“Mắt thần” giám sát trên quốc lộ

Thứ Ba, 07/06/2022, 13:20

Với 1.462 km gồm 4 tuyến cao tốc và quốc lộ 1A đi qua 10 tỉnh, thành phố, hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ trọng điểm đang là những “mắt thần” góp phần nâng cao ý thức của người dân, góp phần giảm tai nạn và đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) cho người dân mỗi khi ra đường.

Camera không góc “chết”

Thượng tá Nguyễn Mạnh Thắng, Đội trưởng Đội tuần tra kiểm soát (TTKS) giao thông đường bộ cao tốc số 1, Phòng TTKS giao thông đường bộ, Cục CSGT – đơn vị phụ trách bảo đảm ATGT tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai cho biết, hệ thống giám sát có thể soi mọi nơi, mọi lúc, không góc chết. Với tài xế, nếu cần vệ sinh thì nên vào trạm dừng nghỉ, còn nếu “tiểu đường”, kiểu gì cũng bị phát hiện. Đặc biệt, nếu chạy quá tốc độ, chạy dưới tốc độ hay có bất cứ vi phạm gì khác, thì camera cũng sẽ chụp ảnh gửi cho CSGT để xử lý.

2.jpg -0
Thông báo xử lý vi phạm hành chính được gửi cho người vi phạm

Minh chứng cho việc mình nói, Thượng tá Nguyễn Mạnh Thắng đã mở Ipad – thiết bị mà các tổ công tác mang theo khi đi làm nhiệm vụ và chỉ cho chúng tôi thấy những phương tiện vi phạm đã bị camera chụp hình ảnh, gửi cho CSGT. Quả thật, các hình ảnh rất rõ nét, nhìn thấy cả người điều khiển phương tiện với đầy đủ thông tin gồm biển kiểm soát, vị trí vi phạm, hình ảnh vi phạm và có toàn bộ thông tin về phương tiện. Khi phương tiện này đi đến các nút kiểm soát, CSGT chỉ cần đón lõng ở đó để thực hiện xử phạt. Trường hợp không có CSGT làm việc ở các trạm soát vé để xử lý vi phạm ngay thì nội dung vi phạm sẽ được gửi về địa chỉ chủ phương tiện và đưa lên trang web của CSGT để xử phạt nguội.

1.jpg -0
Phương tiện vi phạm che lấp biển số bị hệ thống giám sát phát hiện

Được biết, cao tốc Nội Bài - Lào Cai là 1 trong 14 cao tốc, Quốc lộ được đầu tư hệ thống giám sát hiện đại theo đề án “Xây dựng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm TTATGT trên các tuyến quốc lộ trọng điểm”. Đến thời điểm hiện tại, hệ thống giám sát này đã đầu tư được trên 1.462 km. Trong đó 4 tuyến cao tốc dài 481 km (Nội Bài - Lào Cai; Đà Nẵng - Quảng Ngãi; TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; TP Hồ Chí Minh - Trung Lương) và Quốc lộ 1A đoạn đi qua 10 địa phương, dài 981 Km (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh). Trong đó, Trung tâm giám sát cấp Trung ương đặt tại trụ sở Cục CSGT, còn 14 trung tâm giám sát cấp địa phương lắp đặt tại trụ sở Phòng CSGT Công an các tỉnh và trụ sở Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 1, 5, 6, 7 thuộc Cục CSGT.

Thông qua Hệ thống giám sát, lực lượng CSGT đã có thông tin, video clip, hình ảnh để lực lượng CSGT và các lực lượng chức năng của Công an các đơn vị, địa phương phát hiện, xử lý 297 vụ, bắt giữ, xử lý 279 đối tượng có liên quan đến các vụ xe gây tai nạn giao thông bỏ chạy; phương tiện sử dụng biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp; chở đối tượng bỏ trốn khỏi nơi giam giữ; trộm cắp tài sản; vận chuyển hàng cấm, chở người trái phép qua biên giới, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; phục vụ điều tra, xác minh đối tượng phạm tội; trong đó có 158 vụ có liên quan đến các vụ án hình sự như: trộm cắp tài sản, xe gây TNGT bỏ chạy; 41 vụ xe sử dụng biển số giả… Hệ thống giám sát đã phát hiện ghi nhận được 418.602 trường hợp phương tiện vi phạm TTATGT; trong đó đã lập biên bản, chấp hành quyết định xử phạt 110.683 trường hợp, bao gồm lập biên bản trực tiếp và qua thông báo vi phạm. Nhà nước thu gần 290 tỷ đồng.

Tích hợp nhiều trong một

Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, Trung tâm giám sát giao thông đặt tại Cục CSGT đã thực hiện tốt chức năng giám sát, đảm bảo ATGT, đặc biệt là trong các sự kiện chính trị lớn như: Đại hội Đảng; bầu cử Quốc hội, SEA games 31 vừa qua…

3.jpg -0
Mô hình xử phạt qua app trên điện thoại di động do Cục CSGT đang nghiên cứu

Hiện nay, ngoài hệ thống giám sát do các địa phương và các doanh nghiệp BOT đầu tư, thì hệ thống giám sát của Cục CSGT có tổng số 584 camera trên chiều dài 1.462km. “Với tiêu chí phục vụ chỉ huy, chỉ đạo của Cục CSGT trong công tác bảo đảm ATGT thì hệ thống giám sát có thể đếm được lượng phương tiện đi ra vào tuyến; tính trung bình số phương tiện theo giờ, theo ngày, theo tuần; theo loại phương tiện; theo biển số. Qua hệ thống camera giám sát, còn phát hiện các phương tiện che lấp biển số nhờ hệ thống phân tích. Ví dụ khi đi vào cao tốc có biển số bao nhiêu, trên đường biển số bao nhiêu, ra khỏi cao tốc biển số bao nhiêu. Từ đó, hệ thống phát hiện việc che, dán BKS do lái xe thực hiện để tránh bị phát hiện, xử lý” – Thiếu tướng Lê Xuân Đức khẳng định.

Thiếu tướng Lê Xuân Đức lấy ví dụ được hiển thị trên hệ thống giám sát qua biểu đồ số. “Tôi lấy ví dụ, thời điểm hiện tại trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai đang có 1.582 phương tiện đang đi từ Lào Cai về Hà Nội; chiều ngược lại đang có 414 phương tiện. Từ số lượng phương tiện ra vào tuyến, từ trung tâm, Cục CSGT sẽ biết lưu lượng phương tiện để điều tiết, chỉ đạo CSGT trên tuyến kịp thời nếu xảy ra ùn tắc, tai nạn” – Thiếu tướng Lê Xuân Đức cho biết. 

Được biết, ngoài các phát hiện trên, hệ thống giám sát còn được tích hợp với Cơ quan điều tra danh sách các phương tiện bị mất cắp, phương tiện gây TNGT bỏ chạy; phương tiện hết niên hạn sử dụng… để cảnh báo đến tổ CSGT đang làm nhiệm vụ để xử lý kịp thời.

Tai nạn giảm, ý thức tăng

Theo báo cáo của Công an các địa phương, trên các đoạn tuyến có lắp hệ thống giám sát, tình hình TNGT được kiểm soát tốt, kiềm chế, giảm cả 2 tiêu chí số người chết và số người bị thương. Cụ thể, qua số liệu so sánh giữa năm 2020 và năm 2021, trên các tuyến có hệ thống giám sát đã giảm được 44 người chết (giảm 12,32%); giảm 42 người bị thương (giảm 11,44%). Nguyên nhân giảm TNGT là do ý thức người tham gia giao thông được nâng lên, hiệu quả công tác giám sát được thực hiện 24/7, công tác phát hiện vi phạm công khai, minh bạch. Ngoài ra, quá trình khai thác, hệ thống giám sát, đã kịp thời phát hiện, kiến nghị để giải quyết tình trạng mất an toàn, điểm đen tiềm ẩn TNGT…

4 (2).jpg -0
Xe bị phát hiện vi phạm qua hệ thống giám sát

Được biết, có 11 loại hình vi phạm được phát hiện qua hệ thống giám sát, trong đó vi phạm bị phát hiện nhiều nhất là chạy quá tốc độ quy định gồm hơn 400 nghìn trường hợp; không chấp hành đèn tín hiệu giao thông hơn 10 nghìn trường hợp; hơn 3.000 trường hợp dừng đỗ không đúng nơi quy định. Xe con vi phạm chiếm tỷ trọng nhiều nhất với hơn 300 nghìn trường hợp. Giám sát, phát hiện các hành vi vi phạm về TTATGT và tự động hóa quy trình xử lý vi phạm. Việc triển khai hệ thống giám sát đã có tác động lớn đến những người tham gia giao thông, nhất là những người điều khiển xe ô tô. Nhiều người, nhất là những người bị thông báo vi phạm hoặc bị xử phạt từ hệ thống giám sát đã có ý thức hơn khi lái xe trên đường.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục CSGT cho biết, việc triển khai lắp đặt hệ thống giám sát, xử lý vi phạm TTATGT trên các Quốc lộ trọng điểm và cao tốc là chủ trương đúng đắn của Chính phủ, Bộ Công an nhằm từng bước hiện đại hóa công tác bảo đảm TTATGT, xử lý vi phạm, ứng dụng khoa học công nghệ thông tin để cải tiến, nâng cao năng lực công tác của lực lượng CSGT nhằm tạo ra bước đột phá trong công tác quản lý nhà nước về TTATGT. Giám sát, phát hiện các hành vi vi phạm về TTATGT và tự động hóa quy trình xử lý vi phạm. Việc triển khai hệ thống giám sát đã có tác động lớn đến những người tham gia giao thông, nhất là những người điều khiển xe ô tô. Nhiều người, nhất là những người bị thông báo vi phạm hoặc bị xử phạt từ hệ thống giám sát đã có ý thức hơn khi lái xe trên đường. “Hệ thống được trang bị các thiết bị hiện đại, từng bước giảm bớt sự có mặt của lực lượng CSGT trên đường nhưng vẫn kiểm soát được tình hình giao thông trên tuyến, địa bàn; giảm bớt việc tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm thủ công, góp phần xây dựng lực lượng CSGT chính quy, hiện đại...” – Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung nhấn mạnh.

Xử lý vi phạm qua App cài trên điện thoại

Được biết, hiện nay việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT đã được thực hiện qua Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng thông tin điện tử Bộ Công an. Tuy nhiên, việc xử phạt vẫn chưa được các tài xế “mặn mà” vì họ chưa quen sử dụng dịch vụ này. Chính vì vậy, nhiều người dân vẫn còn băn khoăn, lo lắng khi “vi phạm ở một nơi nhưng lại sống ở một chỗ”.

Anh Phạm Tuấn Tài, trú ở xã Thiệu Vân, Thiệu Hóa,  Thanh Hóa cho biết: “Ngày 1-5, gia đình tôi đi chơi Hạ Long và bị chạy quá tốc độ trên cao tốc Hải Phòng – Quảng Ninh. CSGT đã thông báo vi phạm cho tôi nhưng việc xử phạt lại phải đến trụ sở CSGT ở trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Chính vì vậy, nếu muốn thực hiện xử phạt, tôi lại phải vượt hơn 200km để làm thủ tục. Nếu tính cả đi cả về và nghỉ ngơi trên đường, tôi mất trọn vẹn 1 ngày công lao động và mất nhiều chi phí như xăng xe, phí cầu đường, ăn uống… Nếu không nộp phạt lại không được đăng kiểm. Chính vì vậy, chúng tôi mong muốn Bộ Công an có giải pháp để chúng tôi thực hiện xử phạt thuận tiện nhất, tiết kiệm thời gian, công sức”.

Được biết, hiện nay, Cục CSGT đang thực hiện xử lý vi phạm hành chính theo Thông tư 15 của Bộ trưởng Bộ Công an. Theo đó, thì toàn bộ dữ liệu vi phạm sẽ chuyển đến Công an xã và Công an huyện để thực hiện quyết định xử phạt.

Để tạo điều kiện tối đa cho người dân, ngoài việc thực hiện nộp phạt qua Cổng dịch vụ Công, Cục CSGT đang nghiên cứu cải cách hành chính tiện ích cho người dân thực hiện xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể, Cục CSGT đang thiết kế App xử lý vi phạm hành chính trên điện thoại. Theo đó, người dân đăng ký số điện thoại với Cơ quan CSGT, khi phương tiện vi phạm thì hệ thống sẽ tự động gửi tin nhắn thông báo qua App trên điện thoại. Người dân click vào xem, nếu đồng ý vi phạm sẽ vào nội dung quyết định xử phạt bằng chữ ký số và thực hiện nộp phạt qua App. “Quy trình xử phạt này không quá 5 phút, thực hiện online trên điện thoại. Các dữ liệu về các chủ phương tiện chưa rõ địa chỉ, chưa có số điện thoại, không sang tên đổi chủ nhiều lần… Cục CSGT hoàn thiện trong thời gian sớm nhất để việc xử lý đảm bảo nhanh, chính xác, hiệu quả” – Thiếu tướng Lê Xuân Đức cho biết.

Phương Thủy
.
.