“Nhô lir bong” của người K’ho Nam Tây Nguyên

Thứ Sáu, 25/04/2025, 20:05

Tháng 4, lúa đã đầy bồ, ngô đã đầy bãi, nắng vàng xua đi những cơn mưa rầu rĩ. Già làng K’Keo (xã Gung Ré, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng), áo quần chỉnh tề, trịnh trọng ra căn nhà dài giữa buôn, nổi lên hồi chiêng lớn, vang vọng núi rừng... Đó là tín hiệu sắp sửa có sự kiện trọng đại xảy ra: Nhô lir bong - Lễ Mừng lúa mới của người K’ho Sre, cư ngụ ở Nam Tây Nguyên, mỗi năm được tổ chức 1 lần, khi mùa màng đã xong.

Lễ trả ơn Yàng

Giữa Tây Nguyên đại ngàn, đất đai trù phú, tính cách con người cũng trở nên phóng túng. Theo phong tục, các dân tộc thiểu số nơi đây đã xây dựng nên hình tượng nổi bật của dân tộc mình, đó là các vị tù trưởng giàu mạnh, đầu đội trời, chân đạp đất... Quyền lực trong tay, uy tín đầy mình, các tù trưởng có thể chinh phục mọi thứ để bắt kẻ yếu xung quanh phải phục tùng, mở rộng ảnh hưởng. Có một kết cục chung, họ đều thất bại, thậm chí phải trả giá bằng cả mạng sống nếu dám đả đụng tới Yàng và các vị thần linh huyền bí.

“Nhô lir bong” của người K’ho Nam Tây Nguyên -0
Già làng K’Keo thực hiện nghi thức của Lễ Mừng lúa mới.

Thực tế, trong quan niệm tâm linh và tín ngưỡng sơ khai, các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên cũng không thoát khỏi điểm yếu cố hữu của loài người: Sợ những gì mắt không thấy, tai không nghe và tay không thể sờ. Đó là những thứ thuộc về giới siêu nhiên, vô hình nhưng lại có sức mạnh tối thượng. Thần linh là vùng cấm mà con người không được phép chống đối, chinh phục. Với các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, mệnh lệnh duy nhất là tuyệt đối phục tùng các đấng siêu nhiên. Đổi lại, họ sẽ được Yàng và các vị thần linh che chở, ban phát ơn huệ. Vì thế, sau mỗi vụ gặt, việc làm đầu tiên của cộng đồng K’ho Sre là tổ chức lễ Nhô lir bong - Mừng lúa mới. Một nghi thức mang tính gắn kết cộng đồng để đáp trả ơn Yàng đã ban phước lành cho mùa màng bội thu.

Sau hồi chiêng ngân xa, lũ làng kéo tới đông đủ, già làng K’Keo đứng trên hiên nhà dài trông xuống khoảng sân rõ mặt từng người. Lời già làng rắn rỏi cất lên, gió phải dừng thổi, chim muông ngừng bay, dân buôn im ắng lắng nghe. Với họ, già làng là sứ giả của thần linh. Đó là sợi nối vô hình, gắn kết, truyền đạt mệnh lệnh của Yàng mà người dân phải phục tùng. Cây nêu cao vút cất kỹ cả năm trong nhà dài được đem ra lau chùi. Những chàng trai K’ho Sre thân hình chắc nịch, thận trọng cố định cây nêu ở khu vực giữa sân.

“Nhô lir bong” của người K’ho Nam Tây Nguyên -0
Già làng thực hiện nghi thức hiến tế tại Lễ Nhô lir bong.

Bộ chiêng quý cũng được đem ra thử lại âm điệu, chuẩn bị cho nghi thức đặc biệt. Một ché rượu cần thơm lừng lên men bằng lá cây rừng, một nhà cúng, một trống da trâu sgơl... Chỉ trong chốc lát, vật hiến tế trong lễ Nhô lir bong đã được lũ làng bàn bạc, thống nhất chuẩn bị. Nào là heo đen, gà quý, nào là rượu cần, gạo mới thơm lừng… và không thể thiếu một con trâu dùng để mô phỏng nghi thức đâm trâu trong lễ Nhô lir bong truyền thống. Tùy vào gia cảnh và sự hào phóng của từng gia đình, mọi người có thể đóng góp thêm những sản vật tự tay mình làm ra cho ngày Mừng lúa mới của cộng đồng thêm phong phú, long trọng.

Sáng sớm, mặt trời chưa ló qua núi Brăh Yang, sương đêm còn trắng muốt dưới thung lũng xa, già làng K’Keo người quấn khố để lộ ra những thớ cơ bắp khỏe khoắn, đứng sừng sững giữa nhà dài, nổi lên ba hồi tù và thành kính khấn Yàng, xin cho buôn làng tổ chức lễ hội: Ơi Yàng!... Hỡi lũ làng sau một năm vất vả với cái nương, cái rẫy, hôm nay lúa đã chất đầy kho, rượu cần đã đến ngày khai ché. Chúng ta cùng tụ hội về đây để tạ ơn Yàng và các thần linh đã cho buôn làng một năm mưa thuận gió hòa, cho cái nương, cái rẫy tốt tươi, lúa trên nương trĩu hạt, cho đàn heo nhiều như con kiến đen, cho đàn trâu nhiều như con ốc dưới suối. Hỡi lũ làng! Chúng ta cùng về đây mở hội!... Ơi Yàng!...

Hiến sinh tế thần linh

Lời già làng K’Keo vừa dứt, lũ làng đồng thanh gọi lớn: “Ơi Yàng!..” như là một nghi thức thuần phục, sẵn sàng thực thi mệnh lệnh từ đấng thần linh tối thượng. Các chàng trai, cô gái, đàn ông đàn bà, người già, người trẻ, không phân biệt địa vị vai vế, giàu sang hay nghèo hèn, mọi người đều bình đẳng tham gia Lễ Mừng lúa mới, cùng bước vào vũ điệu múa xoang quanh cây nêu. Người K’ho với trang phục truyền thống, nam đóng khố, cởi trần, phụ nữ mặc váy ngắn, màu đem và trắng chủ đạo.

“Nhô lir bong” của người K’ho Nam Tây Nguyên -0
“Nhô lir bong” của người K’ho Nam Tây Nguyên -1
Tái hiện nghi lễ đâm trâu trong Lễ Nhô lir bong của người K’ho Sre.

Hoa văn họa tiết thổ cẩm của người K’ho Sre là hình kỷ hà, người, các loài muông thú, các vật dụng như nhà sàn, nỏ, tua cây nêu, cầu thang, cán xà gạc, con thuyền, mắt chim công… Ngày hội, phụ nữ đeo vòng cổ, vòng tay bằng đồng hoặc bạc; chuỗi cườm, khuyên căng tai làm đồ trang sức. Các thiếu nữ còn có thêm vòng bằng đồng đeo ở cổ tay, cổ chân, có khi lên đến 25 chiếc.

Già làng K’Keo lại thực hiện nghi thức cúng vái, xin Yàng cho buôn làng được tổ chức lễ hội Nhô lir bông và xin được hạ dàn chiêng xuống để đánh trong ngày lễ hội: “Ơi Yàng!... Hỡi thần chiêng linh thiêng, đang ngụ trong các chiêng to, chiêng nhỏ, chiêng mẹ, chiêng con. Buôn làng có cái ăn, cái để, biết nói, biết nghe, biết làm theo điều phải, là nhờ ơn thần Chiêng. Xin cảm ơn thần và mời thần về dự hội cùng buôn làng. Hôm nay, buôn làng mở hội Nhô lir bong, sẽ có trâu tế lễ, có rượu cần ngon để cúng. Xin thần cho hạ dàn chiêng xuống và đánh lên vang dậy núi rừng, rộn rã lòng người, tưng bừng lễ hội!...”.

Nói xong, già làng K’Keo dùng máu gà trống lần lượt bôi lên cây nêu, các mặt chiêng, lên trán của từng thành viên để cầu an may mắn, sức khỏe đến cho mọi người. Sau nghi thức hiến sinh, dàn chiêng đã được hạ xuống. Các thành viên dự hội cùng tấu chiêng và múa xoang vòng quanh cây nêu. Giai điệu khỏe khoắn, tiếng cồng chiêng lúc trầm, khi bổng, lúc tha thiết ước mong, khi lại thổn thức hồi tưởng, thủ thỉ tâm sự... cứ thế vang lên, cộng hưởng cho điệu múa xoang truyền thống, đưa cảm xúc cộng đồng chạm tới điểm thăng hoa.

Xa xưa, đâm trâu là một nghi thức không thể thiếu trong lễ Mừng lúa mới của người K’ho cũng như các dân tộc thiểu số khác ở Tây Nguyên nhằm hiến tế thần linh. Trước ngày hội, dân làng đã chọn được một con trâu khỏe mạnh đưa đi tắm rửa sạch sẽ và cho ăn uống no nê. Với người K’ho Sre, trâu là vật quý và linh thiêng, không chỉ dùng để cày ruộng, đạp lúa lúc thu hoạch mà còn là vật hiến sinh cúng tế thần linh mỗi khi tổ chức lễ hội văn hóa truyền thống của cộng đồng. Đương nhiên, trâu cũng là hiện vật mua bán, trao đổi hàng hóa, lễ vật trong cưới hỏi, hiện vật trong những hình phạt theo luật tục.

Để đánh giá về mức độ quyền lực và giàu có của một gia đình, dòng tộc, người K’ho Sre nhìn vào đàn trâu, bò, heo… hay nhiều bộ chiêng, ché quý. Ngày tổ chức Lễ Nhô lir bong, con trâu được đem ra giữa sân nhà dài, cố định vào một cột gỗ chắc chắn được trang trí bằng các líp lát tre nứa có hoa văn, họa tiết màu sắc sặc sỡ. Những chàng trai khỏe mạnh nhất của buôn làng được lựa chọn để thực hiện nghi thức đâm trâu hiến tế. Dưới sức mạnh của những cây giáo dài nhọn hoắt, sắc lạnh, con trâu vùng vẫy rồi ngã quỵ với những vết đâm ứa máu.

“Nhô lir bong” của người K’ho Nam Tây Nguyên -0
Khai ché rượu cần mời khách trong Lễ Nhô lir bong.

Ngày nay, nghi thức đâm trâu hiến tế thần linh trong Lễ Nhô lir bong của người K’ho Sre ở xã Gung Ré, huyện Di Linh cũng như các dân tộc thiểu số khác ở Tây Nguyên chỉ được thực hiện dưới hình thức mô phỏng, mang tính biểu tượng cho phù hợp với nhịp sống văn minh. Tái hiện xong nghi thức đâm trâu, già làng K’Keo làm thủ tục khai ché. Ông cung kính rót rượu dâng lên Yàng và các thần linh. Những ghè rượu quý cũng lần lượt được đem ra khui, mời lũ làng gần xa cùng tới thưởng thức. Dàn chiêng 6, khèn M’buốt tấu bài Gung Me, Gung Mạ (chào mừng quan khách), dân làng nắm tay nhau hòa nhịp cùng vũ điệu múa xoang truyền thống quanh cây nêu linh thiêng.

Xuyên suốt các nghi thức trong Lễ Nhô lir bong là tiếng cồng chiêng. Cồng chiêng gắn kết thực tại với quá khứ xa xưa, là ngôn ngữ của chốn trần với cõi tâm linh (các Yàng) và người quá cố… Vì thế, các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên luôn tin rằng, cồng chiêng luôn đi cùng họ suốt cả cuộc đời. Với họ, tiếng cồng chiêng như mưa, như gió. Lúc nghe nhẹ như suối nước róc rách chảy, lúc nghe êm dịu như gió chiều, có khi lại ầm ầm như thác đổ, như sấm rền tháng 8, như mưa sa tháng 10. Đánh to tiếng chiêng luồn vào rừng sâu, bò lên núi cao. Đánh chậm tiếng chiêng trườn lên đồng cỏ, thú rừng quên ăn, quên uống ngẩng cao đầu lắng nghe!..

Các nghi thức cúng vái thần linh kết thúc là lúc lũ làng thỏa sức bước vào phần hội trong ngày mừng lúa mới. Với người K’ho, đấu chiêng (ching yo) là nội dung không thể thiếu trong những lễ hội quan trọng. Khi men rượu cần đã ngấm, tâm hồn thăng hoa là lúc các chàng trai trổ tài đánh chiêng để chiếm lấy trái tim những cô gái đang ở tuổi cập kê. Kế đó là tiết mục hát đồng giao với bài “khòm nhớt” (gom cỏ).

Đây là bài hát mang tính cộng đồng cao, thể hiện không khí vui vẻ, nội dung ca ngợi công việc gom, dọn cỏ ở nương rẫy trước khi vào mùa trỉa lúa mới. Kết thúc lễ bao giờ cũng là tiết mục tấu chiêng, bài ching ting và múa xoang. Cuộc vui cứ như thế với men rượu cần càng lúc càng ngấm sâu, tiếng chiêng càng lúc càng vang xa. Tiếng khèn, giọng hát càng lúc càng ngọt ngào để Yàng càng thêm vui và phù hộ cho lũ làng sức khỏe, vụ mùa kế tiếp bội thu.

Nhô lir bong còn được xem là Tết của người K’ho Sre với ý nghĩa đón lúa vào kho. Theo tập quán, kết thúc mùa gặt, trong từng gia đình, người ta tổ chức hiến tế gà, lợn, bôi máu lên vựa thóc, sàn kho, cửa ra vào, mọi người luân phiên ăn Tết nhà nhau, có khi kéo dài cả tháng trời…

Khắc Lịch
.
.