giới hành chính, bên kia là huyện Lắk (Đắk Lắk), bên này là Đam Rông (Lâm Đồng)…

Sông Krông Nô vẫn chảy...

Với cư dân địa phương, sông Krông Nô như bầu sữa mẹ, ngàn đời chở nặng phù sa. Con sông là chứng tích lịch sử, không mang ngôn ngữ như con người nhưng chứa đầy xúc cảm. Lúc giận giữ, dòng nước đục ngầu gầm gừ gào thét. Khi hiền hòa, con sông phẳng lặng, trong vắt như lời ru của mẹ. Chính dòng sông này, vùng đất nơi đây gắn với nhân chứng tội ác mà tổ chức FULRO đã gieo rắc, gây ra biết bao ám ảnh thương đau cho bà con.

Ông Liêng Hót Ha Sương giờ đã là một mục sư quản nhiệm Chi hội Tin lành Việt Nam (miền Nam) bon Ja Dih, xã Đạ Tông, huyện Đam Rông. Sự đức độ của ông có ảnh hưởng rất lớn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương, nơi hầu hết người Kho, Mnông... sinh sống.

Lời sám hối bên dòng Krông Nô -0
Mục sư Liêng Hót Ha Sương.

Từ ngày “trở về”, mục sư Ha Sương đã tích cực phối hợp với lực lượng Công an, chính quyền địa phương tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước có hiệu quả tới bà con thông qua những buổi sinh hoạt tôn giáo. Tiếng nói của mục sư Ha Sương và lực lượng chức năng đã góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh, phản bác lại những luận điệu xuyên tạc, kích động thù địch, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, giúp bà con nhận ra những việc làm sai trái, vi phạm pháp luật của các đối tượng, tổ chức phản động, vốn luôn lăm le lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng để xuyên tạc, bóp méo sự thật, vu khống Đảng và Nhà nước.

Không những vậy, nhiều năm qua, người đàn ông 80 tuổi này còn đồng hành cùng lực lượng Công an kiên trì tới từng gia đình, vận động bà con đoạn tuyệt các hủ tục lạc hậu như thách cưới, tảo hôn, nối dây, hôn nhân cận huyết thống, ma lai... Kết quả đó đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi đời sống văn hóa mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện xa xôi, hẻo lánh và nghèo nhất tỉnh Lâm Đồng.

Bây giờ, nhắc lại chuyện quá khứ, ông Liêng Hót Ha Sương vẫn thấy mình như còn có lỗi với cách mạng, với Đảng và Nhà nước. Chỉ vì thiếu hiểu biết, sau năm 1975, ông trót nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu tuyên truyền, xuyên tạc về chế độ do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Ông đã cùng nhiều người khác ở khu vực Đầm Ròn trốn chạy vào rừng đi theo “tiếng gọi” của FULRO.

“Ngày đất nước vừa giải phóng, mình chưa được tiếp xúc với chính quyền mới. Lúc này, bọn FULRO tràn về buôn hù dọa, phải theo nó lên rừng hoạt động. Nó nói ai ở lại trước sau cũng sẽ bị chính quyền giết hại, ăn thịt...”, ông Ha Sương kể lại. Vậy là hàng chục người trốn chạy lên rừng, đi theo tổ chức FULRO, bắt đầu những tháng năm đằng đẵng sống chui lủi, tủi khổ.

Lời sám hối bên dòng Krông Nô -0
Cán bộ Công an trò chuyện với mục sư Liêng Hót Ha Sương.

Trò lừa bịp của FULRO

Những người lớn tuổi ở xã Phi Liêng, huyện Đam Rông vẫn còn ám ảnh bởi hiện trường vụ tập kích do FULRO gây ra cho một gia đình kinh doanh tạp hóa ở đầu buôn. Đó là đêm khuya một ngày tháng 4/1979, chúng đã bất ngờ sát hại dã man vợ chồng anh Y Suk. Đứa con nhỏ 4 tuổi ngây thơ của họ đang ngủ say chúng cũng không tha. Các thi thể nằm trên những vũng máu. Mục đích ra tay của tổ chức này là cướp bóc tài sản, các loại lương thực, thực phẩm.

Cũng trong một đêm cuối năm 1979, khi buôn làng đang chìm trong giấc ngủ thì ngọn lửa bùng lên ở cuối buôn Bờ Sa, xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà. Tiếng người la hét hoảng loạn: “FULRO đốt nhà, bắt cóc mọi người đưa vào rừng rồi...”. Sáng hôm sau, người thân của họ liều mình vào rừng tìm kiếm. Mọi người đau đớn chứng kiến xác những người nông dân hiền lành bị đánh đập, máu me đầy mình, móc mắt và treo lên cành cây bên bờ sông Đạ Dâng. Lý do bị giết vì họ không có lương thực góp cho bọn chúng.

Ở Tây Nguyên sau năm 1975, tội ác mà tổ chức FULRO gây ra cho đồng bào các dân tộc nơi đây là kinh khủng. Tổ chức này cũng tiến hành hàng loạt vụ tập kích vào trụ sở cơ quan nhà nước, sát hại dã man và làm bị thương nhiều cán bộ, công an, dân quân...

Năm ấy, trốn chạy lên rừng theo FULRO, Liêng Hót Ha Sương cùng khoảng 40 người khác sống chui lủi trong các hang đá. Hằng ngày, ngoài đối mặt với nguy cơ bị lực lượng chức năng đuổi bắt, họ phải chống chọi với thú dữ và bệnh tật hành hạ không có thuốc men chữa trị. Thực phẩm để sống sót qua ngày là các loại rau, củ tìm được trong rừng. Mùa khô, khi quá đói, không kiếm được thức ăn từ rừng, họ liều đi bộ nhiều cây số ra ngoài, lén lút tới những vùng sản xuất nông nghiệp của bà con để đào trộm củ mì, bẻ trộm bắp hoặc bất cứ thứ gì có thể ăn được. Những lần đói mờ mắt, không trộm cắp được gì, họ liều mình nửa đêm lần mò về nhà cầu cứu gia đình. Không ít người trong số họ chỉ vì sai lầm nghe theo FULRO xúi giục đã phải bỏ mạng giữa rừng già mà không được chôn cất, hương hỏa.

“Sau 8 năm đi theo FULRO, họ đã cho ông được những gì?”, tôi hỏi. Liêng Hót Ha Sương chua chát nói: “Tất cả những gì chúng tôi nhận được là lời hứa suông... Không có gì ngoài sự đau khổ, tủi cực!”.

Lời sám hối bên dòng Krông Nô -0
Đường vào vùng Đầm Ròn, huyện Đam Rông, từng là địa bàn hoạt động của FULRO.

Năm 1982, lực lượng Công an tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương kiên trì tới vận động những người trong gia đình Ha Sương lên núi tìm kiếm, đưa ông trở về trình diện để nhận được sự khoan hồng. Lúc này, Liêng Hót Ha Sương đã hiểu quá rõ bản chất của FULRO. Sẽ chẳng có “xứ sở cờ hoa” nào chờ ông và bà con trong buôn cả. Đó chỉ là mồi nhử để những “con bài” như ông hăng say hoạt động cho chúng mà thôi. Sau 8 năm ròng rã đi theo FULRO, sống chui lủi trong rừng già, Ha Sương nhận ra tổ chức này là một lũ bịp bợm, chuyên lừa gạt bà con đồng bào dân tộc thiểu số thiếu hiểu biết để phục vụ mưu đồ chính trị cho một số cá nhân hưởng lợi. Khi được gia đình lên núi tìm kiếm, ông đã về trụ sở UBND xã trình diện.

“Chẳng ai ăn thịt, ức hiếp, đánh đập như tuyên truyền của bọn FULRO. Ngày về trình diện, tôi được cán bộ đối đãi tử tế, cho cơm ăn, nước uống, nói cho tôi nghe những chính sách ưu tiên của Đảng đối với người đồng bào. Làm gì có chuyện Cộng sản ăn thịt người!...”, ông Ha Sương lắc đầu bật cười về một thời suy nghĩ mê muội theo sự tuyên truyền, lôi kéo của tổ chức FULRO.

Lời sám hối bên dòng Krông Nô -0
Lời sám hối bên dòng Krông Nô -1
Cuộc sống của bà con vùng Đầm Ròn, huyện Đam Rông đang từng ngày phát triển.

Với trách nhiệm của một người đã được thức tỉnh trở về, ngay sáng hôm sau, Ha Sương đề nghị cán bộ xã cung cấp giấy bút. Ông đã viết thư, kêu gọi những người đang bỏ trốn trên rừng, hoạt động cho FULRO trở về trình diện để được đoàn tụ với gia đình, phối hợp tích cực với chính quyền nhằm sớm nhận được sự khoan hồng. Trong thư, ông nhấn mạnh: “Sẽ chẳng có ai bị đánh đập, bị ăn thịt như bọn FULRO vẫn thường nói với chúng ta!”. Nhận thư của Ha Sương, nhiều gia đình có người thân đang đi theo FULRO đã tỏa lên rừng tìm kiếm. Họ đi bộ nhiều ngày trời, lần theo dấu vết của người thân để lại, khi tới núi Liêng Tình Tang thì bắt gặp toán người của buôn theo FULRO đang lẩn trốn. Lần lượt họ được đưa về địa phương trong diện mạo vật vờ, ốm yếu tới kiệt sức vì sau nhiều năm ăn đói mặc rét, bệnh tật không thuốc chữa. Tiếc thay, một số người đã không có ngày trở về. Họ nằm lại nơi rừng thiêng nước độc, không người hương hỏa, không còn tìm thấy xác. Bệnh tật hoành hành, đói kém, thiếu ăn triền miên, sống trong nỗi hoảng sợ, chui lủi đã bòn rút chút sinh lực cuối cùng trong họ.

“Nghe và đi theo FULRO là một sai lầm khiến nhiều người phải trả giá bằng cả tính mạng”, ông Liêng Hót Ha Sương sám hối về sự lựa chọn của thời còn thiếu hiểu biết. Ngày nay, dù đã bước sang tuổi 80, mục sư Ha Sương với uy tín và tầm ảnh hưởng sâu rộng của mình trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hằng ngày ngoài hướng dẫn bà con hành lễ, sống tuân thủ pháp luật theo phương châm “Sống phúc âm, phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và dân tộc”, ông còn nhiệt tình đồng hành cùng lực lượng Công an đấu tranh, phản bác lại luận điệu xuyên tạc, lôi kéo, kích động, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch...

Khắc Lịch
.
.