Mùa buồn Phố Hội

Thứ Ba, 28/12/2021, 20:29

Giữa mùa dịch, những nghệ nhân yêu nghề nhất vẫn cần mẫn vượt khó để bám nghề, nhằm phát huy và gìn giữ nét đẹp chung của làng nghề truyền thống tại Hội An, Quảng Nam.

Chông chênh nghề cổ

Tiếng ký cách của chiếc dùi vẫn gõ những nhát đục trên phiến gỗ để tạo nên hình thù nhưng ánh mắt của người nghệ nhân trẻ tuổi ở làng mộc Kim Bồng (TP Hội An) vẫn không thôi đau đáu. Hơn 2 năm qua dịch bệnh đã khiến công việc của người dân ở làng mộc Kim Bồng không còn ổn định, thu nhập cũng bấp bênh vì đơn hàng ít, lại không có khách du lịch ghé đến mua những sản phẩm, những đồ vật lưu niệm. Mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 ở trong nước và Quảng Nam đang được kiểm soát tốt nhưng ảnh hưởng vẫn khá nặng nề, nhất là với ngành du lịch. Tại Hội An, các làng nghề truyền thống vốn sống mạnh, ăn nên làm ra nhờ khách du lịch thì nay chỉ hoạt động cầm chừng.

Mùa buồn Phố Hội -0
Mùa buồn Phố Hội -1
Các cơ sở sản xuất, chế tác, trưng bày đồ gỗ tại làng nghề mộc Kim Bồng đóng cửa im ỉm nhiều tháng qua.

Mấy trăm năm qua, từ khi hình thành đến nay làng mộc Kim Bồng chưa bao giờ gặp khó đến như thế. Làng mộc Kim Bồng là một trong những làng nghề truyền thống của Hội An ghi dấu nhiều công trình nghệ thuật và những sản phẩm giàu giá trị văn hóa, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước ghé tới thăm. Tại làng mộc Kim Bồng, các nghệ nhân thỏa sức thổi hồn vào gỗ, tạo ra những sản phẩm tinh tế, có giá trị cao.

Nhưng, đi dọc những con đường bê tông bên trong làng nghề, chỉ thấy những hoa lá tơi bời, những cửa hàng cửa hiệu bán đồ lưu niệm đóng kín, hay những nhà trưng bày sản phẩm mộc phủ bụi, xác xơ. Mấy trăm năm qua, nơi đây đã hình thành và phát triển làng nghề mộc, người dân đa phần sinh sống và hoạt động nghề truyền thống của mình đó là nghề mộc. Ngày nay, tuy đã qua giai đoạn vàng son nhưng những người thợ làng mộc Kim Bồng yêu nghề vẫn duy trì nếp sống cũ, chung tay góp sức trùng tu, bảo tồn các di tích phố cổ Hội An và ngược xuôi khắp nơi để xây dựng những ngôi nhà rường, nhà cổ 3 gian truyền thống. Bên cạnh đó, nghề mộc thủ công mỹ nghệ cũng phát triển hơn khi làng bắt đầu mở cửa chào đón khách du lịch.

Nhưng, khi đại dịch COVID-19 kéo đến, gần 2 năm trôi qua người dân làng nghề vốn bám vào du lịch để đưa những sản phẩm của mình đến tay người tiêu dùng và lồng ghép hoạt động trải nghiệm nghề cho du khách theo tinh thần của ngành du lịch lại phải thoi thóp hoạt động cầm chừng để giữ nghề, giữ chân thợ chờ ngày trở lại. Anh Phan Huỳnh Châu là chủ cơ sở sản xuất Huỳnh Châu tại làng mộc Kim Bồng cho biết: “Hiện nay, các cơ sở đã đóng cửa, tạm dừng hoạt động gần hết, chỉ còn lại 4 cơ sở làm việc cầm chừng, sản xuất các mặt hàng trưng bày để chờ du lịch mở cửa đón khách mới bán trở lại. Điều khó khăn của các cơ sở là làm sao giữ chân đội ngũ thợ để khi hết dịch mới có người tổ chức sản xuất. Điều này làm cho các chủ cơ sở phải loay hoay tìm nguồn vốn nhằm tiếp tục cung cấp vật tư đầu vào và tiền lương cho người lao động”.

Một chủ quầy hàng gần xưởng mộc Huỳnh Châu cũng âu sầu cho biết, thực trạng “nguội lạnh” đó đang diễn ra ở làng mộc Kim Bồng kể từ sau đợt dịch COVID-19 năm ngoái đến nay, mà nhất là từ sau tết Nguyên đán. Ngày nào cũng như ngày nào, trung tâm làng nghề mộc Kim Bồng đều hoàn toàn thưa vắng khách tham quan. Vì buôn bán ế ẩm nên một số chủ cửa hàng thủ công mỹ nghệ tìm cách cho thuê lại quầy hoặc tạm thời đóng cửa, tìm việc khác để làm ăn. Hàng không bán được nên các cơ sở trước đây thuê thợ sản xuất tại chỗ cũng đành phải ngừng làm hàng mới. Thợ mộc không có việc. Để giữ chân thợ, có cơ sở đã cho mượn địa điểm và công cụ, dụng cụ, thợ tự động tìm kiếm đơn đặt hàng đồ gỗ ở các xã, phường lân cận, tạo việc làm. Nhưng, đó chỉ là số ít.

Mùa buồn Phố Hội -0
Nghề mộc của làng Kim Bồng nổi tiếng khắp nơi bởi những sản phẩm tinh xảo, độc đáo.

Càng khó khăn hơn với làng mộc Kim Bồng, một làng nghề được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 4036/QĐ-BVHTTDL ngày 21-11-2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tuy nhiên, cũng như bao làng nghề khác tại Hội An đều chung một cách thức hoạt động và phát triển đó là lồng ghép sản xuất các mặt hàng lưu niệm và hoạt động trải nghiệm cho du khách. Điều này cũng đồng nghĩa sẽ đóng cửa nếu như du lịch đóng cửa. Tuy nhiên, hiện nay vì đầu ra các sản phẩm phục vụ du lịch hầu như không có nên các cơ sở đành sản xuất cầm chừng các mặt hàng dân dụng nhằm tạo việc làm và giữ chân thợ.

Chị Lê Thùy Trang, chủ quầy hàng thủ công mỹ nghệ ở trung tâm làng mộc Kim Bồng bộc bạch: “Không có khách du lịch, những sản phẩm đồ gỗ, đồ lưu niệm của những cơ sở mộc cổ truyền đều không bán được. Cả ngày ngồi nhưng không hề có khách, không lẽ giờ đóng cửa nghỉ, đi làm chuyện khác. Mình tiếc của cải, vốn liếng mà mình bỏ ra, người thợ tiếc công, tiếc sức, tiếc nghề của cha ông. Nhưng, giờ sản phẩm làm ra không có khách, bán cho ai được. Hàng hóa để lâu rồi cũng hư, cũ. Thợ thầy thì giờ cũng chật vật sống nhưng chẳng mấy người còn đục gõ làm nghề nữa. Tất cả đều trông chờ hết dịch, du lịch trở lại đưa khách đến mà thôi!”.

Còn người, còn nghề

Làng mộc ấy vốn là điểm đến của rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước, của cả những thợ mộc từ khắp nơi tìm đến để học nghề, trao đổi kỹ nghệ. Kim Bồng Đông đóng tàu thuyền, Kim Bồng Tây chạm khắc gỗ để cho ra những sản phẩm còn tồn tại qua nhiều thập kỷ, mà trong đó khu phố cổ Hội An là một trong những minh chứng của một thời kỳ hưng thịnh cũng như sự tài hoa của những người thợ làng mộc Kim Bồng. Và, các sản phẩm chủ đạo tại đây gồm có những điểm rất độc đáo như bộ tứ linh long - lân - quy - phụng, chim công múa, các đức thánh và cả những vật dụng trong gia đình như bàn, ghế, tủ thờ,...

Nếu trước đây nghề chính của làng là nghề đóng ghe tàu, xây dựng nhà thì giờ hướng tập trung chính là sản xuất các mặt hàng mỹ nghệ, phù điêu, câu đối gỗ, tượng trang trí, đồ thờ cúng... Chính nhờ các kỹ thuật chạm nổi, chạm lộng, chạm thủng từ bàn tay nhuần nhuyễn, khéo léo, những nghệ nhân đã tạo ra một thế giới đồ gỗ đầy tự nhiên và mê hoặc.

Không chỉ vậy, các nghệ nhân ở đây còn có kinh nghiệm xây dựng hội quán, chùa chiền, đình làng, nhà thờ, nội ngoại thất hay “tất tần tật” những gì liên quan đến đồ gỗ. Chẳng thế mà rất nhiều khách từ Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh hay từ nước ngoài cũng về làng để tìm hiểu, mời thợ đến tận nơi tu sửa nhà rường, lăng tẩm, chùa chiền.

Mùa buồn Phố Hội -0
Một vài cơ sở trong làng mộc Thi thoảng nhận được đơn làm các đồ dùng sinh hoạt để sống qua ngày.

Anh Phan Huỳnh Châu là chủ cơ sở sản xuất Huỳnh Châu, khi nghe khách hỏi về nghề, đôi mắt anh sáng lên một chút, bộc bạch như từ lâu chẳng chia sẻ được với ai. Anh bảo, các công đoạn sản xuất ra một sản phẩm gỗ rất gian nan. Và, để tạo ra một thành phẩm hoàn chỉnh, phải đòi hỏi nhiều công đoạn phức tạp khác nhau. Người thì tạo phần xác, người khắc họa phần hồn để mỗi sản phẩm hoàn thành không chỉ có tính hữu dụng mà còn phải tinh tế, đẹp mắt và có giá vị văn hóa.

Vào những tháng cuối năm như hiện nay được coi là vào mùa sản xuất lư tết nhưng đáng buồn thay làng mộc Kim Bồng không có dấu hiệu gì là vào mùa. Các xưởng mộc đóng cửa tạm thời, những phiến gỗ nguội lạnh từ lâu. Tại cơ sở Huỳnh Ri, thời điểm này của 2 năm trước, thầy thợ có trên 20 người, làm cả ngày lẫn đêm mới đủ hàng giao. Năm nay, chẳng còn bao lâu nữa đến tết vậy mà cả thầy lẫn thợ vừa làm vừa uống trà xem chừng rất nhàn hạ. Anh Tú, thợ chạm nổi có hơn 10 năm ở đây tâm sự: “Dịch bệnh đã khiến không chỉ làng mộc Kim Bồng, mà nhiều làng nghề truyền thống của Hội An lâm cảnh khó khăn. Giờ đã cuối năm, du lịch cũng mở lại nhưng nhiều người còn ngại dịch bệnh nên du khách rất ít. Công việc vốn đã gian nan thì nay lại càng khốn khó hơn gấp bội. Nhưng, còn người thì còn nghề, cái nghề đã nuôi sống người dân cả làng bao nhiêu năm qua dù có thế nào cũng không thể mất!”.

Ông Thắng, một nghệ nhân “lão làng” cũng than thở: “Bây giờ làm để sống đắp đổi qua ngày, hơn nữa nghề gia truyền nên cố giữ lấy chứ thật ra nhiều lúc cũng muốn bỏ lắm! Hàng trong nước bán không chạy, còn hàng xuất khẩu thì họa hoằn lắm mới có đơn hàng “còm cõi” cho khách Đài Loan, Hàn Quốc, Việt Kiều. Nhưng, cái nghề này nó đã là máu thịt của mình rồi. Làm sao bỏ được. Giờ chỉ hoạt động cầm chừng, hy vọng thời gian tới khách du lịch lại đến đông như trước, làng nghề lại hồi sinh!”.

Cho đến nay, mặc dù làng mộc Kim Bồng đang đối diện vô vàn khó khăn nhưng nó vẫn là địa chỉ văn hóa, du lịch không thể nào phai trong tâm trí những người hoài cổ. Nhưng để giữ tiếng đục tiếng búa, giữ dăm gỗ bay ra trên máy bào, giữ tiếng cưa xẻ và tiếng mời chào có lẽ rất khó khăn cho người làng mộc bây giờ. Nhiều năm qua,  để được tồn tại và phát triển làng nghề đã là chuyện khó, nay trong mùa đại dịch COVID-19, bao khó khăn lại đè nặng trên vai người dân bám nghề, bám làng. Điều này cũng là nỗi lo của các cấp chính quyền địa phương trong việc duy trì, gìn giữ và phát huy giá trị vốn có của làng nghề truyền thống tại địa phương mình. Để làm được điều này cần lắm sự chung tay góp sức của nhiều bộ, ngành nhằm đưa ra giải pháp thiết thực nhất cho những gì mà xưa nay còn gìn giữ được.

Trao đổi với phóng viên, bà Thái Thị Mỹ Chi, chuyên viên Phòng Di sản Hội An, thuộc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản Hội An, cho biết: “Hiện tại ngành du lịch Hội An đang làm tất cả để đưa du khách về với địa phương, từ đó kéo theo các dịch vụ và khôi phục lại các hoạt động du lịch tại các làng nghề. Trung tâm có những giải pháp cụ thể để đề xuất về vấn đề gìn giữ và phát huy làng nghề, phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thể thao cùng đưa làng nghề vào các mô hình du lịch để phát huy giá trị của làng nghề truyền thống”.

Rời làng nghề bằng chuyến đò của một người lái đò thuê bên sông Hoài để sang phố cổ, hóa ra ông cũng là một tay thợ có nghề của làng nhưng vì dịch bệnh nên đành chèo đò chở khách kiếm tiền giúp vợ con qua ngày. Nhắc đến làng nghề, ông bảo người còn là nghề còn, sẽ không bao giờ mất đi được. Khó khăn này rồi làng nghề cũng sẽ vượt qua như bao lần trước đó. Nói về tương lai, mắt người đàn ông chèo đò ấy cũng hấp háy niềm vui.

Tiêu Dao
.
.