Những cảnh đời không giống ai ở “xóm trọ ung thư”
Những con người bất hạnh đang ngày đêm chống chọi với nỗi đau thể xác, họ còn phải đối mặt những khó khăn về kinh tế, dịch bệnh. Nhiều người trong số các bệnh nhân đã tiêu đến những đồng tiền cuối cùng, đành nương nhờ lòng hảo tâm của người khác để giành giật sự sống với những hy vọng thật mong manh...
1. Chúng tôi tìm tới khu “nhà trọ bình dân” nằm gần Bệnh viện Ung bướu, nơi dành cho những bệnh nhân ung thư tại hẻm số 5 Nơ Trang Long, phường 7, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh vào một trưa nắng. Cho dù nóng nực nhưng với các bệnh nhân ung thư nghèo thì không có sự lựa chọn, bởi với họ được như vậy đã là... thiên đường.
Tuy nóng bức nhưng ít ra các bệnh nhân còn có chỗ nghỉ ngơi sau nhưng đợt vào hóa chất.Mà cũng không phải ai muốn ở trọ cũng được. Dọc con hẻm “nhà trọ bình dân” san sát nhau. Nói là bình dân nhưng cũng chia làm nhiều loại, có phòng tập thể, giá cả phải chăng, còn phòng riêng, đầy đủ tiện nghi và nhà vệ sinh riêng biệt thì chỉ có nhà giàu mới dám mơ. Vì vậy, không ít người phải vạ vật vỉa hè, ghế đá, gốc cây.
Lê Thị Kim Cúc (SN 1988, quê gốc Bình Định) theo cha mẹ vào Di Linh, Lâm Đồng bán vé số, làm mướn để mưu sinh. Ngã rẽ cuộc đời khi chị gặp người đàn ông của đời mình.Người đàn ông ấy thấy chị hiền lành, thật thà nên quyết định cưới người con gái không cùng gia cảnh làm vợ. Lần lượt 3 cô con gái ra đời, những tưởng có chồng con, cuộc đời chị tươi sáng hơn...
Tuy có mặt với nhau 3 cô con gái, bé gái nhỏ nhất vừa vào lớp 1, đứa lớn nhất cũng mới 10 tuổi nhưng lời yêu chị nhận được ít hơn những lời hằn học, chửi bới, miệt thị cùng những trận đòn của chồng với tần suất ngày một tăng.
Ông trời quả là bất công đối với chị, người phụ nữ thiếu cả dáng lẫn da.Cúc cho biết, mấy năm trước, tự nhiên cơ thể nổi nhiều khối u, người chồng thấy sợ, bỏ mặc mấy mẹ con không hẹn ngày gặp lại.
Khối u ngày một lớn, chèn ép dây thần kinh khiến Cúc bị tê bại nhưng nhờ phẫu thuật kịp thời, Cúc dần hồi phục. Niềm vui chưa kịp đến, ngày cô xuất viện cũng là ngày nhận hung tin từ bác sĩ Bệnh viện Ung bướu, 2 khối u ở ngực qua sinh thiết “bác sĩ báo... ác tính”.
Hơn năm qua là những tháng ngày Cúc mệt mỏi, đau đớn, hết hy vọng lại tuyệt vọng: “Bệnh triền miên, em để 3 đứa nhỏ ở cùng ba mẹ lớn tuổi trong phòng trọ ở thị trấn Di Linh - Lâm Đồng, một mình em xuống Bệnh viện Ung bướu điều trị...”, Cúc chia sẻ.
Cúc bộc bạch: “Nhà em “nghèo bền vững”, không có đất đai, nhà cửa gì hết. Mấy bà cháu ở trong căn phòng trọ, mẹ em ngày ngày đi bán vé số kiếm tiền nuôi mấy đứa nhỏ. May có bà con chòm xóm, chính quyền địa phương thương tình giúp đỡ mà sống qua ngày đến hôm nay.Em sợ mấy đứa nhỏ bỏ học mù chữ cuộc đời sẽ khổ như em.Em ước mong sớm lành bệnh để về với các con. Mà hoàn cảnh em vầy, sợ không theo nổi quá trình điều trị vì em còn phải vào nhiều đợt hóa chất nữa...”.
Tết, người ta vui vầy bên gia đình còn Cúc thì không.Cô đâu có tiền để về.Ai cho gì Cúc cũng gửi về cho các con. Nhận quà nhưng cô con gái nhỏ của Cúc chẳng vui, bé khóc và trách mẹ: “Con cần mẹ, con nhớ mẹ. Mẹ có em bé mới nên quên chúng con...!”. Em bé mới là con của chủ nhà trọ. Nghe xong, Cúc chỉ biết gạt nước mắt, nhớ con nhưng biết làm sao. Bé đâu biết mẹ bé không có tiền về ăn tết. Những ngày điều trị, Cúc sống bằng “tình thương đồng bào”, bằng sự hảo tâm của các Mạnh Thường Quân.
Gần như mù chữ, đến cả việc nhận những suất ăn từ thiện, Cúc còn ngại huống chi nhận tiền từ người khác. Người ta đi chữa bệnh thì có người thân đi cùng, vừa chăm sóc, vừa an ủi, động viên còn Cúc thì thui thủi một mình. Ăn không dám ăn, những lần xạ trị về mệt ăn ngủ không được, chủ nhà trọ thương tình nấu cho bát cháo và rồi biết được hoàn cảnh của khách trọ, chủ nhà cho Cúc ở... miễn phí. Bớt được khoản tiền trọ, Cúc lại gom góp, phần gửi về cho con, phần để lại chữa bệnh.
Thường đi giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, vô tình nghe được câu chuyện về Cúc, một nhà hảo tâm đã không chỉ giúp Cúc một chút chi phí chữa bệnh mà còn cho cô nấm linh chi để hỗ trợ điều trị. Sau những lần uống nấm linh chi, Cúc ăn uống và ngủ nghỉ tốt hơn, bệnh tình, theo Cúc có tiến triển tích cực. Tuy nhiên, Cúc vẫn lo bởi nếu hết nấm? Thấy vậy nhà hảo tâm hứa: “Anh sẽ giúp em toàn bộ chi phí trong quá trình điều trị, hỗ trợ học bổng cho các cháu, giúp linh chi cho em và bố mẹ em uống đến khi nào anh còn khả năng, nên em cứ an tâm điều trị”.
Được lời, tinh thần của Cúc phấn chấn hẳn. Giờ cô đã có thể phụ chủ nhà trọ bán hàng và làm những việc nhẹ khác coi như là báo đáp ân tình. Cô chỉ mong mau khỏe, hết bệnh về tiếp tục bán vé số lấy tiền nuôi con ăn học và dành dụm mua được mảnh đất nhỏ, dù tận sâu trong rừng rú miễn là của mình để dựng túp lều mẹ con sớm tối có chốn đi về không phải sống kiếp ở thuê.
2. Cùng nhà trọ với Cúc là anh Nguyễn Văn Bình (SN 1976) quê Bạc Liêu. May mắn hơn Cúc, anh còn có vợ đi cùng chăm sóc.Tiền trọ 100.000 đồng/ngày đêm, hai người thì gấp đôi. Anh Bình bị bướu ác tính ở mang tai. Sau mấy lần xạ trị, tóc anh rụng hết.Dường như chưa quen với cái đầu trọc của mình, anh cứ vân vê cái mũ, xoa xoa đầu, cảm thấy e ngại khi có người hỏi thăm.Nói vui với anh, sao “đại gia tôm” Bạc Liêu lại nằm đây. Anh cười buồn: “Đại gia” gì, một tấc đất cũng không có. Bao nhiêu tiền đổ vào cái bướu này rồi mà vẫn chưa khỏi, cũng nhẳng biết có khỏi không hay lại tiền mất, người cũng chẳng còn”, sờ tay vào cái bướu anh Bình chia sẻ. Anh là thợ hồ, làm ngày nào ăn ngày ấy, giờ nằm một chỗ lấy gì mà ăn chứ nói gì đến điều trị, thuốc thang.
Hôm chúng tôi đến, anh đang bị sốt. Nhưng, anh cứ nhấp nhổm, hỏi, anh bảo đang chờ nhà xe tới rước. Bị sốt không thể vô hóa chất, bác sĩ bảo nghỉ nhưng anh chị tranh thủ về quê vừa để nghỉ ngơi cũng đỡ tốn kém. Không nói ra nhưng chúng tôi hiểu anh chị về còn tranh thủ, người đi xây, người làm mướn để lấy tiền lo cho cậu con trai út ăn học và chữa bệnh...
Ông Vi Văn Thoa (SN 1959) người gốc Thanh Hóa, di cư vào Đắk Nông lập nghiệp. Ông bị ung thư lợi. Phải chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo, sau những đợt vào thuốc, bệnh của ông có thuyên giảm, khối u xẹp xuống nhưng các khoản nợ ngày càng lớn, vậy là đất đai nhà cửa dần đội nón ra đi.
Ông góa vợ, đồng hành cùng ông là người phụ nữ góa chồng.Hai ông bà gá nghĩa dựa vào nhau lúc tuổi già, nào ngờ hai con người ấy lại phải dắt díu lên Bệnh viện Ung bướu chăm nhau.Đất, nhà đã bán, không biết bệnh tình có khỏi, mà kể cả khi có khỏi bệnh rồi họ sẽ sống ở đâu khi những đồng tiền từ bán đất ngày một vơi dần.
Đầu không còn sợi tóc, mặt băng bó, con mắt phải gần như lòi ra ngoài, chị Nguyễn Thị Út, quê Long An, bị ung thư mũi, khó nhọc với từng miếng cơm. Từ lúc phát bệnh, gia đình tập trung tiền của đổ vào cái “mụn nhọt” trên mặt chị bởi chồng con chị cần chị, các con chị đã nghỉ học đển đi làm phụ giúp cha lấy tiền chữa trị cho mẹ...
Bà Mai, quê Bến Tre bị ung thư vú, điều trị đã 2 năm nay. Những ngày cuối tuần, nhiều bênh nhân tranh thủ về nhà nhưng bà thì không.Bà cho biết, nằm lại để chờ đến lượt xạ trị chứ không đi đâu.Cuối tuần muốn về quê nhưng không có tiền nên đành chịu. Ở đây không tốn tiền nhà trọ, ăn uống cứ đến bữa lại có người phát cơm từ thiện nên cũng đỡ tốn kém.
3. Còn nhiều lắm những bệnh nhân nghèo nơi “xóm đầu trọc” này từ các vùng miền khác nhau cùng chống chọi với đủ căn bệnh ung thư quái ác như ông Mạnh, chị Cúc, anh Bình, chị Út... Có những người lúc đầu có tiền thì ở trọ, sau hết đành phải ra đường... Có vào bệnh viện mới thấy hết cảnh các bệnh nhân ung thư phải gồng mình chống chọi với bệnh tật. Những con người bất hạnh đang ngày đêm chống chọi với nỗi đau thể xác, họ còn phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế. “Đã mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, khác gì mang án tử hình, bao nhiêu tiền cũng không đủ, nhà giàu cũng kiệt quệ chứ nói gì đến người nghèo chúng tôi”, bệnh nhân tên Lành, quê Bình Thuận, than.
Chiều xuống, nhiều bệnh nhân tay xách nách mang, uể oải nằm nép mình bên hàng rào, vỉa hè Bệnh viện Ung bướu. Trước đây, bệnh viện còn cho bệnh nhân ở lại, từ khi dịch COVID-19 bùng phát, đến nơi ở tạm bợ là hành lang, ghế đá, gốc cây trong khuôn viên bệnh viện cũng không còn, ai có tiền thuê phòng trọ, ai không có đành phải vạ vật vỉa hè. Ngày nắng còn đỡ, ngày mưa thì chỉ còn biết trùm áo mưa, bó gối ngồi chờ mưa qua.Ăn uống, nghỉ ngơi đều tạm bợ, môi trường sống nhếch nhác, bẩn thỉu cùng bao nhiêu bệnh cơ hội khác bủa vây, đó còn chưa kể hiểm họa đến từ... con người. Một vòng lòng quẩn đối với những bệnh nhân nghèo.