“Nhịn khô” thải độc hay trào lưu mù quáng?

Thứ Ba, 01/03/2022, 10:17

“Nhịn khô” hay còn gọi là nhịn ăn, nhịn uống trong nhiều ngày liền để thải độc, thanh lọc cơ thể đang trở thành trào lưu mới của nhiều người theo chế độ thực dưỡng. Sau một thời gian lắng xuống vì những quan điểm phản khoa học, trào lưu chữa bệnh bằng thực dưỡng đã quay trở lại, có phần “lợi hại” hơn xưa.

 “Nhịn khô” chữa cả... COVID-19?

Chế độ thực dưỡng (ăn kiêng) hiện nay đang được nhiều người áp dụng để mong muốn mang lại một cơ thể khỏe mạnh, phòng tránh bệnh tật. Thế nhưng, khi nhiều người sùng bái nâng thực dưỡng lên thành một phương pháp chữa bách bệnh thì càng ngày càng nhiều người tin theo một cách mù quáng. Trước đây, để thải độc (detox) cơ thể, nhiều người nhịn ăn nhiều ngày liền vì cho rằng nhịn ăn sẽ tránh nạp thứ độc hại vào cơ thể, thì giờ đây những “thánh” thực dưỡng lại có một trào lưu mới hơn là “nhịn khô”.

Theo phương pháp “nhịn khô” người thực hiện sẽ kiêng hoàn toàn nước và thực phẩm trong toàn bộ thời gian làm sạch cơ thể từ 1 đến 4 ngày, thậm chí có thể lâu hơn 14-30 ngày. Không những thế, trong suốt quá trình đó, cần loại trừ mọi tiếp xúc với nước như tắm, vệ sinh răng miệng, rửa tay... với quan điểm khi cơ thể tiếp xúc nước thì da vẫn hấp thụ độ ẩm, làm cản trở quá trình thanh lọc.

“Nhịn khô” thải độc hay trào lưu mù quáng? -0
Ăn uống đủ chất với chế độ cân đối vẫn là tốt nhất cho cơ thể

Chỉ cần lên mạng xã hội gõ cụm từ “nhịn khô thanh lọc thân tâm” sẽ ra một loạt hội nhóm đều là những thành viên mù quáng tin theo chế độ thực dưỡng. Các nhóm này đều hoạt động kín, chia sẻ những phương pháp thải độc, chữa bệnh phản khoa học.

Điều kỳ lạ là không chỉ người không rành rẽ về các biện pháp bảo vệ sức khỏe mới tham gia trào lưu này mà còn có cả người có chuyên môn, học vấn cũng tham gia. Nhiều người cuồng theo phương pháp này và theo họ, để có được hiệu quả, bệnh nhân phải trải qua thử thách lớn và phải có đức tin, ý chí mới có thể gặt hái được kết quả tốt đẹp, thấy được nhiều sự kỳ diệu không ngờ được.

Cũng theo lý luận của những người này, bệnh tật không phải ở bên ngoài xâm nhập vào cơ thể. Mà gốc của bệnh tật sinh ra do việc ăn sai, chứa những chất độc từ nhiều tháng năm làm cho cơ thể chúng ta bị mất quân bình âm dương. Chính vì sự mất quân bình âm dương đó mà bệnh tật phát sinh. Muốn cơ thể khỏe mạnh, muốn cơ thể không nạp nhiều chất độc thì phải dừng ăn, dừng uống. “Nhịn khô” là phương pháp chữa lành cơ thể tốt nhất, nhất là đối với những người đang có nhiều bệnh tật?

Chị Đ.M.T (Mỹ Lộc, Nam Định) giống như một người mù quáng, sùng bái tin theo phương pháp “nhịn khô” này. Trên trang cá nhân của mình, chị T. chia sẻ: “sau 3 ngày nhịn khô và tiết thực (mỗi tuần), cảm nhận sắc diện, tinh thần có vẻ tinh anh hơn hẳn. Đặc biệt, sau mỗi lần như vậy, lòng ham muốn - (nguyên nhân gốc rễ gây ra mọi khổ đau) được kiểm soát thêm một phần. Tâm thế trở nên chủ động trước mọi diễn biến nơi tâm, mở đường cho tự do về tâm trí”.

“Nhịn khô” thải độc hay trào lưu mù quáng? -0
Một mâm cơm đơn giản nhưng đảm bảo sức khỏe

Sau đó chị chia sẻ thực đơn cũng như kế hoạch “nhịn khô” hằng tuần. Theo đó, chị sẽ nhịn định kỳ từ chiều Thứ tư hằng tuần. Buổi sáng Thứ tư  chỉ ăn hoa quả. Buổi trưa ăn nhẹ nhàng với món rau bắp cải sống thái nhỏ, trộn với chút mật ong và chanh. Buổi chiều tiến hành dọn dẹp vệ sinh đường ruột với nước ấm và chanh. Sau đó thì bắt đầu quá trình “nhịn khô” (cắt nước từ chiều Thứ tư ). Sáng Thứ năm  dậy chỉ đánh răng, rửa mặt với nước lã. Cả ngày không tắm, không gội, không uống nước. Mọi sinh hoạt diễn ra bình thường, vẫn lao động miệt mài. Buổi tối, trước khi kết thúc một ngày thì ngồi thiền. Sáng ngày Thứ sáu vẫn dậy sớm, uống một cốc nước lọc sau đó là vài cốc nước mùi đun sôi. Trưa chỉ ăn chút rau bắp cải. Lý do chị uống nước mùi vì góp phần đào thải kim loại nặng. Uống vào buổi sáng khi bụng rỗng và uống với lượng cơ thể mong muốn.

Trên một hội nhóm, các thành viên còn trao đổi với nhau phương pháp “nhịn khô” để chữa COVID-19. Một thành viên có nickname P.N.T.T chia sẻ: “Có khi nào bạn nghĩ những người “mắc” COVID-19 có các triệu chứng mất mùi, mất vị giác chính là dấu hiệu cơ thể bảo họ hãy dừng ăn vài ngày để cơ thể tổng lực giải phóng rác thải tế bào làm sạch cơ thể không? Cơ thể của chúng ta nó rất thông minh và luôn biết cách xử lý mọi vấn đề theo cách của nó.

Thấy nhiều bạn là F0 mà ăn quá trời quá đất à, đã vậy toàn ăn thức ăn chết (thức ăn tạo axít, tạo rác thải tế bào), thảo nào phải uống thêm thuốc hạ sốt rồi kháng sinh, kháng viêm đồ mà hầu như ai cũng mất ít nhất 1-2 thậm chí 3, 4, 5... tuần (chưa nói sẽ rơi vào khoảng 12% tỷ lệ trở nặng và tử vong nếu dùng thuốc Tây) mới hồi phục, xong lại đổ tại COVID-19 với hậu COVID-19. Trong khi người ta chẳng uống viên thuốc nào, chỉ dùng nano bạc và enzyme thảo dược kết hợp nhịn ăn cơm thịt, đồ khó tiêu 2-3 ngày, chỉ cung cấp vừa đủ các khoáng chất, enzyme và vitamin từ nước dừa tươi, nước ép từ các loại trái cây rau củ quả tươi hoặc người ta đã quay về trạng thái hồi phục. Người nào yếu lắm (đang nhiều bệnh nền) thì cũng chẳng quá 7 ngày là khỏe re rồi”.

Còn một thành viên khác thì tự hào khoe chiến tích không tiêm vaccine ngừa COVID-19 nhưng khi trở thành F0 lại rất khỏe khoắn vì ăn theo chế độ thực dưỡng, nói không với việc tiêm vaccine trong khi chồng và con dù không bị COVID-19 lại vật vã sau mỗi lần tiêm phòng. Quan điểm của những người theo chế độ thực dưỡng hay “nhịn khô”, “tiết thực” thì việc tiêm phòng các loại vaccine cũng là rước họa vào người.

Mắc bệnh nặng vì “nhịn khô”

Hiện nay các “thánh” thực dưỡng đã hoạt động bí mật hơn bằng các hội nhóm kín trên mạng xã hội và Zalo. Điều đáng nói ngoài việc tuyên truyền các phương pháp ăn uống, chữa bệnh bằng thực dưỡng, các thành viên còn ra sức phản đối việc chích ngừa vaccine, chữa bệnh bằng Tây y.

“Nhịn khô” thải độc hay trào lưu mù quáng? -0
Chế độ ăn sơ sài của những người theo đuổi “nhịn khô”

Một quản trị viên của nhóm “nhịn khô” đồng thời cũng là người tuyên truyền, giảng dạy các lớp học online “chữa lành thân tâm”, thải độc cơ thể cho biết: “Sự thật là nếu bạn uống thuốc thì bạn sẽ sống chung với bệnh suốt đời, còn thay đổi chế độ ăn uống - sinh hoạt - nghỉ ngơi - nghĩ tích cực - thanh lọc đào thải độc tố cho cơ thể, thì hầu hết các loại bệnh được chữa khỏi dù đó có là ung thư, tiểu đường, mỡ máu, huyết áp...”. Và, để phục vụ cho lý lẽ của mình, người này ra sức tuyên truyền về loại thực phẩm thực dưỡng mà mình đang sản xuất đồng thời mở các lớp học online để kiếm tiền từ hội viên.

Cách đây 2 năm, Đ.T.L (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng lao đầu vào thực dưỡng như con thiêu thân, dù người nhà nói gì cũng không nghe. Nhiều khi gia đình, vợ chồng còn lục đục vì L. cương quyết phản đối góp ý của mọi người. Hằng ngày Đ.T.L chỉ ăn cơm gạo lức và các loại củ quả luộc. L. từ chối tất cả các sản phẩm từ thịt, cá, trứng sữa, nói không với lò vi sóng, lò nướng... vì cho rằng ảnh hưởng đến sức khỏe và làm biến đổi chất trong thức ăn, khiến cơ thể thêm độc hại. Không chỉ ăn theo chế độ thực dưỡng, L. cũng cho đứa con nhỏ từ khi biết ăn dặm cũng chỉ ăn củ, quả và gạo lức. Kết quả sau 2 năm, mẹ sút 5-6kg, da dẻ xanh xao, gầy gò. Còn con bé thì cả năm không thấy lớn, không thấy tăng cân. Chẳng hiểu về sau, nhiều người trong nhà khuyên nhủ được, L. thoát được cách ăn uống không lành mạnh ấy. Cả hai mẹ con tăng cân trông thấy, da dẻ hồng hào hẳn lên.

Một thành viên trong một hội nhóm “nhịn khô” để chữa lành cơ thể chia sẻ việc nhịn ăn 10 ngày khiến bệnh nặng hơn. Trước đó anh N.A.K (Hà Nội) đi khám, bác sĩ kết luận bị đại tràng co thắt. Thay vì vào viện điều trị, anh K. lại vào hội nhóm xin lời khuyên. Sau 10 ngày, bụng trướng to hơn, đầy hơi không hết, chán ăn sụt nhiều cân, anh vẫn nghĩ rằng do lợi khuẩn đường ruột bị chết đi nhiều hoặc do lúc nhịn đang trong quá trình tự chữa lành nên bệnh nặng hơn.

Chúng ta có thể duy trì một chế độ ăn uống hợp lý, nhiều rau củ quả, chất xơ, hạn chế tinh bột, dầu mỡ, những vẫn phải đảm bảo đủ 4 yếu tố, chất đạm, chất xơ, chất béo, tinh bột. Thông thường, khoảng 20% lượng chất lỏng cơ thể cần hấp thụ đến từ thực phẩm và số còn lại đến từ việc uống nước lọc. Khi nhịn ăn và uống có nghĩa ta đã cắt bỏ hoàn toàn dưỡng chất để duy trì hoạt động của cơ thể trong ngày. Điều này ảnh hưởng xấu rất nhiều đến các cơ quan chức năng trong cơ thể, biểu hiện qua việc cơ thể suy nhược, chóng mệt mỏi, khó tập trung... Việc tuyên truyền “nhịn khô”, “tiết thực” để thải độc, thanh lọc cơ thể, chữa bệnh cũng không khác gì tội ác, bởi nếu kéo dài, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, nhất là người đang mắc bệnh hiểm nghèo.

“Nhịn khô” thải độc hay trào lưu mù quáng? -0
PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm

Cách đây vài năm, khi thực dưỡng đang trở thành trào lưu để bảo vệ sức khỏe thì các “thánh” thực dưỡng ra sức tuyên truyền đề cao cách ăn số 7 còn gọi là tiết thực (chỉ ăn gạo lức, uống cafe để thải độc), coi đó là biện pháp vô song đề phòng tránh bệnh tật, đặc biệt là ung thư.

PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết: “Nhiều người có quan điểm về thực dưỡng không đúng. Thực dưỡng là ăn chay bán phần hay toàn phần: vẫn ăn cơm gạo lức, muối vừng, ít ăn thịt cá, vẫn nên uống sữa, ăn trứng. Người mắc bệnh ung thư nên ăn chế độ bồi dưỡng mới chữa được bệnh ung thư. Nhịn ăn thì cơ thể dễ mắc bệnh, nhiễm khuẩn, nhiễm virus, có thể tử vong vì các bệnh này. Nhịn ăn uống để giảm cân là không đúng, cơ thể sẽ thiếu năng lượng, chất đạm, các chất dinh dưỡng khác làm cơ thể mệt mỏi, không đủ sức học tập hay làm việc. Bởi vậy, vẫn phải ăn cân đối, đủ các chất dinh dưỡng theo nhu cầu và khuyến nghị. Năng lượng có thể thấp hơn nhu cầu, tăng cường vận động, luyên tập cũng phối hợp giảm cân”.

Mai Ngọc
.
.