Người “sửa” ký ức thời gian

Thứ Tư, 03/04/2024, 20:45

Với đôi bàn tay khéo léo, sự cẩn thận và niềm đam mê bất tận, 46 năm qua, ông Võ Văn Rạng (64 tuổi, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) đã miệt mài “hồi sinh” những trang sách cũ kỹ, ố màu thời gian. Ông coi chúng như đứa con tinh thần để nâng niu, trân trọng mà “chữa lành” từng con chữ dẫu đã nhàu nhĩ, mục nát.

Hơn bốn thập kỷ bền bỉ với nghề

Tiệm sửa sách cũ của ông Rạng nép mình trong con hẻm 152 đường Lý Chính Thắng (Quận 3, TP Hồ Chí Minh). Ngôi nhà chỉ vỏn vẹn 20m2, vừa đủ kê một số vật dụng hành nghề đơn giản như: dao rọc giấy, kéo, kim, chỉ, hồ và một chiếc máy cắt giấy “cổ lỗ sĩ” vận hành bằng sức người. “Công việc của tôi là cố giữ nguyên giá trị của những cái đã cũ nên phải dùng những phương pháp cũ để làm”, ông Rạng giải thích. Nhờ vậy mà tất cả cái hồn của nghề sửa, đóng sách cũ vẫn vẹn nguyên ở cửa tiệm nhỏ và ông Rạng cũng được coi là một trong những người sửa sách cũ cuối cùng tại thành phố này.

h1.jpg -0
Ông Võ Văn Rạng tỉ mẩn sửa chữa từng trang sách cũ.

Ông Rạng đến với nghề một cách thật tình cờ nhưng theo ông là đầy duyên nợ. Hoài niệm về ký ức xa xưa, ông Rạng kể, mình sinh ra trong một gia đình công chức nghèo có đến 11 anh, chị, em nên tuổi thơ rất vất vả. Biến cố xảy đến năm lên 2 tuổi khi cơn sốt bại liệt đã cướp đi của cậu bé Rạng đôi chân khỏe mạnh. Vượt qua sự thiệt thòi về cơ thể so với bạn bè đồng trang lứa, cậu Rạng vẫn học hết lớp 12 sau đó nộp đơn dự thi trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh nhưng do sức khỏe yếu nên không thể tiếp tục theo đuổi giấc mơ trở thành thầy giáo dạy Văn.

Và rồi cái duyên với nghề sửa sách cũ cũng từ đây mà theo ông. Năm 1978, sau khi học hết phổ thông, ông Rạng đến học nghề đóng sách tại nhà một người bạn, rồi ông trở thành nhân viên trong xưởng in của hợp tác xã làm công việc may, đóng sách mới và sửa sách cũ. “Số phận thương tôi, không thành người dạy chữ thì thành người sửa chữ cho đời, âu cũng là cái duyên”, ông Rạng thổ lộ.

Học nghề xong, ông Rạng đi làm cho nhà máy Quốc dân in số 3, 4 và một vài cơ sở đóng sách trải rộng khắp TP Hồ Chí Minh. Năm 1990, ông nghỉ việc và tự mở tiệm đóng sách riêng tại nhà cho đến nay. Ông làm việc cần cù, tỉ mỉ, chăm chú vào chi tiết và đặc biệt là ông dành tình yêu trọn vẹn cho nghề nên khách hàng tìm đến ông ngày càng nhiều.

Những năm đầu thập niên 1990, chính là thời hoàng kim của nghề đóng sách thủ công, khi ngành in chưa phát triển, sách mới xuất bản còn ít, thành phố có hàng trăm cửa hàng sách cũ rải rác trên các con đường Nguyễn Khắc Nhu, Trần Nhân Tôn, Điện Biên Phủ, Nguyễn Thị Minh Khai... Nhiều người mê sách, quý sách, cứ hư hỏng, rách bìa hay mối mọt là đi sửa. Nhiều cuốn sách thuộc loại cổ, rất quý đều được ông ‘hồi sinh”. Trong số đó có những cuốn từ điển dày, những quyển sử ký hàng trăm năm tuổi, như cuốn “Văn Đàn Bảo Giám” của Trần Trung Viên in năm 1929 hay cuốn “Việt Nam Sử Lược” của Trần Trọng Kim. Ông Rạng tâm sự: “Chính hoàn cảnh đất nước năm ấy đã giúp tôi tồn tại được với nghề”.

h5.jpg -0
Bàn làm việc của ông Rạng đặt ngay trước cửa nhà.

Thoạt nhìn thì thấy nghề “chữa bệnh” cho sách cũng khá đơn giản, chỉ cần kim chỉ, vài tấm bìa cứng, hồ dán và dao kéo là có thể hành nghề. Nhưng kỳ thực quy trình để phục chế một cuốn sách cũ cũng rất kỳ công, đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ và khéo léo. Ông Rạng thường may theo cách lần theo mối cũ và cưa sóng để tạo rãnh, định hình cho đường may.

Đầu tiên phải đánh giá tình trạng cuốn sách cần được đóng, sau đó nhẹ nhàng tháo bìa, tháo chỉ ra theo từng tép một, lật giở từng trang sách cũ mềm để sắp xếp lại ngay ngắn, trang nào rách thì dán, bìa nào hư thì bồi bìa vô giữ bìa cũ lại. Với ông Rạng, đây là khâu khó nhất vì nếu không cẩn thận, cuốn sách dễ hư hỏng nặng thêm, nhất là với những cuốn sách xuất bản từ những năm 1960, giấy đã mục rã, mạnh tay sẽ làm rách ngay.

Đến công đoạn may, mối chỉ cũng phải thật khéo để không chặt quá hay lỏng quá, nếu mạnh tay sẽ rách giấy, lỏng tay thì sách dễ bị bung. Công đoạn này đòi hỏi sự tỉ mỉ và kinh nghiệm đánh giá chất liệu sách, độ cứng từng trang sách của người thợ. Bên cạnh đó, còn phải kiểm tra từng trang sách xem có chỗ nào rách thủng hay dính bẩn để trám sửa lại. Chưa kể, việc vá lỗ thủng hay vết rách, cũng có một nguyên tắc cần phải tuân thủ là chỉ vá những chỗ không có chữ. Xong xuôi đâu đấy, bắt đầu công đoạn quết hồ dọc theo bề mặt gáy sách. Hồ dán do ông tự chế bằng bột năng chứ không dùng hồ dán công nghiệp, nên khi khô dính chắc hơn keo. Để hồ khô tự nhiên, cuốn sách được hong trong nắng gió, tuyệt nhiên không dùng máy sấy dù nó nhanh hơn, tiện lợi hơn.

h2.jpg -0
Ông Rạng và ông Chu Đức Thịnh, Tổ trưởng Tổ 195, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh.

Cuối cùng là khâu làm bìa. Nếu ai muốn “khoác” cho quyển sách một chiếc bìa mới, thì ông sẽ đặt in để trám vào, còn ai muốn giữ bìa gốc thì ông sẽ xử lý, chỉn chu lại trang bìa và thêm bên ngoài một lớp giấy bảo vệ. “Từng công đoạn phục chế nhìn qua thấy đơn giản nhưng nếu không thực hiện một cách cẩn thận thì có thể làm hỏng sách. Nếu không chú tâm, các trang sẽ nhảy lung tung, phải tháo ra làm lại từ đầu”, ông Rạng giải thích.

Là hàng xóm từng chứng kiến những thăng trầm với nghề của ông Rạng suốt hơn 40 năm qua, ông Chu Đức Thịnh (79 tuổi, Tổ trưởng Tổ 195, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Hoàn toàn không can thiệp công nghệ, tất cả mọi công đoạn, vật dụng hành nghề của ông Rạng đều làm thủ công. Vậy nên sách do ông Rạng phục chế gần như nguyên bản và vẫn giữ được cái hồn riêng khiến ai cũng bất ngờ. Chính sự tận tâm, cầu toàn đối với cái nghề đang ngày càng mai một này, mà khách hàng của ông Rạng không chỉ loanh quanh thành phố, các tỉnh thành khác ở phía bắc mà còn cả khách nước ngoài tìm đến để nhờ phục chế lại những cuốn kinh xưa có tuổi đời cả trăm năm tuổi. Sách hư hỏng cỡ nào, ông Rạng cũng xử lý được”.

Hạnh phúc khi sách được “chữa lành”

Tình yêu sách được ông Rạng gửi gắm vào từng mũi chỉ, đường may trong mỗi quyển sách cũ người ta mang đến sửa. Ông coi chúng như đứa con tinh thần để nâng niu, trân trọng mà “chữa lành” từng con chữ dẫu đã mục nát. Trung bình một ngày, ông “chữa” được từ 3 cuốn sách, với những cuốn sách đã rách nát quá nặng thì phải mất ít nhất một ngày để hoàn thành, cuốn nào dày và cũ nát quá, ông mất đến vài ngày hoặc vài tuần. Kỳ công, tỉ mỉ trong các công đoạn phục chế là thế nhưng số tiền thù lao ông nhận lại khiến nhiều người ngạc nhiên. Trung bình tiền công một cuốn chỉ khoảng 100.000 đến 150.000 đồng. Cuốn nào công phu lắm, ông mới lấy thêm vài chục gọi là.

h3.jpg -0
Chiếc máy xén sách đã đồng hành cùng ông Rạng suốt gần năm thập kỷ.

Sống một mình, không có vợ con, hàng ngày ông Rạng bầu bạn với sách cũ. Ròng rã suốt 46 năm qua, ông Rạng cũng không thể nhớ hay đếm hết được số lượng sách đã được “chữa bệnh”. Nghề của ông Rạng không giàu nhưng có những niềm vui không mua được. Hạnh phúc của ông trong ngần ấy năm làm nghề không đơn thuần là đem lại niềm vui cho khách mà còn thỏa niềm đam mê đọc sách mỗi ngày không tốn tiền, nhất là sách về văn thơ xưa như tác phẩm Việt Nam Văn học Giảng Bình, hay cuốn Thành ngữ Điển tích. Với người mê sách như ông, gặp sách quý khác gì cá gặp nước. Sau khi sửa, ông Rạng lại ngồi đọc từng cuốn, chờ khách đến lấy rồi đem sách ra bàn luận. Ông đặc biệt yêu thích thơ văn của Nguyễn Du, Tản Đà, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bà Huyện Thanh Quan, Thạch Lam...

“Rèn cho bản thân tính tỉ mỉ và có cơ hội đọc rất nhiều cuốn sách hay, sách quý để tích lũy kiến thức ở tất cả các lĩnh vực, nghề phục chế sách cũ đem lại cho tôi rất nhiều thứ và tôi hạnh phúc vì điều đó”, ông Rạng thổ lộ. Nhờ đó, lượng kiến thức của ông ngày càng mở rộng. Với hầu hết những người đã từng gặp, ông Rạng không đơn thuần chỉ là thợ sửa sách mà còn là pho kiến thức đúng nghĩa. Họ có thể cùng ông đàm đạo, bàn luận không biết chán những tri thức về địa lý, lịch sử và văn học trong sách xưa đến chuyện nhân tình thế thái cổ kim.

h4.jpg -0
Những trang sách cũ được phục hồi mang theo nhiều kỷ niệm, sự trân trọng, tình yêu của khách hàng.

Nghề sửa sách cũ trở thành một loại bảo tàng nhỏ của những ký ức và câu chuyện đã từng được ghi lại trên từng trang giấy. Vậy nhưng, với sự gia tăng của sách điện tử và nguồn thông tin trực tuyến, nghề này đối diện với nguy cơ mai một. Ngồi nhìn chồng sách cũ, đôi mắt người nghệ nhân già lại đượm buồn. Xưa, chồng sách ấy cao ngất. Khách đem đến nườm nượp, tiệm không lúc nào ngơi tay. Khách có đủ tầng lớp, già trẻ. Giờ, khách của ông chủ yếu là các cụ già, những người tóc đã hoa râm có thú sưu tầm hay kinh doanh sách cũ. Lớp trẻ bây giờ hầu hết chuộng lướt mạng xã hội, đọc mọi thứ trên Internet hơn là đọc sách. Nghề sửa sách cũ dường như đã biến mất dần trên các con phố. Đồng nghiệp từng làm cùng ông Rạng ở xưởng in ngày xưa cũng đã già, thu nhập từ nghề bọt bèo nên họ dần bỏ nghề. Nhiều người chuyển sang làm photocopy, riêng ông Rạng vẫn kiên trì bám trụ với nghề.

Ông Rạng tâm sự: “Quý sách cũng là quý người tặng, người cho. Nét đẹp đó của sách cũ thu hút tôi đến tận bây giờ. Nên dù thu nhập không cao, thậm chí khá chật vật, tôi vẫn cứ sửa sách cũ. Tôi muốn góp một tay để giữ lại sách cũ mà ông bà, cha mẹ truyền lại con cháu. Đến khi nào mắt mờ, tay run, không nhìn được con chữ, cọng chỉ nữa thì tôi mới buông”.

Dành cả cuộc đời gắn bó với sách, việc tiếp xúc với những loại giấy ố vàng, cũ kĩ, hồ dán, lại phải thường xuyên dùng các ngón tay miết, giữ chặt các trang sách khiến các đầu ngón tay ông bị chai đi, đau nhức, mắt kém dần. Thế nhưng ông Rạng chưa bao giờ có ý định từ bỏ cái nghề đã cũ này.

Ngọc Hoa - Nga Nguyễn
.
.