Những “mùa xuân nho nhỏ”

Thứ Tư, 02/02/2022, 09:44

Từ lâu tôi rất thích bài hát “Mùa xuân nho nhỏ” của cố nhạc sĩ Trần Hoàn. Đây là một ca khúc rất trữ tình, phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Thanh Hải. Bài thơ thể hiện niềm yêu mến thiết tha cuộc sống, đất nước và tâm tư của một người cầm bút, như những đồng đội chúng tôi đã nằm xuống trên chiến trường Campuchia, họ chỉ xin làm “một mùa xuân nho nhỏ, lặng lẽ dâng cho đời”.

Kí ức Tết của lính…

Tôi ăn 5 cái Tết trên chiến trường Campuchia (chiến trường K). Nói là “ăn” Tết nhưng thực ra người lính chiến chưa bao giờ ăn một cái Tết đúng nghĩa. Thường mỗi lần Tết đến, đơn vị tôi đều vào chiến dịch mới. Ăn Tết là chuyện xa xỉ và bộ đội đã quen điều đó. Tết đồng nghĩa với những chiến dịch, những cuộc hành quân bất tận trong rừng sâu giữa mùa khô khô khốc Pailin (một thị trấn của tỉnh Battambang, nay là một thành phố trực thuộc Chính quyền Trung ương Campuchia, nằm sát biên giới Thái Lan).

1.jpg -0
Đồng đội Trung đoàn 812 thăm chiến trường xưa và tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh ở Pailin

Một buổi sáng tinh sương ngày mùng 1 Tết, sau một đêm đại đội của chúng tôi ém quân ở lưng chừng trên ngọn đồi cách biên giới Thái Lan chưa đầy 1km. Khi hành quân xuống dưới chân đồi, bất ngờ có đồng đội phát hiện bên một nhà sàn gần đó những cây mai nở hoa vàng rực rỡ, dù Pailin đang giữa mùa khô khốc, một giọt nước cũng không kiếm ra. Cả đội hình đang hành quân ngẩn ngơ ngắm những đóa mai vàng bung nở trên những thân mai gầy guộc không còn một chiếc lá. Một trinh sát dùng cây dò mìn tiếp cận những cây mai đó. Anh em hái mỗi người mỗi cành hoa mai cài trên mũ, tiếp tục hành quân.

Nhìn đoàn quân đi, mai vàng nở trên mũ bộ đội, chúng tôi thấy như mùa xuân quê hương về tận miền biên viễn. Bỗng từ radio của đại đội trưởng vang lên bài hát “Mùa xuân nho nhỏ” với tiếng hát Lê Dung: “... Mùa xuân người cầm súng, lộc giắt đầy trên lưng/ Mùa xuân người ra đồng, lộc trải dài nương lúa...”, anh em có cảm giác cả đoàn quân như đang hành quân giữa một miền quê nào đó ở quê nhà. Tôi thấy trong mắt những đồng đội tôi nhìn xa xăm, như thấy ở từ quê nhà, người thân của mình đang dõi theo từng bước chân quân hành của mình, những người chỉ mong làm “một mùa xuân nho nhỏ, lặng lẽ dâng cho đời”. Chỉ vậy thôi, những người lính chúng tôi cũng có những giây phút đón xuân thật hạnh phúc, trong gian khổ, ác liệt.

Battambang là một tỉnh lớn của Campuchia, cũng là tỉnh có đường biên giới dài tiếp giáp với Thái Lan, nơi là "cái túi đựng" tàn quân Pol Pot, chúng lập nhiều căn cứ lõm để chống phá ta. Vì thế Battambang có những chiến địa rất ác liệt như Tà Sanh, Samlot, Samrong, Pailin... Một tỉnh là vựa lúa của đất nước Chùa Tháp, nhưng phía biên giới là những dãy núi liên hoàn có nhiều cao điểm chiến lược và đặc biệt vào mùa khô, nước là thứ còn quý hơn những viên hồng ngọc nổi tiếng ở xứ này!

“Mưa chỉ nằm trong chiêm bao/ Mưa chỉ nằm trong trang cổ tích” - nhà thơ Vương Trọng, năm 1984 trong một lần đi thực tế ở chiến trường Battambang đã viết bài thơ “Tà Sanh” nổi tiếng mà anh em cựu binh K rất yêu thích.

Bài thơ gây xúc động với đồng đội tôi, những người lính Sư đoàn 309 có nhiều năm chiến đấu trên chiến trường này, bởi nó là khúc tráng ca nói lên sự gian khổ, ác liệt của chiến trường Battambang, đặc biệt về những cơn khát, khát đến khô người: “Ai từng qua cơn khát khô môi/ Khát khô môi là bắt đầu cơn khát/ Bạn tôi khát đến khi không nói được”.

Bởi, nói cũng làm bạn mất nước, mà có muốn cũng không nhép môi được. Trung đoàn 812 (Sư đoàn 309) của chúng tôi từng bị khát đến khô người ở Cao Mê Lai năm 1980. Cao Mê Lai cực kỳ khắc nghiệt, ngạn ngữ Campuchia có câu: “Khỏe như voi, đến Cao Mê Lai cũng quay đầu trở lại”. Điều ấy mới thấy nước là “vũ khí” đôi khi còn hơn súng đạn!

Không chỉ có khát, Pailin, Tà Sanh, Samlot nổi tiếng thế giới là ổ dịch sốt rét, đặc biệt sốt xuất huyết, đi tiểu ra toàn hồng cầu. Bộ đội khỏe nhất cũng chỉ chịu nổi vài ngày đái huyết cầu tố, là hy sinh. “Con voi rừng trụi lông/ Sốt rung rừng, lá mùa khô rơi rụng” - sức như voi cũng chịu không nổi, huống chi người.

phoi hop tuan tra chung.jpg -0
Phối hợp tuần tra chung

Bộ đội ở chiến trường này hầu hết đều bị sốt sét, không bị sốt rét mới là chuyện lạ: “Và người ơi, cơn sốt rừng, nhớ lấy/ Hai mươi tuổi bạn tôi chống gậy/ Chỉ còn hơn một triệu hồng cầu” - Vương Trọng đã khắc họa đúng hậu quả kinh hoàng của sốt rét Pailin như vậy.

Với tôi, từng có 3 năm ở chiến trường này, những cơn sốt rét vẫn đeo bám vài năm sau khi về đi học ở TP. Hồ Chí Minh, mới thấy vì sao Pailin là địa danh mà các nhà dịch tễ học thế giới khoanh vùng là khu vực sốt rét nổi tiếng, khắc nghiệt nhất nhì thế giới.

Thực tế, sau thương vong vì mìn, bộ đội ta hy sinh ở chiến trường này vì sốt rét, sốt rét ác tính là rất cao và để lại nhiều di chứng vì căn bệnh quái ác này. Chiến trường Battambang không thua kém sự khốc liệt của chiến trường núi rừng Tây Bắc thời chống Pháp mà thi sĩ Quang Dũng đã viết trong “Tây Tiến”: “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai hùm…”.

Sốt rét Pailin cũng làm bộ đội rụng tóc, lá lách sưng to sờ thấy được, da vàng khè như người bị bệnh gan, chân run không bước nổi, không thể ăn được vì miệng đắng nghét… Vậy mà chúng tôi đã đi qua được những thách thức tưởng chừng không thể vượt qua nổi.

Tôi từng qua chiến trường khốc liệt này hơn 3 năm. Nhiều đồng đội tôi có người ăn 10 cái Tết ở chiến trường khốc liệt ở Battambang. Thực ra không phải “ăn Tết” mà là chuẩn bị những chiến dịch truy quét lớn, nên phải ăn Tết trước hoặc sau chiến dịch. Tôi nhớ như in, cứ mỗi lần như vậy, anh em gùi nhu yếu phẩm, đôi khi có thịt bò, thịt heo lên chốt để bộ đội có một bữa tươi. Những chuyến đi như vậy nhiều khi phải trả bằng máu. Gùi nước lên chốt, máu thấm ba lô hòa với nước cũng là chuyện bình thường.

Và xuân hôm nay…

Mùa xuân năm trước, tôi và anh em cựu binh Trung đoàn 812 trở lại Pailin sau mấy chục năm rời khỏi chiến trường này. Một đêm uống rượu thật nồng ấm cùng với đồng đội, với những người còn sống và cả với hương hồn đồng đội đã hy sinh. Đêm Pailin huyền hoặc, ánh sao, bóng đêm sóng sánh tràn đầy trong ly rượu say nồng, như một giấc mơ mà hơn 40 năm trước chẳng đồng đội nào có thể hình dung được.

Không còn những cánh rừng già bạt ngàn, đêm Pailin vẫn huyền hoặc, nghe những ngọn gió núi từ biên giới Thái Lan ù ù thổi về lạnh người. Không còn những tiếng chim đêm làm bộ đội giật mình như ngày nào văng vẳng trên rừng cà phê bất tận, chỉ có tiếng rì rào sâu thẳm trong tâm hồn, như lời đồng đội đang nhắn nhủ điều gì đó thiêng liêng lắm.

Đêm Pailin trầm mặc, cuộn dài nỗi buồn lẫn niềm vui. Nhớ đồng đội tôi mãi mãi tuổi 20, nhớ thân thể của đồng đội còn vương đâu đó ở vùng đất mà mìn dày như nấm độc. Nhớ tuổi trẻ của mình trôi qua trong bom đạn, sốt rét rừng từng đêm lấy đi hàng triệu hồng cầu của cơ thể… Chợt thấy mắt mình ươn ướt tự khi nào. Tôi đâu có khóc, chúng tôi chỉ nhớ về đồng đội... Ở tuổi gần 60, có còn nước mắt?

Mùa xuân hãy nhớ về họ, những người lính từng chiến đấu trên chiến trường K: “Một mùa xuân nho nhỏ/ Lặng lẽ dâng cho đời/ Dù là tuổi hai mươi/ Dù là khi tóc bạc”.

Họ góp phần làm nên những mùa xuân cho Tổ quốc...

Lưu Vĩnh Hy
.
.