Nhiệm vụ đặc biệt đầu năm mới

Chủ Nhật, 08/01/2023, 13:18

Tết đến xuân về là thời điểm các gia đình đoàn viên, quây quần chào đón năm mới. Nhưng, trong không khí ấm nồng của ngày xuân, vẫn có những con người cần mẫn với guồng quay của công việc, mong ngóng từng giây phút được trở về đoàn tụ với người thân.

Với họ, một hồ sơ “mở ra” đồng nghĩa với những cái Tết không trọn vẹn, bởi hầu hết các vụ án đơn vị thụ lý, điều tra đều là những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, thuộc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo; được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Họ là những cán bộ Phòng Điều tra các tội phạm khác thuộc Cục An ninh điều tra, Bộ Công an.

1. Một vụ án “mở ra”, điều tra viên chẳng mấy khi có được một cái Tết trọn vẹn, Thượng tá Nguyễn Đắc Hậu, Phó trưởng Phòng Điều tra các tội phạm khác (Phòng 5), Cục An ninh điều tra (ANĐT) mở đầu câu chuyện với tôi như vậy, khi anh kể về một cái Tết đặc biệt, cùng đồng đội có mặt trên các cung đường, tham gia điều tra vụ án “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài” xảy ra tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố. Trong vụ án này, Thượng tá Nguyễn Đắc Hậu là điều tra viên thụ lý chính vụ án; phối hợp cùng đồng chí trưởng phòng chỉ đạo điều tra.

Vụ án xảy ra vào năm 2019. Vào thời điểm đó, đây là vụ việc điển hình liên quan đến lĩnh vực du lịch, có yếu tố nước ngoài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh và chính sách ngoại giao của Việt Nam trên trường quốc tế. Với anh và các điều tra viên tham gia vụ án còn có một kỷ niệm đặc biệt là đón Tết ở sân bay, khi họ nhận nhiệm vụ vào đúng đêm giao thừa.

Nhiệm vụ đặc biệt đầu năm mới -0
Thượng tá Nguyễn Đắc Hậu cùng các điều tra viên và cán bộ Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao trao đổi thông tin về một vụ án.

Thượng tá Nguyễn Đắc Hậu nhớ lại: Ngày 8/1/2019, Văn phòng Chính phủ có công văn gửi Bộ Công an, thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ chủ trì; phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và các cơ quan chức năng Đài Loan (Trung Quốc) điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng hình thức du lịch để tổ chức cho 152 công dân nhập cảnh Đài Loan rồi bỏ trốn. Vụ việc vào thời điểm đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của Việt Nam. Lãnh đạo Bộ Công an giao Cục ANĐT chủ trì, tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh, điều tra, làm rõ các đối tượng có liên quan. Sau khi tiếp nhận ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, Cục ANĐT đã giao nhiệm vụ cho Phòng 5, triển khai các biện pháp nghiệp vụ điều tra.

Sau hơn 1 tuần triển khai, với các tài liệu và chứng cứ thu thập được, Phòng 5 đã đề xuất lãnh đạo Cơ quan ANĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài” xảy ra tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố khác; đồng thời, ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với đối tượng chủ mưu, cầm đầu trong nước là Trần Văn Danh.

Việc điều tra gặp không ít khó khăn do phần lớn các đối tượng am hiểu các quy định về du lịch và các quy định có liên quan; có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tổ chức du lịch nên né tránh, ngoan cố, không thừa nhận hành vi phạm tội. Trong khi đó, các trường hợp có liên quan lại sinh sống trải dài ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước; nhiều đối tượng chủ mưu, cầm đầu thuộc đường dây đang lẩn trốn tại nước ngoài.

Đây là cuộc đấu trí của Cơ quan ANĐT với chứng cứ hợp lý, chọn lựa điểm mấu chốt, nút thắt để tác động vào tâm lý, buộc các đối tượng phải khuất phục, cúi đầu nhận tội. Vụ án còn có yếu tố nước ngoài, vì thế quá trình triển khai các biện pháp nghiệp vụ, thu thập chứng cứ đòi hỏi phải bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật. Cùng với đó, còn đòi hỏi sự khéo léo của các điều tra viên để đảm bảo các yêu cầu của nhiệm vụ, Thượng tá Nguyễn Đắc Hậu cho biết.

Sau khi “mở án”, Trung tá Hoàng Văn Hưng, nay là Trưởng Phòng 2, Cục ANĐT và Thượng tá Nguyễn Đắc Hậu đã cùng các điều tra viên xây dựng kế hoạch điều tra tổng thể vụ án; chỉ đạo từng điều tra viên được phân công tham gia điều tra, xây dựng kế hoạch điều tra cụ thể; kế hoạch hỏi cung từng bị can, từng đối tượng có liên quan; kế hoạch xác minh để trình lãnh đạo trước khi thực hiện. Cùng với đó, để việc tổ chức điều tra vụ án có hiệu quả, nhanh chóng làm rõ toàn bộ vụ án và sai phạm của các đối tượng có liên quan; trên cơ sở năng lực, kinh nghiệm và sở trường và khả năng của từng điều tra viên, cán bộ điều tra, Thượng tá Nguyễn Đắc Hậu đã lựa chọn, bố trí, phân công công việc phù hợp, hiệu quả.

Nhiệm vụ đặc biệt đầu năm mới -0
Cán bộ Cục An ninh điều tra trao đổi thông tin.

“Chúng tôi bố trí các điều tra viên có nhiều kinh nghiệm để đấu tranh, hỏi cung đối tượng. Với các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, ngoan cố như Nguyễn Việt Đức, Trần Văn Danh, Lê Đình Hồng Nguyên, Nguyễn Lâm Sỹ, điều tra viên phải là những người có kinh nghiệm để đấu tranh, hỏi cung. Trong quá trình này, tôi đã trực tiếp chủ trì, tính toán, phân công, điều phối nhịp nhàng giữa lực lượng điều tra với lực lượng trinh sát và công an các đơn vị, địa phương; bảo đảm tuyệt đối an toàn trong quá trình triển khai các biện pháp tố tụng như bắt, khám xét với các đối tượng” - Thượng tá Nguyễn Đắc Hậu nhớ lại.

2. Trong quá trình điều tra vụ án này, có một kỷ niệm mà Thượng tá Nguyễn Đắc Hậu và các điều tra viên đặc biệt ấn tượng, đó là việc tiếp nhận, làm việc với các công dân bị đẩy đuổi về nước, nhập cảnh qua cảng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất vào đúng ngày mùng 1 Tết Nguyên đán năm 2020.

Ngay trong đêm giao thừa, khi nhận được chỉ đạo của chỉ huy đơn vị, làm việc với các công dân bị đẩy, đuổi về nước, 4 điều tra viên của Phòng 5 đang đón Tết với người thân trong gia đình đã chuẩn bị lên đường. Giữa ngập tràn hoa đào, hoa mai khoe sắc đón xuân, ai cũng có chút tiếc nuối nhưng tất cả nhanh chóng qua đi, họ dồn tâm sức cho nhiệm vụ được giao. Đại úy Lưu Mạnh Tăng nhớ lại: Với một điều tra viên, việc nhận nhiệm vụ công tác lại xách ba lô lên đường là chuyện bình thường nhưng vào những ngày Tết, trong lòng mỗi người cũng có những cảm xúc xốn xang. Anh cho biết, sáng mùng 1 Tết, anh đón xe của một người về quê ăn Tết lên đơn vị. Sau cuộc họp chớp nhoáng để bàn bạc, thống nhất kế hoạch, tất cả lập tức có mặt tại sân bay Nội Bài.

Khoảng 10h cùng ngày, chuyến bay hạ cánh với khoảng hơn 50 người Việt Nam. "Chúc các anh, chị năm mới an khang, thịnh vương”, một số người nhận lời chúc từ các cán bộ công an đã không giấu được nước mắt hạnh phúc khi được trở về với đất nước sau một thời gian dài xa cách. Trong khoảnh khắc ấy, các điều tra viên của Phòng 5 cũng không giấu được sự xúc động. Chẳng ai bảo ai, họ làm việc thật khẩn trương để các công dân sớm được trở về đón Tết với người thân trong gia đình.

Những trường hợp trở về hôm đó, có người được người thân đến đón nhưng cũng có nhiều người lạc lõng giữa sân bay, trong túi chẳng còn một đồng. Khi ấy, các điều tra viên của Phòng 5 đã quên góp tiền như một món quà mừng tuổi, rồi bắt xe giúp họ về quê, kịp đón Tết với người thân...

3. Với Thiếu tá Vũ Viết Tùng, kỷ niệm sâu sắc nhất có lẽ là việc hỏi cung hai bị can là Nguyễn Lâm Sỹ và Nguyễn Thị Thanh Hà, hai mắt xích quan trọng trong đường dây tổ chức đưa người trái phép ra nước ngoài. Điều tra viên Vũ Viết Tùng nhớ lại: Trong quá trình làm việc với Cơ quan công an, hai đối tượng đều phủ nhận hành vi phạm tội. Khi ấy, Vũ Viết Tùng đã có nhiều đêm không ngủ nghiên cứu đặc điểm nhân thân, trình độ học vấn, tâm lý và đọc các lời khai tài liệu liên quan để làm căn cứ hỏi cung.

Nhiệm vụ đặc biệt đầu năm mới -0
Lực lượng an ninh cửa khẩu tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài làm thủ tục xuất, nhập cảnh cho người dân.

Đối tượng Nguyễn Lâm Sỹ vào thời điểm đó mắc trọng bệnh. Vì thế, khi vụ án mới khởi tố điều tra, cơ quan điều tra chỉ áp dụng biện pháp ngăn chặn, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Lâm Sỹ, tạo điều kiện để đối tượng này chữa bệnh. Thế nhưng, Sỹ lại lợi dụng sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước và pháp luật để tìm cách xóa các dấu vết. Vì thế, anh đã tham mưu lãnh đạo đề xuất thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với Sỹ. Khi mới bị tạm giam, Sỹ không thừa nhận hành vi phạm tội. Nhưng, bằng các chứng cứ và việc nghiên cứu tỉ mỉ lời khai của các bị can khác, Thiếu tá Vũ Viết Tùng đã đấu tranh, kiên trì khuất phục đối tượng. Việc đấu tranh, hỏi cung hai bị can Sỹ và Hà đã góp phần quan trọng trong việc điều tra, khám phá, làm rõ vụ án Sự nỗ lực của các điều tra viên Phòng 5 đã góp phần vào thành công trong quá trình điều tra vụ án. Kết quả điều tra đã làm rõ hai đường dây tổ chức cho 152 người trốn đi Đài Loan; làm rõ phương thức, thủ đoạn, vị trí, vai trò của từng bị can.

Ngoài ra, quá trình điều tra còn phát hiện các sơ hở, thiếu sót trong quá trình cấp visa Quan hồng cho đoàn khách đi du lịch Đài Loan. Qua đó, đã kịp thời tham mưu, kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chấn chỉnh, khắc phục những sơ hở, thiếu sót nhằm đảm bảo cho hoạt động quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực du lịch được hiệu quả.

Xuân Mai
.
.