Năm 2023 kết thúc trong xáo trộn

Thứ Bảy, 23/12/2023, 09:01

Trong cuộc gặp ở San Francisco, các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đã khẳng định mong muốn chung là giảm đối đầu và xung đột trong quan hệ Mỹ - Trung, đồng thời tuyên bố nối lại kênh liên lạc quân sự giữa hai nước, vốn bị cắt đứt vào tháng 8/2022 sau chuyến thăm Đài Loan (Trung Quốc) của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.

Chính quyền Tổng thống Biden đã gửi một tín hiệu rõ ràng đến toàn cầu, cho rằng Mỹ không có dự định cắt đứt quan hệ thương mại và kinh tế với Trung Quốc. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc đã vạch ra 5 nguyên tắc cơ bản trong mối quan hệ song phương Mỹ - Trung: Đề cao nhận thức chung, giải quyết hợp lý các bất đồng, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi, gánh vác trách nhiệm toàn cầu với tư cách là các cường quốc hàng đầu thế giới và khuyến khích giao lưu giữa các dân tộc. Cùng đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã quyết định mời 50.000 sinh viên Mỹ đến Trung Quốc trao đổi và học tập trong 5 năm tới.

chu tich.jpg -0
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại San Francisco vừa qua

Trung Quốc đang phải đối mặt với những vấn đề cơ bản trong quá trình chuyển đổi từ mô hình xuất khẩu sang mô hình kích thích nhu cầu và tiêu dùng nội địa. Đây là một quá trình khó khăn và phức tạp vì để thực hiện thành công, cần phải có những quy định và sự phối hợp lớn giữa các ban cấp ngành và khu vực. Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp chiếm hơn 20%; nợ không thể trả trong ngành xây dựng; ngân sách vùng tỉnh thấp... tất cả những điều này vẫn chưa tìm được giải pháp thỏa đáng ở cấp quốc gia. Mọi hạn chế đối với xuất khẩu hiện tại của Trung Quốc đều chỉ làm tăng thêm vấn đề.

Sau chuyến thăm Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo EU. Các nước châu Âu đã đến Bắc Kinh với mong muốn tái cân bằng danh mục hợp đồng xuất nhập khẩu dài hạn nhằm giảm thiểu rủi ro phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc đối với một số loại hàng hóa và dịch vụ. Một số nước châu Âu cũng có xu hướng tăng cường tự chủ trong chính sách đối với Trung Quốc. Italy đã quyết định không tự động gia hạn việc tham gia vào dự án Con đường tơ lụa mới. Trong khi Đức dự định sẽ mở rộng quy mô hợp tác trong lĩnh vực sản xuất xe điện với Trung Quốc.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã đến Bắc Kinh vào tháng 11. Trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên sau 7 năm của ông Albanese, hai bên đã đồng ý giảm bớt các biện pháp trừng phạt lẫn nhau và thúc đẩy thương mại song phương. Mong muốn bình thường hóa quan hệ trong khu vực của Bắc Kinh đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh Australia tiếp tục hoạt động quân sự, tăng cường quan hệ với Nhật Bản và tổ chức các cuộc diễn tập quân sự với Philippines. Theo một phân tích của Bắc Kinh, Trung Quốc sẽ bị thiệt hại kinh tế nhiều hơn so với những vấn đề liên quan đến quan hệ song phương.

Nhận thức của phương Tây về cuộc xung đột ở Ukraine đã bắt đầu thay đổi. Phương Tây không chỉ mệt mỏi mà còn cạn kiệt nguồn tài chính dùng để viện trợ Kiev. Chuyên gia Mỹ Richard Haass cho biết: "Ukraine phải từ bỏ chiến lược hiện tại. Phải xác định lại ý nghĩa của thành công. Đó không phải là việc giải phóng quân sự toàn bộ lãnh thổ của mình, mà thực tế là Ukraine đang trở thành một nhân tố lâu dài đối với Nga. Ukraine phải từ bỏ chiến lược tấn công thất bại, nên chuyển sang chiến lược phòng thủ".

Liên quan đến vấn đề này, ngày 20/12, CNN và Time thông báo Ukraine đã thất bại trong việc đẩy lùi các binh sĩ Nga. Ukraine đã hy sinh nhiều binh sĩ cũng như nền kinh tế của người dân các nước châu Âu trong trận chiến này. Quân đội Nga hiện đang chiếm ưu thế trên chiến trường. Theo tạp chí Time, Ukraine khó có thể giành chiến thắng hay đạt được một đàm phán thỏa đáng với Nga. Số lượng xe tăng và vũ khí dùng để viện trợ cho quân đội Ukraine cũng đã giảm đáng kể so với ban đầu.

Năm 2023 kết thúc trong xáo trộn -0
Quân nhân Ukraine nghỉ ngơi sau một cuộc giao tranh gần thành phố tiền tuyến Bakhmut, thuộc khu vực Donetsk

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Mỹ đã từ chối hỗ trợ vũ khí cho Ukraine, vì lo sợ rằng điều này sẽ khiến xung đột leo thang. Nga có thể sẽ tấn công một quốc gia thành viên NATO hoặc biến cuộc xung đột thành một cuộc chiến tranh hạt nhân. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khéo léo khơi dậy nỗi lo ngại của những đồng minh Ukraine. Chính quyền Tổng thống Biden lo ngại nếu ông Putin nhìn nhầm loại xe tăng, tên lửa hoặc máy bay ở Ukraine thì ông có thể đáp trả bằng vũ khí hạt nhân.

CNN đưa tin: "Các quan chức phương Tây cảnh báo rằng Ukraine chắc chắn sẽ thất bại trước Nga nếu Mỹ không bổ sung viện trợ cho nước này". CNN và Time tuyên bố Ukraine thất bại đồng nghĩa với việc phương Tây thất bại. Ukraine sẽ không thể chống cự khi Mỹ và châu Âu chấm dứt viện trợ. Theo Continental Observer, Mỹ đang gửi cho Ukraine khoản viện trợ tài chính cuối cùng. CNN nhấn mạnh: "Các quan chức phương Tây lo ngại rằng, viện trợ của Mỹ mất đi hoặc trì hoãn sẽ ảnh hưởng đến viện trợ từ các đồng minh của họ". Theo Continental Observer, EU cho rằng Kiev sẽ phải ký một thỏa thuận ngừng bắn theo các điều khoản của Nga. Ngoài ra, cuộc thăm dò của Báo Le Point cho thấy Pháp không còn muốn giúp đỡ Ukraine trong hoạt động quân sự chống lại Nga. CNN cảnh báo: "Các cơ quan tình báo phương Tây hiện đang tính toán xem Ukraine có thể cầm cự được bao lâu nếu không có sự trợ giúp từ Mỹ và NATO. Chiến thắng của Nga không chỉ là tin xấu đối với Ukraine mà còn là thảm họa đối với an ninh châu Âu nói chung và là một đòn giáng mạnh vào Mỹ".

Còn phân tích từ Continental Observer hy vọng rằng Mỹ hoặc EU sẽ không chống đối lại một cường quốc hạt nhân như Nga vì châu Âu đang phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế. Hòa bình thế giới đang bị đe dọa và giới tinh hoa chính trị phải làm việc với cái đầu lạnh.

Xung đột Israel - Hamas, với vụ tấn công ngày 7/10, kéo theo những đợt nổ súng đẫm máu ở Dải Gaza, cũng đã thay đổi trong nhận thức của công chúng. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng, cần phải tìm kiếm một giải pháp cơ bản cho cuộc xung đột nhằm xây dựng một nhà nước Palestine thực thụ. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng cùng quan điểm. Trong khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chỉ muốn tiêu diệt Hamas như một tổ chức quân sự. Nhưng, dường như khó có thể tiêu diệt Hamas. Thực tế, có đến 72% người Palestine ở Gaza ủng hộ Hamas phát động tấn công. Con số này đã tăng lên 82% trong số những người sống ở Bờ Tây thuộc chính quyền Palestine kiểm soát. Thế giới sẽ phải đề xuất những giải pháp hiệu quả cho những vấn đề chồng chất tưởng như không thể giải quyết được này.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.