Người thầy của lớp vẽ đặc biệt

Chủ Nhật, 20/11/2022, 21:55

Lớp học với những học viên đều là người khiếm thính, cuộc đời chịu nhiều thiệt thòi. Họ làm đủ thứ nghề để sống, chủ yếu là bán hàng rong, vé số, lượm ve chai… Dạy vẽ cho họ, người thầy đã phải học cách “nói chuyện” bằng ngôn ngữ không âm thanh. Thế nhưng, có sợi dây vô hình gắn kết giữa thầy và trò, để 5 năm qua, có một “cuộc tình” trọn vẹn qua những bức họa.

1. Trong gian phòng ấy, luôn sực mùi sơn và mực, những bức vẽ được xếp gọn gàng, ngăn nắp. Tôi nhìn lên một bức tranh trừu tượng, hỏi họa sĩ Văn Y: “Em chỉ nhìn thấy các màu sắc, những đường cọ vòng vo, ngoằn ngoèo, trắc trở, ngoài ra không thấy gì cả. Thầy nhìn được gì trong đó?”. Ông cười, bảo: “Tôi thấy tâm hồn của họa sĩ, còn nội dung là gì thì tùy mỗi người cảm nhận, vì đó là tranh trừu tượng mà”.

Người thầy của lớp vẽ đặc biệt -0
Họa sĩ Văn Y luôn trăn trở tìm lối đi cho hội họa của người khiếm thính.

Ngoài chủ đề về tranh, ông chỉ cho tôi xem những tác phẩm gốm sứ Chăm, với các hình thù và họa tiết hoa văn sinh động được các em tự tay nặn và vẽ trong một lần về Ninh Thuận dã ngoại. Ông cho biết, đó là tài năng của người khiếm thính, ông trời không lấy của họ tất cả.

Nhận ra điều đó, cùng trăn trở về cuộc đời người khiếm thính đã thôi thúc ông phải làm điều gì để giúp họ, khơi dậy cái tinh hoa tiềm ẩn trong trái tim và tâm hồn của họ. Tháng 3/2017, họa sĩ Văn Y tiếp nhận những học trò đặc biệt đầu tiên. Ông thuê một căn phòng nhỏ tại phường 3, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh làm đại bản doanh cho lớp học. Ông đặt tên lớp học vẽ là “Âm thanh của hội họa”, nơi người khiếm thính được trở thành họa sĩ thực thụ, tự tay vẽ nên tác phẩm của cuộc đời mình.

Thứ bảy hằng tuần, học viên từ khắp thành phố kéo về học. Dạy vẽ cho người lành lặn đã khó, dạy cho người điếc, câm thì khó như thế nào, không có từ ngữ để diễn tả điều đó. Những ngày đầu, thầy Văn Y cho học trò phá mực. Tiết học phá mực nó lạ và hài lắm. Đủ các loại mực vẽ như thế, mạnh ai người nấy trộn, khuấy, bôi trét rồi phá tung ra, vẽ nguệch ngoạc lên giấy, chẳng khác nào trẻ con nghịch nước. Căn phòng nhanh chóng biến thành “bức tranh” hỗn tạp, nhìn thôi đã muốn khóc rồi. Không chỉ phá, các em còn bày ra đủ trò đùa nhau, cáu giận lao vào túm đầu giật tóc rồi khóc cười, la hét... Thầy Văn Y phải khuyên can, dọa nếu còn đánh nhau sẽ không cho học.

Hết tiết học phá mực, thầy bắt đầu dạy đến phần vẽ. Nói là vẽ, thực chất thầy cho các học viên tùy ý chọn lựa chủ đề, bố cục, màu sắc và ý nghĩa các bức vẽ của mình. Cho họ hỏa thích bày tỏ tâm hồn trên nét cọ. Cũng là tranh, nhưng chỉ có người vẽ mới hiểu mình đang vẽ gì và thầy Văn Y nhìn vào đó, tìm ra những nét chấm phá của tranh để hiểu được tâm hồn hội họa trong mỗi cá nhân. Từ đó, thầy rèn giũa, uốn nắn tính cách cũng như tâm, sinh lý cho học trò.

“Tôi dạy các em tính kiên trì, bền bỉ bởi tôi biết, tính của các em rất nóng nảy, bốc đồng. Tôi dạy các em tình yêu thương và sự chia sẻ. Phải có những điều đó thì mới trở thành người vẽ được”, thầy Văn Y bộc bạch.

Thi thoảng, thầy tổ chức cho lớp học đi dã ngoại vẽ tranh để bồi dưỡng ý tưởng cũng như mở mang tầm nhìn, hiểu biết thêm về thế giới bên ngoài. Tiền bán tranh, học viên sẽ nhận một nửa, 25% sung quỹ lớp và phần còn lại dùng để đi từ thiện. Nhiều em thắc mắc nhắn tin cho thầy: “Chúng em như thế này đã là thiệt thòi rồi, lẽ ra phải được nhận chứ không phải đi cho”.

Thầy Văn Y giải thích: “Chúng ta là người khiếm khuyết, nhưng chúng ta vẫn còn đầy đủ chân tay để làm việc, còn đôi mắt để thấy cuộc đời. Có người chỉ thấy bóng tối, họ không còn chân để đi, không có tay để làm...”. Nói xong, thầy tổ chức cho lớp đi gặp gỡ và tặng quà tại các trung tâm người mù và người khiếm khuyết tay chân. Tận mắt thấy được hoàn cảnh ở đây, các em đều tâm phục.

Người thầy của lớp vẽ đặc biệt -0
Cô Thúy Vân là phụ trách của lớp vẽ.

2. Lớp học đặc biệt, với những học viên đặc biệt. Họ đều là người khiếm khính, cuộc đời chịu nhiều thiệt thòi. Họ làm đủ thứ nghề để sống, chủ yếu là bán hàng rong, vé số, lượm ve chai...

Bùi Hữu Hoàng, 30 tuổi, ngoài khiếm thính còn bị động kinh nhưng rất thích vẽ. Tiếp nhận học sinh, thầy Văn Y và cô Thúy Vân vô cùng lo lắng, mỗi lần Hoàng lên cơn động kinh, người co giật, run lên khiến cả lớp một phen hú vía. Nhưng rồi, ước mơ với cây cọ của Hoàng sớm vụt tắt khi mẹ qua đời trong đợt dịch COVID-19 năm ngoái. Sinh thời, mẹ Hoàng kiếm sống và nuôi con bằng nghề lượm ve chai. Nay không còn mẹ nữa, Hoàng chơi vơi, hụt hẫng đã phải trở về Đồng Nai ở với người thân. Hoàng là một trong số nhiều hoàn cảnh khiếm thính gặp phải nghịch cảnh éo le trong cuộc sống ở lớp vẽ tranh của thầy Văn Y.

Tuy nhiên, dù ngoài kia có ngột ngạt, áp lực như thế nào thì học viên đến lớp vẽ đều có niềm đam mê với hội họa, như Trương Minh Hiếu, 58 tuổi, ngụ Q. 6, TP Hồ Chí Minh. Ông Hiếu không vợ con, sống cùng mẹ già và mưu sinh bằng nhiều nghề, từng có thời gian dài vá xe ở vỉa hè. Dù lớn tuổi nhưng ông Hiếu không hề bỏ buổi lên lớp nào. Các bức tranh của “họa sĩ” Hiếu tuy chưa xuất sắc nhưng có hồn và nội tâm. Ở đó, ông được tự do suy nghĩ, tâm sự cùng khao khát về thế giới có âm thanh, tiếng nói. Ông Hiếu vẽ tranh tĩnh vật, phong cảnh, gợi những kỷ niệm giúp người xem liên tưởng đến một quá khứ ảm đạm qua gam màu lạnh và buồn, hay một tương lai bấp bênh, trần trụi ẩn chứa trong những biểu tượng, những khoảng xám mơ hồ và những băn khoăn của tác giả về cuộc đời.

Ở đây, có thể là ám ảnh về một tuổi thơ bi đát, về thân phận của những đứa trẻ không may mắn. Đôi khi tôi cảm giác loạt tranh tả thực của họa sĩ khiếm thính là những giấc mơ nối nhau trong trí tưởng. Cái được phô diễn đã chín muồi trong cơn hưng cảm như đến tột cùng của chủ thể sáng tạo để trở về với trạng thái ngây ngô, khờ dại.

Có một tố chất tư duy mỹ cảm đặc biệt, không tưởng và biến sự câm lặng của âm thanh và sự chưa thể diễn đạt bằng lời thành những giai điệu tưng bừng của những hòa sắc. Nghệ thuật trong tranh của người khiếm thính thể hiện sự đấu tranh nội tâm sôi động, đôi khi là sự giao thoa của tình yêu và khao khát.

Các em ở miền Tây, Nam Trung Bộ hay ở ngay thành phố hoa lệ, nhưng đều chỉ “thấy” mọi thanh âm đời sống qua đôi mắt, không nghe được tiếng chuông thánh đường nhưng vẽ được gác chuông, không nói được với ai câu “thuyền đang về bến kìa” nhưng lại vẽ được con thuyền nằm im lìm soi bóng.  Có em lại chuyển tải vào tranh đôi mắt ưu tư trong chiều, nhưng gửi vào trong đó cả tiếng vọng của đất trời, dù chúng chẳng bao giờ nghe được “tiếng ấy” có âm sắc gì...

Người thầy của lớp vẽ đặc biệt -0
Gia Huy và bức vẽ “Chống lại CORONA virus” được đại sứ quán Ấn Độ mời dự triển lãm tranh.

Trong đại dịch COVID-19 năm 2021, dù chẳng thể thốt nên câu cảm thán về nỗi đau nhưng các em đã vẽ được bức tranh về sự tang tóc của đại dịch. Dù không gào thét quyết tâm chống dịch nhưng Vũ Gia Huy đã vẽ được bức tranh nắm tay giơ lên kiên cường chống lại COVID-19. Đây là tác phẩm lọt vào tốp 100/10.000.000 bức tranh tham dự cuộc thi vẽ tranh “chống lại CORONA” trên toàn thế giới do Đại sứ quán Ấn Độ tổ chức vào tháng 4-2020. Tại Việt Nam, có 2 bức tranh được ban tổ chức chọn là tranh của họa sĩ Nguyễn Lộc và Gia Huy. Sau đó, các tác giả được Đại sứ quán mời sang Ấn Độ tham  gia trực tiếp triển lãm vào tháng 11/2020. Rất tiếc, do đại dịch diễn biến phức tạp nên chuyến đi đã không thể thực hiện.

Gia Huy năm nay 23 tuổi, trước khi đến với lớp của thầy Văn Y, cậu chưa hề biết vẽ tranh là gì. Sau khi được thầy giáo chỉ dạy, hướng dẫn, Huy nhanh chóng phát huy được tài năng thiên bẩm. Cậu sớm có những bức tranh mang hình hài của một tác phẩm hội họa thực thụ, hứa hẹn tương lai sẽ trở thành một “cây cọ” nổi bật trong cộng đồng họa sĩ khiếm thính.

3. Họa sĩ Võ Văn Y, sinh năm 1952 tại Sài Gòn. Ông tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định (Sài Gòn) năm 1975, Khoa Sơn mài. Ông có hơn mười năm đứng lớp giảng dạy nghiệp vụ cho giáo viên hội họa tại TP Hồ Chí Minh. Sau này, ông hoạt động trong Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, dồn đam mê cho nghệ thuật vẽ tranh. Ông vẽ được cả hai chất liệu sơn mài và sơn dầu, nổi bật là dòng tranh hiện thực. Ông được xem là người đầu tiên mở lớp dạy vẽ tranh cho người khiếm thính ở Việt Nam. “Không thể nghe thấy những âm thanh trong cuộc sống là điều thiệt thòi của những người bị khiếm khuyết cơ thể. Thế nhưng, ở đây, họ đã có thể dùng hội họa làm ngôn ngữ giao tiếp và thể hiện cảm xúc của mình thông qua từng tác phẩm. Các học viên ở lớp học “Thanh âm của hội họa” đã được Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh công nhận là Họa sĩ khuyết tật”, họa sĩ Văn Y cho biết.

Người thầy của lớp vẽ đặc biệt -0
Thầy Văn Y trong một lần được học trò tổ chức sinh nhật.

Vừa là người thầy, vừa là người cha, trong việc giảng dạy, giáo dục các em, ông luôn cần mẫn và chu đáo. Nhận thấy các em đều rất cá tính, có lẽ do áp lực cuộc sống và sự bức bối, uất nghẹn khi âm thanh bị dồn nén. Ông phải theo dõi tâm lý từng em, luôn gần gũi và yêu thương qua ánh mắt, nụ cười, cử chỉ. Mặc dù các em thường dùng ngôn ngữ ký hiệu để trao đổi, nhưng có lẽvẫn có một sợi dây vô hình gắn kết giữa thầy và trò.

Người gắn bó và đồng hành cùng thầy Văn Y là họa sĩ Thúy Vân. Họa sĩ Vân ngày ngày chăm chút cho các bức vẽ và chọn lựa tác phẩm xuất sắc của học viên mang đi triển lãm. Cô còn chịu trách nhiệm việc “bếp núc” lo 20-30 miệng ăn cho ngày Thứ bảy học vẽ. Không tài trợ, không kinh phí, mọi thứ đều do thầy Văn Y và cô Thúy Vân xoay xở. Có những đợt học viên lên tới 30 người, thầy phải đi xin cơm chùa về cho các em, rồi bí quá thì thầy mang bán rẻ bức tranh của mình, lấy tiền mua mực, cọ, khung hình, giá vẽ. Mùa dịch năm ngoái, thấy học viên khó khăn, cô Thúy Vân đi xin gạo và mì tôm giúpcác em vượt qua những ngày bĩ cực để có thêm động lực theo đuổi đam mê hội họa.

Phải có tình yêu thương và đồng cảm thì mới gắn bó được trong suốt chặng đường 5 năm qua, đó cũng là thứ duy nhất níu giữ các em ở lại với lớp học vẽ. Người thầy không mong học trò phải đền đáp bất cứ điều gì. Thời gian của ông không còn nhiều, ông sợ mình không thực hiện được dự định lớn lao của mình. Ông đang mong mỏi tìm được một thủ lĩnh mới dẫn dắt và là điểm tựa cho các họa sĩ tương lai, họ sẽ thay ông thực hiện ước mơ hội họa của người khiếm thính.

Ngọc Hoa
.
.