Những “lá chắn thép” vì bình yên cuộc sống
Trong những ngày đại dịch COVID-19 bùng phát, lực lượng CAND là những người xông pha tuyến đầu phòng, chống dịch, bám trụ tại các chốt kiểm soát, khu phong tỏa, cách ly, tại các bệnh viện dã chiến, vừa đảm bảo an ninh trật tự (ANTT), vừa hỗ trợ, đồng hành cùng nhân dân trong những thời điểm khó khăn nhất...
Tại Hội nghị Sơ kết phong trào thi đua đặc biệt “CAND - lá chắn thép phòng, chống dịch COVID-19, thanh bảo kiếm bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội” do Bộ Công an tổ chức tại TP Hồ Chí Minh sáng 11-12 vừa qua, rất nhiều câu chuyện cảm động đã được cán bộ chiến sĩ tham gia chống dịch kể lại. Trong những ngày đại dịch COVID-19 bùng phát, họ là những người xông pha tuyến đầu phòng, chống dịch, bám trụ tại các chốt kiểm soát, khu phong tỏa, cách ly, tại các bệnh viện dã chiến, vừa đảm bảo an ninh trật tự (ANTT), vừa hỗ trợ, đồng hành cùng nhân dân trong những thời điểm khó khăn nhất...
1. Gặp Thượng úy Tăng Thị Huyền Trang, cán bộ Công an phường 14, quận 8, khó có thể hình dung được suốt mấy tháng đại dịch bùng phát, chị đã bỏ hết việc chăm sóc gia đình để trở thành người cung cấp thực phẩm cho các gia đình trong phường.
Với nhiệm vụ thường ngày là cán bộ nội cần tiếp dân nhưng trong thời điểm dịch bùng phát, không tiếp dân, chị Trang đã xin xe ô tô của công an phường đi nhận gạo, rau củ của các nhà hảo tâm chở về phường. Đáng nói, khi đi nhận rau củ, chị thường phải đi ban đêm vì xe chở rau củ từ Lâm Đồng về đến TP Hồ Chí Minh từ 1-2h đêm. Thời gian đón xe, nhận rồi phân chia rau củ cho các điểm cũng thường đến rạng sáng.
Câu chuyện làm Thượng úy Trang cảm động mỗi khi nhắc tới đó là khu phố nhà chị chỉ có 5-6 căn nhà, thời điểm đỉnh dịch, ai cũng ở nhà nhưng chỉ có chị vì công việc phải đi suốt ngày, thậm chí nhiều đêm cũng phải đi. Do chồng chị cũng làm trong ngành, công tác ở tỉnh khác, cũng đi biền biệt mấy tháng không về, nhà có hai con nhỏ nên chị phải rước ông ngoại lên trông hai con.
Biết hoàn cảnh của chị, một bà cụ hàng xóm nhiều ngày, cứ chiều tối thấy chị về đến nhà là bà lại mang đồ ăn sang để ngay trước cửa, khi thì tô cháo, lúc lại bánh canh... “Bà bảo bà thấy con làm công an cực quá cứ đi sớm về khuya nên bà thương lắm”, chị Trang xúc động kể lại.
Nói về gia đình mình, chị Trang chia sẻ: “Suốt mấy tháng trời tôi cứ đi suốt. Sáng sớm đã đi khi con chưa ngủ dậy, về nhiều khi tụi nó cũng ngủ rồi. Rồi nhiều đêm, 1-2h lại dậy để đi lấy rau củ về phân phát cho người dân. Nhưng, dù gì thấy mình cũng may mắn là đã khỏe mạnh để có thể giúp đỡ được nhiều người”.
2.Câu chuyện cảm động liên quan đến Trung úy Phan Đình Linh, Công an phường 1, quận 5, được bà Vũ Thị Xuân Hương, con cụ Vũ Thị Lái, chia sẻ khiến nhiều người cảm phục. Theo bà Hương, bữa đó là một đêm trời mưa tầm tã, bà nhận được thông tin từ người giúp việc rằng mẹ bà đang nằm sốt mê man. Cụ bị tiểu đường 30 năm nay nên khi nghe vậy bà rất lo lắng. Không biết làm sao, bà nhắn tin vào nhóm Zalo thông tin an ninh của tổ 5 là “Chú Linh ơi, bà cụ mệt lắm rồi, chú kêu xe cấp cứu giúp...”. Ngay khi nhận tin nhắn, Trung úy Phan Đình Linh đã nhanh chóng đi mời một bác sĩ ở gần đó cùng mình tới nhà cụ Lái. “Khi tôi đến nhà thì bà cụ đã mê man bất tỉnh. Tôi thấy cần phải đi mua thuốc Insulin gấp để tiêm cho cụ, nếu không cụ sẽ không qua khỏi...”, Trung úy Linh kể lại.
Tuy nhiên, thời điểm đó thành phố đang giãn cách xã hội, lại đêm hôm khuya khoắt nên việc đi mua thuốc là cả một vấn đề. Thực tế, khi anh Linh chở bác sĩ đến một tiệm thuốc gõ cửa hỏi mua thì người trong nhà đã không tin vì cho rằng lúc này chả ai đi mua thuốc. Chỉ đến khi anh giơ thẻ ngành ra cho người trong nhà thấy và nói có bác sĩ đi theo, người nhà mới mở cửa và nghe tư vấn của bác sĩ để bán đúng loại thuốc đang cần, kịp thời mang về tiêm cho cụ Lái, cứu sống cụ.
“Việc chú Linh chở bác sĩ đi mua thuốc khiến tôi yên tâm. Bởi thời điểm đó có lẽ chỉ công an và bác sĩ mới mua được thuốc mà thôi. Ngoài sự nhạy bén thì còn là sự tận tâm, hết lòng trách nhiệm với mẹ tôi trong hoàn cảnh ngặt nghèo đó. Nghĩa cử ấy là điều tôi không bao giờ quên được”, bà Hương xúc động chia sẻ.
Trung úy Phan Đình Linh là một đại diện tiêu biểu của việc triển khai hiệu quả chính sách an sinh của Công an TP Hồ Chí Minh. Anh cũng là một trong những người đưa ra sáng kiến mô hình bảo vệ vùng xanh.
3.Là một người làm công việc thầm lặng, Thượng tá Đỗ Ngọc Thắng, chuyên viên chính Văn phòng Bộ Công an, Thư ký Bộ Chỉ huy tiền phương (BCHTP) Bộ Công an, ngại ngần khi được hỏi về công việc và những đóng góp của mình trong công tác phòng, chống dịch vừa qua.
Anh được đánh giá là đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Thư ký BCHTP Bộ Công an, với nhiều thành tích nổi bật. Anh đã chủ động đề xuất thành lập Tổ giúp việc của BCHTP, xây dựng chế độ thông tin báo cáo, cơ chế tác chiến, đảm bảo thông tin kịp thời phục vụ công tác chỉ huy, chỉ đạo của BCHTP trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Tham mưu yêu cầu công an 25 địa phương, 35 đầu mối đơn vị nghiệp vụ, các trường CAND ở phía Nam có báo cáo hằng ngày để tập hợp, báo cáo tình hình, kết quả gửi Ban Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, Tiểu ban ANTTXH... và thông báo tình hình đến công an các đơn vị, địa phương.
Anh Thắng cũng là đầu mối tiếp nhận, trao đổi thông tin với công an các đơn vị, địa phương phía Nam, truyền đạt mệnh lệnh, chỉ đạo của chỉ huy trưởng đến các thành viên và theo dõi, đôn đốc kết quả thực hiện, tổng hợp báo cáo phục vụ kịp thời công tác lãnh đạo, chỉ huy của lãnh đạo Bộ...
Anh là người đã có sáng kiến thành lập, tạo nhóm kín các cơ quan tham mưu, kết nối Phòng Tham mưu công an 25 tỉnh, thành phố phía Nam để kịp thời thông báo, phổ biến những văn bản, chủ trương, chỉ thị của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ... Kịp thời thông tin, dự báo chính xác tình hình người dân về quê cho các địa phương liên quan chủ động tham mưu xử lý tình hình, đón đưa đảm bảo an toàn, trật tự.
Ngoài ra, anh còn trực tiếp biên tập, xây dựng các văn bản, tài liệu phục vụ hiệu quả công tác của BCHTP... Đáng nói, dù làm công tác tham mưu, văn phòng nhưng anh vẫn tranh thủ trực tiếp xuống địa bàn cơ sở, xóm trọ, các chốt kiểm soát... trong thời gian giãn cách xã hội (huyện Hóc Môn, Bình Chánh, quận Gò Vấp, TP Thủ Đức) nắm tình hình, kết quả triển khai thực hiện các mệnh lệnh, chỉ đạo về phòng, chống dịch và đảm bảo ANTT, việc thực hiện chế độ chính sách cho CBCS, để tham mưu văn bản hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời.
4.Những ngày dịch bệnh diễn biến phức tạp, Thượng úy Đồng Quang Anh, Khoa Khám bệnh, hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Công an TP Hồ Chí Minh đã tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch, trực khu cách ly, khám sàng lọc tiêm vaccine, lấy mẫu xét nghiệm tại bệnh viện (BV) cũng như tại các phòng/ban, quận/huyện trực thuộc Công an TP Hồ Chí Minh.
Sau đó, anh được Ban Giám đốc BV phân công hỗ trợ công tác tại BV dã chiến ở Trại tạm giam Chí Hòa cùng BV 199 và BV 30-4. Dù công việc ở đây nguy cơ lây nhiễm cao và áp lực nhưng anh luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ. Trong quá trình công tác, Thượng úy Đồng Quang Anh đã tham mưu đồng chí nhóm trưởng về công tác khám sàng lọc, cách ly theo dõi, điều trị cho phù hợp với điều kiện thực tế tại BV dã chiến, nhằm nâng cao chất lượng khám và điều trị can phạm nhân, tránh được hiện tượng lây nhiễm chéo. Thực hiện quy trình một chiều trong công tác, thời gian trực và đảm bảo sử dụng phòng hộ cá nhân đúng quy định. Khám sàng lọc, khám nhập trại cho phạm nhân, phân loại đối tượng F để cách ly, quản lý, theo dõi và điều trị...
5.Những câu chuyện của các CBCS điển hình đã thể hiện tình cảm, trách nhiệm của người cán bộ công an trong khi làm nhiệm vụ trên tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19...
Theo Thượng tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban chỉ đạo của Bộ Công an về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, từ phong trào thi đua, đã xuất hiện hàng trăm điển hình tiên tiến, việc làm tử tế, cách làm sáng tạo và những tấm gương dũng cảm hi sinh, sẵn sàng lao vào tâm dịch cùng tham gia tổ chức truy vết, sẵn sàng cùng anh em đồng đội ở tại cơ quan chống dịch 3-4 tháng không về nhà, sẵn sàng xung phong tham gia chi viện cho các địa bàn tâm dịch... Những nghĩa cử cao đẹp, tấm lòng đồng cảm, chia ngọt sẻ bùi với nhân dân đã thắp sáng niềm tin về tinh thần đồng lòng quyết tâm cao độ, sự nỗ lực, ý chí lớn lao để chiến thắng đại dịch COVID-19. Những hình ảnh đó trở thành tượng đài của lòng quả cảm, tô thắm truyền thống anh hùng của lực lượng CAND, xây dựng hình ảnh người chiến sĩ công an vì bình yên và hạnh phúc của nhân dân, vì an ninh Tổ quốc.
Dịch COVID-19 đã để lại những tổn thất, mất mát không nhỏ đối với lực lượng Công an cả nước. Tính đến ngày 7-12, toàn lực lượng đã có hơn 10.000 CBCS nhiễm và nghi nhiễm COVID-19, 17 CBCS hy sinh do liên quan đến đại dịch.
Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định qua gần 4 tháng thực hiện, phong trào thi đua đặc biệt đã thực sự đi vào cuộc sống, sát với thực tiễn, CBCS đã tích cực hưởng ứng, thi đua sôi nổi với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, thể hiện rõ bản lĩnh chính trị, kiên định, vững vàng, gương mẫu, trách nhiệm, với “mệnh lệnh từ trái tim”. CBCS đã xung kích trên tuyến đầu phòng, chống dịch và đấu tranh trấn áp quyết liệt các loại tội phạm, đồng thời đảm bảo an dân, an sinh xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Qua đó, góp phần quan trọng vào kết quả kiểm soát thành công dịch COVID-19 ở nước ta, đảm bảo điều kiện cho việc thực hiện mục tiêu “kép” của Đảng, Nhà nước đã đề ra, góp phần từng bước phục hồi, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.