Lung linh miền di sản Tuy An

Thứ Năm, 10/04/2025, 12:22

Dải đất Phú Yên trải dài từ đỉnh đèo Cù Mông đến đỉnh đèo Cả trên huyết mạch giao thông đường bộ xuyên Việt. Với bề dày lịch sử hình thành từ năm 1611 khi triều Nguyễn mở mang bờ cõi về phương Nam, nơi đây có địa danh Tuy An, xưa kia là phủ, sau này là huyện, được ví như một miền di sản của Phú Yên.

1. Ông Huỳnh Gia Hoàng - Chủ tịch UBND huyện Tuy An, chia sẻ: “Trong số 3 di tích quốc gia đặc biệt và 20 di tích, danh thắng quốc gia trên địa bàn tỉnh Phú Yên, có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 9 di tích danh thắng quốc gia ở huyện Tuy An cùng với nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể như kèn đá, đàn đá, nghệ thuật bài chòi, hát tuồng, hò bá trạo, hát lăng, lễ hội cầu ngư… Tất cả đã trở thành nguồn di sản quý báu và là niềm tự hào của các thế hệ ở Tuy An; đã gìn giữ, bảo tồn và phát huy xuyên suốt chiều dài lịch sử hàng trăm năm qua”.

Lung linh miền di sản Tuy An -0
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (giữa) và TS Katherine Marin, nguyên Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, trong lần về Phú Yên đã lắng nghe âm thanh đàn đá, kèn đá Tuy An. Ảnh: Trần Quới.

Đầu tiên phải kể đến Di tích quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa - một điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Nhìn từ xa, di tích như một tổ ong khổng lồ bên biển, được cấu tạo bởi những khối đá hình trụ thế đứng hoặc nghiêng. Mỗi trụ kết nối từ những phiến đá giống như những chiếc đĩa hình lục giác chất chồng, óng ả màu đen. Chuyện xưa kể rằng, có đôi vợ chồng giàu sang nhất vùng, nhưng vợ lâm bệnh chết sớm, chồng trích tiền, vàng ban tặng người nghèo, phần còn lại giấu trong kho báu bên biển. Nhiều kẻ gian tìm kiếm bất thành bèn chất củi đốt thì dông lốc ập đến, nhiều tiếng nổ dội vang.

Đến sáng hôm sau, cư dân trong vùng nhìn thấy nơi này hóa thành gành đá với hàng triệu “đĩa đá” chất chồng giống những cọc tiền hình trụ. Một tích khác cho hay, xưa kia các vị thần tiên chọn cảnh quan nơi này để đối ẩm, bình thơ trong những đêm trăng, do say men rượu sau cuộc tiệc nên chén vàng, đĩa ngọc bỏ quên, lâu ngày hóa đá.

Các nhà khoa học nhận định Gành Đá Đĩa hình thành từ núi lửa ở cao nguyên Vân Hòa. Nham thạch núi lửa phun trào ra biển bị đông cứng khi tương tác nước lạnh kết hợp hiện tượng ứng lưu làm cho khối nham thạch khổng lồ rạn nứt đa chiều, kiến tạo nên kỳ quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Hơn 24 năm sau khi được công nhận là Di tích danh thắng quốc gia, đến cuối năm 2020, Gành Đá Đĩa được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Bên đỉnh dốc Vườn Xoài trên đường Quốc lộ 1A qua xã An Dân có ngôi chùa Từ Quang được xếp hạng Di tích lịch sử và nghệ thuật quốc gia cách đây hơn 28 năm. Ngôi chùa này do thiền sư Thích Diệu Nghiêm, thuộc phái Lâm tế đời thứ 36 khai sáng năm Đinh Tỵ (1797). Mặt chùa hướng về sông Bình Bá  -  nơi có cây cầu Ông Cọp gần 30 tuổi đời, dài 800m và hiện là cầu gỗ dài nhất Việt Nam, thu hút đông đảo du khách khám phá, trải nghiệm.

Lung linh miền di sản Tuy An -0
Di tích danh thắng quốc gia Hòn Yến. Ảnh: Hữu Toàn.

Ngoài nét vẻ tôn nghiêm giữa cảnh quan thiên nhiên thanh tịnh và kiến trúc độc đáo của một danh lam cổ tự có đại hồng chung 330kg do Hòa thượng Pháp Ngữ đặt đúc tại Huế vào thời Hoàng đế Duy Tân năm thứ 9, đến chùa Từ Quang, du khách còn biết đến đặc sản xoài tiến vua trong ca dao “Xoài Đá Trắng, sắn Phường Lụa”. Tương truyền những lần dừng chiến thuyền trên vịnh Xuân Đài sau những trận đánh với quân Tây Sơn, chúa Nguyễn Ánh đã thưởng thức xoài Đá Trắng có vị thanh ngọt khác biệt. Dưới triều Gia Long, trái bòn bon ở Quảng Nam và xoài Đá Trắng ở Phú Yên đã trở thành “nhị bảo ngự thiện”.

Tại chùa Từ Quang vẫn còn 20 cây xoài cổ thụ đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Nơi đây còn là điểm tập hợp sĩ phu trong phong trào khởi nghĩa Cần Vương, chống Pháp ở Phú Yên, gắn liền tên tuổi các bậc lãnh tụ Lê Thành Phương, Võ Trứ, Trần Cao Vân…

Cách chùa Từ Quang hơn 10km theo đường Quốc lộ 1A về phía Nam là đèo Quán Cau. Từ đỉnh đèo nhìn xuống là đầm Ô Loan rộng lớn. Tương truyền xưa kia có nàng tiên tên Loan mượn chim Ô thước bay từ trời xuống trần gian mải mê dạo chơi. Chim đói khát, sà xuống mặt đầm bên dãy núi Từ Bi ở huyện Tuy An ngày nay, dân gian mượn tên chim Ô Thước và tên nàng tiên Loan để ghép thành Ô Loan. Từ trên cao nhìn xuống, hình dáng mặt đầm tựa con chim đang xoãi cánh, trong đầm có nhiều đặc sản nổi tiếng như tôm đất, sò huyết, cua, ghẹ… Khi đêm buông xuống, mặt đầm rực rỡ ánh đèn giăng lưới, thả câu. Phong cảnh sơn thủy hữu tình của đầm Ô Loan tạo nguồn cảm xúc cho nhiều văn nghệ sĩ sáng tác thơ, ca, nhạc, họa và nhiếp ảnh.

Lung linh miền di sản Tuy An -0
Cặp kèn đá Tuy An. Ảnh: Hữu Toàn.

Phía Đông Nam Đầm Ô Loan là Di tích thắng cảnh quốc gia Hòn Yến với vẻ đẹp hoang sơ giữa sắc màu trong xanh của biển, những con sóng miên man vỗ nhẹ vào bãi cát trắng mịn màng. Các nhà khoa học nhận định Hòn Yến là kỳ quan địa chất hình thành từ hoạt động của núi lửa giống như Gành Đá Đĩa. Trong nắng mơ màng, ngồi trên tàu thuyền dạo biển Hòn Yến, du khách thỏa sức ngắm nhìn những rạn san hô nhiều màu sắc. Khi triều xuống, vẻ đẹp Hòn Yến hiện hữu những bãi đá và rạn san hô tuyệt đẹp.

2. Trong số 5 di tích, danh thắng quốc gia còn lại ở miền di sản Tuy An, có một phần Di tích danh thắng quốc gia Vịnh Xuân Đài. Dưới triều Vua Minh Mạng thứ 13, phái đoàn ngoại giao đầu tiên của Mỹ do ông Edmund Roberts làm trưởng đoàn đi thuyền Peacock vào Vũng Lắm nằm trong vịnh Xuân Đài, khởi đầu chuyến thăm chính thức nước Đại Nam đầu tháng 11/1832. Di tích khảo cổ quốc gia Thành An Thổ tọa lạc phía tả ngạn sông Cái, được xây dựng hoàn thành năm 1836 và là trung tâm hành chính của chính quyền phong kiến tỉnh Phú Yên thời bấy giờ. Đây cũng là nơi đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam cất tiếng khóc chào đời ngày 1/5/1904.

Di tích lịch sử mộ và Đền thờ Lê Thành Phương ở phía Nam đèo Quán Cau - một nhà chí sĩ yêu nước hưởng ứng Chiếu Cần Vương của Vua Hàm Nghi năm 1885, chiêu tập nghĩa quân Phú Yên khởi nghĩa chống Pháp xâm lược, được phong “Thống soái Quân vụ Đại thần”. Ông lãnh đạo nghĩa quân đánh nhiều trận, khiến giặc Pháp khiếp vía, kinh hoàng. Do có tay sai điểm chỉ nên ông bị giặc bắt, xử tử tại bến đò Cây Dừa, xã An Dân ngày 20/2/1887. Cách bến đò Cây Dừa không xa là Di tích lịch sử nơi diễn ra vụ thảm sát Ngân Sơn - Chí Thạnh. Đi về phía Tây Tuy An có Di tích lịch sử địa đạo Gò Thì Thùng - một căn cứ địa cách mạng với nhiều chiến công vang dội trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Lung linh miền di sản Tuy An -0
Bộ đàn đá Tuy An. Ảnh: Hữu Toàn.

Sẽ là một thiếu sót nếu nói về miền di sản Tuy An mà không nhắc đến những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đó là: bộ đàn đá có thang âm chuẩn nhất Việt Nam và cặp kèn đá tiền sử “độc nhất vô nhị”. Bộ đàn đá gồm 8 thanh do ông Huỳnh Văn Hồng, trú ở xã An Nghiệp lần lượt tìm thấy giữa năm 1990, trên triền núi Một ở quê nhà. Thấy đẹp, gõ vào nghe thanh âm như tiếng đàn, ông Hồng mang về nhà thì có người lạ tìm đến trả giá hai lượng vàng. Xã không cho chở đi nên bên mua cáo lui, ông Hồng cọc cạch xe đạp chở xuống huyện hiến tặng.

Hội đồng khoa học quốc gia nhiều lần đến Phú Yên nghiên cứu bộ đàn đá, kiểm đếm chỉ số hình học, trọng lượng rồi chở đến Nhà máy Z.755 Bộ Quốc phòng đo tần số âm thanh vào tháng 8/1992. Lúc đó, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ nhận xét bộ đàn đá Tuy An là loại nhạc cụ độc đáo, có hệ thống thang âm hoàn chỉnh nhất trong số 23 bộ đàn đá đã phát hiện ở Việt Nam. Còn cặp kèn đá tiền sử trông như hai cụ “cóc đá”; một “cụ” do ông Đỗ Phán, trú ở xã An Mỹ tìm thấy năm 1993, khi đào móng, xây chùa trên phế tích Chăm ở xã An Thọ; một “cụ” do các nhà sư chùa Thiền Sơn, xã An Hiệp lưu giữ. Trên thân hai cụ đều có 3 lỗ hình tròn, thổi hơi vào phát âm thanh như kèn.

Theo các nhà sư chùa Thiền Sơn, hai “cụ” “cóc đá” có nguồn gốc từ chùa Hậu Sơn, xã An Thọ; được ví như báu vật linh thiêng, chỉ dùng thay kèn hiệu mời gọi thiện nam tín nữ đến chùa ngày lễ hội. Chiến tranh thiêu cháy chùa Hậu Sơn năm 1964, Hòa thượng Thích Tâm Thân đưa hai “cụ” “cóc đá” lên ngựa, sơ tán xuống xã An Hiệp lập chùa Thiền Sơn. Do dốc núi chông chênh, ngựa thồ nhiều vật dụng nên phải bỏ lại “cóc đá” lớn. Không ngờ sau 30 năm lưu lạc, hai “cụ” “cóc đá” đoàn tụ, được đưa về Nhà máy Z.755 Bộ Quốc phòng đo tần số âm thanh.

Hội đồng khoa học quốc gia kết luận, người xưa sử dụng một phần hang hốc khối đá bazan có chứa aragonit để chế tác “ốc hiệu”, nhiều khả năng hai “cụ” “cóc đá” của người Chăm, có niên đại khoảng thế kỷ V trước Công nguyên đến thế kỷ VII sau Công nguyên.  Nhạc âm “cụ” “cóc đá” nhỏ nối dài thang âm, nhạc âm “cụ” “cóc đá” lớn vang vọng, sắc sảo hơn. Khi cả hai hòa tấu tạo nên những cung bậc âm thanh cuốn hút. Hai “cụ” “cóc đá” này là nhạc cụ khí hơi, có thể gọi là “kèn đá”. Nhạc âm cặp “kèn đá” trùng hợp với nhạc âm bộ “đàn đá” đều được tìm thấy ở Tuy An. Nét độc đáo của hai nhạc cụ tiền sử này là có thể hòa tấu với nhiều nhạc khí hiện đại, được các nghệ sĩ ở Phú Yên đưa đi trình diễn nhiều nơi trong và ngoài nước.

Lung linh miền di sản Tuy An -0
Du khách tham quan Di tích quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa.

Về miền di sản Tuy An, du khách còn được trải nghiệm không gian văn hóa đá nơi làng quê có Gành Đá Đĩa, với những công trình lâu đời bằng đá. Không bản vẽ thiết kế, không vật tư sắt thép, xi măng, nhưng từ bờ rào, lối đi bộ, mương thoát nước, bờ ruộng, bờ rẫy cho đến giếng nước, nhà bếp, chuồng bò, mộ táng… đều hình thành từ những tảng đá tự nhiên do người dân sắp đặt xen kẽ, kết nối với nhau đậm nét cổ xưa, vừa gần gũi, vừa lạ lẫm, trông như những tác phẩm nghệ thuật thu hút đông đảo du khách. Lên núi A Man tìm hiểu hàng trăm ngôi mộ cổ còn nhiều tiềm tàng bí ẩn về nguồn gốc, giá trị văn hóa, lịch sử, văn hóa chưa được giải mã, rồi về Nhà thờ Mằng Lăng cổ nhất Phú Yên được xây dựng từ năm 1892, để xem cuốn sách Quốc ngữ đầu tiên “Phép giảng tám ngày” của Linh mục Alexandre de Rhodes, ấn hành năm 1651 tại Roma, Italia đang lưu giữ ở đây…

Có dịp đi qua dải đất ven biển khu Nam Trung bộ, du khách về với xứ sở “hoa vàng trên cỏ xanh” để thưởng ngoạn, chiêm nghiệm miền di sản Tuy An lung linh những giá trị văn hóa, lịch sử sau 414 năm hình thành.

Phan Thế Hữu Toàn
.
.