Mưu sinh trên sông Son
Trên đoạn sông Son, những người chèo đò đưa khách tham quan một phần các hang động ở Phong Nha - Kẻ Bàng ngày ngày vẫn miệt mài đón đưa khách. Những nụ cười mưu sinh sáng bừng lên trong nỗi vất vả nhưng cũng có những nụ cười hài lòng của du khách bốn phương.
Vất vả phận chèo đò
Những chiếc thuyền du lịch chùng chình đón đưa du khách trên dòng sông Son, màu xanh của những chiếc thuyền điệp với màu xanh của núi rừng và dòng sông. Trời bừng nắng, dòng sông Son trong xanh như ngọc trong mây núi Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) khiến không ít du khách cả Tây lẫn ta trầm trồ. Họ sững sờ với vẻ đẹp của thiên nhiên và nhiều du khách hài lòng với những dịch vụ du lịch ở nơi này.
Đưa tay đỡ một du khách bước lên thuyền, anh Hoàng Văn Tri - thuyền trưởng thuyền số 39 cùng vợ hướng dẫn từng du khách lên thuyền, hướng dẫn mặc áo phao và đảm bảo những tiêu chí an toàn trên sông nước đã được tập huấn. Chất giọng nhẹ và ngọt của đôi vợ chồng quê Bố Trạch như dìu du khách vào một chuyến tham quan hang động đầy mê hoặc.
20 năm trước, khi Phong Nha - Kẻ Bàng được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới đã khiến luồng sinh khí du lịch tràn vào. Qua nhiều lớp tập huấn, đôi vợ chồng ngư phủ trở thành người lái thuyền chở khách du lịch từ đó. Vợ chồng anh Tri đã có nhiều năm làm công việc quen thuộc chạy thuyền trên sông Son đưa đón du khách từ bến vào tham quan động Phong Nha. Công việc được tiếp xúc với khách du lịch đến từ nhiều tỉnh, thành trong nước và quốc tế đã giúp anh chị ngày càng trở nên chuyên nghiệp, chu đáo hơn trong cách phục vụ.
Tại bến thuyền sông Son này có 401 chiếc thuyền như của vợ chồng anh Tri phục vụ đưa đón khách. Mỗi chiếc thuyền chở được từ 6-10 người, với giá 550 ngàn/chuyến. Ông Nguyễn Văn Tâm, thuyền trưởng thuyền số 310 nhanh nhẹn giữ cho chiếc thuyền không bị tròng trành, rồi mỗi người một áo phao, từ bến thuyền lên đến cửa hang mất hơn 30 phút, rồi tiếp tục đi thuyền trong động để ngắm thạch nhũ. Gần 20 năm đưa khách trên dòng sông Son này, ông Tâm thuộc nằm lòng luồng lạch. Chỗ nào nhiều rong rêu hay bờ đá ngầm, ông đều tỏ tường. Ông lái chiếc thuyền đi trên mặt sông giống như một nghệ sĩ.
Mùa cao điểm, những chiếc thuyền như của ông Tâm có ngày chạy 2-3 chuyến. Đây là nguồn thu nhập mơ ước, ổn định cuộc sống cho gia đình ông cũng như hàng trăm gia đình khác ở vùng đất này. Ông bảo, ông cũng như tất cả người dân nơi này biết ơn tạo hóa ban cho quê hương dòng sông Son và động Phong Nha, được bình chọn là một trong những hang động đẹp nhất thế giới với sông ngầm dài nhất, hồ nước ngầm đẹp nhất, hệ thống thạch nhũ kỳ ảo nhất.
Những người chèo thuyền ở đây trai gái, già trẻ đủ cả. Có người chạm mốc 60, có người trẻ hơn, tầm 30-35 tuổi, lại có cả những thanh niên, thanh nữ quyết gắn bó tuổi xuân của mình tại miền sóng nước này. Những khi chờ khách, họ trò chuyện với nhau từ chuyện con cái, gia đình, chợ búa. Những khó khăn, vất vả của cái nghề cả ngày lênh đênh trên sông nước chỉ có người trong nghề mới nếm trải và thấu hiểu.
Du khách lần lượt xuống thuyền và người chèo thuyền bắt đầu chở họ khám phá vùng đất di sản thiên nhiên này. Những chiếc thuyền nối đuôi nhau đưa khách du lịch đi một vòng quanh. Trên thuyền, những người như vợ chồng anh Tri, ông Tâm lại trở thành những hướng dẫn viên. Họ nói về hang động, về những khối thạch nhũ, về dòng sông Son, về lịch sử quê hương mình một cách đầy hứng khởi, tự hào.
“Làm nghề nhưng cũng có vui của nghề. Nhìn khách du lịch thích thú với cảnh quan nơi đây mà người chèo đò như chúng tôi cũng cảm thấy ấm lòng. Những người làm nghề chèo thuyền ở đây không vì thế mà đòi tiền hay có thái độ không tốt với khách. Họ vui vẻ và có ấn tượng tốt với nơi đây để còn giới thiệu cho bạn bè khắp năm châu cùng đến là chúng tôi vui lắm rồi. Dẫu chẳng làm được gì thì cũng phải góp chút gì đó cho mảnh đất này, cho quê hương này đẹp hơn trong mắt du khách chứ!”, ông Tâm cười, bộc bạch như thế.
Phong Nha - Kẻ Bàng là địa điểm du lịch hấp dẫn không chỉ trong nước mà còn thu hút rất đông khách nước ngoài đến tham quan. Trở ngại lớn nhất giữa du khách nước ngoài và người chèo đò là ngôn ngữ. Do đón tiếp du khách nước ngoài tham quan nên phần lớn những người chèo đò ít nhiều cũng tranh thủ “học” nói chút tiếng nước ngoài để thuận tiện trong việc đưa đón khách.
Nhắc chuyện này, chị Nguyễn Thị Tài - thuyền trưởng thuyền số 31 cười, chia sẻ: “Ở đây tụi tôi nói toàn tiếng bồi, nếu du khách không hiểu thì mình ra dấu. Họ gật đầu coi như là "OK”. Còn những câu chào hỏi hay giao dịch quen thuộc thì chúng tôi đã thuộc làu! Không chỉ những người trẻ như chúng tôi mà cả các thuyền trưởng nhiều tuổi hơn cũng nói được tiếng nước ngoài hay lắm!”. Trên chiếc đò của chị Hoàng Thị Lý - thuyền số 379, có 4 khách du lịch người Pháp, họ nói chuyện và bình luận cảnh đẹp nơi đây. Còn chị thì miệt mài chèo đò, thỉnh thoảng cũng nói vài câu tiếng Anh thông dụng học lỏm được để trò chuyện với khách. Chị bảo, cũng nhờ nghề này mà chị mới nói được tiếng Anh. Dù chỉ là vốn tiếng bồi nhưng mình hiểu, người ta hiểu. Thế là vui rồi!
Theo Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng, đội thuyền phục vụ du khách ngắm cảnh sông Son và tham quan động Phong Nha có trên 400 chiếc, đội thợ chụp ảnh lưu động trên 90 người và hàng trăm cơ sở dịch vụ, hộ buôn bán nhỏ lẻ hoạt động thường xuyên, mang lại thu nhập khá ổn định cho người dân. Bình quân, mỗi thuyền hoạt động trên 110 chuyến/năm, cho thu nhập từ 40-45 triệu đồng/thuyền. Các thuyền chở khách phải làm thủ tục đăng ký phương tiện, được sơn, kẻ số đăng ký, các thuyền trưởng phải biết bơi, phải học tập pháp luật về giao thông đường thủy nội địa, khách phải mặc áo phao khi lên thuyền. Các thuyền phải thực hiện nghiêm túc nội quy, quy định về vị trí đón trả du khách, giá cả theo bảng giá niêm yết, nếu vi phạm sẽ bị xử lý tùy theo mức độ.
Những nụ cười ở sông Son
Để bảo vệ di sản và để giữ gìn môi trường du lịch ngày càng hấp dẫn hơn, Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng thường xuyên tổ chức, phát động phong trào “Mỗi đoàn viên, người lao động là một đại sứ du lịch” nhằm góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Quảng Bình an toàn, thân thiện, hấp dẫn, tạo ấn tượng tốt đẹp đối với du khách vì một môi trường du lịch bền vững. Sống nhờ di sản, những người chèo thuyền, những thợ chụp ảnh hay nhân viên của khu du lịch này đều nỗ lực, tích cực, trách nhiệm cùng nhau góp sức xây dựng môi trường du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng văn minh.
Mới đây, ngày 11/6, Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Bình đã phối hợp cùng Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng tổ chức hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa, bên cạnh đó cũng hướng dẫn kỹ năng phòng tránh đuối nước, cứu nạn, cứu hộ khi tai nạn xảy ra. Đồng thời với việc bảo đảm công tác an ninh, trật tự, vệ sinh cảnh quan và tạo ra môi trường du lịch an toàn, thân thiện, văn minh, xây dựng, quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng đến với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế.
Không chỉ thân thiện và giúp đỡ du khách có một chuyến tham quan đáng giá, nhiều hoạt động bên lề của những thành viên ở Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng càng khiến du khách hài lòng hơn. Đã có không ít trường hợp du khách đánh rơi, bỏ quên tài sản có giá trị đều được tìm thấy và trả lại. Anh Jacob Allan Warnor (quốc tịch Mỹ) lần đầu tiên đến Việt Nam và tham quan Phong Nha - Kẻ Bàng, bị đánh rơi ví và giấy tờ quan trọng cùng tiền để chi tiêu. Khi đang tìm trên những tuyến đường, khu vực đi qua, anh Jacob Allan Warnor nhận được thông báo nhận tài sản bị đánh rơi. Nhận lại thẻ VISA, giấy tờ tùy thân quan trọng và chiếc ví còn nguyên 4,7 triệu đồng và 1.180 USD, anh mừng rỡ, cho biết: “Lúc này vừa mừng rỡ, vừa biết ơn và tôi thấy các bạn Việt Nam mới tuyệt vời làm sao!”.
Có rất nhiều trường hợp các thuyền trưởng nhặt được giấy tờ, tài sản của du khách đã liên hệ trung tâm để trả lại. Ngày 27/4/2024, thuyền trưởng thuyền số 335 - Nguyễn Ngọc Quý nhặt được chiếc điện thoại iPhone 14 và một số giấy tờ tùy thân quan trọng đã liên hệ trung tâm để trả lại du khách đến từ Hà Nội. Ngày 26/3/2024, anh Nguyễn Văn Hà - thuyền trưởng thuyền số 146, nhặt được chiếc túi xách, trong túi có 9.100.000 đồng tiền mặt, điện thoại Samsung cùng một số giấy tờ tùy thân khác và đã liên hệ trả lại du khách.
Chị Nguyễn Thị Tài - thuyền trưởng thuyền số 31 cũng trả lại chiếc túi xách du khách bỏ quên trên thuyền, trong túi có giấy tờ tùy thân và 10.000.000 đồng tiền mặt. Chị Dương Thị Nhung - thợ ảnh số 18 và chị Nguyễn Thị Tự - thợ ảnh số 19 nhặt được 2 chiếc điện thoại iPhone và Samsung cũng trả lại du khách. Anh Hoàng Văn Phong, số thuyền 111 hay chị Hoàng Thị Lý - thuyền trưởng thuyền số 379 cũng nhiều lần có hành động tương tự, mang lại nụ cười tin tưởng của nhiều du khách.
Năm 2023, tại các khu, điểm du lịch của trung tâm có 98 trường hợp nhặt được của rơi, trả người đánh mất. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, đã có 19 trường hợp tương tự. Giữa trời mây sóng nước Phong Nha này, có những người chèo đò đưa khách du lịch ở khắp nơi khám phá vẻ đẹp của vùng đất và con người nơi này. Họ chính là một trong những cầu nối đưa vẻ đẹp tiềm ẩn của dải đất hình chữ S ra với bạn bè quốc tế.
Ông Hoàng Minh Thắng - Giám đốc Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết, những hình ảnh đẹp về việc trả lại tài sản cho du khách đánh rơi luôn cần được nhắc đến, lan tỏa trong đời sống cộng đồng, góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Việt Nam thân thiện, hiếu khách. Để động viên cán bộ, công nhân viên cũng như những người tham gia làm du lịch và người dân trên địa bàn khi nhặt được tài sản của du khách trả lại, Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng đều có thông báo rộng rãi lên các bảng tin và tuyên dương kịp thời.
Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới với hệ thống hang động nổi tiếng cùng các điểm du lịch. Với tiềm năng và lợi thế sẵn có, tỉnh Quảng Bình xác định du lịch, dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn tạo đà và thế phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Để đạt được mục tiêu đó, những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã không ngừng nỗ lực, tăng cường kêu gọi đầu tư, tập trung xây dựng, phát triển hạ tầng du lịch, hướng đến mục tiêu xây dựng hình ảnh một địa chỉ du lịch đẹp, mến khách, xứng danh với vùng đất quê hương di sản. Nhờ đó, lượng khách đến với Phong Nha - Kẻ Bàng ngày một tăng. Năm 2024 ngành du lịch tỉnh Quảng Bình đặt mục tiêu đón 4,5-5 triệu lượt khách, doanh thu đạt trên 5.600 tỉ đồng.