Nghĩa đồng bào từ những chuyến hồi hương đặc biệt

Thứ Sáu, 18/03/2022, 07:59

Những ngày qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc nhanh chóng của các cơ quan chức năng trong việc bảo hộ công dân, tính đến chiều ngày 12-3, các cơ quan đại diện Việt Nam đã đón hơn 4.500 người sơ tán từ Ukraine sang các nước lân cận. Đặc biệt, với 4 chuyến bay, trong đó 2 chuyến bay do Nhà nước chi trả toàn bộ kinh phí và 2 chuyến bay do doanh nghiệp tài trợ, hơn 1.100 người Việt Nam và thành viên gia đình ở Ukraine được đưa về nước.

Với những người vừa trở về, ai cũng cảm nhận rõ sự ấm áp khi nhận được giúp đỡ từ những người đồng hương mà trước đó chưa từng quen biết...

1. Bước xuống sân bay Nội Bài sáng 13-3, anh Phạm Nguyễn Đình Tùng (Hưng Yên) vẫn chưa tin được đó là sự thật.

Không giấu được xúc động, anh chia sẻ: “Sau Tết, tôi vừa sang Kharkov được 2 ngày thì tình hình tại Ukraine trở nên căng thẳng. Chúng tôi ở Làng Thời Đại được 5 ngày thì quyết định chuyển sang Ba Lan bằng tàu hỏa. Khi nhận tin sẽ được về nước, chúng tôi mừng lắm.Mọi người nói với nhau thế là mình sống rồi, thôi thì còn người là còn của.Thực sự, chúng tôi không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn Chính phủ, các doanh nghiệp đã bảo hộ công dân”.

Nghĩa đồng bào từ những chuyến hồi hương đặc biệt -0
Giọt nước mắt hạnh phúc khi người thân trở về an toàn.

Cũng như anh Tùng, chị Phạm Thị Mến (Bắc Ninh) mắt đỏ hoe vì xúc động. Chị Mến chia sẻ: “Tôi sinh sống ở Ukraine từ năm 1987. Trước đó, gia đình tôi đã trở về quê nhiều lần nhưng đây là lần hồi hương đặc biệt nhất.Tâm trạng vừa buồn, vừa hạnh phúc. Buồn vì phải bỏ lại những gì mình gây dựng bao nhiêu năm qua nhưng vui vì cả gia đình đã được an toàn trở về quê hương. Gia đình tôi trong chuyến bay lần này có tổng cộng 6 người, cháu nhỏ mới 2 tuổi. Trong lúc hoạn nạn, tôi mới cảm nhận rõ hơn bao giờ hết tình đồng bào ấm áp”.

Được trở về an toàn trong vòng tay của người thân, chị Vũ Thị Vân (Nghệ An), một trong 287 người Việt được hồi hương trên chuyến bay VN88 của Vietnam Airlines đã bật khóc nức nở. Chị chia sẻ: “Việc căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã trở thành câu chuyện thời sự trong nhiều năm qua nhưng những người sinh sống ở Odessa không bao giờ nghĩ sẽ có một cuộc xung đột bất ngờ và xảy ra trên diện rộng như vậy. Thế nên, tâm thế chúng tôi chẳng ai chuẩn bị gì.Chỉ đến khi nghe tiếng bom nổ ngay gần mình thì tất cả mới hoang mang tột độ.Không ai nghĩ nó sẽ diễn ra lâu nên mọi người vẫn muốn nghe ngóng tình hình”.

Tuy nhiên, sau 3 ngày thấy tình hình chiến sự căng thẳng, chị Vân và bà con người Việt ở Odessa đã quyết định cùng nhau di tản từ Odessa sang Moldova bằng xe cá nhân, theo hướng cửa khẩu Ukraine-Moldova cách đó 200km. Dù quãng đường không xa nhưng gia đình 4 người của chị Vân gồm vợ chồng và 2 con nhỏ phải mất 12 tiếng di chuyển vì phải chờ đợi qua cửa khẩu.

Nghĩa đồng bào từ những chuyến hồi hương đặc biệt -0
Chị Quý gọi điện khoe chồng 4 mẹ con đã trở về an toàn.

Đặt chân được đến Moldova, gia đình chị và nhiều người Việt khác phải trú lại đây 3 ngày.Chính trong thời gian này, tư tưởng mọi người lại bị phân tán hơn bao giờ hết.Nhiều người vì tiếc công, tiếc của bao năm gầy dựng nên lại bàn lùi “hay quay lại”.Tuy nhiên, khi cùng nhau suy đi tính lại, mọi người lại động viên nhau chỉ cần giữ được tính mạng là sẽ có cơ hội làm lại từ đầu.Cuối cùng, tất cả cùng nhau thống nhất sẽ hồi hương.

Khi di chuyển sang Romania, những âu lo, bất an của đoàn người di tản phần nào được vơi bớt khi nhận được sự hỗ trợ rất nhiệt tình, trách nhiệm của Đại sứ quán Việt Nam tại đây. Trở về quê nhà, vợ chồng chị Vân dự định nghỉ ngơi một thời gian rồi sau đó sẽ tính kế sinh nhai.

Mặc dù đã an toàn trở về bên gia đình được gần 1 tuần nhưng nhiều khi chị Vũ Thị Quý (xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội) vẫn nghĩ đó là một giấc mơ. Chuyến hồi hương dài hơn 10.000 cây số của 4 mẹ con chị với đầy đủ các cung bậc cảm xúc: hồi hộp, lo lắng, sợ hãi xen lẫn hạnh phúc. Về tới nhà, việc đầu tiên chị Quý làm là gọi video cho chồng là anh Lê Văn Dũng vẫn đang bám trụ lại Ukraine. Nhìn thấy vợ và con trở về nhà an toàn, anh Dũng thở phào nhẹ nhõm.

Nhớ lại những ngày qua, chị Quý chưa hết hoảng sợ.Thành phố Kharkov, nơi gia đình chị sinh sống suốt 12 năm qua bắt đầu bị ảnh hưởng bởi tình hình chính trị bất ổn. Bom đạn nổ xung quanh khu vực gia đình, các khu vực xung quanh cũng cháy hết nên mọi người rủ nhau di chuyển về phía biên giới Ba Lan. Lúc này, anh Dũng động viên vợ đưa các con di tản, tìm cách về nước.Còn anh kiên quyết ở lại cố gắng bảo vệ gia sản mà bao năm qua hai vợ chồng làm lụng vất vả, mồ hôi, công sức gây dựng.

Chị Quý chia sẻ: “Nhà có 5 người mà giờ chỉ có 4 mẹ con tôi đi còn anh ấy ở lại, mình cảm thấy thực sự đau lòng. Tôi đã động viên chồng là nếu đi thì cùng đi còn không thì ở lại tất nhưng anh Dũng không nghe. Anh ấy bảo phải lo cho sự an toàn của các con, anh ấy ở lại sẽ tự biết cách bảo vệ bản thân”. Nghe lời chồng, chị Quý đưa 3 con sang Ba Lan. Từ Ba Lan, 4 mẹ con chị được lên chuyến bay giải cứu về nước. Hành trang của 4 mẹ con chẳng có gì ngoài một ít tiền mặt, giấy tờ và một balo đựng quần áo rồi đi thẳng ra ga tàu. Sau 5 ngày ròng rã đứng và đi liên tục, cuối cùng mẹ con chị Quý đã tới được Ba Lan. May mắn hơn, chỉ một ngày sau đó, cả 4 mẹ con được lên máy bay về nước.

2. Để hỗ trợ những người Việt sơ tán từ Ukraine, những ngày qua, đã có rất nhiều tình nguyện viên người Việt tại khu vực biên giới. Nguyễn Thiện Thành (20 tuổi, hiện đang là sinh viên Khoa Quan hệ quốc tế trường Đại học Corvinus Budapest - Hungary) là một trong những thành viên tích cực nhất trong Hội Sinh viên Việt Nam làm việc tại Ukraine sơ tán sang Budapest. Khoảng 2 tuần nay, ngày nào cũng vậy, Thành cùng nhóm của mình túc trực ở nhà ga, bến tàu như Keleti, Kelenfold và Nyugati (Budapest) để đón những người Việt Nam. Khi thấy đồng bào, Thành giúp đỡ mọi người nghỉ ngơi, ăn uống, đồng thời hỗ trợ mua vé để chuyển tiếp sang các nước như Đức, Ba Lan, Séc...

Nghĩa đồng bào từ những chuyến hồi hương đặc biệt -0
Nụ cười hạnh phúc của các thành viên gia đình bà Đan khi được đoàn tụ với người thân.

Do công việc tình nguyện rất bận rộn nên Thành chỉ có thể nói chuyện với chúng tôi qua Facebook trong chốc lát. Thành kể, khi bước xuống tàu, nhiều người Việt Nam nhìn thấy Thành và các tình nguyện viên đều không giấu được vui mừng, bởi họ biết rằng đang có những người con quê hương sinh sống, học tập và làm việc ở đây giúp đỡ mình. “Nghe những câu chuyện của đồng bào mình, thực sự em rất xót xa. Nhiều người đã phải bỏ lại tất cả, chỉ kịp mang theo vài ba bộ quần áo và chút tiền mặt phòng thân. Tất cả chúng em chứng kiến cảnh này, nghe những câu chuyện của đồng bào mình mà không cầm được nước mắt”, Thành xúc động kể lại.

Cũng như Thành, sang Hungary học tập được nửa năm, đây là lần đầu tiên Bùi Tạ Hoàng Anh, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên chi hội Budapest chứng kiến nhiều cảnh xúc động và phải khóc nhiều đến thế. Nhiệm vụ của Hoàng Anh là phối hợp với Đại sứ quán và Hội người Việt ở Hungary đón đồng bào, sau đó tiếp nhận thông tin và nắm bắt nhu cầu của từng người để kịp thời hỗ trợ.Hoàng Anh cùng các tình nguyện viên hỗ trợ sim liên lạc, lương thực, nước uống cho mọi người.

Hoàng Anh kể: “Nhiều hôm đứng ở sân ga chờ đồng bào mình lâu quá mà chân tê bì, gần như không còn cảm giác. Nhưng, cứ nhớ lại những nụ cười của bà con mình khi thấy các tình nguyện viên, em lại có động lực, quên đi mệt mỏi. Hiện, chúng em có khoảng 40-50 người phân theo nhiều ca trực khác nhau. Tất cả luôn sẵn sàng hỗ trợ bà con trong mọi hoàn cảnh”.

Tại Romania, Đinh Lực cũng rất bận rộn với công việc học và tình nguyện của mình.Lực là nghiên cứu sinh tại Đại học Tổng hợp Bucharest, anh đã quyết định sắp xếp công việc của mình để tham gia hỗ trợ các công dân người Việt bị ảnh hưởng của chiến sự. Anh phụ trách phiên dịch và hướng dẫn những người mới sang liên lạc với đại sứ quán cũng như di chuyển về các điểm tạm trú. “Những ngày đầu ở đây mới thực sự căng thẳng, dòng người sơ tán rất đông.

Nghĩa đồng bào từ những chuyến hồi hương đặc biệt -0
Các Tình nguyện viên hỗ trợ lương thực, nước uống và sim điện thoại cho đồng bào.

Tại các nhà ga Eleti, Kelenfold và Nyugati (Budapest)... luôn chật kín. Nhiệt độ thường xuyên ở mức dưới 0 độ C kèm theo mưa tuyết khiến bà con càng khó khăn hơn. Tôi nhớ mãi hình ảnh một gia đình bế theo em bé mới 1-2 tháng tuổi đã phải đứng suốt 18 tiếng đồng hồ để tới được Bucharest, rất đáng thương”, anh Lực xúc động nói.

Còn với anh Thân Trung Sơn (đang sinh sống tại Slovakia), một trong những người đầu tiên tham gia hỗ trợ, cũng có những kỷ niệm rất khó quên. Khoảng cuối tháng 2, khi tình hình tại Ukraine trở nên phức tạp, cả nhóm của anh bắt đầu đi đến khu vực biên giới, thấy các tổ chức xã hội như Hội Chữ thập đỏ, hội đoàn của nhà thờ đã dựng lều trại để hướng dẫn dòng người bắt đầu từ phía Ukraine đổ về, anh điện thoại luôn cho bạn bè, người quen, tất cả đồng ý, mỗi người một ngả cùng hướng về biên giới tham gia dựng lán trại.

Khi lán trại đã dựng xong nhưng chưa thấy đoàn người Việt Nam nào tới, hỏi ra thì biết biên giới Ba Lan đã rơi vào cảnh ùn tắc. Nhiều người người phải xếp hàng 3-4 ngày đêm mới được qua. Ngay sau đó, cả nhóm anh Sơn đã viết thông báo lên các trang cộng đồng người Việt ở Slovakia, Ba Lan... hướng dẫn mọi người có thể chọn cửa khẩu Slovakia để nhận được sự hỗ trợ. Còn nhóm của anh sẽ đón mọi người ngay tại biên giới.Suốt những ngày tiếp đó, anh Sơn và các bạn gần như dừng hết mọi công việc để trở thành một điểm tựa trên đất Slovakia.Tính cho tới nay, thông qua “kênh” này, hơn 100 kiều bào từ Ukraine đã nhận được sự giúp đỡ và tới được Slovkia. Họ nhận được đồ ăn, nước uống và chỗ tạm trú an toàn.

Những ngày này, tình hình chiến sự vẫn diễn biến căng thẳng, dù có những người vẫn chưa được trở về, nhưng, trong cơn hoạn nạn, có lẽ ai cũng cảm nhận được sự ấm áp của hai chữ đồng bào.

Phong Anh
.
.