Như hoa hướng dương…

Thứ Hai, 16/08/2021, 13:03

Hiếm có đất nước nào lại có hai mùa thu như đất nước Việt Nam - mùa thu thiên nhiên và mùa thu cách mạng. Để trong vẻ đẹp diệu kỳ của thiên nhiên mùa thu, chúng ta lại thấy lòng bừng lên niềm tự hào về một mốc son lịch sử chói lọi, một bản hòa ca âm vang của khúc hát khải hoàn, khúc hát của những con người chiến thắng, làm nên lịch sử.

Trong kì tích chung của toàn Đảng, toàn dân đó, câu chuyện về những nữ chiến sĩ cách mạng trung kiên, anh dũng luôn là những đóa hoa góp phần tô thắm thêm những trang sử vàng đẹp nhất của dân tộc.

Được nhà văn Hoài Hương giới thiệu, tôi tìm gặp bà Ngô Thị Huệ, tức Bảy Huệ, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương, một trong 10 nữ đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Độc lập và là phu nhân cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Tuổi 104 đã ít nhiều lấy đi vẻ đẹp của người con gái kiên cường năm xưa, nhưng khí chất thì vẫn đúng như lời của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nói, “Ý chí và nghị lực của chị Bảy thể hiện đúng nghĩa là một chiến sĩ cách mạng kiên trung. Chị Bảy Huệ là một biểu tượng rất đẹp của người phụ nữ Nam Bộ, người phụ nữ Việt Nam”.

Như hoa hướng dương… -0
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm hỏi và tri ân bà Ngô Thị Huệ (tháng 5 năm 2019). 

Cuốn hồi ức “Tiếng sóng bủa ghềnh” của bà đã cho tôi hiểu sâu sắc về những tháng ngày hoạt động không mệt mỏi, chiến đấu với kẻ thù không run sợ khắp từ Kiên Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu đến Vĩnh Long, Đồng Tháp Mười, Sài Gòn - Chợ Lớn… 11 tuổi, Bảy Huệ đã làm giao liên, tham gia rải truyền đơn kêu gọi công nhân, thợ thuyền phản đối chủ Tây, đoàn kết chống đàn áp, đánh đập, cúp lương. 22 tuổi, bà đã trở thành Phó bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, lãnh đạo nhân dân Vũng Liêm nổi dậy giành chính quyền trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940. Phong trào thất bại, bà cùng nhiều nhà cách mạng yêu nước khác bị quân Pháp bắt và xử tù khổ sai chung thân với hàng ngàn trận đòn roi tra tấn tưởng chết đi sống lại.

Kiên cường như bông huệ trắng, bà cùng những người tù Cộng sản giữ vững khí tiết để đấu tranh và tìm mọi cơ hội để vượt khỏi lao ngục của kẻ thù. “Sau mấy lần tổ chức phá khám vượt ngục không thành, tháng 6-1945, tôi được đồng đội giải thoát đưa về Bạc Liêu. Dù vừa ở tù ra, sức khỏe còn rất yếu và thân thể gầy gò, nhưng ai cũng tràn đầy tinh thần quật khởi. Chúng tôi ở bên nhau một ngày để bàn bạc việc chung rồi sau đó mỗi người chia về một hướng để chuẩn bị cho cao trào cách mạng mới ở các tỉnh Nam Bộ” - Bà Bảy Huệ kể lại.

Như hoa hướng dương… -0
 Cuốn hồi ức của bà Ngô Thị Huệ.

Trước yêu cầu của cách mạng, bà Bảy Huệ ở lại Bạc Liêu và tham gia Tỉnh ủy Lâm thời tỉnh Bạc Liêu, giữ vai trò Đoàn trưởng Phụ nữ Cứu quốc tỉnh Bạc Liêu, tham gia xây dựng lực lượng nòng cốt và vận động quần chúng nhân dân theo cách mạng, chờ thời cơ nổi dậy giành chính quyền khi nhận lệnh từ Trung ương. Song khi phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng, dù chưa nhận được lệnh khởi nghĩa, Tỉnh ủy lâm thời Bạc Liêu đã nhanh chóng thành lập Mặt trận Việt Minh vào ngày 17-8-1945 và chủ trương đưa một bộ phận công khai đấu tranh trực diện ở các tỉnh lỵ. Đồng thời chỉ thị cho các chi bộ cơ sở huy động đảng viên, hội viên các đoàn thể Cứu quốc tập trung và lực lượng vũ trang về thị xã Bạc Liêu để tham gia biểu tình thị uy, giành chính quyền liên tục những ngày sau đó.

Ngày 23-8, Ủy ban Việt Minh và Ủy ban Dân tộc Giải phóng tỉnh đã huy động lực lượng quần chúng đông đảo tiếp tục bao vây dinh tỉnh trưởng Bạc Liêu. Trước áp lực của quần chúng cách mạng, tỉnh trưởng Bạc Liêu phải tuyên bố đầu hàng, bàn giao ấn tín, lương thực, vũ khí cho Ủy ban Hành chính Cách mạng lâm thời tỉnh Bạc Liêu. Bà Bảy Huệ nhớ lại: “Ngày 23 -8-1945 được chọn là ngày khởi nghĩa trong toàn tỉnh. Sáng 25-8-1945, chúng tôi đã tổ chức một cuộc mít tinh lớn tại sân vận động tỉnh lỵ chào mừng ra mắt Ủy ban dân tộc giải phóng tỉnh Bạc Liêu và Ủy ban hành chính cách mạng lâm thời của tỉnh. Khi ấy, tôi được Tỉnh ủy giới thiệu trước dân chúng với cương vị thành viên Mặt trận Việt Minh tỉnh, phụ trách đoàn thể phụ nữ...”.

Cuộc đời bà Bảy Huệ có lẽ không thể chuyển tải được hết qua bài viết nhỏ này, bởi những gian lao, kiên cường mà bà đã trải qua, những tình cảm yêu thương, nhân ái mà bà đã cho đi vô cùng đáng trân trọng và ngưỡng mộ. Ngay cả khi đã nghỉ hưu, bà vẫn dành nhiều tâm huyết cho những hoạt động thiện nguyện, an sinh xã hội và vận động xây dựng Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, giữ các chức vụ Chủ tịch, Phó chủ tịch danh dự Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo.

3.jpg -0
Bà Phan Thị Phúc (áo dài tối màu), phát biểu tại buổi mít tinh chống giặc dốt, giặc đói đầu năm 1964.  

Một nhân vật khác mà tôi có vinh dự được gặp là bà Phan Thị Phúc, nguyên đội viên Đội phụ nữ Cứu quốc thành Hoàng Diệu năm 1945 và là phu nhân của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch -  nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chú của bà là cụ Phan Tư Nghĩa tham gia hoạt động cách mạng nên cô cháu gái 15 tuổi trở thành liên lạc của ông với các đồng chí Trường Chinh và Hoàng Quốc Việt cùng một số cơ sở trong nội thành Hà Nội. Đầu năm 1945, bà Phúc tham gia tổ chức Phụ nữ cứu quốc thành Hoàng Diệu. Với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, bà cùng các chị em khác trong đội đã tỏa đi khắp các khu phố để dán truyền đơn tuyên truyền về cách mạng và nhiều lần đối mặt với hiểm nguy.

 Ngày 19-8, khi nhân dân Hà Nội tuần hành khắp các ngả đường, bà Phan Thị Phúc cùng các nữ sinh khác lại có một nhiệm vụ hết sức đặc biệt. Đó là tham gia vận động lính bảo an đồn trú tại Trại Bảo an binh (Di tích lịch sử số 40A Hàng Bài ngày nay) buông vũ khí đầu hàng cách mạng. “Một trong những mục tiêu quan trọng cần phải chiếm lĩnh mới có thể coi là thắng lợi hoàn toàn là Trại Bảo an binh, nơi có hàng ngàn lính bảo an được trang bị đầy đủ vũ khí. Khi Đoàn tiến đến Trại Bảo an binh, cổng trại được khóa chặt và có hai tên lính gác. Dù không chống đối nhưng chúng nhất định không chịu mở cửa. Hơn nữa, bên ngoài 4 xe tăng của Nhật canh ở 4 góc luôn chĩa súng vào ta” - ông Nguyễn Phúc Chí (tức Hoàng Đạt) người trực tiếp tham gia đánh chiếm trại Bảo an binh cho biết.

Tình thế lúc đó khá căng thẳng, vậy là ông Thái Hi (đội viên Đội Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu) xin ý kiến cấp trên rồi đến chỗ các chị em phụ nữ đang chờ, yêu cầu chị em đi vào trại Bảo an binh để thuyết phục lính bảo an. Nhận nhiệm vụ, bà Phúc cùng các chị em cầm cờ lên đường, song khi đến phố Tràng Tiền thì họ bị lính Nhật cản lại nhưng họ vẫn giương cao lá cờ lên phía trước và tiếp tục đi. Sau một vòng đường, họ cũng đến được Trại Bảo an binh. “Anh em lính bảo an mở cửa ngách để chúng tôi vào, gặp ông Quản Liên là người chỉ huy cao nhất ở đó, ông cười bảo, chúng tôi đang chờ xem cách mạng tiếp quản như thế nào, ai ngờ lại là 4 cô thiếu nữ. Rồi ông Quản Liên cho người dẫn cán bộ cách mạng đi tiếp quản kho súng để phát cho anh em tự vệ. Chúng tôi lúc ấy rất đói, liền đi lấy gạo, hái rau dại và quả sấu trong sân trại để nấu ăn, lính bảo an và anh em tự vệ cùng ăn với nhau, không khí rất hòa hợp” - Bà Phan Thị Phúc nhớ lại.

Như hoa hướng dương… -0
Bà Phan Thị Phúc và cuốn hồi ức của mình. 

Sau Cách mạng, bà Phan Thị Phúc lại được cử tham gia thành lập các Ủy ban hành chính lâm thời ở các khu phố. Vậy là những cô gái Hà Nội vốn yểu điệu, khuê các lại hăng hái tham gia các hoạt động phong trào sôi nổi, đứng trước nhân dân phát biểu để cổ động bà con cùng đồng tâm chống giặc đói, diệt giặc dốt. “Có cuộc mít tinh rất lớn tổ chức trước Nhà hát Lớn. Tới nơi nhìn xuống thấy đông đảo quá, bỗng thấy Bác Hồ và nhiều đồng chí lãnh đạo ngồi dưới, tôi run lắm, nhưng cũng trấn tĩnh phát biểu” - bà Phúc kể. 

Lúc chia tay, bà Phan Thị Phúc tặng chúng tôi cuốn sách mình vừa hoàn thành, trong đó ghi lại những ký ức đáng nhớ của cuộc đời bà. Qua cuốn sách, chúng tôi hiểu thêm về những cống hiến của bà dành cho đất nước trên cương vị một dược sĩ, phu nhân của nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch.

Tháng 8 lại về giữa lúc đất nước đang bộn bề trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19. Nghĩ về những mong muốn, suy nghĩ của bà Phúc và bà Bảy Huệ giành cho đất nước, giành cho Đảng, tôi thực sự xúc động và cầu mong cho hai đóa hướng dương ấy sẽ luôn mạnh khỏe, là tấm gương sáng cho phụ nữ Việt Nam thêm nỗ lực để cùng đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Phạm Vân Anh
.
.