Dấu ấn CAND Việt Nam trên hành trình vì hòa bình thế giới

Những “cây xương rồng” ở vùng đất châu Phi (bài 2)

Thứ Năm, 12/12/2024, 10:38

Những ngày cuối tháng 3/2024, đoàn công tác của Bộ Công an do đồng chí Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 05 (nay là Đại tướng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an) làm trưởng đoàn đã có mặt tại đất nước Nam Sudan. Nhóm phóng viên chúng tôi vinh dự được tham gia chuyến công tác đầy ý nghĩa này.

Có đặt chân đến mảnh đất châu Phi nghèo nàn và bất ổn, chứng kiến nhịp làm việc khẩn trương, mang tính đặc thù trong môi trường quốc tế, chúng tôi mới thấy hết những nỗ lực vượt khó của các sĩ quan Công an Việt Nam. Trong nắng gió châu Phi, họ được ví như những cây xương rồng vươn lên từ vùng đất cằn khô, khắc nghiệt.

Đối mặt với bom đạn, dịch bệnh, nghèo đói

Cộng hòa Nam Sudan là quốc gia trẻ nhất thế giới khi tuyên bố độc lập vào ngày 9/7/2011. Hơn 10 năm qua, nước này vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề từ các cuộc nội chiến và xung đột giữa các phe phái, sắc tộc. Hầu hết người dân sống trong nghèo khó, có đến 90% dân số thu nhập dưới 1 USD/ngày, hơn 50% trẻ em không được đến trường. Chính vì thế rất cần có hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ). Khi tham gia vào hoạt động này, lực lượng đến từ các nước, trong đó có các sĩ quan Công an Việt Nam phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

Các thành viên tổ công tác bước vào những ngày tuần tra - hoạt động đầu tiên để nắm bắt địa bàn, tiếp xúc với người dân để xây dựng lòng tin vào lực lượng cảnh sát và các lực lượng thực thi pháp luật. Phổ biến ở địa bàn là đường đất lồi lõm ổ trâu ổ voi, mùa khô thì bụi mù mịt còn mùa mưa thì lầy lội, luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro do tình hình phức tạp về an ninh, trật tự.

Thượng tá Vũ Việt Hùng kể: “Lần đầu tiên đi tuần tra, tôi lái chiếc xe bọc khung sắt trắng có dòng chữ UN nổi bật tiến vào vùng địa hình gập ghềnh khó đi. Chiếc xe lắc lư, lên, xuống dốc liên tục trên con đường đất bụi mù khiến tôi có cảm giác như đang đi thám hiểm. Nhờ việc tuần tra mà những cung đường ở thủ đô Juba tôi đã thuộc nằm lòng, khả năng lái xe ngày càng vững khi tôi lái cả xe 16 chỗ”. 

Sau đợt tuần tra, tổ công tác số 2 được triển khai xuống Văn phòng Cảnh sát Malakal thuộc bang Upper Nile cách thủ đô Juba 650 km. Đây là nơi duy nhất trên thế giới có trại bảo vệ dân thường do LHQ thành lập và chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh, an toàn cho gần 40.000 người tị nạn. 
“Những ngày trực gác ở trại là kí ức không thể nào quên với chúng tôi. Trong trại là những dãy lều phủ bạt san sát nhau. Người dân đầu trần, chân đất sinh hoạt trong điều kiện hết sức thiếu thốn. Mỗi ca trực 4 tiếng giữa trời bụi bặm và nắng rát, chúng tôi chỉ có chai nước mang theo, nhưng ai cũng bám vị trí để kiểm soát tình hình người dân ra vào trại. Chính nhờ có sự giám sát, bảo vệ sát sao của nhân viên LHQ mà tình hình an ninh trong trại ổn định hơn, hạn chế những xung đột, nạn hiếp dâm, trộm cắp”, Trung tá Nguyễn Thu Hà chia sẻ.

Bang Upper Nile không chỉ có địa hình trũng, hoang sơ, nhiều đàn gia súc lớn mà  “đặc sản” còn là ruồi vàng, muỗi, châu chấu và rắn. Côn trùng ở Nam Sudan là nỗi ám ảnh với các sĩ quan. Cứ ra khỏi phòng ở là họ phải sẵn sàng trang phục “kín cổng cao tường”. Tuy thế, côn trùng vẫn lao đến tấn công. Trung tá Bùi Phương Lân bị ruồi vàng đốt đã mấy tháng mà vết đốt chưa lành. Rắn ở khắp mọi nơi, thậm chí rắn “ghé thăm” trụ sở làm việc của Cảnh sát LHQ, bò vào nằm ngủ trong máy photocopy.

Bài 2: Những “cây xương rồng” ở vùng đất châu Phi -0
Trung tá Nguyễn Thu Hà với những đứa trẻ ở trại bảo vệ thường dân khu vực Malakal.

Với Thiếu tá Đinh Mạnh Cường, những ngày tác nghiệp ở đồn cảnh sát Kodok là trải nghiệm đáng nhớ. Anh chia sẻ: “Vùng đất đó vẫn còn tàn dư của những cuộc nội chiến, giao thông bị cô lập, bom mìn còn nhiều. Trước yêu cầu của LHQ đặt ra là phải đảm bảo an ninh, an toàn khi tác nghiệp, tôi đã học kinh nghiệm của người dân địa phương đi theo vết chân của những đàn bò, đàn dê để tránh giẫm phải mìn. Có ngày trời mưa, nước ngập trắng xóa không còn đường, đành phải dừng lại đợi hết mưa, những con đường đất lộ ra, tôi lại theo vết chân gia súc để tiếp tục công việc”.
Dịch bệnh ở Nam Sudan vẫn là mối hiểm họa chực chờ. Thượng tá Lương Thị Trà Vinh kể về lần bị sốt rét: “Mặc dù thực hiện nghiêm việc nằm màn phòng, chống dịch bệnh, nhưng những cơn sốt rét ớn lạnh đã “hỏi thăm” tôi, giờ nhớ lại vẫn thấy sợ. Quả thực lúc đó tôi rất mệt và lo lắng, bởi ở Nam Sudan điều kiện y tế thiếu thốn, khó khăn trong việc theo dõi và điều trị bệnh, nhất là khi chẳng may có biến chứng. May mắn là tôi đã vượt qua”.

Nhịp sống ở phái bộ

Chính môi trường làm việc ở thực địa đã trui rèn nên tác phong, kỷ luật của những sĩ quan CAND mũ nồi xanh. Càng trong khó khăn, bản lĩnh chính trị càng vững vàng, tinh thần đoàn kết, sẻ chia càng được nhân lên. Họ luôn tự nhủ rằng đã đặt chân đến châu Phi thì không được phép yếu mềm. Phải mạnh mẽ để thích nghi và thiết lập cuộc sống khoa học trong hoàn cảnh thiếu thốn để giữ sức khỏe.

Họ hòa nhập nhanh với môi trường làm việc của LHQ, với những dãy phòng container san sát ở các phái bộ. Từ phòng làm việc tới phòng ở đều là container được kê trên các trụ cao, cách mặt đất chừng 30 cm để chống ẩm mốc. Mỗi phòng có giường cá nhân, tủ quần áo, bếp điện để nấu ăn. Các sĩ quan đã quen dần với nhịp làm việc kín cả tuần, kể cả ngày lễ. Sáng sớm họ vẫn tranh thủ chạy bộ trong căn cứ để nâng cao thể lực.

Ở các căn cứ, từng giọt nước luôn được nâng niu. Trong phòng ở có đường ống dẫn nước nhưng chỉ dùng để sinh hoạt. Có hôm nước đục ngầu, phải để lắng lại mới sử dụng được. Những tuần đầu khi chưa được cấp giấy phép lái xe tại phái bộ, họ mang theo can, chai hoặc túi để xách nước sạch ở khu vực chung. “Việc đi lấy nước dù mệt nhưng vui. Có thể ở Việt Nam sẽ không có cảm giác này. Nhưng, ở đây, khi nhìn thấy dòng nước tuôn ra, chúng tôi đều thấy mát lành, quý giá. Dù những giọt nước chưa thật trong, nhưng nghĩ đến những người dân ngoài kia đang thiếu ăn và nước sạch, chúng tôi luôn có tinh thần tiết kiệm nước và lương thực”, Đại úy Trần Thị Thu Trang ở địa bàn Bor, Phái bộ UNMISS chia sẻ. 

Hành trang mang từ Việt Nam của người lính mũ nồi xanh không thể thiếu đồ ăn khô. Bởi, tất cả thực phẩm đặt mua qua đơn vị cung cấp của LHQ phải nửa tháng sau mới tới nơi và hoàn toàn là đồ đông lạnh. Chợ của người bản địa chủ yếu có thịt bò và cá đánh bắt từ sông Nile. Người dân Nam Sudan không có thói quen ăn rau nên không trồng rau và bán ở chợ. Bởi thế, vất vả nhất với các sĩ quan Công an Việt Nam là những bữa cơm thiếu rau xanh. Lật lớp đất mỏng là chạm sỏi đá, việc trồng trọt ở nơi này không phải là điều dễ dàng. Tuy thế, họ vẫn tranh thủ cải tạo đất trồng rau để cải thiện bữa ăn. Những gói hạt giống rau muống, rau cải, mồng tơi mang từ Việt Nam sang được gieo trồng, tưới tắm cũng nảy mầm, xanh lá ở vùng đất sỏi đá châu Phi, như những con người Việt Nam kiên cường đang bám trụ nơi đây để GGHB.

Gác lại hạnh phúc riêng, sẵn sàng lên đường thực hiện nhiệm vụ, chiến sĩ mũ nồi xanh mang sắc phục CAND Việt Nam lần lượt tới các địa bàn châu Phi. Các tổ công tác đã quen với việc mạng Internet chập chờn, những cuộc gọi về Việt Nam cho gia đình, đồng đội thường bị ngắt quãng. Họ chia sẻ rằng, thời gian đầu đi làm nhiệm vụ, nỗi nhớ nhà, nỗi lo lắng cho những đứa con bé bỏng cứ dấy lên trong lòng họ. Nhưng, công việc bận bịu cuốn đi khiến họ phải nén lòng để tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Năm học này cậu con trai nhỏ của Đại úy Nguyễn Lan Anh -  tổ công tác số 3 vào lớp 1. Mẹ đi công tác xa, những nét chữ đầu tiên, bố sẽ thay mẹ học cùng con. Sự động viên và hậu thuẫn rất lớn từ người chồng cũng là một sĩ quan CAND khiến chị vững vàng hơn. Thiếu tá Vũ Trần Thắng có 2 con, một bé học lớp 5 và một bé 5 tuổi. Công tác xa nên anh đã nhờ cậy ông bà nội ngoại hỗ trợ vợ anh chăm lo con cái. Họ đã gác lại những nỗi niềm riêng để góp phần nhỏ bé vào việc ngăn ngừa, kiềm chế các hoạt động xung đột vũ trang, bảo vệ dân thường, GGHB ở Nam Sudan.

Phát huy giá trị cốt lõi của Liên hợp quốc

“Phái bộ UNMISS có đến hơn 80 quốc gia cùng cử nhân viên đến hoạt động GGHB, riêng trong lĩnh vực cảnh sát có sự tham gia của 50 nước. Trong môi trường đa quốc gia, mỗi nước đều có nét riêng về phong cách làm việc và văn hóa. Tuy nhiên, với tôn chỉ đề cao tính chuyên nghiệp, tất cả các cán bộ đều làm việc trên tinh thần giúp đỡ lẫn nhau. Tôi vừa học hỏi được kinh nghiệm trong công tác chuyên môn, biết thêm được nhiều nét văn hóa đặc sắc của các nước. Ai đến phái bộ làm việc cũng hết lòng vì nhiệm vụ GGHB, truyền cảm hứng cho nhau để hoàn thành tốt nhiệm vụ”, Trung tá Bùi Phương Lân cởi mở cho chúng tôi biết.

Bài 2: Những “cây xương rồng” ở vùng đất châu Phi -0
Thiếu tá Vũ Trần Thắng cùng đồng nghiệp tham gia hoạt động tuần tra đường không, tháng 11/2024

Tính liêm chính, chuyên nghiệp, tôn trọng sự đa dạng là những giá trị cốt lõi mà LHQ đặt ra đã lan tỏa, thấm sâu trong mỗi người lính mũ nồi xanh, trở thành phẩm chất của mọi nhân viên khi làm việc ở đây. Đại tá Lê Quốc Huy đặc biệt ấn tượng với việc tôn trọng sự đa dạng. Biểu hiện rõ nét nhất là việc LHQ luôn sắp xếp trong một bộ phận làm việc hay trong phòng ở đều có nhân viên đến từ các quốc gia.

Trong môi trường đa quốc gia, các sĩ quan Công an Việt Nam tuân thủ các tiêu chuẩn, yêu cầu tác nghiệp khắt khe, nói chung ngôn ngữ tiếng Anh. Ở nhà, họ luyện nghe và phát âm theo giọng chuẩn Anh - Anh hay Anh - Mỹ nhưng sang đây thì các đồng nghiệp đến từ nhiều nước như Ấn Độ, Bangladesh, Nepal,... đều phát âm với tốc độ, ngữ điệu và âm điệu riêng. Do đó, họ chỉ còn cách tập nghe, tập nắm bắt nhanh để giao tiếp hiệu quả.

Từng ngày trôi qua, các tổ công tác luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Văn phòng Thường trực Bộ Công an về GGHB LHQ. Đó là nguồn động viên rất lớn để họ vượt lên mọi hoàn cảnh và điều kiện làm việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

“Chúng tôi đánh giá cao những đóng góp của các sĩ quan CAND Việt Nam tham gia GGHB LHQ. Họ đã cống hiến với sự chuyên nghiệp thực sự, thể hiện sự cam kết mạnh mẽ trong sứ mệnh GGHB tại Nam Sudan. Đó là một đội ngũ thống nhất, được các lãnh đạo Phái bộ và đồng đội hoan nghênh, kể cả các đối tác tại Nam Sudan”, ông Quang Công -  Phó Trưởng Phái bộ UNMISS trao đổi với nhóm phóng viên tại Nam Sudan, tháng 3/2024.

(Còn tiếp)

Huyền Châm -  Trần Xuân
.
.