Năm học mới vẫn “nhức nhối” tình trạng thiếu giáo viên

Thứ Tư, 23/08/2023, 17:29

Câu chuyện thừa  - thiếu giáo viên (GV) không mới, nhưng vẫn là vấn đề nhức nhối, thách thức lớn của ngành Giáo dục và các địa phương trong năm học mới 2023 - 2024.

Cả nước thiếu gần 12 vạn giáo viên

Tại hội nghị tổng kết năm học được tổ chức vào ngày 18/8, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Ngọc Thưởng cho biết, theo thống kê sơ bộ trên cơ sở dữ liệu ngành, hiện nay cả nước còn thiếu 118.253 GV, tăng thêm 11.308 người thiếu so với năm học 2021 - 2022 (cấp mầm non tăng 7.887 người, cấp tiểu học tăng 169 người, cấp THCS tăng 1.207 người, cấp THPT tăng 2.045 người).

Năm học mới vẫn “nhức nhối” tình trạng thiếu giáo viên -0
Cần thay đổi chế độ chính sách đãi ngộ với nhà giáo, để họ yên tâm gắn bó với nghề.

Cơ cấu đội ngũ nhà giáo còn mất cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau; tình trạng thừa, thiếu GV còn diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, nhất là GV dạy các môn học mới như các môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật nhưng chậm được khắc phục (theo Bộ GD&ĐT, Tiếng Anh, Tin học trước đây là môn tự chọn nay đưa vào chương trình bắt buộc từ lớp 3; bổ sung mới môn nghệ thuật cấp THPT; các môn học tự chọn như tiếng dân tộc thiểu số - cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu GV). Chỉ tiêu phân bổ GV cho các địa phương đa số thấp hơn so với nhu cầu thực tế.

Nguyên nhân chính dẫn đến số GV cấp học mầm non còn thiếu cao hơn so với năm học trước là do số trẻ đến trường năm học 2022 - 2023 tăng thêm 132.245 trẻ so với năm học trước (tương đương cần tăng thêm khoảng 5.500 GV). Cấp tiểu học, tỉ lệ lớp học 2 buổi/ngày năm học 2022 - 2023 tăng 4,6% so với năm học trước (tương đương tăng 10.811 lớp học 2 buổi/ngày, cần tăng thêm khoảng 3.000 GV). Cấp THPT tăng 669 lớp so với năm học trước (tương đương cần tăng thêm khoảng 1.500 GV).

Cũng theo thống kê từ hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục, năm học 2021 - 2022 có 16.265 GV nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành giáo dục; trong đó, số GV công lập nghỉ việc là 10.407 người, số GV ngoài công lập nghỉ việc là 5.858 người. Còn năm học vừa qua, toàn quốc có hơn 19.300 GV công lập nghỉ hưu và nghỉ việc (gồm 10.094 GV nghỉ hưu và 9.295 GV nghỉ việc). Những vùng có tỉ lệ GV/lớp học thấp nhất cả nước là: Vùng miền núi phía Bắc có tỉ lệ GV mầm non/lớp là 1,6; Vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ có tỉ lệ GV tiểu học/lớp là 1,29; Vùng Đông Nam Bộ có tỉ lệ GV THCS/lớp là 1,69; Vùng đồng bằng sông Hồng có tỉ lệ GV THPT/lớp là 1,92.

Tại Hà Nội, tình trạng thiếu GV cũng đang làm các cơ quan quản lý đau đầu khi thiếu gần 9.000 GV, trong đó, số GV còn thiếu bậc mầm non là 1.325, bậc tiểu học thiếu nhiều nhất với 3.634 GV; bậc THCS thiếu 2.684 GV; bậc THPT thiếu 1.296 GV. Nguyên nhân do số lượng học sinh khối trường công lập tăng 6%, nhưng từ năm 2015 đến nay, số GV không hề tăng. Năm 2022, số lượng biên chế toàn thành phố chỉ đáp ứng 92% nhu cầu biên chế của các trường công lập.

Yên Bái là một tỉnh miền núi, hiện tổng số GV của tỉnh mới đạt 86,5% so với định mức. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã tổ chức nhiều đợt tuyển dụng, bình quân 2 đợt/năm với tổng chỉ tiêu tuyển là 2.532, song số đăng ký chỉ là 1.359 (chiếm 53,7%), và số trúng tuyển cũng chỉ đạt 726 trường hợp, chiếm 53,4% số dự tuyển và chiếm gần 29% tổng số chỉ tiêu tuyển. Yên Bái đã phải thực hiện biệt phái GV tiếng Anh ở vùng thấp lên vùng cao nhưng cũng chưa giải quyết được bài toán khó này. Ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái cho hay: “Với GV Tiếng Anh và Tin học, chúng tôi ra chủ trương thu hút tuyển mới lên vùng cao với mức hỗ trợ 100 triệu đồng/trường hợp, nhưng hiện chúng tôi vẫn chưa tuyển mới được trường hợp nào”.

Còn tại Cà Mau, đội ngũ GV của tỉnh thiếu rất nhiều, nhất là các môn Ngoại ngữ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục quốc phòng.Cà Mau dự kiến phân 600 biên chế viên chức cho ngành giáo dục, tuy nhiên hiện nay số được giao này lại không có nguồn tuyển, nên cũng khó khăn. Trong khi đó, số GV tăng cường từ miền Bắc vào (15-20 năm trước) giờ đây cũng có nguyện vọng chuyển đi địa phương khác, mỗi năm khoảng 200 người nên khoảng trống về nguồn tuyển càng lớn.

Cũng giống Hà Nội, Yên Bái, Cà Mau, nhiều tỉnh đang phải đối diện với bài toán thiếu GV mà chưa thể khắc phục, trong đó Thanh Hóa dẫn đầu toàn quốc, thiếu hơn 10.000 GV. Các tỉnh, thành như TP Hồ Chí Minh, Nghệ An, Bình Dương... cũng thuộc “top” những địa phương thiếu GV nhiều nhất…

Những giải pháp căn cơ bắt đầu từ đâu?

 Báo cáo Kết quả giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của Quốc hội ngày 11/8/2023 đã đánh giá, tình trạng thiếu GV trên toàn quốc còn do “chính sách, chế độ đãi ngộ đối với ngũ GV chưa hấp dẫn, khó thu hút, giữ chân đội ngũ GV, nhất là nhân lực chất lượng cao”.

Năm học mới vẫn “nhức nhối” tình trạng thiếu giáo viên -0
Giáo viên vùng núi đang có rất nhiều khó khăn về vật chất, tinh thần, họ cần có những chính sách hỗ trợ đặc thù.

Cách đây ít ngày, vào ngày 15/8, Bộ trưởng Bộ GD & ĐT Nguyễn Kim Sơn đã gặp gỡ, trao đổi với đội ngũ nhà giáo trên cả nước. Đã có hơn 6.000 câu hỏi của các nhà giáo gửi tới “tư lệnh” ngành Giáo dục, trong đó nhiều câu hỏi phản ánh về chế độ chính sách, chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo chưa thỏa đáng, khiến cuộc sống của họ gặp muôn vàn khó khăn. Cô Lê Thị Tuyết Hường - GV Trường Mầm non Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cho biết, thời gian làm việc của GV mầm non đang ở mức 10-11h/ngày, thay vì 8 tiếng như quy định, nhiều người không có thời gian lo cho gia đình, nhưng mức lương của đội ngũ này chỉ ở mức dưới 5 triệu đồng/tháng, chưa đáp ứng tối thiểu nhu cầu cuộc sống.

Còn cô giáo Dương Thị Thanh Hồng - GV mầm non ở Hà Tĩnh chia sẻ, lương GV hiện chưa theo chuẩn trình độ đào tạo, gây thiệt thòi cho nhiều người, do đó, tuổi nghỉ hưu của GV mầm non nên giữ ở mức 55 tuổi. Ngoài ra, đội ngũ hành chính trường học có mức lương rất thấp nhưng không có nguồn thu gì thêm. Một thầy giáo ở Điện Biên thì cho hay, cơ sở vật chất của các trường học vùng cao đang rất sơ sài, không có thư viện, phòng tin học, chỗ ăn ngủ bán trú của học sinh hẹp, học sinh thiếu đồ dùng đồ chơi, bếp ăn lẫn nhà vệ sinh đều tạm bợ… Đến phòng hội đồng cho các thầy cô trong ban giám hiệu cũng không có. Nhà công vụ dành cho các GV cắm bản xuống cấp nghiêm trọng. Ở một số tỉnh, quãng đường từ trung tâm đến điểm trường gần 50km, giao thông khó khăn, ảnh hưởng tới tính mạng nhưng chưa có chế độ hỗ trợ đi lại cho đối tượng này. Điều kiện như thế nên không ít GV đã bỏ nghề, tìm công việc khác, khiến tình trạng thiếu GV đã thiếu lại càng thêm thiếu…

Để giải quyết tình trạng thiếu GV một cách chiến lược, bài bản, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện tốt việc phân bổ, quản lý và sử dụng biên chế GV theo Quyết định 72-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Tập trung giải quyết dứt điểm việc tuyển dụng đủ GV theo biên chế được phân bổ. Chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc trong tuyển dụng GV dạy các môn học mới. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách điều động, luân chuyển GV để giải quyết tình trạng thừa, thiếu GV cục bộ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu ngành Giáo dục phải nâng cao chất lượng đào tạo ngành sư phạm. Tổ chức đào tạo đủ nguồn GV dạy các môn học mới. Nâng cao chất lượng, hiệu quả bồi dưỡng, tập huấn cán bộ quản lý giáo dục, GV; phát huy vai trò của đội ngũ GV cốt cán. Có chính sách hỗ trợ GV ngoài công lập tập huấn, bồi dưỡng về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Về phía Bộ GD&ĐT, Bộ đã chỉ đạo các địa phương rà soát công tác quản lý biên chế, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ GV, cán bộ quản lý giáo dục; phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ tham mưu trình Bộ Chính trị phê duyệt 65.980 biên chế GV bổ sung cho các địa phương trong giai đoạn 2022 - 2026; tham mưu Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung các cơ chế tuyển dụng hợp đồng lao động để các cơ sở giáo dục được ký kết hợp đồng lao động góp phần giải quyết khó khăn về thiếu GV, hỗ trợ các cơ sở giáo dục có đủ điều kiện triển khai chương trình giáo dục mầm non, phổ thông theo quy định.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập để làm căn cứ pháp lý cho các địa phương thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý GV mầm non trong các trường mầm non công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Các địa phương được yêu cầu tuyển dụng hết số biên chế GV đã được giao, ưu tiên tuyển dụng GV mầm non, tiểu học còn thiếu; sắp xếp, điều tiết GV giữa các cơ sở giáo dục tại địa phương bảo đảm hợp lý, khắc  phục tình trạng thừa thiếu GV cục bộ; bố trí đủ GV dạy học các môn Ngoại ngữ và Tin học để triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; thực hiện hợp đồng GV theo quy định trong trường hợp chưa tuyển đủ GV; nghiên cứu xây dựng chính sách thu hút, tạo nguồn tuyển dụng GV và hỗ trợ, tạo điều kiện để GV yên tâm công tác.

Về phía địa phương, nhiều địa phương đề xuất bổ sung biên chế GV, coi đây là giải pháp căn cơ để khắc phục triệt để thiếu GV. Ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, giao bổ sung biên chế GV cho tỉnh đảm bảo đủ định mức theo quy định. Đồng thời, tỉnh cũng kiến nghị nghiên cứu, bổ sung các chính sách đãi ngộ, hỗ trợ đặc thù đối với GV, nhân viên tại các địa bàn đặc biệt khó khăn... để tạo điều kiện thu hút, tuyển dụng, giữ chân người đang công tác.

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD & ĐT Hà Nội cho hay, HĐND thành phố đã thông qua việc ký hợp đồng với hơn 3.100 GV mầm non, tiểu học và THCS. Ngoài ra, Hà Nội còn tổ chức tuyển mới 608 GV vào các trường công lập. Hà Nội cũng đang gỡ dần bài toán thiếu GV bằng nhiều cách, như quận Thanh Xuân xây dựng "Ngân hàng GV" (gồm các GV giỏi, giàu kinh nghiệm của các trường tiểu học) và lập tổ công tác để hỗ trợ những trường còn thiếu GV. Với cách làm sáng tạo này, một GV tiếng Anh của quận có thể dạy cho 2, 3 trường.

Một giải pháp quan trọng nữa là phải có chiến lược đào tạo GV. Đáng mừng là  trong 2 năm qua, số học sinh vào học các trường đại học sư phạm đã tăng lên đáng kể, nhưng quá trình triển khai Nghị định 116 về việc đặt hàng các trường đại học sư phạm để đào tạo GV cho các địa phương còn có một số vướng mắc, nhiều địa phương không dám đặt hàng với nhiều rất nhiều lý do khác nhau. Giải quyết điểm nghẽn này, Bộ GD & ĐT đang tiến hành rà soát các nội dung liên quan đến Nghị định 116 làm thế nào đó tốt nhất cho các địa phương có thể triển khai đặt hàng đào tạo GV, giúp lấp dần khoảng trống thiếu GV đang gây khó khăn cho các nhà trường phổ thông trên toàn quốc.

Thu Phương
.
.