Những đêm trắng chạy đua cứu bé trai lọt trong cọc bê tông rỗng

Thứ Tư, 04/01/2023, 15:05

Những ngày qua, người dân cả nước dõi theo cuộc chạy đua với thời gian của lực lượng cứu nạn để cứu bé trai 10 tuổi lọt xuống cọc bê tông sâu 35m tại công trường thi công dự án cầu Kênh Rọc Sen, tỉnh Đồng Tháp. Hình ảnh lực lượng cứu hộ đã làm việc xuyên đêm, căng như dây đàn, những gương mặt đau khổ của người thân cậu bé khiến ai cũng xót xa.

Huy động gần 200 Công an cứu nạn

Trưa 31/12/2022, 4 cháu bé vào khu vực đang thi công công trình cầu Kênh Rọc Sen ở xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp nhặt phế liệu. Bất ngờ, cậu bé Thái Lý Hạo Nam (SN 2012) rơi xuống cọc bê tông rỗng có đường kính 25cm. 3 đứa nhỏ còn lại hốt hoảng chạy đi báo người lớn. Không ai có thể tin được cậu bé 10 tuổi lại chui lọt ống bê tông nhỏ đến như vậy. Điều vô cùng lo lắng là trụ bê tông đó đã được đóng sâu vào lòng đất khoảng 35m với nhiều mối nối.

Những đêm trắng chạy đua cứu bé trai lọt trong cọc bê tông rỗng -0
Lòng cọc bê tông đường kính chỉ 25 cm nên việc cháu bé bị lọt vào bên trong là khá hy hữu.

Công an huyện Thanh Bình nhanh chóng huy động 120 cán bộ, chiến sĩ, đến hiện trường, đồng thời báo Công an tỉnh Đồng Tháp cử 30 cán bộ, chiến sĩ lực lượng cứu nạn cứu hộ, 14 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động tham gia hỗ trợ. Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp; Đại tá Nguyễn Văn Hiểu, Giám đốc và các đồng chí Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Tháp, lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải cũng có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác cứu nạn. Yêu cầu đặt ra là phải triển khai phương án cứu nạn nhanh nhất để cứu cháu bé. Hàng trăm người cùng các phương tiện đã triển khai để thực hiện công tác cứu nạn tuy nhiên lòng cọc bê tông quá nhỏ, nhân viên cứu nạn không thể thả dây để chui xuống. Việc mở rộng hố mất rất nhiều thời gian nên gây khó khăn cho việc cứu nạn. Các thành viên cứu nạn đã bơm oxy và truyền nước xuống cho nạn nhân.

Việc cứu nạn được thực hiện theo phương pháp khoan nhồi và khoan guồng xoắn nhằm phá vỡ kết cấu chặt của lớp địa chất xung quanh cọc để cẩu cọc lên cứu cháu bé. Tuy nhiên, việc tiếp cận nạn nhân gặp rất nhiều khó khăn. Việc triển khai khoan cọc nhồi đã phát hiện địa chất không thuận lợi vì móng cọc có 2 mối nối (đoạn 12 và 24 m). Ngoài ra, việc nhổ cọc cũng có thể có nguy cơ làm gãy mối nối, lực lượng cứu nạn rất thận trọng nhằm đảm bảo an toàn cao nhất, tránh gây nguy hiểm cho nạn nhân. Đến đêm 2/1/2023, lực lượng làm nhiệm vụ tại hiện trường vẫn chưa tiếp cận được cháu bé.

Những đêm trắng chạy đua cứu bé trai lọt trong cọc bê tông rỗng -0
Cán bộ, chiến sĩ ăn lót dạ trong đêm khuya, túc trực làm nhiệm vụ và tham gia cứu nạn.
Những đêm trắng chạy đua cứu bé trai lọt trong cọc bê tông rỗng -1
Quá trình thực hiện công tác cứu nạn gặp nhiều khó khăn.

Trong lúc lực lượng cứu nạn làm nhiệm vụ, ông Thái Văn Tấn Tài (cha của cháu Nam) luôn dõi mắt theo, túc trực ở hiện trường chờ đón tin con. Nhắc lại thời điểm xảy ra sự việc, ông nghẹn ngào: “Nghe báo tin, tôi hốt hoảng chạy lại chỉ nghe con kêu cứu dưới hố. Khoảng 10 phút sau, tôi không nghe tiếng con kêu cứu gì nữa”. Lực lượng cứu nạn đã huy động 2 cần cẩu, 4 máy đào, 5 sà lan, giàn khoan nhồi, thiết bị xói hút bùn, giàn khoan guồng xoắn, giàn khoan địa chất và các máy móc phụ trợ đến hiện trường để thực hiện công tác cứu nạn. Hết buổi sáng 2/1, lực lượng cứu nạn đã sử dụng mũi khoan guồng xoắn tại các vị trí quanh cọc, với chiều sâu là 2/3 chiều dài cọc. Bộ phận y tế, lực lượng cứu nạn túc trực tại hiện trường và bơm oxy liên tục để tạo dưỡng khí cho cháu bé.

Đại tá Trần Công Minh, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết: Lực lượng cứu nạn rất nỗ lực, không nghỉ ngơi, chia thành nhiều tổ, nhóm cùng lúc thực hiện nhiều công việc, giành giật thời gian, kỳ vọng điều kỳ diệu sẽ đến.

Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhìn nhận: “Lực lượng cứu nạn đã thực hiện các giải pháp để sớm đưa cọc bê tông lên mặt đất, sau đó cứu nạn bằng các giải pháp tiếp theo với thiết bị chuyên dụng trên mặt đất”.

Khó khăn chồng chất

Nhà cháu Nam cách hiện trường khoảng 1 km. Trong suốt quá trình cứu nạn, bà Nguyễn Thị Mỹ Linh (mẹ cháu Nam) gần như không thể chợp mắt, ăn uống vì lo lắng cho tình trạng của con trai. Theo gia đình, tạng người cháu bé khá nhỏ. Lúc cháu sinh ra nặng 3,1 kg nên dù đã 10 tuổi nhưng chỉ nặng hơn 20 kg. Hoàn cảnh gia đình cháu khó khăn, cha mẹ đều làm thuê mưu sinh. Sau khi xảy ra sự việc, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp trực tiếp đến nhà thăm gia đình bé Nam, động viên gia đình vững tinh thần trong suốt quá trình cứu nạn. Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cho biết UBND tỉnh quyết định sẽ cất nhà tình thương theo diện chính sách cho gia đình.

Những đêm trắng chạy đua cứu bé trai lọt trong cọc bê tông rỗng -0
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp; Đại tá Nguyễn Văn Hiểu, Giám đốc Công an tỉnh cùng lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải chỉ đạo công tác giải cứu.

Trong suốt quá trình cứu nạn, hơn 350 người, từ lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Tháp, lực lượng Công an, Quân sự và các sở ban ngành tỉnh đến huyện luôn túc trực tại hiện trường. Từ khi xảy ra sự cố, nhiều đêm liền, lực lượng Công an, Quân sự làm nhiệm vụ tại hiện trường đều không chợp mắt. Các tổ, nhóm đều nỗ lực, mong điều kỳ diệu sẽ đến với cháu bé. Bởi việc cứu nạn kéo dài, tiên lượng khả năng sống sót của nạn nhân thấp do rơi thẳng xuống đoạn ống sâu. Cháu bé có khả năng bị đa chấn thương, thiếu dưỡng khí. Ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Khối công việc giải cứu cháu bé rất lớn, phải điều động thiết bị, nhân lực, vì vậy phải có sự phối hợp nhịp nhàng, sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và người dân, để quá trình cứu nạn cháu bé thuận lợi”.

Những đêm trắng chạy đua cứu bé trai lọt trong cọc bê tông rỗng -0
Căn nhà của cháu bé và hình ảnh người mẹ đứng ngóng tin con trong suốt quá trình giải cứu.
Những đêm trắng chạy đua cứu bé trai lọt trong cọc bê tông rỗng -1
Cha ruột cháu bé túc trực tại hiện trường chờ tin tức của con trai.

Lực lượng cứu nạn phải làm mềm phần đất xung quanh cọc bê tông để giảm bớt ma sát, sau đó dùng phương tiện chuyên dụng để kéo trụ lên. Quân khu 9 đã cử lực lượng công binh cùng thiết bị chuyên dụng như máy nội soi thăm dò, thiết bị cưa cắt khối bê tông đến hiện trường. Tuy nhiên, khó khăn chồng chất khó khăn. Biện pháp cứu nạn thay đổi để đáp ứng với thực tế. Lực lượng cứu nạn phải tổ chức khoan, tạo khe hở bằng cách dùng các ống vách thép có đường kính 1,5 m làm lồng trùm lại trụ bê tông, sau đó xử lý hết phần đất trong lồng ống, rồi dùng cần cẩu rút cọc bê tông chứa cháu bé lên. Sau đó, lực lượng công binh sẽ dùng máy cắt chuyên dụng để cắt cọc bê tông, đưa cháu bé ra ngoài.

Việc bơm oxy vào lòng cọc bê tông được tiến hành xuyên suốt quá trình cứu nạn. Đội cứu nạn đã hàn thép xuyên đêm 2/1 để đưa xuống, bao bọc bên ngoài lòng cọc bê tông nơi bé trai bị kẹt lại. Đoạn ống vách có chiều dài 19 m, đường kính 1,5 m được nhiều thiết bị, phương tiện hỗ trợ đóng xuống mặt đất. Cho đến trưa 3/1, tức là tròn 3 ngày, cuộc chạy đua với tử thần để cứu cháu bé vẫn diễn ra căng thẳng.

Công trình cầu Kênh Rọc Sen thuộc gói thầu số 14 thi công cầu, nền, mặt đường và cống thoát nước do Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Đồng Tháp làm chủ đầu tư. Nhà thầu thi công là liên danh Công ty Cổ phần Công trình cầu phà TP Hồ Chí Minh - Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ vận tải xây dựng giao thông T&T. Viện Khoa học, Công nghệ giao thông - vận tải làm đơn vị giám sát. Công trình trong quá trình thi công, tại mố MA cầu Kênh Rọc Sen đã đóng cọc đại trà 18/18 cọc D50 thì xảy ra sự cố hy hữu.

Văn Vĩnh
.
.