Người điên ngoài phố

Thứ Hai, 09/05/2022, 20:52

Hơn hai thập niên trước, khi Internet đang trong độ “tuổi dậy thì”, Reheingold Howard, một nhà tiên phong về công nghệ mạng người Mỹ phấn khởi tiên đoán nó sẽ đưa chất lượng tương tác của con người trong xã hội lên một tầm cao mới.

“Nó như một cái salon nhỏ”, ông mô tả cho những người còn chưa biết mạng Internet là gì. “Tôi có thể tham gia vào hàng trăm câu chuyện, nơi người ta không quan tâm mặt mũi tôi thế nào, giọng nói tôi ra sao, mà chỉ quan tâm tới những ý nghĩ của tôi”. Cư dân mạng không nhìn thấy hình hài, tuổi tác và xuất xứ của nhau, ông lạc quan, do đó mạng sẽ là một vùng đất không có định kiến.

Ai có thể trách được sự ngây thơ của Reheingold Howard?

Tới giờ, sự lạc quan này đã phải nhường chỗ cho một thừa nhận cay đắng. Chính sự vô danh và vô hình trên mạng Internet, trên mạng xã hội khiến không ít người dễ dàng cư xử vô cảm, độc địa. Khi không phải nhìn vào mắt nhau, người ta sẵn sàng làm đau kẻ khác.

Đây là đoạn mở đầu trong cuốn sách “Thiện, ác và   smart-phone” của nhà tâm lý học Đặng Hoàng Giang xuất bản vài năm trước. Ông là một trí thức Việt Kiều có những bài viết, nhận định, phân tích sắc sảo trên báo chí về các hiện tượng xã hội trong nước.

Tôi vừa vô tình xem một đoạn clip ngắn được đăng tải trên Facebook với hơn 4.000 lượt tương tác, trong đó là diễn biến giữa hai con người, một thanh niên đi xe hơi rồi dừng lại, vác gạch dọa hành hung một cô gái có nhận thức không bình thường trên đường phố. Cô gái đó có biệt danh Bella, nổi tiếng trên mạng xã hội một cách bất đắc dĩ nhiều năm qua với hàng trăm đoạn phim kiểu như vậy. Cư dân mạng hồ hởi bàn luận, cười cợt, miệt thị.

Người điên ngoài phố -0
Lời thỉnh cầu của gia đình Minh với người đời được in trên chiếc áo với dòng chữ "Xin đừng đánh"

Theo tìm hiểu, tên thật của cô gái này là Đoàn Thúy Hà, sinh năm 1986 ở Kiến Quốc, Ninh Giang, Hải Dương. Là con gái út trong một gia đình không mấy khá giả có 3 anh em. Lúc còn nhỏ, Hà “Bella” sống cùng mẹ, hai anh trai sống cùng cha. Cách đây hơn 10 năm, mẹ của Bella lâm bệnh và qua đời, Hà lúc ấy mới chỉ học cấp 2. Cô sống cùng bà ngoại hơn 80 tuổi rồi sau đó ra ngoài tự lập, cô ít khi về quê thăm người thân.

Theo lời bà ngoại Hà, cháu gái của bà “không được bình thường”. Sau khi đi thoát ly nay đây mai đó, thi thoảng Hà mới về quê một lần, nhưng mỗi lần về đều gây sự, thậm chí còn đánh cả người thân trong gia đình nên càng bị xa lánh.

Có một dạo Hà “Bella” nhếch nhác, lếch thếch đi bộ khắp phố phường Hà Nội với lỉnh kỉnh ba-lô, túi xách đựng những vật dụng nhặt từ bãi rác. Hà chửi bậy kinh khủng với tốc độ nhả chữ nhanh như máy khâu, Hà thản nhiên ăn quỵt tiền nhà nghỉ, của anh xe ôm, bác lái taxi, lấy trộm tiền lễ trên bàn thờ trong nhà dân… Thi thoảng người ta lôi Hà lên công an phường, hầu hết các vụ việc nêu trên được người dân quay lên mạng cảnh báo cho nhau về “nữ hoàng ăn quỵt”.

Rồi mấy năm trước bất ngờ dân mạng phát hiện cô ta mang bầu, sinh cậu con trai. Đám đông đeo bám quay chụp người mẹ kẹp đứa con đỏ hỏn trong nách, tha lôi bụi bờ trên phố. Có lúc người ta phát hiện Hà phì phèo hút thuốc lá bên đứa trẻ sơ sinh bú sữa tươi hoặc sữa đặc có đường. Có vài nhà hảo tâm, rồi cả trung tâm bảo trợ xã hội nhận cả 2 mẹ con về nuôi. Không rõ Hà “Bella” bỏ con đâu đó để tiếp tục “hành tẩu giang hồ” cùng bộ trang phục chắp nhặt kỳ quái, mớ hành lý đồng nát lỉnh kỉnh. Hà quả thực là người không hề bình thường, cụ thể là về nhận thức nhưng là trò vui đáng kể cho cư dân mạng. Họ đeo bám, trêu chọc, cho ăn bạt tai, vụt gậy… để cô chửi, để dí chiếc điện thoại vào mặt quay những thước phim “trị giá” hàng vạn lượt tương tác.

Tôi gặp khó khăn để mô tả mức độ sỉ nhục khổng lồ mà Bella gặp phải, ngoài đời lẫn trên mạng.

Hà “Bella” là một ví dụ rất điển hình của cách ứng xử giữa con người với con người. Tôi cho là Hà hoàn toàn phù hợp để nằm trong danh sách nhóm yếu thế cần được che chắn. Thiếu tỉnh táo do bệnh lý, vất vưởng và cô đơn. Mang một con người như vậy để trở thành trò cười quả thực có gì đó tàn nhẫn.

Tôi nhớ đến bạn Minh nhà ở mạn đường Trường Chinh, một chàng trai sinh năm 1990, thường đi bộ lang thang trên tuyến quanh nhà Giải Phóng, Bạch Mai…

Minh “thiểu năng trí tuệ”. Đó là cách mà bố em, ông Bình nói về con trai mình. Bất cứ cái áo nào em mặc đằng trước đều ghi “ MINH” còn đằng sau là số điện thoại của bố em và dòng chữ in hoa rõ ràng: “XIN ĐỪNG ĐÁNH”. Dòng chữ ấy được ghi sau vài lần em trở về nhà cùng những vết thương trên mình.

Minh đã đến tuổi trưởng thành, ra đường thích sờ vào người khác. Minh cũng nghịch ngợm, hay đi dọc phố bấm chuông cửa. Người trong xóm hiểu và thông cảm thì không sao, nhưng người lạ khó chịu. Có những người đánh “thằng Minh hấp” một cách dã man. Có những ngày, Minh về nhà với một vết chém dài trên đầu, máu chảy ướt áo.

Minh đã được chữa chạy nhiều nơi, đi học trường dành cho trẻ kém nhận thức… Nhưng không có kết quả, và cậu thi thoảng tuột khỏi vòng tay gia đình, cứ lang thang trên phố đến tối, cho tới khi có ai đó bất chợt nhận ra là em lạc đường. Người ta sẽ gọi cho bố emđến đón em về.

Cách đây vài năm, tôi đi dạo bộ trên phố thì bắt gặp một chiếc xe thùng thu gom người lang thang quanh khu vực trung tâm thành phố. Họ đỗ xe dưới trời nắng nóng rồi kéo nhau vào quán ăn cơm trưa, để lại thùng kín phía sau một bác lớn tuổi có gương mặt khắc khổ, bẩn thỉu, mái tóc bù xù. Tôi cảm thấy bực, đi vào hỏi họ sao lại để như vậy. Một anh trong nhóm thu gom nói: “Ôi thằng điên ý mà để ý làm gì em”.

Tôi ra xe nói chuyện với ông già “điên”, ông hỏi xin điếu thuốc, tôi châm và luồn đưa qua khe hẹp. Ông cầm điếu thuốc lặng lẽ hút, mắt buồn đầy ám ảnh.

Có lẽ người ta sống ít khi phải nặng lòng với những kẻ bị cho là thần kinh ngoài phố, đôi khi bị coi là những kẻ tận cùng của xã hội. Và họ đối xử với những con người ấy bằng trí khôn của một số phận nhiều may mắn hơn, thông tuệ, khôn lanh...

Mỗi lần cười cợt sự thiệt thòi của người “điên” hay kẻ yếu thế, “thần kinh”, giống như mình lại xúc một thìa nhỏ tính thiện tâm trong lòng hất ra đường để đổi lấy một nụ cười.

Không hiểu vì lý do gì, chúng ta đang thiếu đi một tấm lòng cần thiết.

Và cũng có những vụ án bóc trần vài kẻ khôn ranh mua chuộc bác sĩ, để lấy giấy chứng nhận tâm thần làm “lá chắn” trước pháp luật cho những hành vi phạm tội. Để chứng minh là người bình thường thời nay có lẽ còn khó hơn.

Minh Trí
.
.