Luật Lực lượng tham gia bảo vệ An ninh, trật tự ở cơ sở - Nhu cầu cấp thiết từ cuộc sống

Thứ Năm, 14/04/2022, 09:05

Thực hiện phân công của Chính phủ, Bộ Công an được giao chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở. Đây là dự án luật quan trọng, góp phần thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng về bảo vệ ANTT.

Thực tế thời gian qua cho thấy, góp phần bảo vệ ANTT cho các vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, là “cánh tay nối dài” của lực lượng Công an, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT cơ sở đang ngày càng phát huy được năng lực, trách nhiệm của mình. Sự cần thiết của lực lượng này là không thể phủ nhận khi góp phần không nhỏ trong nhiệm vụ bảo vệ bình yên cuộc sống...

Kì 1: Chuyện thường ngày ở xã

Đầu năm 2021, trên quốc lộ 18 đoạn giáp ranh giữa xã Trung Nghĩa và thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh liên tiếp xảy ra các vụ mất cắp cáp của hệ thống điện chiếu sáng. Chỉ trong một thời gian ngắn, các đối tượng đã gây ra 15 vụ trộm dây cáp điện chiếu sáng trên quốc lộ 18, trong các khu dân cư trên địa bàn huyện Yên Phong và các địa bàn lân cận với giá trị thiệt hại khoảng 100 triệu đồng. Việc cắt trộm cáp điện không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn lưới điện, mà khiến người dân bất an. Trước tình hình đó, Công an xã Trung Nghĩa phối hợp với Công an Yên Phong xây dựng kế hoạch điều tra làm rõ.

Thiếu tá Nguyễn Văn Kiên, Trưởng Công an xã Trung Nghĩa kể rằng, những ngày ấy, công an xã huy động toàn bộ lực lượng, cả công an chính quy và công an xã bán chuyên trách. Suốt một tháng trời, cứ 9h đêm đến 5h sáng hôm sau, 2 tổ công tác lại mai phục tại những địa điểm nghi vấn. Ngay cả những hôm mưa gió, anh em vẫn ra đường bởi những ngày ấy, đối tượng trộm cắp mới hay ra tay. Kết quả những ngày “nằm bờ, ngủ bụi” ấy là các anh đã bắt quả tang 2 ổ nhóm toàn những đối tượng nghiện ngập, sống lang thang, lợi dụng đêm tối rủ nhau nhau đi cắt dây cáp điện chiếu sáng để đem bán lấy tiền mua ma túy.

Kì 1: Chuyện thường ngày ở xã -0
Công an xã Trung Nghĩa trước giờ tuần tra đêm.

Trong câu chuyện với chúng tôi, Thiếu tá Nguyễn Văn Kiên nói rất nhiều về sự đóng góp của lực lượng công an bán chuyên trách trong việc giúp anh em công an chính quy đảm bảo ANTT địa bàn; nếu không có lực lượng này, anh em công an chính quy sẽ vất vả hơn rất nhiều bởi Trung Nghĩa là xã có kinh tế phát triển, người dân chủ yếu làm nghề kinh doanh dịch vụ, buôn bán đồ gỗ mỹ nghệ nên lượng người từ nơi khác đến làm ăn khá đông, đây cũng là điều kiện để các đối tượng trà trộn thực hiện tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm trộm cắp tài sản.

Ngay sau khi về nhận nhiệm vụ, Ban chỉ huy Công an xã đã rà soát địa bàn và triển khai nhiều biện pháp đảm bảo ANTT, trong đó có mô hình “Camera khép kín địa bàn phục vụ công tác đảm bảo ANTT” bằng cách lắp 51 camera an ninh tại các ngõ, trục đường giao thông liên xã, những nơi phức tạp về ANTT. Toàn bộ dữ liệu từ các camera này sẽ được truyền trực tiếp đến hệ thống máy chủ đặt tại trụ sở công an xã. Việc lắp đặt hệ thống camera an ninh góp phần tích cực trong phòng ngừa các loại tội phạm; nâng cao ý thức cảnh giác của người dân, đồng thời giúp công an cơ sở phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật.

Với đặc thù phần lớn các hộ kinh doanh đồ mỹ nghệ, nguy cơ cháy nổ cao, công an xã đã tham mưu cho chính quyền thực hiện “Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy” thí điểm ở thôn Ngô Nội. Theo đó, cứ 10 hộ gia đình hình thành 1 tổ liên gia, cùng lắp một hệ thống chuông báo cháy. Nếu một nhà có cháy thì chuông các nhà còn lại đều báo động, các thành viên trong các gia đình đều có nhiệm vụ cùng tham gia chữa cháy.Mỗi nhà đều trang bị đầy đủ phương tiện phòng cháy chữa cháy.Từ thành công của mô hình này, đến nay đang mở rộng ra địa bàn toàn xã.

Nhờ cách làm sáng tạo này, 3 năm trở gần đây, Trung Nghĩa chỉ xảy ra 25-30 vụ việc cần phải giải quyết, không xảy ra những vụ án nghiêm trọng. Có được thành quả này, theo Thiếu tá Nguyễn Văn Kiên, có sự đóng góp rất lớn của các trưởng thôn, dân phòng và công an bán chuyên trách. Họ đều là những người sinh sống tại địa phương nắm bắt tình hình ANTT trên địa bàn rất nhanh và tích cực cùng công an chính quy quản lý địa bàn.

Xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh từng được coi là một trong những điểm nóng phức tạp nhất về tình hình ANTT của Hà Nội. Phụ trách địa bàn dài hơn 10 km, với hơn 20.000 dân nhưng ban đầu, khi triển khai chủ trương đưa công an chính quy về xã chỉ có 7 đồng chí, 22 công an viên. Vì thế, Trung tá Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng Công an xã Thanh Lâm, bảo rằng rất cần cả những công an viên bám sát địa bàn, gần dân, nắm bắt được mọi tình hình ANTT cũng như có khả năng tuyên truyền, thuyết phục. Ngay từ khi về nhận nhiệm vụ tại Thanh Lâm, Ban chỉ huy công an xã đã tham mưu cho UBND xã kiện toàn lại bộ máy, cho nghỉ việc những công an viên làm việc kém hiệu quả, đồng thời tuyển thêm người mới.

Thanh Lâm dù là xã thuần nông nhưng năm 2021 có gần 400 người từng có tiền án tiền sự, 21 phạm nhân đang thụ án, khoảng 100 người nghiện ma túy... Để bảo đảm ANTT cơ sở, các mô hình “Câu lạc bộ quản lý, giáo dục, tư vấn, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy” (Câu lạc bộ B93) ra đời với sự tham gia của nhiều thành viên, trong đó chủ đạo là công an bán chuyên trách. Lực lượng này sẽ trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc, giúp đỡ, tuyên truyền vận động những người nghiện để họ làm lại cuộc đời. Các tổ tự quản ANTT, tổ hòa giải cũng được thành lập tại các thôn xóm với nòng cốt là công an bán chuyên trách. Trước đây, một năm trung bình Thanh Lâm có từ 80-90 vụ việc phức tạp như trộm cắp, mâu thuẫn đánh nhau, tệ nạn ma túy thì 3 năm trở lại đây, tình hình ANTT được đảm bảo, giảm hẳn số vụ việc phức tạp. Năm 2020, Công an xã Thanh Lâm đã triệt phá nhiều tụ điểm ma túy phức tạp, trong đó tiêu biểu là vụ bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Hà (44 tuổi, ở thôn Đường 23, xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh), thu giữ 179 viên ma túy tổng hợp...

Còn ở xã Thanh Trù, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc có hơn 10.000 dân, chia làm 7 thôn dân cư thì mỗi thôn đều có công an viên phụ trách. Trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, công an bán chuyên trách cùng công an chính quy, y tế hoạt động tích cực trong phong trào phòng chống dịch, như tham gia trực chốt phong tỏa, phát giấy quyết định cách ly, hết cách ly cho người dân... Có đồng chí công an viên còn kiêm nhiệm trưởng thôn, hay bí thư chi bộ. Bên cạnh công an chính quy, lực lượng Công an bán chuyên trách là nguồn thông tin song hành rất quan trọng. Nhờ nắm chắc địa bàn, nắm chắc con người nên vài năm trở lại đây, Thanh Trù không xảy ra những vụ việc phức tạp, mọi mâu thuẫn đều được giải quyết ngay từ cơ sở...

Kì 1: Chuyện thường ngày ở xã -0
Công an xã Thanh Trù thăm hỏi, nhắc nhở người dân chấp hành đúng quy định cách ly.

Thực tế thời gian qua cho thấy, những vấn đề phức tạp về ANTT đều xuất phát từ địa bàn cơ sở, ban đầu là những vấn đề mâu thuẫn xã hội, nếu không được phát hiện, phòng ngừa, quản lý, giải quyết kịp thời, triệt để sẽ tích tụ, phát triển thành “xung đột xã hội”, tác động xấu đến tình hình ANTT, cuộc sống của người dân và an ninh con người, đe dọa sự ổn định chính trị, cản trở quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương, tại một số vùng, liên vùng và toàn quốc. Công tác bảo đảm ANTT, an toàn xã hội tại địa bàn cơ sở cần sự chung tay của toàn dân với vai trò nòng cốt của lực lượng công an xã, công an bán chuyên trách tại các thôn, bản.

Sau hơn 3 năm triển khai đưa công an chính quy về đảm nhiệm các chức danh công an xã, lực lượng công an bán chuyên trách tại các thôn, bản đã trở thành “cánh tay nối dài” của công an chính quy về xã, góp phần giảm áp lực công việc cho công an xã, thị trấn khi phải thực hiện nhiều nhiệm vụ chuyên môn và chính trị của địa phương; hỗ trợ rất tích cực cho công an chính quy trong công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; tham gia quản lý, giáo dục đối tượng tại cộng đồng dân cư; hòa giải hàng trăm nghìn vụ mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân từ cơ sở, ngăn chặn không để xảy ra mất ANTT; là nòng cốt trong công tác tuyên truyền, chuyển tải kịp thời đến nhân dân những quy định của pháp luật về ANTT, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội... để người dân kịp thời nhận diện, nâng cao ý thức cảnh giác và tự giác tham gia giữ gìn ANTT tại nơi sinh sống, góp phần phòng ngừa tội phạm có hiệu quả.

Toàn quốc hiện có 89.045 công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở cơ sở, 19.390 công an xã bán chuyên trách đang xem xét giải quyết chế độ, chính sách.

Theo dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT tự cơ sở, lực lượng công an xã bán chuyên trách sẽ thống nhất cùng bảo vệ dân phố, dân phòng thành một lực lượng. Số lượng dự kiến hưởng phụ cấp từ ngân sách nhà nước khoảng 300.000 người (riêng dân phòng chỉ gồm đội trưởng và đội phó). Dự thảo luật đi theo hướng sắp xếp, kiện toàn 3 nhóm nêu trên, không làm tăng số lượng và tăng chi ngân sách nhà nước.

Từ góc độ của một chuyên gia pháp luật, TS Đỗ Đức Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở không chỉ sắp xếp tinh gọn đầu mối bên trong gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của từng tổ chức cơ sở mà còn giúp giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách và giảm chi ngân sách nhà nước.

Kì 1: Chuyện thường ngày ở xã -0

Theo ông Hà, nếu sắp xếp thống nhất 3 lực lượng: Bảo vệ dân phố, Dân phòng, Công an xã bán chuyên trách theo hướng bảo đảm mỗi thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư chỉ bố trí không quá 3 người thì có thể cắt giảm được khoảng 500.000 người, tương đương cắt giảm 375 tỷ đồng/tháng để chi hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở.

Trâm Anh (Còn tiếp)
.
.