Người đam mê chế tạo mô hình khí tài quân sự
Tự tay tỉ mỉ chế tác các loại mô hình khí tài quân sự và thông qua những mô hình này để nhắc con cháu hiểu về lịch sử và làm chủ tương lai, đó chính là niềm đam mê và mong ước của anh Lê Thanh Hải (sinh năm 1976, trú tại xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội).
Anh Hải được biết đến là một công nhân làm việc trong lĩnh vực quốc phòng và là một người đam mê với mô hình khí tài quân sự, đặc biệt là các loại từ nước Nga. Những năm qua, anh tự tay tỉ mỉ chế tác nhiều mô hình khí tài quân sự như: Máy bay, trực thăng, xe tăng,... Đến nay, bộ sưu tập của anh có số lượng ngày càng lớn, con số lên đến hàng chục loại mô hình khác nhau.
Hoàn toàn từ nguyên vật liệu tận dụng
Anh Lê Thanh Hải hiện đang là công nhân viên quốc phòng, công tác tại đơn vị Z125, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng. Những lúc tan làm, rảnh rỗi, anh lại tranh thủ chế tác mô hình, anh tận dụng xưởng in của bố để làm không gian sáng tạo.
Những mô hình khí tài quân sự tinh xảo được anh Hải làm hoàn toàn thủ công từ các nguyên vật liệu tận dụng. Với bàn tay khéo và đầu óc sáng tạo, anh Hải xử lý lại các vật liệu tưởng chừng không thể sử dụng và kết hợp chúng lại với nhau, tạo thành các mô hình khí tài quân sự của nước Nga vô cùng độc đáo. Đặc biệt, những mô hình này còn được gắn thêm động cơ để có thể chuyển động cùng các thiết bị đèn tạo hiệu ứng đẹp mắt.
"Với những mô hình đã làm, tôi thường sử dụng các loại vật liệu được tận dụng sẵn trong thực tế. Đó có thể là mảnh gỗ của anh thợ mộc, một vài vỏ chai của các bạn nhỏ sau khi uống nước, bút bi của học trò, thậm chí là những chiếc bút màu đã bị bỏ đi. Nói chung là tất cả những gì có thể tận dụng để chế tác thì tôi đều có thể biến chúng thành mô hình. Ví dụ, trên một chiếc máy bay, tôi sẽ dùng một miếng mica bé để làm tấm kính, ruột bút bi kết hợp lại thành dàn phóng rocket, hay ống nhựa tôi sẽ cắt gọt và sơn thành cánh quạt" - anh Hải chia sẻ.
Để mô hình có ngoại hình tinh xảo không khác gì nguyên mẫu, anh tự tay làm tất cả các công đoạn.
Anh lựa chọn loại khí tài gợi cho mình niềm cảm hứng từ những hình ảnh thực tế hoặc thông qua các thước phim, rồi lên mạng tìm hiểu về thông số, đặc điểm, thao tác trên máy tính để biến hình ảnh đơn thuần thành bản vẽ của riêng mình.
Để làm được điều này, một phần anh dựa vào công việc thực tế để rút kinh nghiệm, phần chính là anh tự tay mày mò qua sách báo và internet. Với anh, tạo ra được bản vẽ trên mặt phẳng chiếu không gian 3 chiều cũng là bước khó khăn nhất, quyết định cả quá trình thực hiện về sau.
Sau khi có bản vẽ, anh sử dụng các vật liệu tận dụng để bắt tay vào thực hiện. Tỉ mỉ dùng lưỡi cưa hoặc dao để cắt tỉa các bộ phận, đo đạc rồi tiến hành lắp ráp một cách cẩn thận. Cứ như vậy, vì chỉ tranh thủ ngoài giờ làm việc và cần nhiều thao tác kỹ càng, anh Hải mất khá nhiều thời gian để tạo ra một chiếc mô hình, có thể kéo dài 1-2 tháng, có khi lên đến cả năm trời.
Bước vào đam mê
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có bố và mẹ đều làm việc trong lĩnh vực quốc phòng nên anh Hải luôn được gia đình và người thân ủng hộ để theo đuổi đam mê. Theo chia sẻ của anh, niềm đam mê với các loại mô hình khí tài quân sự đã được hình thành từ những năm tháng tuổi thơ. Từ những năm 6-7 tuổi, anh thường được bố cho đến đơn vị đang công tác để tham quan, tận mắt chiêm ngưỡng một số loại máy bay, xe tăng và hình ảnh các chú phi công diễn tập đã in sâu vào tâm trí anh. Từ đó, trong anh khơi dậy niềm đam mê với các loại mô hình.
Cũng vì thế mà khi nói về tình yêu sáng tạo mô hình khí tài quân sự, anh Hải nhiều lần nhắc đến bố. Với anh, ông chính là người khởi nguồn sáng tạo, truyền cảm hứng đam mê.
“Hồi Hải học lớp 4, chiều chiều, tôi lại thấy con mang về nhà ống tre, vỏ hộp, thùng giấy rồi cặm cụi cắt dán, lắp ghép mô hình. Tôi quan sát và nghĩ chắc cậu này có năng khiếu và muốn đi theo nghề của bố nên cho phép con làm những gì con muốn. Tôi cũng uốn nắn những bước cơ bản trước khi con có thể tự làm như sau này. Tôi rất vui bởi đây là con đường lành mạnh, kế tục sự nghiệp của gia đình và cũng là đam mê mà bố từng theo đuổi” - ông Lê Lâm (bố của anh Lê Thanh Hải) cho biết.
Khi được hỏi về lý do tại sao lại sáng tạo mô hình khí tài quân sự của Nga chứ không phải của bất cứ một quốc gia nào khác, anh Hải cho biết trong lòng mình nặng trĩu tình yêu với nước Nga, tiếng Nga và với khí tài quân sự Nga. Anh chia sẻ, trong 2 cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc Việt Nam, nước Nga bây giờ và là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết trước đây đã hỗ trợ đất nước chúng ta trên rất nhiều phương diện, trong đó có khí tài quân sự. Bên cạnh đó, anh cũng theo dõi các thước phim tài liệu, các diễn đàn và các tư liệu lịch sử để tìm thêm nguồn cảm hứng, sự biết ơn và niềm tự hào dân tộc là động lực lớn nhất để anh bắt tay vào sáng tạo các mô hình khí tài quân sự. Cũng vì vậy mà trong bộ sưu tập của anh, mỗi mô hình đều gắn liền với một yếu tố lịch sử.
Ví dụ như chiếc chuyên cơ IL 96-300PU, là chiếc máy bay đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin sử dụng cho các chuyến công du cũng chính là mô hình mà anh dày công thực hiện nhất.
“Tất cả các sản phẩm tôi đều đặt tâm huyết vào đó, thế nhưng chiếc máy bay IL 96 có thể nói là tâm huyết nhất, tôi thực hiện các đường nét vô cùng tỉ mỉ, mất hơn 1 năm để làm. Đây là một chuyên cơ đặc biệt mà tôi đã có vinh dự được đứng gần nguyên thủ quốc gia của nước Nga khi ông ấy thăm chính thức Việt Nam, hạ cánh ở sân bay Nội Bài. Sự vinh dự đó cộng với niềm đam mê, kết hợp cùng tài liệu, sách báo, tôi đã để chế tác, làm ra mô hình đặc biệt này” - anh Hải chia sẻ.
Không chỉ gắn liền với yếu tố lịch sử, trong các sản phẩm mô hình của mình, anh cũng chú trọng việc được thổi hồn vào các sản phẩm.
"Yếu tố tôi luôn đề cao chính là thổi hồn vào sản phẩm. Thổi hồn đó là phải tạo ra được những sản phẩm có hình ảnh trung thực nhất về mặt hình dáng so với nguyên mẫu. Đặc biệt là khi làm thủ công, tôi phải thực hiện tất cả mọi công đoạn, từ đầu đến cuối nên rất là khó, tôi phải đào sâu suy nghĩ, chăm chỉ, chuyên cần học tập, rút kinh nghiệm để làm cái sau tốt hơn cái trước" - anh Lê Thanh Hải nói.
Niềm đam mê còn mãi
Đến thời điểm hiện tại, trong nhà anh Hải có khoảng 20 mô hình khí tài quân sự, chưa kể đến những mô hình anh làm từ khi còn bé và theo dòng thời gian đã không còn nguyên vẹn.
Vì không gian trong nhà chưa cho phép để anh có một phòng trưng bày mô hình riêng nên anh để các loại mô hình ở nhiều nơi trong nhà như phòng ngủ, phòng khách, khu vực cầu thang,... Anh Hải cũng mong có một không gian đủ lớn để trưng bày các loại mô hình của mình và xa hơn nữa là mở rộng mô hình kinh doanh các sản phẩm mà mình làm ra.
Để chia sẻ các loại mô hình của mình đến với những người có chung niềm đam mê, anh Hải thường xuyên đăng tải hình ảnh sản phẩm mình làm ra trên các trang mạng xã hội, các diễn đàn về mô hình và nhận về không ít lời khen ngợi. Anh cũng nhiều lần tham gia các buổi gặp mặt và triển lãm mô hình quân sự để, từ đó, anh có sân chơi để chia sẻ, học hỏi và lắng nghe kinh nghiệm từ những người có chung niềm đam mê với mình.
“Ở độ tuổi này, tôi vẫn rất đam mê với việc sáng tạo mô hình mỗi ngày. Người ta vẫn hay nói là đàn ông chỉ có già về tuổi tác, còn đồ chơi của họ thì không bao giờ già đi, thậm chí là càng ngày nó càng to hơn. Bây giờ, ngoài việc rèn giũa tay nghề thì tôi cũng muốn truyền tải cho con trẻ niềm đam mê này, mong muốn các con hiểu về lịch sử và hướng đến những niềm vui lành mạnh, tốt đẹp” - anh Hải chia sẻ.
Với anh Hải, niềm đam mê và tình yêu với mô hình khí tài quân sự có lẽ sẽ không bao giờ dừng lại. Hằng ngày anh vẫn làm công việc của mình và dành thời gian rảnh để sáng tạo mô hình, anh cũng có một cậu con trai lớn vô cùng khéo tay và có chung niềm đam mê với bố. Anh Hải mong rằng có thể truyền lại sự tinh túy về niềm đam mê với mô hình đến với con cháu trong nhà, thông qua những vật phẩm tự tay mình làm nên để nhắc con cháu hiểu về lịch sử và làm chủ tương lai.