Mong ngóng ngày trở về
Những ngày này, các phạm nhân được đề nghị đặc xá đang háo hức chuẩn bị hành trang cho chặng đường mới, đánh dấu bước ngoặt của cuộc đời tươi sáng hơn. Đối với họ, những năm tháng trả giá cho tội lỗi đã quá đủ, quá mất mát nên chỉ ít ngày nữa thôi, sẽ là ngày đánh dấu sự kiện trọng đại của cuộc đời họ, được tự do viết tiếp ước mơ của mình, được trở về gia đình sau những tháng ngày xa cách.
Chuẩn bị hành trang mới của cuộc đời
Lớp học tái hòa nhập cộng đồng của Trại giam Thanh Xuân (đóng ở xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội) được khai giảng ngày 2/4, dành cho các phạm nhân được đề nghị đặc xá dịp 30/4/2025. Trực tiếp truyền đạt kiến thức cho các phạm nhân, Trung tá Nguyễn Trọng Hưng, cán bộ giáo dục cho biết, các phạm nhân sẽ được giới thiệu về chính sách, quy định của pháp luật về tái hòa nhập cộng đồng, vay vốn sản xuất kinh doanh, định hướng nghề nghiệp, hỗ trợ tìm kiếm việc làm; một số quy định của Luật Đặc xá, quyền và nghĩa vụ của người được đặc xá...;
Ngoài ra, các phạm nhân được tham gia 2 chủ đề về giáo dục đạo đức và giáo dục kỹ năng sống để họ hiểu rõ trách nhiệm của bản thân, gia đình và xã hội; có kỹ năng vượt qua khó khăn, hòa nhập cộng đồng và tìm kiếm việc làm.

“Chương trình tái hòa nhập cộng đồng chú trọng truyền đạt cho các phạm nhân các kiến thức pháp luật như Luật Đặc xá, Luật Cư trú... Đặc biệt là các dự án luật mới được Quốc hội thông qua như Luật Căn cước; Luật Trật tự - An toàn giao thông đường bộ; Luật An ninh mạng; Luật Xử lý vi phạm hành chính... Bên cạnh đó, các phạm nhân được học các quy định về tái phạm tội, xóa án tích; quy định về bảo an ninh, trật tự; an toàn xã hội; phòng, chống tội phạm. Chúng tôi dành 2 ngày để giải đáp các thắc mắc của phạm nhân để họ hiểu rõ hơn về chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước ta, đặc biệt là chính sách tái hòa nhập cộng đồng, vay vốn để sản xuất kinh doanh theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù” - Trung tá Nguyễn Trọng Hưng cho biết.
Tham gia lớp học, phạm nhân Vũ Văn Quang cho biết, anh ta phạm tội cố ý gây thương tích, nếu được đặc xá lần này sẽ được về trước hơn 1 năm so với bản án. “Tôi không may gây gổ đánh nhau nên bị trả giá. Đây là bài học lớn, bởi chỉ vì một phút nóng giận, tôi đánh mất tất cả. Khi biết Nhà nước có chủ trương đặc xá, tôi vui lắm, vì tôi có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, kết quả xếp loại thường khá, tốt trở lên nên rất hi vọng được đặc xá. Đặc biệt, năm nay, Chủ tịch nước cho đặc xá những người mới chấp hành được 1/3 mức án trở lên nên tôi càng yên tâm mình được trong diện. Đây là sự khoan hồng đặc biệt của Đảng, Nhà nước dành cho nên tôi rất biết ơn và hứa sau khi được đặc xá sẽ làm ăn lương thiện, suy nghĩ chín chắn, không bao giờ quay lại con đường này nữa” - phạm nhân Quang chia sẻ.
Không ngủ được 2 đêm liền sau khi biết tin mình có tên trong danh sách được đề nghị đặc xá, phạm nhân Lê Tiến Mạnh cho biết, anh ta vốn là sinh viên, do một phút bồng bột đã gây thương tích cho người khác nên bị kết án 5 năm, 6 tháng tù. “Thi hành án tại Trại giam Thanh Xuân, tôi được Ban Giám thị, Hội đồng Cán bộ giúp đỡ, tạo điều kiện để cải tạo, dần dần tôi lấy lại tinh thần, vững tin vào sự khoan hồng của Nhà nước ta. Kết quả cải tạo của tôi luôn luôn khá, tốt, đã được giảm án 5 tháng. Nếu được Chủ tịch nước đặc xá, tôi sẽ về sớm hơn 1 năm” - Lê Tiến Mạnh cho biết.

Còn phạm nhân Hoàng Văn Quang chia sẻ, trước khi tham gia lớp học, điều anh ta lo sợ nhất là sau khi đặc xá trở về, không biết xã hội sẽ đón nhận mình như thế nào, mình làm sao để cập nhật được những điều đang diễn ra ở ngoài kia, làm như thế nào để mình có được một công việc ổn định? Làm như thế nào để được xã hội đón nhận? Đối mặt ra sao với những khó khăn để hòa nhập và tìm kiếm một công việc lương thiện? Nhưng, khi được học, anh ta hiểu ra rằng, Nhà nước có rất nhiều chính sách giúp những người lầm lỗi làm lại cuộc đời. “Lâu dài thì tôi sẽ cố gắng học lại, còn trước mắt thì tôi sẽ liên hệ với địa phương, đề nghị vay vốn Nhà nước dành cho những người chấp hành xong án phạt tù để mua phương tiện chạy xe ôm kiếm thu nhập đảm bảo cuộc sống, không tái phạm tội.
Tại Trại giam Đại Bình ở huyện miền núi Bảo Lâm, Lâm Đồng, các phạm nhân cũng đang háo hức chờ ngày đặc xá. Nơi đây là vùng sâu, vùng xa, kinh tế khăn, giao thông cách trở nên công tác của cán bộ khó khăn hơn rất nhiều so với các trại giam ở miền xuôi. Phạm nhân đa số ít học, nhận thức hạn chế nên các cán bộ phải dành nhiều tâm sức hơn để giúp đỡ, giáo dục họ.
Phạm nhân Vũ Tuấn Lộc, quê ở xã Trực Cường, Trực Ninh, Nam Định đang thi hành án tại Trại giam Đại Bình với tội danh làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức; ngày bắt: 11/8/2023; án phạt: 4 năm. Gần 2 năm xa gia đình, ít khi được người thân thăm nom nên Lộc hiểu sâu sắc giá trị của sự tự do, của tình cảm gia đình. Lộc cho biết, trong thời gian chấp hành án tại Trại giam Đại Bình, bản thân luôn được Ban Giám thị, hội đồng giáo dục các cấp, cán bộ quản giáo quan tâm động viên, hướng dẫn chỉ bảo ân cần, giúp chúng tôi an tâm chấp hành án, tự giác cải tạo tiền bộ để sớm trở về với gia đình, xã hội. Tôi biết ơn Đảng, Nhà nước luôn có chính sách khoan hồng đối với người phạm tội, để chúng tôi có cơ hội sớm về với gia đình, làm lại cuộc đời. Cảm ơn Ban Giám thị, hội đồng giáo dục các cấp, cán bộ quản giáo luôn quan tâm, động viên, tạo môi trường học tập lành mạnh để chúng tôi lao động, cải tạo, trở thành người có ích.
Chưa được đặc xá lần này nhưng phạm nhân Hà Huy Hoàng, trú ở Lục Yên, Yên Bái luôn tin tưởng vào chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước. Với tội danh khá nặng nề là giết người, án phạt 11 năm tù, Hà Huy Hoàng đã thi hành án được gần 5 năm tại Trại giam Đại Bình. Anh ta cho biết: “Khi còn ngoài xã hội, do thiếu hiểu biết nên bản thân đã vi phạm pháp luật và phải trả giá, phải vào trại giam chấp hành án. Trong thời gian chấp hành án tại Trại giam Đại Bình, tôi luôn được Ban Giám thị, hội đồng giáo dục các cấp, cán bộ quản giáo quan tâm động viên, chỉ bảo ân cần, giúp chúng tôi nhận rõ lỗi lầm của mình gây, an tâm, tự giác chấp hành án. Nhờ đó, kết quả cải tạo của tôi luôn đạt loại khá. Hi vọng, khi Chủ tịch nước đặc xá đợt tiếp theo, tôi sẽ nằm trong danh sách được đề nghị”.
Đảm bảo quyền lợi đặc xá cho phạm nhân
Ngày 3/3/2025, Chủ tịch nước có Quyết định số 266/2025/QĐ-CTN về đặc xá năm 2025; ngày 10/3, Hội đồng Tư vấn đặc xá ban hành Hướng dẫn số 21/HD-HĐTVĐX về việc triển khai thực hiện. Bộ Công an - cơ quan thường trực của Hội đồng Tư vấn đặc xá đã thành lập Ban Chỉ đạo về đặc xá năm 2025 của Bộ Công an và quyết định của Hội đồng Tư vấn đặc xá và tổ thẩm định liên ngành thuộc Hội đồng Tư vấn đặc xá; quán triệt một số nội dung cần tập trung tổ chức thực hiện công tác đặc xá năm 2025.

Thực hiện các văn bản trên, các trại giam, trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng đã đã xây dựng kế hoạch triển khai, quán triệt đến tất cả các cán bộ, chiến sĩ và phạm nhân để tìm hiểu, nắm vững đối tượng, điều kiện được đặc xá; niêm yết quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá trong các buồng giam, khu giam, khu bệnh xá, nhà học tập, nhà gặp phạm nhân ở các phân trại; phát trên hệ thống loa truyền thanh nội bộ các phân trại để phạm nhân nắm rõ các điều kiện được đặc xá và các trường hợp không được đề nghị đặc xá năm 2025.
Đại tá Hoàng Văn Hiệp, Giám thị Trại giam Thanh Xuân cho biết, sau khi được phổ biến, phạm nhân các phân trại tự liên hệ với các điều kiện được đề nghị đặc xá theo quyết định của Chủ tịch nước và hướng dẫn của Hội đồng Tư vấn đặc xá, cán bộ quản giáo phụ trách đội phạm nhân phối hợp với cán bộ giáo dục tổ chức cho những phạm nhân đủ điều kiện viết đơn đề nghị đặc xá và bản cam kết.
Ngày 14/3/2025, hội đồng xét, đề nghị đặc xá của trại tổ chức cho cán bộ quản giáo chủ trì họp đội phạm nhân, thảo luận, bình xét và bỏ phiếu kín giới thiệu những phạm nhân đủ điều kiện đề nghị đặc xá; lập biên bản kết quả họp đội phạm nhân, lập danh sách giới thiệu phạm nhân đủ điều kiện được đề nghị đặc xá năm 2025. Qua xét duyệt, Trại giam Thanh Xuân có 191 phạm nhân đủ điều kiện được đề nghị đặc xá, trong đó có 4 phạm nhân tự nguyện viết đơn không đề nghị đặc xá vì sắp hết thời hạn thi hành án. Đơn vị đã tổ chức đợt học tập, thực hiện nghiêm túc, bảo đảm cho tất cả phạm nhân hiểu được quyền và nghĩa vụ và trách nhiệm của mình khi trở về với gia đình và cộng đồng, xã hội, chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước, góp phần phòng ngừa tái phạm và vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, trong quá trình thi hành án, phạm nhân cũng được dạy nghề, thi, cấp chứng chỉ và hoàn toàn có thể sử dụng chứng chỉ này đi xin việc phù hợp với nghề mình đã được học để đảm bảo cuộc sống, tránh tâm lý chán nản, tiêu cực và tái phạm tội.

Chỉ đạo công tác này, Trung tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến công tác đặc xá, tha tù trước thời hạn. Chỉ trong 3 năm gần đây, 2021, 2022, 2024 đã tổ chức đặc xá, tha tù trước thời hạn cho hơn 9.000 người. Công tác đặc xá đảm bảo yêu cầu chính trị, nghiệp vụ, pháp luật, đối ngoại, được nhân dân trong nước đồng tình, được dư luận quốc tế đánh giá cao.
Thực hiện quyết định của Chủ tịch nước, Thứ trưởng Lê Văn Tuyến đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Công an trực tiếp kiểm tra tại các trại giam, động viên, hỏi chuyện các phạm nhân được đề nghị đặc xá và không được đề nghị đặc xá lần này; thăm lớp học tái hòa nhập cộng đồng và xưởng lao động của phạm nhân, giúp họ yên tâm hơn trong hành trang trở về cộng đồng sắp tới và giúp các phạm nhân chưa được đặc xá tin tưởng vào chính sách khoan hồng để cố gắng cải tạo tốt hơn.
Thứ trưởng Lê Văn Tuyến nhiều lần nhấn mạnh, yêu cầu các cơ quan chức năng trong quá trình triển khai đặc xá phải đảm bảo triển khai nghiêm túc, công khai, minh bạch, chặt chẽ, đúng quy định, đúng thời gian, không để sót lọt trường hợp đủ điều kiện đặc xá nhưng không được đề nghị và đề nghị trường hợp không đủ điều kiện đặc xá, đồng thời phối hợp quản lý, giúp đỡ những người được đặc xá tái hòa nhập cộng đồng; chủ động tham mưu chính quyền địa phương tạo điều kiện, bố trí công ăn việc làm để người được đặc xá, thi hành án xong án phạt tù có thu nhập ổn định cuộc sống, không tái phạm, xây dựng cuộc sống mới bình yên, hạnh phúc.