Người viết chữ cổ xóm Phủ
Từ thành phố Hòa Bình, chúng tôi ngược đường tỉnh lộ 433, xuôi theo con dốc quanh co, uốn lượn đến xóm Phủ, thuộc xã Toàn Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Trong tiết thu se lạnh, những cơn gió thoảng nhẹ từ vùng hồ sông Đà len lỏi qua khe cửa lật mở trang sách cổ cũ kỹ.
Già làng Lý Hoàng Hạnh nhẹ nhàng áp bàn tay gân guốc, kiếm tìm những thông tin quan trọng từ sách cổ để bổ sung cho cuốn sách mới sắp hoàn thành. Già chậm rãi lấy bút chì gạch chân thông tin quan trọng. Cứ như thế, sách cổ như duyên nợ gắn bó với già từ lúc nào không hay!
Kế thừa từ gia tộc
Mặc dù ở cái tuổi xưa nay hiếm, già làng Lý Hoàng Hạnh vẫn nghiên cứu, sưu tầm sách cổ làm tài liệu để giáo dục con cháu trong dòng họ. Chữ Dao cổ được chính người cha của già Hạnh là cụ Lý Thuận Liên truyền dạy. Sinh thời, cụ Lý Thuận Liên là một trong những người Dao tiền đầu tiên ở vùng hồ sông Đà này. Khi ấy, số hộ người Dao chủ yếu sinh sống ven các con sông, suối nhỏ, mưu sinh bằng nghề đánh bắt thủy, hải sản, chăn nuôi gia xúc, gia cầm duy trì cuộc sống và trao đổi hàng hóa với các địa phương lân cận.
Để giáo dục con cháu trong dòng họ về các luật tục, văn hóa truyền thống dân tộc Dao, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, hay truyền dạy kỹ năng lao động, sản xuất, cụ Lý Thuận Liên đã tự nghiên cứu chữ Nôm Dao, soạn thành các áng văn tự một cách cẩn trọng, tỷ mỉ. Chữ Nôm Dao được viết trên giấy dó, là loại giấy được sản xuất từ vỏ những cây dó theo quy trình thủ công, có độ bền rất cao, phù hợp với đặc thù địa phương vùng núi cao.
Với khả năng hiểu biết, trình độ uyên thâm nhiều lĩnh vực, cụ Lý Thuận Liên đã tự tìm tòi, nghiên cứu, viết sách, sưu tầm sách cổ bằng chữ Dao để truyền dạy cho con cháu. Mỗi cuốn sách chứa đựng kho tàng tri thức của dân tộc được đúc rút qua nhiều thế hệ, phản ánh nguồn gốc, lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc Dao, lý giải các hiện tượng tự nhiên, ghi chép gia phả dòng tộc. Sách thì răn dạy cách đối nhân xử thế, truyền đạt kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, các phong tục tập quán và mọi mặt đời sống tinh thần cộng đồng người Dao.
Vào đầu những năm 70 thế kỷ trước, để phục vụ ngăn sông, đắp đập thi công nhà máy thủy điện Hòa Bình trên dòng sông Đà, một công trình đặc biệt quan trọng thời bấy giờ, người dân xóm Phủ phải di chuyển lên các khu vực cao hơn. Gia đình cụ Lý Thuận Liên phải di chuyển 2 lần mới ổn định nơi ở hiện nay. Quá trình di chuyển đã gây xáo trộn, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân địa phương. Nhiều vật dụng, tài sản bị thất lạc, trong số đó có nhiều sách cổ bị mất hoặc rách nát, không thể phục hồi được. Một số ít đầu sách được cụ và gia đình gìn giữ đến hiện nay. Đầu năm 80, cụ Lý Thuận Liên bị bệnh trọng và qua đời.
Trước khi mất, cụ căn dặn người con trai cả là Lý Hoàng Hạnh bằng mọi giá phải gìn giữ sách cổ, coi đó là vật gia bảo của dòng họ. Không được để mai một, thất lạc sẽ có lỗi với tổ tiên, với cha ông. Thế rồi, chữ Nôm Dao cổ từ người cha đáng kính đã thấm vào già Hạnh lúc nào không hay. Trách nhiệm với cộng đồng, với dòng họ thôi thúc già Hạnh đổi mới phương pháp truyền thụ để phù hợp hơn với cuộc sống hiện đại ngày nay. Vừa giữ gìn bản sắc, chữ viết, ngôn ngữ dân tộc Dao truyền thống, già Hạnh vừa góp sức xây dựng bản Dao ngày càng giàu đẹp hơn.
Thời còn công tác, già Hạnh từng là Chủ tịch Hội Nông dân, rồi Chủ tịch Hội Khuyến học xã Toàn Sơn. Với nhiều cương vị khác nhau, già Hạnh có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc, giá trị truyền thống dân tộc Dao. Đặc biệt, già Hạnh sử dụng chữ viết, ngôn ngữ dân tộc Dao trong các văn bản chỉ đạo, tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, giáo dục truyền thống, văn hóa bản địa. Sau khi rời nhiệm sở, già Hạnh được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng bản, trưởng dòng tộc người Dao. Sống ở nơi thâm sơn cùng cốc đã ảnh hưởng tới tích cách và suy nghĩ của già Hạnh. Ở già, chúng tôi nhận thấy sự trầm tư, nho nhã, đức độ, uyên thâm của một con người đã tu thành chính quả. Điều đó càng đáng quý hơn khi già mang những kinh nghiệm, vốn sống của mình truyền dạy cho con cháu, giúp con cháu nhận ra điều hay lẽ phải, khuyên bảo những điều nên làm và không nên làm theo phong tục truyền thống của người Dao.
Tính cách người Dao hiền lành, giản dị, thẳng thắn, chân thật. Trong quá khứ hay hiện tại, thế hệ người Dao sống theo phương châm: “Người Dao không lấy của ai cái gì và cũng không để người khác lấy cái gì của mình. Phong tục tập quán, những luật lệ bất thành văn được truyền từ nhiều đời nay đã ngấm vào trong mỗi con người để nhắc nhở họ phải biết trân trọng và giữ gìn bẳn sắc cao thượng, đẹp đẽ của dân tộc mình”.
Viết sách để giáo dục con cháu
Nhâm nhi chén trà nóng bên dòng sông Đà phẳng lặng, sóng gợn lăn tăn, già Hạnh chia sẻ: Tính cách người Dao hiền lành, giản dị, thẳng thắn, chân thật. Trong quá khứ hay hiện tại, thế hệ người Dao sống theo phương châm: “Người Dao không lấy của ai cái gì và cũng không để người khác lấy cái gì của mình”. Những phong tục, tập quán truyền khẩu từ nhiều thế hệ nhắc nhở con cháu phải biết trân trọng và giữ gìn bản sắc truyền thống của dân tộc. Điều đó giúp cho tình làng, nghĩa xóm được gắn kết, người dân đồng thuận tin tưởng vào Đảng, vào Chính phủ, chung tay xây dựng nông thôn mới. Thế nhưng, điều đó không đồng nghĩa với việc xóm Phủ không có những mâu mắc, phức tạp.
Là người hiểu sâu, biết rộng và có uy tín cao trong cộng đồng, già Hạnh còn trực tiếp giải quyết nhiều mâu mắc, tránh những xung đột, bất hòa trong nhân dân. Theo già Hạnh, do dân trí thấp, nhận thức không đồng đều, nếu giải quyết không thấu tình, đạt lý sẽ khó thuyết phục nhân dân, thậm chí gây mất đoàn kết dẫn tới phức tạp. Già cho rằng, ngay từ các gia đình, dòng họ phải làm tốt công tác giáo dục con cháu, kết hợp với giám sát chặt chẽ, kịp thời nắm bắt các biểu hiện để phòng ngừa vi phạm. Tuyên truyền, động viên nhân dân tích cực tham gia phát triển kinh tế, chuyển đổi canh tác, thay đổi cơ cấu cây trồng để tăng năng suất. Từ đó đã làm tăng uy tín của già Hạnh với cộng đồng. Hầu hết các vụ việc vi phạm an ninh, trật tự, mâu mắc trong nhân dân đều được già Hạnh thỏa hiệp giải quyết, tình làng, nghĩa xóm trở nên bền chặt hơn.
Già Hạnh kể rằng: Theo truyền thống người Dao từ xa xưa, một người con trai chỉ lấy một người con gái. Trong gia đình, ông cha phải gương mẫu làm gương cho con cháu, nếu tấm gương xấu sẽ không giáo dục, dạy dỗ con cháu được. Trong sách cổ đã dạy, không ai được vi phạm điều cấm. Anh hút thuốc phiện là giết bản thân anh, gia đình, dòng họ anh mà còn ảnh hưởng đến làng xóm. Từ đó đến nay, chúng tôi kiên trì, giáo dục con cháu mình, không để chúng mắc phải các thói hư tật xấu của xã hội. Nếu vi phạm, chúng tôi kiên quyết khai trừ khỏi dòng họ, cha mẹ chúng cũng sẽ bị liên lụy. Như vậy, việc làm của anh đã ảnh hưởng tới gia đình và người thân, trở thành nỗi đau của dòng họ. Chính vì vậy, mỗi gia đình đều tăng cường quản lý con em mình, không để thua thiệt với các gia đình khác. Với khả năng hiểu biết uyên thâm ở nhiều lĩnh vực, có thể nói thông viết thạo chữ dân tộc, già Hạnh đã truyền dạy cho con cháu cái hay, cái đẹp trong văn hóa, chữ viết, tiếng nói dân tộc Dao.
Cầm trên tay cuốn sách cổ bằng chữ Nôm Dao, già Hạnh cho biết: Mỗi cuốn sách có ý nghĩa riêng mang tính giáo dục ở nhiều lĩnh vực của đời sống. Sách thì dạy làm người, sách thì truyền đạt kinh nghiệm về chăn nuôi, trồng rừng, cuốn khác thì khuyên răn con cháu không mắc các thói hư, tật xấu. Lật mở từng trang sách, già Hạnh chỉ ra những luận điểm trong sách cổ được đưa vào Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Già Hạnh vinh dự là thành viên trung tâm bảo tồn tri thức bản địa dân tộc Dao 9 tỉnh phía Bắc, có dịp được tiếp xúc với những người đồng chí hướng nghiên cứu, sưu tầm ngôn ngữ, chữ viết, văn hóa truyền thống dân tộc Dao. Qua các đợt khảo cứu giúp già Hạnh có thêm đam mê, tâm huyết với công tác bảo tồn, giữ gìn văn hóa bản địa, làm văn hóa thực sự là hồn cốt dân tộc, động lực phát triển, xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc Việt Nam. Đó chính là hướng đi mà già Hạnh nỗ lực để hiện thực hóa ở chính quê hương mình.
Đời sống của người dân vùng cao này bị bủa vây bởi những khó khăn, cám dỗ bên ngoài tác động làm ảnh hưởng đến giới trẻ. Cùng những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, những mặt trái của cuộc sống xã hội cũng tìm được đường tới nơi. Già Hạnh cho biết: người Dao vốn tính thật thà, chất phác, luôn chịu thương chịu khó và chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Trước đây, mỗi khi nhắc tới công an, người dân sợ lắm. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do thiếu sự giáo dục của gia đình, xã hội, bọn trẻ không còn giữ được bản chất tốt đẹp của dân tộc Dao nên các hành vi thiếu chuẩn mực, vi phạm pháp luật ngày càng diễn ra nhiều, thanh niên sống buông thả, ham chơi, lười lao động, bị kẻ xấu dụ dỗ, xúi giục làm phát sinh tội phạm và tệ nạn xã hội, có cả người nghiện ma túy. Điều đó khiến già Hạnh buồn lắm. Già thấy trách nhiệm của mình giúp bọn trẻ định hướng lối sống, đạo đức, tránh xa các tệ nạn xã hội và ma túy.
Theo phong tục truyền thống, trước đây, gia đình nào có việc cưới, việc tang đều tổ chức linh đình cả tuần, phải mổ trâu, bò, lợn, gà mời cả bản, cả dòng họ. Gia đình chú rể phải có cả trăm lít rượu mới lấy được vợ... thì nay việc cưới xin, ma chay đã được cải thiện nhiều. Như người chết không được để trong nhà quá 3 ngày, uống rượu phải hạn chế, không được uống say, nếu vi phạm phải chịu các hình phạt nghiêm khắc của dòng họ. Hưởng ứng phong trào xây dựng nếp sống văn hóa mới, chính quyền và các già làng, người có uy tín ra sức kêu gọi, giáo dục mọi người, trước hết là con cháu trong dòng họ, sau đó vận động đến các gia đình khác trong xóm, trong xã. Ngay cả những việc nhỏ như: đi đường phải đội mũ bảo hiểm, không đi hàng hai, hàng ba... cũng được ghi trong gia phả, hương ước của dòng họ để nhắc nhở mọi người cùng chấp hành. Với các trường hợp vi phạm đều được đưa ra kiểm điểm trước dòng họ, bản thân người vi phạm cam kết không tái phạm.
Cùng với việc học chữ, người Dao duy trì các phong tục truyền thống như: “Múa chuông”, “Tết nhảy”, “lễ cấp sắc”, “Tết cơm mới”... tạo không khí vui tươi, phấn khởi, động viên bà con nhân dân hăng hái lao động, sản xuất, cầu cho mùa màng tốt tươi. Giáo dục con cháu nâng cao ý thức tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội và xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, xây dựng cuộc sống mới. Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, hệ thống cơ sở vật chất các bản làng người Dao có nhiều khởi sắc, diện mạo nông thôn vùng cao chuyển biến tích cực. Nhiều gia đình đã xây dựng nhà cửa kiên cố, có đầy đủ vật dụng thiết yếu, 100% các em học sinh đều được tới trường, tình trạng bỏ học giảm hẳn. Nhiều con em người Dao thi đỗ các trường đại học, cao đẳng chuyên nghiệp. Sau khi học xong đã trở về phục vụ quê hương, giữ các trọng trách cao trong hệ thống chính quyền cơ sở.
Chứng kiến những đổi thay từng ngày trên quê hương mình, già Hạnh vui lắm. Vui vì văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết dân tộc Dao mà già Hạnh bao năm đắp bồi đã thực sự thấm vào mỗi người dân, vui vì nhờ văn hóa mà bọn trẻ không mắc phải tệ nạn xã hội, trở thành những công dân có ích cho xã hội. Chia tay xóm Phủ, chia tay bà con người Dao thân thiện khi trời đã xế chiều, xa xa là những thửa ruộng bậc thang trải rộng, những nếp nhà sàn nằm lưng chừng núi, khói chiều đã bắt đầu lan tỏa.