Những “dị nhân” chân chim tài hoa
Người làng vẫn gọi gia đình ông là “gia đình chân chim”, “gia đình một ngón”. Nhưng, điều lạ là chỉ đến đời ông và đời các con ông thì bị và cũng chỉ con trai mới mắc căn bệnh kỳ lạ này. Dù chỉ có một ngón chân, một ngón tay ở mỗi bàn chân, bàn tay nhưng những người đàn ông trong gia đình đều tài hoa và nghị lực.
Vượt qua nghịch cảnh
Nhà ông Nguyễn Văn Tuấn và người anh trai ruột Nguyễn Văn Tiến (thôn Hoàng Ly, xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) chỉ cách nhau một bức tường. Khi chúng tôi đến, ông Nguyễn Văn Tuấn đang thoăn thoắt quét dọn nhà cửa. Ông bảo, căn nhà nhỏ hiện chỉ còn một mình ông ở chăm sóc, trông nom. Vợ ông vào Nam trông cháu. Hai anh con trai thứ đều ở Hà Nội, trở thành nghệ nhân của một xưởng tranh sơn mài. Rồi ông vui vẻ khoe về hai người con trai “dị nhân” giống mình nhưng đầy nghị lực.
Cũng vì hoàn cảnh khó khăn mà cả ông và các con đều không được học hành tới nơi tới chốn. Nhưng, vượt qua nghịch cảnh, hai anh con trai đều khắc phục số phận và trở thành những người thợ lành nghề. Học hết lớp 9, hai cậu con trai của ông Tuấn đành phải nghỉ ở nhà tự tìm tòi học hỏi, sau đó xin vào Trung tâm Vì ngày mai (Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội) học nghề. 5 năm ở trung tâm đã cho hai anh những kinh nghiệm quý báu và khả năng vẽ tranh mà ngay cả những người lành lặn chưa chắc đã học được.
Dù vẫn đang phải bươn chải ở Hà Nội nhưng tranh thủ những ngày rảnh rỗi, hai anh vẫn kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình và gửi về quê hỗ trợ cho bố.
“Cũng chỉ là tự học hỏi thôi nhưng bây giờ các con tôi đều có công việc, nghề nghiệp ổn định. Điều tôi ân hận nhất là không thể cho con học hành tới nơi tới chốn để phát triển hơn nữa. Với tay nghề của hai đứa, nếu có thêm khả năng ngoại ngữ giao tiếp với người nước ngoài thì càng phát triển bởi những mặt hàng thủ công mỹ nghệ chủ yếu là xuất đi nước ngoài, được người nước ngoài ưa chuộng hơn”, ông Tuấn tâm sự.
Ông kể, bố mẹ ông sinh được 6 người con thì ông và người anh trai Nguyễn Văn Tiến là bị dị tật bẩm sinh. Còn người em trai út may mắn lành lặn, sau lớn lên đi bộ đội nên cuộc sống gặp nhiều thuận lợi hơn, người anh trai Nguyễn Văn Tiến cũng được bố mẹ lo cho học hành đến nơi đến chốn. Còn ông Tuấn vì nhà nghèo, học đến lớp 10 thì phải thôi học rồi ở nhà phụ giúp bố mẹ việc đồng áng, cơm nước.
Mang dị tật, tuổi thơ anh em ông Tuấn phải trải qua nhiều tủi cực trước những ánh mắt soi mói của người đời. Thời bấy giờ, cả làng, cả xã, cả huyện, cả tỉnh không ai bị căn bệnh lạ lùng như hai anh em ông nên mọi người cũng kỳ thị ghê gớm. Sau này, dù có nhiều đoàn khoa học về nghiên cứu, xét nghiệm nhưng đều khẳng định hai anh em ông không phải do di chứng chất độc da cam mà có thể do gen di truyền. Thiệt thòi là thế nhưng ông Tuấn không bao giờ kêu ca, đổ lỗi cho số phận. Ông bảo, ở hoàn cảnh nào thì phải thích nghi với hoàn cảnh ấy.
Có một thời gian, ông Tuấn được nhận làm kế toán cho hợp tác xã. Sau đó, do cơ chế mới, do sự phát triển của xã hội, không đáp ứng được công việc nên ông phải nghỉ việc. Quyết tâm vượt lên số phận, ông Tuấn vay vốn, mua bò giống về nuôi để sinh sản.
Nhờ nuôi bò mà vợ chồng ông có tiền cho con cái ăn học, sửa sang nhà cửa. Dù mỗi bàn tay chỉ có một ngón nhưng ông Tuấn làm gì cũng thành thạo. Ông Tuấn viết chữ, vẽ tranh, điêu khắc rất đẹp. Ngày đi học, ông thường tham gia viết báo tường cho lớp, thỉnh thoảng còn kiêm viết giấy khen, bằng khen cho các cơ quan và người dân địa phương. Rồi ông tự hào khoe hình đầu rùa được chế tác tỉ mỉ mà ông trang trọng để trong tủ kính phòng khách nhà mình. Ông bảo đó chỉ là một gốc củi mục nhặt được lúc đi chăn bò, về nhà tự tìm tòi mày mò, gọt giũa mà sáng tạo ra một bức chế tác đẹp như thế.
Ông Tuấn tâm sự: “Cuộc sống của tôi và các con đã quá nhiều thiệt thòi, nên ở cái tuổi này tôi chẳng mong gì hơn khi các con khỏe mạnh và kiếm sống được bằng chính nghị lực, tay nghề của mình. Niềm vui lớn nhất là đến đời cháu, cậu con trai của anh thứ hai may mắn khỏe mạnh, lành lặn và học rất giỏi. Dù kinh tế vẫn còn khó khăn nhưng cứ cố gắng là có thể vượt qua được”.
Tài hoa hơn người
Nói chuyện với ông Tuấn một lúc thì ông Nguyễn Văn Tiến cũng đi làm về. Ở cái tuổi 82, dù chỉ có một ngón chân, ngón tay nhưng ông Tiến vẫn lái xe máy đi khắp làng trên xóm dưới gặp bạn bè để vui thú tuổi già. Ông Tiến được cha mẹ tạo điều kiện cho học hành tới nơi tới chốn. Sau khi tốt nghiệp Khoa tiếng Trung Đại học Hà Nội, ra trường, ông Tiến làm phiên dịch tiếng Trung một thời gian dài. Sau đó, cơ duyên đưa ông đến với bục giảng và trở thành giáo viên Trường Nguyễn Huệ (Hà Đông, Hà Nội). Sau một thời gian kết thân với bảng đen và phấn trắng, ông Tiến lại tìm đến một thử thách mới, đó là ngành ngân hàng. Tiếp tục đi học ngành ngân hàng, trong nhiều năm trời, ông phải đạp xe hơn 100 km từ nhà đến một lớp học ở thành phố Thanh Hóa bây giờ rồi về công tác tại Ngân hàng Công thương tỉnh Hà Nam Ninh ngày đó, cách nhà hơn 50 km. Trong tuần thì ở lại làm việc, cuối tuần lại đạp xe hàng chục cây số về nhà thăm vợ con.
Lập gia đình từ sớm, cơm áo gạo tiền đè nặng, nên ngoài công việc chính, ông Tiến tìm tòi, tự học vẽ và may vá vì thích, rồi xin đi vẽ tranh, vẽ phông rạp đám cưới, sửa, dịch sách tiếng Trung... sau này chuyển sang dạy ngoại ngữ cho các lớp xuất khẩu lao động tại địa phương. Nhờ đó, mà cuộc sống của gia đình ông có phần ổn định. Nhìn bức ảnh treo trên tường của ông với người vợ đầu ai cũng tưởng là chụp nhưng thực tế là bức tranh ông tự vẽ tặng bà.
20 tuổi ông Tiến đã lập gia đình với người vợ đầu và sinh được 6 cô con gái. Một thời gian sau, vợ ông bị bệnh nặng qua đời. Ngoài 40 tuổi, ông đi thêm bước nữa và sinh được cậu con trai. Thế nhưng, đứa con ra đời cũng bị dị tật bẩm sinh giống hệt bố, chú và các em trai của mình.
Bù lại, cậu con trai út cũng được thừa hưởng sự tài hoa từ người cha, người chú và các em của mình. Nguyễn Duy Đạt - cậu con trai út sinh năm 2000, hiện là sinh viên năm thứ ba Khoa Thiết kế nội thất trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp.
Đạt tâm sự, em rất thích vẽ tranh nhưng lại quyết định theo nghề thiết kế nội thất vì tương lai có thể phát triển được. Sau này Đạt có thể tự do sáng tạo, thiết kế cho bố mẹ một ngôi nhà thật đẹp để dưỡng già. Suốt trong quá trình đi học, Đạt theo bạn bè làm thêm, ra tận Quảng Ninh để vẽ tranh thuê kiếm tiền trang trải việc học hành. Rồi vừa kể chuyện, Đạt vừa thoăn thoắt dùng hai ngón của hai bàn tay phác họa mô hình phòng khách cho chúng tôi xem. “Để giúp chủ nhà có cái nhìn tổng thể đầu tiên về căn hộ của họ thì bọn em phải phác họa trên giấy trước, sau đó mới dựng chi tiết 3D trên máy tính. Vì thế, bút và giấy vẽ là hai thứ không thể thiếu luôn đi bên người em”.
Với ngoại hình đặc biệt, ngày còn nhỏ, Đạt cũng tủi thân nhiều lắm khi bị bạn bè trêu chọc. Nhưng, lớn lên, khi đi học đại học thì ngoại hình lại trở thành lợi thế bởi Đạt vẽ rất đẹp nên được bạn bè và thầy cô nể phục. Đến bây giờ, Đạt không còn mặc cảm về ngoại hình nhiều nữa mà coi đó là động lực để cố gắng vươn lên.
Bà Bùi Thị Mận, Trưởng thôn Hoàng Lý cho biết: “Ở địa phương, ông Tiến là một đảng viên gương mẫu. Vì ông Tiến có lương hưu và nhà cũng không thuộc hộ nghèo nên địa phương không phải trợ cấp gì cho gia đình ông cả”.