Ngăn chặn ma men sau vô lăng
“Đã say nhưng vẫn cầm lái phăng phăng trên phố. Không ai khác, họ chính là những thần chết di động đang di chuyển trên phố", đó là một đoạn trong tâm thư của một tài xế về tình trạng tài xế say xỉn, cũng là sự cảnh báo về tai nạn giao thông (TNGT) do những người uống rượu, bia lái xe gây ra thời gian qua.
Đau lòng sau những cuộc vui
Chiều 8-2, gia đình và người dân thương xót khi Công an Thái Bình trục vớt chiếc xe ô tô biển kiểm soát 17A-213.54, bên trong có thi thể nạn nhân Đặng Tuấn A 38 tuổi, trú tại xã Vũ Phúc, thành phố Thái Bình. Theo gia đình nạn nhân thì anh Tuấn A đi ăn cùng các bạn học từ ngày 6-2. Trong cuộc gặp, cả nhóm có uống bia. Sau khi tiệc tan, khoảng 19h30 cùng ngày, anh Tuấn A lái xe về nhưng sau đó gia đình, bạn bè không thấy anh đâu, điện thoại tắt máy. Mọi người lo lắng tìm kiếm khắp nơi nhưng đều không được.Ai cũng hi vọng một phép màu, hi vọng có thể anh mệt nên ngủ quên ở đâu đó. Hi vọng cứ ít dần vì nếu anh mệt, thậm chí anh ốm, ngất thì sau khi tỉnh lại cũng sẽ gọi điện về nhà. Đằng này... Người nhà đã tỏa đi tìm, nhờ các gia đình có camera dọc tuyến đường từ quán lẩu về nhà trích camera và phát hiện anh Tuấn A mất tích ở khu vực sông Kiến Giang, thuộc thôn Đông Hạ, xã Vũ Phúc, thành phố Thái Bình. Tìm dọc bờ sông, mọi người đau xót khi phát hiện chiếc xe ô tô màu trắng của nạn nhân nổi lập lờ trên nước nên đã báo với Cơ quan công an.
Vụ tai nạn thương tâm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo những tai nạn, những mối nguy hiểm do bia, rượu gây ra. Trên thực tế, đã xảy ra hàng nghìn, hàng vạn vụ tai nạn thương tâm như vậy, trong đó có những vụ làm chết nhiều người. Thói quen sử dụng rượu, bia, điều khiển phương tiện gây TNGT vẫn diễn biến phức tạp, nhất là trong các dịp lễ, tết, gặp mặt.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an thì có khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông và 11% số người chết có liên quan rượu, bia, con số này đang có xu hướng gia tăng. Kết quả khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới đối với các nạn nhân nhập viện vì TNGT, có tới hơn 36% số người lái xe máy và gần 67% người lái ô tô có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép. Trong số 100 nạn nhân tử vong vì TNGT có liên quan đến rượu, bia, độ tuổi 15-29 chiếm tới gần 60%. Nam giới chiếm trêm 90% tổng số nạn nhân.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền và điều tra, xử lý TNGT, Cục CSGT cho biết, nguyên nhân hàng đầu khiến TNGT trong dịp Tết diễn biến phức tạp và khó kiểm soát là do tình trạng sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện. Trong đó, tập quán sử dụng nhiều rượu, bia trong dịp Tết, cộng với tâm lý vui Tết của người dân, đặc biệt là đối tượng thanh niên, ở các địa bàn nông thôn, khiến người điều khiển phương tiện dễ dàng vi phạm các quy tắc an toàn giao thông như đi sai phần đường, làn đường, quá tốc độ, chở quá số người quy định; đi môtô, xe máy không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng trên đường.
Xuyên Tết xử lý lái xe không tuân thủ
Trước những hậu quả khôn lường mà “ma men” đã, đang và sẽ đe dọa đối với tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn, lực lượng CSGT toàn quốc đã tăng cường các biện pháp tuyên truyền, tuần tra xử lý vi phạm, trong đó tập trung vào lỗi uống rượu, bia. Trong những ngày Tết, lực lượng CSGT tăng cường tuần tra kiểm soát, đặc biệt là lập chốt ngay tại các khu vực, tuyến giao thông trọng điểm để phát hiện xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ vi phạm quy định về nồng độ cồn.
Tại Hà Nội, việc xử lý các “ma men” là nhiệm vụ quan trọng của CBCS Phòng CSGT. Chính vì vậy, các đội công tác ngoài tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở người dân chấp hành nghiêm quy định về an toàn giao thông, còn xử lý nghiêm các vi phạm, trong đó có vi phạm nồng độ cồn.
Ghi nhận của chúng tôi tại một số điểm và một số huyện trên địa bàn thành phố, việc xử lý những vi phạm liên quan đến nồng độ cồn đã và đang được lực lượng CSGT triển khai đồng bộ, mạnh mẽ với quyết tâm phòng, tránh các vụ TNGT thương tâm có thể xảy ra. Đối với hành vi vi phạm này, lực lượng chức năng đã kiên quyết lập biên bản, giữ phương tiện và hướng dẫn người say rượu ra về bằng các hình thức an toàn. Tuyệt đối không để người say rượu tiếp tục điều khiển phương tiện, bởi có nguy cơ cao đến tính mạng chính họ hoặc những người cùng lưu thông. Tuy nhiên, điều đáng nói là dù các cơ quan chức năng đã thường xuyên kiểm tra, tăng cường xử phạt nhưng tình trạng lái xe sử dụng rượu, bia vẫn còn khá phổ biến.
Thiếu tá Nguyễn Quang Thành, Phó Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 2 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) thông tin, dự báo trước tình hình sau nghỉ Tết cổ truyền, nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân gặp mặt đầu năm sẽ liên hoan, chúc tụng nhau. Vì vậy, sẽ có nhiều người sử dụng rượu, bia tham gia giao thông. "Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đơn vị đã chỉ đạo các tổ tuần tra kiểm soát công khai, kết hợp với hóa trang tại một số quán ăn, nhà hàng trên địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia", Thiếu tá Nguyễn Quang Thành thông tin.
Thiếu tá Trần Như Thanh cho biết, người điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 0,250 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền 2,5 triệu đồng, ngoài ra còn bị tước giấy phép lái xe 11 tháng và áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ xe máy đến 7 ngày theo quy định của Nghị định số 123 Chính phủ quy định. "Quá trình tuần tra kiểm tra lưu động trên tuyến, CSGT phát hiện người điều khiển phương tiện có biểu hiện như mặt đỏ, đi loạng choạng, sẽ tiến hành dừng xe, đưa về đơn vị để tiến hành kiểm tra nồng độ cồn, xử lý theo quy định" - Thiếu tá Trần Như Thanh chia sẻ.
Ngày 10-1, trên phố Trần Nhật Duật, thuộc địa bàn phường Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội), Tổ công tác của Đội CSGT số 1 đã kiểm tra, xử lý hàng loạt “ma men”. Điển hình như trường hợp anh Nguyễn Thanh T(trú ở phố Phan Bội Châu), khi tổ công tác dừng kiểm tra và yêu cầu thực hiện việc đo nồng độ cồn, kết quả đo cho thấy anh T vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,115 miligam/1 lít khí thở. Anh T cho biết, đầu xuân năm mới đi làm trở lại, anh có hẹn bạn buổi trưa gặp mặt ngồi uống lon bia. Anh P. công nhận lỗi vi phạm của mình và ký vào biên bản nộp phạt. Cũng với lý do tương tự, tài xế Trần Minh H cũng vô tư nâng chén đầu xuân với bạn bè để rồi sau đó bị CSGT phát hiện vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,192 miligam/1 lít khí thở. Các trường hợp vi phạm trên đều bị tổ công tác lập biên bản phạt tiền 2,5 triệu đồng, ngoài ra còn bị tước giấy phép lái xe 11 tháng, đồng thời tạm giữ xe máy 7 ngày theo quy định của Nghị định số 123.
Tại các địa phương, CSGT cũng tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn. Chia sẻ với chúng tôi, Trung tá Nguyễn Trường Sơn, Đội trưởng Đội tuần tra, kiểm soát đường bộ, cao tốc số 2, Cục CSGT cho biết: “Qua công tác tuần tra, kiểm soát, việc phát hiện và xử lý đối với các trường hợp vi phạm nồng độ cồn hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều trường hợp không hợp tác, có thái độ cản trở, chống đối, lực lượng chức năng... Bên cạnh đó còn có hậu thuẫn của một số quán hàng trong việc bố trí người cảnh giới, theo dõi lực lượng chức năng làm nhiệm vụ và báo cho những người điều khiển giao thông biết, tìm cách chống đối. Vì vậy, để tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả thì rất cần sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa của ngành chức năng cũng như toàn xã hội. Các ban, ngành, đoàn thể, địa phương cần tăng cường thực hiện có hiệu quả tháng an toàn giao thông với tuyên truyền “Nói không với uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông”.
Đặc biệt, là mỗi cá nhân phát huy ý thức, trách nhiệm của mình khi tham gia giao thông, vì sự an toàn của chính bản thân và những người xung quanh.
70% nạn nhân tai nạn giao thông điều trị tại Bệnh viện Việt-Đức có dùng bia, rượu
Trong dịp Tết năm nay, TNGT giảm so với những năm trước. Trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 (từ ngày 29-1 đến 6-2-2022, tức từ 27 tháng chạp năm Tân Sửu đến mùng 6 tháng Giêng năm Nhâm Dần), toàn quốc xảy ra 216 vụ TNGT, làm 121 người tử vong, 138 người bị thương, giảm 10,4% số vụ, giảm 67 người chết (-35,6%), giảm 48 người bị thương (-25,8%). Lực lượng CSGT đã phát hiện, xử lý 1.676 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 6,6% tổng số vi phạm về trật tự, an toàn giao thông).
Tại Bệnh viện Việt - Đức, tuyến cuối cũng là nơi tập trung đông nhất các nạn nhân TNGT, bác sĩ Trần Bình Giang, Giám đốc bệnh viện cho biết, dịp Tết năm 2022, lượng bệnh nhân cấp cứu tại Bệnh viện Việt - Đức thấp hơn những năm trước, do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong 9 ngày nghỉ Tết, mỗi ngày bệnh viện khám cấp cứu trên 100 ca và mổ cấp cứu khoảng 22 ca. Trong số bệnh nhân đến khám cấp cứu có đến 70% nạn nhân có sử dụng rượu, bia, cao nhất là ngày mùng 2 Tết (32,7%).