Những bóng hồng trên tuyến đầu chống dịch

Thứ Ba, 05/10/2021, 09:36

Đúng lúc dịch bệnh COVID-19 tại TP. Hồ Chí Minh bùng phát mạnh, không chỉ nam giới, mà còn có cả những nữ cán bộ chiến sĩ Công an “xung trận”. Nhiều chị em đã gác việc gia đình, cá nhân để vào “vùng đỏ” giúp dân. Có chị em đã thành F0, phải vào bệnh viện điều trị và khi khỏi bệnh lại tiếp tục ra tuyến đầu chống dịch.

Nhẹ nhàng, nhẫn nhịn nhưng cương quyết

Chúng tôi có mặt tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 tại ngã ba đường Cống Quỳnh - Bùi Thị Xuân, quận 1, TP. Hồ Chí Minh vào một ngày giữa tháng 9-2021. Bão số 5 vừa quét qua thì áp thấp nhiệt đới tiếp tục kéo đến khiến cho thời tiết ở đây liên tục thay đổi từng giờ, lúc mưa lớn, lúc gió giật, lúc lại nắng gắt như rang nhưng Đại úy Đinh Thị Hồng Trinh (Đội Cảnh sát quản lí hành chính về trật tự xã hội Công an quận 1) vẫn vững vàng trực chốt bên đường, thoăn thoắt ra hiệu lệnh dừng phương tiện để kiểm tra.

Mọi việc đang diễn ra suôn sẻ thì một người đàn ông lớn tuổi đi bộ đến chốt. Qua kiểm tra, người đàn ông này định vào siêu thị gần đó để mua đồ nhưng không đủ điều kiện ra đường nên Đại úy Trinh đã nhẹ nhàng giải thích: “Đang giãn cách xã hội ở mức độ cao nên chú vui lòng quay về nhà và ở yên tại chỗ để đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch. Chú cần mua sắm gì thì gọi điện nhờ nhân viên ủy ban phường mua giúp hoặc cho cháu địa chỉ để xuống ca sẽ mua giúp rồi mang đến tận cửa. Mong chú hợp tác để tránh gây ùn tắc đông người và phương tiện có thể gây lây lan dịch bệnh. Nếu chú không chấp hành, chúng cháu đành lập biên bản xử phạt theo quy định...”. Trước sự cương quyết của nữ cảnh sát, người đàn ông này đã buông lời khó chịu trước khi quay đầu.

Những bóng hồng trên tuyến đầu chống dịch -0
Đại úy Đinh Thị Hồng Trinh trên chốt kiểm soát phòng, chống dịch.

Người đàn ông này vừa bỏ đi thì một chiếc xe ô tô 5 chỗ ngồi tiến tới. Trong lúc người lái xe đang lúng túng thì Trinh phát hiện phía hàng ghế sau là một phụ nữ, tay ôm bụng bầu có biểu hiện như đang đau đẻ. Sau vài giây hỏi han, biết họ đi lạc đường, Trinh nhanh chóng kéo rào chắn rồi hướng dẫn lái xe quay đầu đến Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ gần đó.

Sau 2 giờ đồng hồ phơi nắng mưa, một cán bộ cảnh sát khác đến thay ca, Trinh mới bước vào lán trại dã chiến bên lề đường để tiếp chuyện tôi. Theo lời kể của Trinh, kể từ lúc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, chị cùng đồng đội phải làm việc, ăn nghỉ tại đơn vị theo chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an TP. Hồ Chí Minh. Do chồng là trinh sát hình sự đặc nhiệm đã được tăng cường cho Công an quận 7 trước đó và cũng ăn nghỉ tại chỗ nên Trinh phải mang hai đứa con sang nhờ ông bà ngoại chăm sóc giúp. Đứa lớn lên 9 tuổi, đã có ý thức nên chỉ cần ông bà nhắc nhở là có thể tự tắm rửa và học online nhưng đứa nhỏ mới lên 3, gần 3 tháng trời không được cha mẹ ôm vào lòng nên ngày nào cũng 3-4 lần bắt ông bà gọi điện thoại video rồi khóc ngặt nghẽo đòi ba mẹ về chơi cùng. Những lúc như vậy, Trinh đau thắt tâm can nhưng cắn răng nuốt nước mắt rồi tự dằn lòng: “Phải dành tất cả cho công việc để góp phần cùng thành phố nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn này”.

Gần 3 tháng xa con, đến khi có lệnh những phụ nữ có con dưới 12 tuổi thỉnh thoảng được phép về nhà chăm sóc chúng thì lại lo lắng vì mỗi ngày tiếp cận hàng ngàn người qua lại chốt kiểm soát phòng, chống dịch, đâu biết ai là F0, nếu lỡ bị lây nhiễm mà mang về nhà thì nguy cho cả gia đình. Có hôm tan ca lúc nửa đêm, xách xe chạy ngang nhà, ngước mặt nhìn lên cho đỡ nhớ rồi lại lủi thủi một mình vượt quãng đường vắng tanh về đơn vị tranh thủ nghỉ ngơi lấy chút sức lực để vào nhận ca mới. Tiêm xong 2 mũi vaccine, thử test 3 lần cho kết quả âm tính, Trinh mới dám về nhà. Mẹ con mừng mừng tủi tủi ôm chặt lấy nhau nhưng thấy gia đình đều mạnh khỏe, Trinh lại xót cho những đồng đội, những y, bác sĩ đang từng giờ, từng phút đối mặt với hiểm nguy nơi tuyến đầu, những shipper bất chấp sức khỏe của bản thân để mưu sinh, chị lập tức dỗ dành cho các con ngủ sớm rồi lặng lẽ lấy xe gắn máy chạy ra chốt.

Giãn cách xã hội ở mức độ cao, người dân được khuyến cáo ở yên trong nhà, nếu ra đường phải có lý do chính đáng như cấp cứu, khám chữa bệnh, sinh nở, đi tiêm vaccine, shipper có giấy đi đường, hàng hóa thiết yếu đã có chính quyền và công an cấp phường... Tuy nhiên, thực tế vẫn còn rất nhiều trường hợp người dân cố tình đi ra đường, một số shipper không có giấy phép nhưng cứ phớt lờ quy định để đi chở hàng và khi bị buộc quay lại thì tỏ thái độ phản đối. Một số người đồng cảm, sau khi được kiểm tra điều kiện ra đường dù có được đi qua hay không cũng nói lời cảm ơn rồi chúc sức khỏe và an toàn nơi tuyến đầu. Song, cũng có khi một ca trực 6 tiếng mà Trinh phải chịu đến hơn chục lần bị la mắng, thậm chí có người xấu tính, shipper kém đạo đức còn chửi bới, xúc phạm khiến chị buồn lắm mà vẫn phải nhẫn nhịn. Nhiều trường hợp giải thích về quy định thì không nghe, phải đến khi nói lời gan ruột: “Tôi cũng có gia đình, cha mẹ già, chồng và con nhỏ cần chăm sóc nhưng đã gác lại tất cả để ra chốt, sẵn sàng đối mặt với nguy hiểm chỉ với mong muốn bảo vệ an toàn cho mọi người mà lại bị xúc phạm thì bà con thấy thế nào?”. Khi ấy mọi người mới chịu chấp hành.

Sau những lần như vậy, một số đồng đội có kinh nghiệm biết chuyện đã động viên, chia sẻ và cùng với thực tế va vấp, Trinh hiểu rằng dịch bệnh đã lấy đi nhiều việc làm của người lao động, đe dọa mạng sống của hàng triệu con người và đẩy nhiều người khác vào cảnh khốn cùng nên sự nóng nảy và phản ứng thái quá của một số người dân là điều không thể tránh khỏi. Cũng nhờ hiểu được vấn đề thực tế mà từ đó trở đi, khi đối mặt với những tình huống khó đỡ, Trinh luôn nhẹ nhàng, mềm mỏng, chia sẻ, giải thích, nếu ai chống đối thì kiên quyết xử lý...

Những bóng hồng trên tuyến đầu chống dịch -0
Cùng Công an các địa phương đến với dân “vùng đỏ”.

Chỉ mong mau khỏi bệnh để đến với dân

Thượng tá Cao Thị Hồng Tươi - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Công an TP. Hồ Chí Minh sau nhiều lần lặn lội vào “vùng đỏ” giúp dân, tặng nhu yếu phẩm và trở thành F0, phải điều trị tại Bệnh viện dã chiến Phước Lộc nhưng khi được hỏi, chị rất khiêm tốn: “Chỉ là chút tấm lòng và cũng là trách nhiệm của người chiến sĩ công an trong lúc người dân gặp khó khăn. Đây là sự đồng tâm, hiệp lực của cả tập thể Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Công đoàn để giúp dân nên có nhiều người dính F0 nhưng đều cố gắng vượt qua...”.

Chị Tươi kể, khi mới thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 nhưng khi đi thực tế một số điểm tâm dịch ở các quận Bình Tân, quận 8, 12, thấy người dân trong khu phong tỏa thiếu thốn đủ bề, Ban Giám đốc Công an thành phố đã giao cho Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Công đoàn lập tổ công tác để hỗ trợ bà con. Thời điểm này, ngoài trực tiếp đi vận động và tiếp nhận nhu yếu phẩm của công an các tỉnh bạn ủng hộ, chị Tươi cùng anh em trong tổ làm thêm công đoạn phân bổ cho quận huyện, quận nào dịch bệnh nặng thì chia nhiều, nơi thấp thì chia ít. Đến khi dịch bệnh bùng phát mạnh, toàn thành phố thực hiện giãn cách ở mức độ cao thì ngoài phân bổ, các chị còn xuống tận “vùng đỏ” ở các quận 8, Bình Tân, Tân Phú và huyện Bình Chánh khảo sát rồi mang gạo, thịt, nước tương, hạt nêm, rau củ tặng tận tay người dân, đặc biệt gia đình nào có F0 còn tặng thêm cả thuốc men...

Mỗi ngày đều đặn, buổi tối, sau khi đi trao nhu yếu phẩm về, tranh thủ vệ sinh cá nhân, ăn uống xong cũng là lúc những chiếc xe tải chở hàng hóa các loại từ các tỉnh chuyển về. Không phân biệt nam hay nữ, cấp bậc cao hay thấp, tất cả tràn ra cùng khuân vác, bốc xếp 2-3 chục tấn nhu yếu phẩm vào kho rồi nhanh chóng phân ra từng phần nhỏ, mỗi phần từ 10-15kg rồi lại chất lên xe để kịp 7 giờ sáng hôm sau mang đến cho bà con. Có hôm đang bốc xếp nhu yếu phẩm thì trời đổ mưa dông, gió bão. 5 xe rau, củ, gạo, thịt, mỗi xe hàng chục tấn nếu không kịp thời xử lý sẽ bị hư hỏng rất nhanh nên không ai bảo ai, tất cả cứ đội mưa miệt mài như con thoi bốc dỡ hết số nhu yếu phẩm. Vừa xong thì cũng là lúc bình minh, một nửa quân số bị cảm lạnh do nhiễm nước mưa nhưng không ai chịu nghỉ ngơi mà tranh thủ rửa mặt cho tỉnh táo rồi lại nhảy lên xe nhanh chóng đưa nhu yếu phẩm đến từng nhà trong “vùng đỏ” ở quận 8, Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn, những đồng đội đang trực tại chốt, những người trong khu cách ly cùng y, bác sĩ nơi tuyến đầu... “Có đôi chút vất vả, mệt mỏi do thiếu ngủ nhưng nhìn nét mặt rạng rỡ của người lao động nghèo, công nhân, người già neo đơn khi nhận những phần nhu yếu phẩm, ai nấy đều rất hạnh phúc dường như chút cảm lạnh lúc sáng sớm đã tan biến từ lúc nào không biết...”, chị Tươi chia sẻ.

Những bóng hồng trên tuyến đầu chống dịch -0
Thượng tá Cao Thị Hồng Tươi bốc dỡ hàng hóa chuẩn bị chuyển đến tay người nghèo.

Đầu tháng 8-2021, đang trên đường đi tặng nhu yếu phẩm về thì nhận tin có hai đồng đội cùng đi chuyến trước dính F0. Chị Tươi và những người còn lại thuộc diện F1 cũng phải tự cách ly nhưng những xe nhu yếu phẩm vẫn đổ về và đặc biệt hàng ngàn bà con “vùng đỏ” đang thiếu thốn mọi bề, chị quyết định chia ra mỗi người một góc xuyên đêm phân chia hàng hóa để những đồng đội lành lặn khác chuyển nhanh đến bà con. Trước khi anh em lên đường, chị Tươi không quên dặn dò: “Đến đâu thấy bà con nào chưa chấp hành tốt các quy định về phòng, chống dịch thì nhẹ nhàng động viên, nhắc nhở, còn trường hợp nào chưa thông thạo cách tự bảo vệ bản thân theo công tác 5K thì ân cần hướng dẫn để mọi người cùng đồng lòng vượt qua lúc khó khăn này...”.

3 giờ sáng ngày 19-8, vừa đặt lưng định ngủ lấy lại chút sức lực để tiếp tục đi “tiếp sức” cho người dân “vùng đỏ” thì chị Tươi phát hiện cổ họng khô rát, đầu hơi nhức. Làm test nhanh thấy nổi lên 2 vạch (F0), chị lập tức vơ lấy điện thoại gọi cho tất cả mọi người trong tổ yêu cầu tự xét nghiệm rồi lên xe y tế vào Bệnh viện dã chiến Phước Lộc điều trị. Bản thân xác định từ trước khả năng lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 là khó tránh khỏi, chồng rất bản lĩnh, các con cũng đã lớn và tự chăm sóc được cho bản thân nên cũng không phải suy nghĩ nhiều. Điều lo lắng nhất của chị Tươi trong thời gian điều trị tại bệnh viện là đồng đội bởi nếu chẳng may họ cũng dính F0 như mình thì sẽ thiếu hụt nhân lực, bà con nghèo sẽ sinh sống ra sao khi trước dịch họ cũng chỉ đi chạy ăn từng ngày... Sự lo lắng càng lên cao khi ngày hôm sau, rồi hôm sau nữa có thêm 3 đồng đội F0 được đưa đến điều trị như chị.

Sau 10 ngày điều trị, 14 ngày tự cách ly, giữa tháng 9, chị Tươi lập tức trở lại tổ công tác để cùng các cán bộ chiến sĩ đồng hành cùng người dân “vùng đỏ”. Vẫn tự mình khuân vác, chia hàng hóa rồi mang đến gửi tận tay người nghèo, chị cùng đồng đội đã thận trọng hơn khi tự trang bị những bộ đồ bảo hộ an toàn. Cho đến thời điểm hiện tại, tổ công tác của chị Tươi đã tiếp nhận và chuyển đến bà con “vùng đỏ” trên 300 tấn gạo, mì gói, nước tương, thịt, cá; gần 300 tấn rau củ các loại cùng hàng trăm tấn trái cây tươi... “Bây giờ chẳng mong gì cao xa, chỉ mong có nhiều sức khỏe để sát cánh cùng bà con nhanh chóng vượt qua khó khăn do đại dịch gây ra...”, Thượng tá Cao Thị Hồng Tươi chia sẻ.

Đức Cương
.
.