Mãi ấm áp, vẹn nguyên hai tiếng “đồng bào”

Thứ Tư, 06/11/2024, 12:23

Những ngày cuối tháng 10/2024, Trung ương cùng nhiều địa phương của cả nước, trong đó có tỉnh Thanh Hóa tổ chức trọng thể kỷ niệm 70 năm sự kiện Tập kết ra Bắc (1954-2024) gắn với việc khánh thành khu lưu niệm có tượng đài Con tàu tập kết... Thật trùng hợp khi 70 năm trước, những ngày này, trên biển Đông cũng xảy ra dông bão.

Nhiều chuyến tàu tập kết từ Nam ra không cập bến được, phải đậu ngoài xa, được bà con Thanh Hóa dùng tàu đánh bắt cá ra cập mạn để... “tăng bo”, chở từng cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam vào bờ. Giờ nhớ lại những năm tháng đó, nhiều cựu học sinh miền Nam vẫn cảm thấy ấm áp và trân trọng, khắc ghi tình cảm sâu đậm của đồng bào... 

Ra Bắc để gặp Bác Hồ...

Nay đã 85 tuổi nhưng TS Nguyễn Trung Cang, nguyên Giám đốc Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tỉnh Đồng Tháp, Đại biểu Quốc hội khóa VII và IX... vẫn minh mẫn, nhớ như in sự kiện lịch sử trọng đại cách nay tròn 70 năm. 

Ông cho biết, theo Hiệp định Genève, trên chiến trường Nam Bộ, Đồng Tháp Mười, tỉnh Long Châu Sa (nay là Đồng Tháp) quê ông là một trong 3 khu vực tập kết. Với tinh thần “Đi vinh quang, ở anh dũng”, hàng ngàn cán bộ, lực lượng vũ trang, học sinh đã có mặt trên chuyến tàu cuối cùng nhổ neo tại Cao Lãnh ngày 29/10/1954 để bắt đầu hải trình tập kết ra Bắc. Từ biệt gia đình, quê hương, cũng như hàng vạn người con miền Nam khi đó, ông Cang nghĩ chỉ 2 năm, khi Bắc - Nam sum họp một nhà, sẽ trở về. Thế nhưng, chẳng ai ngờ, đấy là chuyến đi kéo dài đằng đẵng... 

Mãi ấm áp, vẹn nguyên hai tiếng “đồng bào” -0
Bác Hồ thăm và nói chuyện với học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, năm 1958. Ảnh tư liệu.

Hồi ức về những ngày đầu trước khi xuống tàu tập kết ra Bắc, ông Cang kể, đình chiến năm 1954, ông mới 15 tuổi. Hôm ấy, khi ông đang ngồi trong lớp học ở tận gò Sa Rài, nay là thị trấn huyện biên giới Tân Hồng (Đồng Tháp), làm học trò của ông giáo Thi (lớp dành chỉ cho con em cách mạng) thì có người chống xuồng đến hỏi: “Ai là con ông Năm Phàn?”. Năm Phàn là ông Nguyễn Văn Phàn, nguyên Huyện đội trưởng Cao Lãnh, Huyện đội phó Tân Hồng, khi đó là Phó Bí thư Tỉnh ủy Kiến Phong. Sau khi xác nhận đúng người, ông Cang nhận lệnh về Cao Lãnh để tập kết ra Bắc.

“Từ gò Sa Rài, tôi theo người liên lạc băng đường đồng, vừa bơi, vừa chống xuồng cả đêm, hôm sau mới về tới Rạch Chanh, nay là xã Mỹ Trà, TP Cao Lãnh. Tôi được đưa vào một trại ruộng bỏ hoang, cũng là nơi ở của đồng chí Nguyễn Văn Phối, tức Hai Phối, Bí thư Tỉnh ủy Long Châu Sa. Lúc này, tôi mới biết bản thân được Tỉnh ủy chọn đi học ở miền Bắc và được đưa đến điểm tập trung vào Trung đội E. Trước khi lên tàu, tôi được sắp xếp gặp người thân là... cha ruột”, ông Cang bồi hồi nhớ lại. Đây là lần duy nhất hai cha con gặp nhau trước khi ông xuống tàu ra Bắc dù gia đình chỉ ở cách nơi đóng quân vài cây số. 

Về những năm tháng trên đất Bắc, với TS Nguyễn Trung Cang là những kỷ niệm rất đẹp, không thể nào quên. Khi đặt chân lên bến Sầm Sơn (Thanh Hóa), ông Cang và những người trong Trung đội E được đưa đến lán trại do Ban đón tiếp bộ đội, con em miền Nam tập kết đã chuẩn bị sẵn; sau đó, ông được đưa đến ở nhờ trong nhà người dân. Giai đoạn đó, miền Bắc còn rất khó khăn nhưng bà con đã chắt chiu, gom góp lo cho con em miền Nam. Bà con thà chịu đói, chịu rét chứ không để cán bộ, học sinh miền Nam không đủ áo ấm, thiếu cơm ăn,...

“Những ngày sau đó, chúng tôi được kiểm tra sơ bộ trình độ văn hóa, căn cứ vào đó để phân về học trường, lớp thuộc hệ học sinh miền Nam. Lứa học sinh miền Nam chúng tôi được Nhà nước ưu tiên nhiều lắm”, ông Cang kể và cho biết, ông vẫn luôn trân trọng, khắc ghi tình cảm sâu đậm của bà con, của Bác Hồ, của Đảng dành cho. 

Trong buổi họp mặt 70 năm học sinh miền Nam được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, PV Chuyên đề ANTG gặp thầy giáo Nguyễn Văn Hưởng, 85 tuổi, nguyên Trưởng phòng Phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre. Hôm đó, ông đã không cầm được nước mắt khi nghe đọc lại những câu thơ của thầy giáo Trần Văn Bực, Hiệu trưởng Trường Học sinh miền Nam số 2 Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc): Cái thưở ấy mẹ cha đi đánh giặc/ Gửi con ra miền Bắc xa xôi/ Nhà chúng ta mỗi người mỗi ngả/ Xa nhau rồi ngơ ngác nhớ nhau...

Năm 1954, cậu học trò trường tiểu học xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành (Bến Tre) Nguyễn Văn Hưởng đang trong thời gian nghỉ hè ở nhà ông bà nội thì được ba gọi về thăm nhà. Đêm tĩnh lặng ở ngôi nhà tranh nghèo, chỉ có gió rì rào hàng dừa trước sân nhà, cậu học trò nghe được câu chuyện của ba má nói về mình: “Bà ơi, tôi tính xin cho thằng Hưởng đi Liên Xô học, nhưng trước hết nó phải đi ra miền Bắc, nơi đó có Bác Hồ, có Đảng sẽ chỉ bảo, dìu dắt nó học tiếp”. Người vợ lặng im một lát rồi hỏi nhỏ chồng: “Tôi sợ ông bà nội nó không đồng ý, nó là cháu đích tôn mà”. Ý chí của người cha đã quyết, ông bảo vợ, chuyện xin phép ông bà nội để sau, giờ cứ đưa con đi trước. Vậy là, chỉ 3 ngày sau, Nguyễn Văn Hưởng được bà mẹ chiến sĩ đưa xuống một con tàu nhỏ để về Cà Mau học chính trị, học phong tục tập quán ở miền Bắc trước khi xuống tàu... 

Mãi ấm áp, vẹn nguyên hai tiếng “đồng bào” -0
Tiến sĩ Nguyễn Trung Cang, nguyên Giám đốc Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tỉnh Đồng Tháp.

Cuối tháng 10/1954, con tàu Stavropol số 19 của Liên Xô chở hơn 3.000 người con miền Nam, trong đó có học trò Nguyễn Văn Hưởng tập kết ra miền Bắc trong trời yên biển lặng. Nhưng, khi tới vùng biển Thanh Hóa thì bão về, tàu phải vật lộn với sóng to, gió lớn rồi được lệnh trú tại đảo Hòn Mê - cách đất liền khoảng 6 hải lý. Suốt một tuần trên biển, bà con Thanh Hóa chất lương thực, thực phẩm trên chiếc ghe bầu mang ra tiếp tế. “Tôi vốn là dân sông nước nên chế ngự được cơn say sóng. Thương nhất mấy chú thương binh nặng và hầu hết phụ nữ, bị say sóng dữ dội”, ông Hưởng nhớ lại. 

Sau khi bão tan, mọi người được lên bờ, bố trí ở tạm nhà dân, được bà con chăm sóc chu đáo. Ban đêm, bà con còn tổ chức biểu diễn văn nghệ “cây nhà lá vườn”. Những bài hát truyền thống khích lệ như “kết đoàn, chúng ta là sức mạnh” vang lên trong màn đêm của biển trời Sầm Sơn. 

Sau một tuần ở Sầm Sơn, ông và các bạn cùng lứa thiếu niên được đưa về Trường Học sinh miền Nam số 3 tại Quảng Xương (Thanh Hóa). Một năm sau, ông được đưa ra Hưng Yên rồi xuống Trường Học sinh miền Nam số 21 ở Hải Phòng. Học xong chương trình lớp 4, ông được chuyển lên trường số 23 Chương Mỹ - Hà Đông rồi được cử đi học Trường bổ túc Công nông. “Năm 1963, tôi vào học Đại học Sư phạm Hà Nội. Và, tôi là một trong 43 sinh viên ngành vật lý được tuyển chọn để đào tạo cán bộ cốt cán cho giáo dục miền Nam, được học hệ 4 năm đầu tiên của miền Bắc. Tốt nghiệp, tôi về dạy tại trường cấp 3 Tam Nông (Phú Thọ)”, ông Hưởng kể.

Nhà giáo ưu tú Đàm Thị Ngọc Thơ (83 tuổi, ngụ TP Cà Mau, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Hồ Thị Kỷ), khi nhắc lại kỷ niệm 70 năm trước, bà không giấu được sự bồi hồi. “Năm đó, tôi mới 13 tuổi. Hay tin mình có tên trong danh sách tập kết, xuống tàu xuất phát từ Sông Đốc (Cà Mau), tôi xúc động lắm bởi từng mơ ước được ra Bắc để gặp Bác Hồ”, bà Thơ kể. Và, khát vọng đó của bà đã thành hiện thực. “Bác thường xuyên đến thăm, động viên học sinh miền Nam. Mỗi lần đến, Bác mang theo luồng sinh khí mới, thật vui tươi, ấm áp, tiếp thêm động lực cho học sinh miền Nam ra sức học hành thành tài, trở về phục vụ quê hương”, bà Thơ nhớ lại. 

Khát vọng ngày về...

Tuy thường xuyên trong tâm trạng khắc khoải “ngày Bắc, đêm Nam”, các thế hệ học sinh miền Nam đều tập trung học tập tốt, trong đó nhiều người đã trở thành những cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và các địa phương, các tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp, các nhà giáo, bác sĩ, nhà khoa học, các doanh nhân thành đạt, các văn nghệ sĩ tên tuổi,... mang hết công sức, cống hiến cho công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

TS Nguyễn Trung Cang kể, năm 1965, ông tốt nghiệp đại học và trở thành giảng viên Trường Thương nghiệp Trung ương, sau này là Đại học Thương mại Hà Nội. Năm 1968, ông được cử đi nghiên cứu sinh ở Bulgaria. 4 năm sau, ông bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ kinh tế nông nghiệp và trở lại Trường Thương nghiệp giảng dạy... Đầu năm 1975, ông Cang được lệnh đi B - trở về miền Nam. “21 năm trời xa quê hương, gia đình, ngày trở về, tôi cùng anh em chủ động tiến quân vào vùng Đồng Tháp Mười, thực hiện tâm nguyện bao nhiêu năm trên đất Bắc. Sau đó, tôi có mặt trong đoàn quân tham gia tiếp quản Sài Gòn”, ông Cang bộc bạch. Thời điểm đó, anh ruột của ông cũng tham gia tiếp quản Sài Gòn, chung trên một con đường nhưng phải nhờ một người bạn, hai anh em mới biết và gặp nhau.

Với thầy giáo Nguyễn Văn Hưởng, chuyến về Nam có phần gian truân hơn. Ông kể, năm 1969, ông có quyết định đi B chiến đấu. Để chuẩn bị cho ngày về, ông lên Xuân Mai (Hòa Bình) học 6 tháng tiếng Pháp, trau dồi kỹ năng bắn súng, leo núi, mang vác, hành quân... Thế nhưng, xong khóa học này, ông không được vào Nam ngay mà phải quay trở lại Trường Học sinh miền Nam số 2 ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc vừa dạy chữ, vừa dạy làm người, cùng học sinh tăng gia sản xuất. Lớp của ông chủ nhiệm cũng đều là con em miền Nam. “Các em nhớ ba mẹ, nhớ ngôi nhà của mình như thế nào, thầy chủ nhiệm đều cảm nhận được vì... nỗi lòng con em miền Nam đều giống nhau”, ông Hưởng bộc bạch.

Mãi ấm áp, vẹn nguyên hai tiếng “đồng bào” -0
Cựu học sinh miền Nam - ông Huỳnh Minh Tuấn, con trai của Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát (nguyên Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ), tại Phòng trưng bày chuyên đề “Học sinh miền Nam trên đất Bắc (1954-1975).

Khi Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, trường phải sơ tán về nông trường Thiện Hòa cách trường cũ 10 cây số, nhưng chỉ được 6 tháng thì lớp phải chuyển lên đỉnh núi Tam Đảo để tránh bom đạn. Tại đây, thầy trò ông Hưởng cải tạo lại những nhà kho để làm lớp học, làm bếp nấu ăn; cùng nhau đi đào sắn, mót khoai, hái rau rừng, bắt cá suối,... để cải thiện bữa ăn; và cùng nhân dân xây dựng lại nhà cửa, đường sá trong các làng xã bị bom Mỹ phá hoại.

Sau ngày Bắc - Nam liền một dải, tháng 8/1975, thầy giáo Hưởng trở lại miền Nam bằng đường biển, mang theo 1.100 học sinh, hầu hết chưa xong cấp 3 của Trường 8 ở Vĩnh Phúc về lại TP Hồ Chí Minh bàn giao cho ngành giáo dục để tiếp tục học tập. Trở lại xứ dừa sau hơn 20 năm biền biệt, thầy Hưởng tiếp tục sự nghiệp trồng người cho tới lúc nghỉ hưu... 

Tại lễ kỷ niệm 70 năm Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc được tổ chức sáng 26/10, thay mặt Ban liên lạc Học sinh miền Nam Trung ương, TS Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Bưu chính - Viễn thông, nay là Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, việc đưa hơn 3 vạn thiếu nhi, học sinh miền Nam ra Bắc và thành lập hệ thống các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc từ 1954 đến 1975 là một chủ trương lớn, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, không chỉ thể hiện tầm nhìn sáng suốt mà còn nói lên tình cảm cao quý của Bác Hồ, của Đảng, Nhà nước và nhân dân miền Bắc đối với con em đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền Nam thân yêu.

“Có thể khẳng định rằng, cuộc dịch chuyển thiếu nhi, học sinh quy mô nhất lịch sử được đánh giá là thành công trên cả 3 phương diện: Rèn luyện con người, mô hình giáo dục và chiến lược đào tạo dài hạn”, TS Mai Liêm Trực nhấn mạnh.

TH. Bình - V. Vĩnh -NG. Thiện
.
.