Lớp học ngoại ngữ nương cửa chùa

Thứ Hai, 17/07/2023, 11:40

Chùa Lá nhỏ xíu, nằm nép mình lặng lẽ, bình yên trong con hẻm nhỏ đường Quang Trung, phường 14, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh nhưng luôn tấp nập, nhộn nhịp người vào ra. Họ đến chùa không chỉ tìm về chốn bình yên nơi cửa Phật, mà đến để học ngoại ngữ.

Trung tâm ngoại ngữ Thiện Nhơn ở chùa Lá dạy 6 ngoại ngữ: Anh, Trung, Nhật, Hàn, Pháp, Đức suốt 13 năm qua bằng những tấm lòng thiện nguyện...

Ngôi chùa dạy 6 thứ tiếng

Gọi là chùa Lá nhưng nơi này không có biển hiệu, phần lớn diện tích đều dành cho việc giảng dạy ngoại ngữ với 6 phòng học và 1 phòng sinh hoạt dành cho các tình nguyện viên nước ngoài, lối vào chùa cũng được trưng dụng làm quầy ghi danh. Cũng bởi diện tích khá khiêm tốn nên các lớp học phải xoay vần theo thời khóa biểu từ sáng sớm cho đến tối khuya mỗi ngày và luôn kín chỗ, thậm chí những khi số lượng học viên quá tải thì một góc chánh điện cũng trở thành nơi luyện giao tiếp. Thương học viên không đủ chỗ học, thầy Thích Nhuận Tâm, Trụ trì chùa Lá, người sáng lập Trung tâm ngoại ngữ Thiện Nhơn đã dọn vào ở tạm trong một căn phòng nhỏ phía sau chánh điện, nhường chỗ cho các học viên.

Lớp học ngoại ngữ nương cửa chùa -0
Thầy Thích Nhuận Tâm với các học viên theo học ở Trung tâm.

Tại trung tâm ngoại ngữ của chùa Lá, bất kể ai yêu thích ngoại ngữ đều có thể đến học. Mặc dù miễn phí nhưng không có nghĩa là dạy hời hợt qua loa, các lớp học đều được dìu dắt bởi những thầy cô có kinh nghiệm và chuyên môn cao, bao gồm cả giáo viên người nước ngoài như: Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp với giáo trình do chính họ trực tiếp biên soạn và sưu tầm.

Ghé thăm lớp học tiếng Anh giao tiếp của cô Nguyễn Thị Ngọc Hương (55 tuổi), chúng tôi thấy sôi nổi lạ thường. Lớp học dành cho các em học sinh cấp 1, cấp 2 chẳng cần máy móc gì, cô giáo đứng sát bảng, viết các từ khóa, phát âm kèm theo ngữ điệu, bên dưới, các trò mạnh dạn xung phong phát biểu chứ không chỉ ngồi nghe cô độc thoại. Có được điều này đơn giản vì tất cả đến với lớp học đều là tự nguyện nên các em học thật lòng và giáo viên dạy với cái tâm, bằng cả tấm lòng của mình.

Cách đây 5 năm, khi còn đang công tác ở đơn vị viễn thông TP Hồ Chí Minh, công việc thường xuyên giao tiếp với đối tác người nước ngoài, cô Hương được bạn giới thiệu đến chùa Lá sinh hoạt câu lạc bộ tiếng Anh với giáo viên người bản địa. Nhờ  được nghe nhiều hơn, đa dạng hơn, công việc vì thế cũng thuận lợi hơn. Như một ân duyên, cô quay lại chùa Lá dành những ngày cuối tuần chỉ dạy cho các học viên suốt một năm nay. “Đứng lớp với tâm thế tự nguyện muốn tất cả các bạn phải hiểu bài chứ không phải chạy theo giáo án, mình cảm thấy thoải mái hơn trong truyền đạt kiến thức, chỉ dạy các em với tất cả nhiệt tâm của mình”, cô Hương tâm sự.

Còn với cô bé Lê Phạm Thanh Trúc, 11 tuổi, ngụ quận 12, thì cuộc hạnh duyên đến với Trung tâm ngoại ngữ chùa Lá ngay từ năm em lên lớp 4, được mẹ chở đến tham gia lớp tiếng Anh tại chùa, học thử một lần rồi mê luôn. Đến nay, đều đặn mỗi cuối tuần em đều từ quận 12 xuống Gò Vấp để theo thầy, theo lớp. Trúc cho biết: “Bản thân em rất muốn học thêm ngoại ngữ để củng cố kiến thức, nhưng không có tiền để theo học ở ngoài. May mắn được biết đến trung tâm, được các thầy cô tận tình chỉ dẫn, kỹ năng nghe nói của em tiến bộ hẳn”.

Lớp học ngoại ngữ nương cửa chùa -0
Cô Nguyễn Thị Ngọc Hương và các học sinh lớp tiếng Anh giao tiếp.

Gắn bó với trung tâm gần 4 năm nay, cô giáo trẻ Nguyễn Thu An, 38 tuổi, giảng dạy môn tiếng Trung được các học viên ví là nguồn cảm hứng giúp lớp học hăng say, sôi nổi và tiếp thu bài tốt hơn. Lớp học dẫu bắt đầu khá trễ nhưng không vì thế mà không khí uể oải, ngược lại những từ vựng cũ, mới được cô trò đưa ra cùng phân tích sôi nổi, giữa giáo viên và người học dường như không có khoảng cách. Và, hơn hết, như cô An tâm sự: “Những lớp học ngoại ngữ ở chùa Lá còn là ngôi nhà chung cho cả học viên và giáo viên. Vậy nên, dù bận rộn khi vừa trông con nhỏ, vừa theo học nghiên cứu thạc sĩ ngành tiếng Trung, mình vẫn ưu tiên thời gian tới lớp mỗi cuối tuần. Chùa Lá cho mình nhiều kinh nghiệm hơn trường lớp, giúp mình hiểu được tâm lý học viên cần gì để dạy chứ không chỉ là giáo án khô khan”.

Gương mặt mới mẻ và trẻ trung nhất của lớp là Huỳnh Ngọc Trâm Anh, 21 tuổi, sinh viên Trường Đại học Lao động xã hội, đến với lớp tiếng Trung bằng một tinh thần nhiệt thành và sôi nổi. Trâm chia sẻ, những lớp học của thầy Nhuận Tâm giúp sinh viên tỉnh lẻ như tiết kiệm chi phí ăn học, nhờ học ngoại ngữ ở đây mà tích lũy được thêm các kỹ năng, hoàn thiện vốn tiếng Trung để làm việc tốt hơn khi ra trường. Kiến thức học được không chỉ là ngoại ngữ mà còn là lòng nhân ái, tình thương và cả những điều bổ ích trong cuộc sống”.

Điều đặc biệt là học viên đến lớp không chỉ đơn thuần được học ngoại ngữ, chùa Lá còn tổ chức thêm các lớp học miễn phí về thư pháp, thiết kế đồ họa, Photoshop, các câu lạc bộ tiếng Anh và đàn guitar. Là chủ doanh nghiệp, mặc dù bận rộn, anh Lê Văn Ninh, 45 tuổi, giám đốc một công ty vẫn quyết định chọn chùa Lá làm nơi cộng tác với tinh thần thiện nguyện. Anh chọn dạy lớp đồ họa Corel là thế mạnh của mình và may mắn được rất nhiều học viên yêu thích. “Mình có cơ duyên quen biết với thầy Nhuận Tâm, thường xuyên ghé chùa Lá, cảm nhận rất rõ nhu cầu học thiết kế đồ họa của các em sinh viên chuyên ngành maketting nên đã ngỏ ý muốn hướng dẫn. Lần bén duyên ấy kéo dài đến tận hôm nay”, anh Ninh chia sẻ.

Lớp học ngoại ngữ nương cửa chùa -0
Em Huỳnh Ngọc Trâm Anh tại lớp học ngoại ngữ Chùa Lá.

Kiến thức bao la từ mái chùa nhỏ

Thầy Thích Nhuận Tâm tên thật là Huỳnh Kính, quê ở xã Tam Mỹ, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Năm 14 tuổi, ông vào TP Hồ Chí Minh làm nhiều nghề lay lắt kiếm sống qua ngày. 4 năm sau ông quyết định xuất gia, đồng thời theo học Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp, nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh. Giữa năm 1995, với số tiền ít ỏi dành dụm được cùng sự giúp đỡ của bạn bè, ông đã mua một mảnh đất trống bên bờ kênh Tham Lương, quận Gò Vấp rồi dựng ngôi chùa nhỏ đơn sơ bằng tranh tre nứa lá (tên gọi chùa Lá cũng xuất phát từ đây) lúc đó còn hoang vu, chung quanh là giang hồ, tội phạm. Là người tu hành nhưng ông vẫn rất quan tâm, trăn trở tâm niệm “mở cửa tri thức miễn phí” cho người nghèo. Vậy nên, sau khi ngôi chùa nhỏ được dựng lên, việc đầu tiên ông làm là mở lớp học tình thương xóa nạn mù chữ cho thanh niên thất học. Duyên khởi, ngày 17/1/2010, các lớp học tình thương chuyển sứ mệnh thành Trung tâm ngoại ngữ Thiện Nhơn miễn phí cho tất cả sinh viên và người lao động.

Chia sẻ về việc mở trung tâm dạy ngoại ngữ, thầy Nhuận Tâm bồi hồi nhớ lại: “Ban đầu tôi nghĩ tới việc nuôi trẻ mồ côi, cơ nhỡ nhưng lại trăn trở mãi việc chưa có ngôi chùa nào dạy ngoại ngữ miễn phí trong khi bản thân là người từng học ngoại ngữ, thấy rằng trong thời buổi hội nhập này, ngoại ngữ là vốn kiến thức vô cùng cần thiết, hữu ích. Nhưng, có một thực tế là sinh viên nghèo từ các tỉnh lẻ lên thành phố hoàn cảnh khó khăn không thể theo học tại các trung tâm đắt đỏ, nên tôi đã mở lớp học ngoại ngữ miễn phí cho các em”.

Thuở duyên khởi, những tưởng không trụ vững vì thiếu thốn trăm đường, nào là cơ sở vật chất, nào là tiền điện nước, chi trả phí cho giáo viên... Để có được những lớp học như ngày hôm nay, ông đã phải chật vật xoay xở, làm nhiều việc cùng lúc như viết thư pháp, bán đá phong thủy cùng sự ủng hộ của các “Mạnh Thường Quân”. Đích thân ông còn đến từng trường đại học, cao đẳng như Đại học Công nghiệp, Đại học Ngoại ngữ, Học viện Phật giáo, Cao đẳng Công nghệ TP Hồ Chí Minh... trình bày tâm huyết của mình để thỉnh mời các giảng viên ngoại ngữ tới giúp cho lớp học ở chùa Lá, tạo sự hứng thú, nâng cao khả năng tiếp thu cho học viên. Mọi sự thuận lợi hơn khi Tổ chức giáo dục phi lợi nhuận AIESEC đã kết nối nhiều bạn trẻ yêu thích công tác tình nguyện đến từ Anh, Mỹ, Thụy Điển, Đan Mạch, Hà Lan, Đức, Malaysia đến góp sức giảng dạy. Đổi lại, họ được nhà chùa “trả lương” bằng cách dẫn tham gia cứu trợ người nghèo, tham quan các di tích lịch sử, tìm hiểu văn hóa Việt Nam.

Người dạy không công, người học miễn phí, từ 30 học viên ghi danh khóa đầu tiên, thì nay trung tâm đã có 80 lớp học, với gần 3.000 học viên đều đặn mỗi khóa 3 tháng. Kết thúc khóa, học viên nào muốn thi chứng chỉ quốc tế mà thiếu kinh phí, trụ trì chùa Lá sẵn lòng cho mượn phân nửa tiền. Tiền trao tận tay, chẳng giấy tờ gì, chỉ kèm lời nhắn “khi nào có tiền thì các em gửi lại để thầy lo cho thế hệ sau”. Lời nhắn ngắn gọn vậy thôi mà từ đó đến nay chưa ai đi không quay lại. Mượn sư thầy mấy trăm nghìn đồng lúc khó, nhiều người chọn trả lại bằng ân tình cho bao lớp đàn em kế tiếp, có giáo viên kiên quyết không nhận tiền lương dẫu kinh tế còn eo hẹp.

Lớp học ngoại ngữ nương cửa chùa -0
Cô giáo Nguyễn Thu An hăng say giảng dạy cho học viên lớp tiếng Trung.

Cứ thế, suốt 13 năm ròng những lớp học ngoại ngữ tại chùa Lá vẫn lặng lẽ hoạt động và không ngừng phát triển. Khó khăn vẫn hiện hữu, nhưng khi được gợi ý về việc kêu gọi tài trợ, thầy Nhuận Tâm liền xua tay: “Làm văn hóa, giáo dục thì khó xin tài trợ lắm, nhưng theo tôi, cơ sở vật chất xây dựng được thì tốt, không được cũng chẳng sao. Dạy chữ là một chuyện, dạy làm người còn quan trọng hơn”.

Ông cũng kỳ vọng trong số hàng ngàn sinh viên theo học tại chùa Lá, sau này sẽ có những em thành đạt trở về quê nhà, lập ra những trung tâm ngoại ngữ miễn phí như kiểu chùa Lá. Riêng thầy Nhuận Tâm vẫn khắc khoải một mong mỏi, sẽ mở thêm một trung tâm ở Củ Chi để làm nơi tổ chức những buổi dã ngoại cho các học viên về tìm hiểu cội nguồn lịch sử nước nhà.

Ông Nguyễn Xuân Tình, 57 tuổi, tổ trưởng tổ 63, phường 14, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh cho biết: “Các lớp học ngoại ngữ miễn phí do thầy Nhuận Tâm mở đã tạo môi trường học tập tốt cho rất nhiều người không chỉ trong tổ dân phố. Sư thầy còn rất nhiệt tâm trong các phong trào, nhờ có sự vận động cung cấp nhu yếu phẩm của chùa Lá mà rất nhiều gia đình ở đây đã bình an vượt trong đợt dịch COVID-19. Khu phố luôn ủng hộ tinh thần phụng hiến trong hành trình tu tập của thầy và tạo điều kiện cho trung tâm lan tỏa tri thức”.

Ngọc Hoa - Nguyễn Nga
.
.