Một câu chuyện chạm vào trái tim

Thứ Tư, 18/01/2023, 12:36

Trung tá, nhà báo Đỗ Thành Sự công tác tại Phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị Công an tỉnh Quảng Ngãi thường lan tỏa năng lượng tích cực với người đối diện. Dù là câu chuyện qua điện thoại hay gặp anh ở những sự kiện của ngành Công an, tôi có cảm giác ngọn lửa đam mê luôn cháy bỏng trong anh, đó là sự tha thiết khi nói về tác phẩm. Không những thế, ở Trung tá Đỗ Thành Sự còn là sự sắc bén, chính xác, tôn trọng nghề để phát huy tốt nhất giá trị của báo chí và báo chí CAND.

Dấn thân và trách nhiệm

Vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là nhiệt huyết, đam mê, anh mải miết với những tác phẩm của mình. Nhà báo Đỗ Thành Sự nói riêng và đội ngũ làm công tác tuyên truyền tại công an các tỉnh thành phố nói chung thường kiêm nhiệm, vừa làm quay phim, thực hiện khâu tiền kỳ, vừa viết kịch bản dẫn hiện trường, dựng kỹ thuật hậu kỳ, có khi kiêm luôn cả đọc lời bình. Thường thì anh tác nghiệp bằng xe máy cho cơ động, có khi phải đi bộ hàng chục km đường rừng núi. Phương tiện kỹ thuật còn thiếu thốn nhưng “cái khó ló cái khôn”, các anh chị phóng viên vẫn luôn nỗ lực, không quản ngày nghỉ, giờ nghỉ, kịp thời đưa tin bài đảm bảo yếu tố chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất của ngành.

trung tá đỗ thành sự nhận giải vàng cho tác phẩm -đường vè của ma rừng-.jpg -0
Trung tá Đỗ Thành Sự nhận giải Vàng cho tác phẩm “Đường về của Ma rừng”.

Tại Liên hoan Phát thanh -Truyền hình CAND toàn quốc lần thứ 13 vừa qua, Công an tỉnh Quảng Ngãi vinh dự đạt giải nhất toàn đoàn, trong đó bộ phim tài liệu “Đường về của ma rừng” được đánh giá cao và để lại dấu ấn sâu sắc với cách kể chuyện dung dị, chân thực, xúc động, lan tỏa và nhân văn. Tác phẩm đánh dấu và ghi nhận sự lao động sáng tạo của Trung tá Đỗ Thành Sự

 5 năm trời cho 25 phút phim tài liệu

“Đường về của ma rừng” là phim tài liệu không lời dài 25 phút, 80% hình ảnh trong phim do Trung tá Đỗ Thành Sự thực hiện và hầu hết các hình ảnh trong phim anh thực hiện vào ngày nghỉ, hoặc có những sự việc đột xuất xảy ra được công an xã và kiểm lâm báo tin. Thường xuyên đi hàng chục km đường rừng một mình để theo đuổi đề tài, Trung tá Đỗ

trung tá đỗ thành sự trong một chuyến tác nghiệp trong rừng.jpg -0
Trung tá Đỗ Thành Sự trong một chuyến công tác vào rừng sâu.

Thành Sự chưa bao giờ nản lòng dù để có được hơn 20 phút phim tài liệu đó anh đã mất 5 năm trời theo đuổi. Với mong ước những nếp nghĩ, nếp sống, những hủ tục không phù hợp sẽ được bài trừ không để những vụ việc đau lòng tái diễn, đặc biệt  là hủ tục tệ nghi cầm đồ thuốc độc. Trước đây trên địa bàn một số huyện đã xảy ra án mạng do tệ nghi cầm đồ thuốc độc, đồ độc gồm các tạp vật có thể dùng đồ độc đụng vào người hoặc đem chôn gần người bị hại và nguyền rủa đã có hàng chục người phải rời khỏi làng vào rừng sâu do bị dân làng dùng mọi cách đánh đuổi, nghi kỵ một cách tàn nhẫn .

Với cách kể chuyện dung dị, hạn chế lời bình, máy quay đi theo nhân vật, hình ảnh có tính tương tác và đi sâu vào chi tiết, Trung tá Đỗ Thành Sự cho ta thấy cảnh sinh hoạt hằng ngày đầy khó khăn của hai vợ chồng ông Phạm Văn Nghề và bà Phạm Thị Nở, nhân vật chính trong phim. Gần 20 năm trời trốn trong rừng sâu, mưa, nắng, bão giông, ốm đau, bệnh tật, ngọt ngào và đắng cay… là ngần ấy ngày sợ hãi, là sự nghiệt ngã của số phận hay sự khắc nghiệt của lòng người?

Những khó khăn ban đầu để tiếp cận nhân vật không sao kể xiết, vì ở sâu trong rừng nên anh phải nhờ lực lượng kiểm lâm dẫn đường, mà nhân vật thường lẩn tránh, rất khó tiếp cận. Thường thì mỗi lần vào rừng anh lại tay xách nách mang, nào là đồ nghề quay phim, rồi thịt cá, muối mắm cho họ.

Tác giả đã chứng kiến bốn mùa mưa nắng trong căn lều chơ vơ giữa rừng sâu và bao hiểm nguy bủa vây, rình rập. Đổi lại là những cảnh quay chân thực đầy sức hấp dẫn và nhiều xúc cảm. Đau đớn nhất là hình ảnh người con trai vào giúp ông bà làm nương bị rơi xuống hố sâu bể đầu, mù mắt. Nỗi đau của những người làm cha làm mẹ không thể kể hết bằng lời, khi đó vợ chồng bà Nơ, ông Nghề bỗng sợ rừng già, trong họ nhen nhóm một ý nghĩ có lẽ phải trở về.

Và bằng tình yêu con người, Đại úy Phạm Văn Đành - Trưởng công an xã Ba Khâm, huyện Ba Tơ và chính quyền địa phương đã vận động giúp cho họ trở về cuộc sống đời thường. 2 ông bà được dân làng đón nhận, được đi bầu cử thực hiện quyền công dân và được chính quyền địa phương, công an xã hỗ trợ xây nhà…

Phương Nhung
.
.