Những người góp phần tôn lên dáng vóc của người chiến sĩ Công an
Gần 1 tuần trôi qua, nhưng những dư âm đẹp về Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong đó điểm nhấn là lễ diễu binh, diễu hành có sự tham gia của các lực lượng Quân đội và Công an vẫn còn đọng mãi trong lòng người dân cả nước và bạn bè quốc tế. Để chương trình thành công, bên cạnh sự nỗ lực tập luyện của cán bộ, chiến sĩ (CBCS) các lực lượng trực tiếp tham gia diễu binh, diễu hành, còn có vai trò không nhỏ của những người làm công tác hậu cần CAND - những người thầm lặng góp phần tạo nên chiến công, thành tích của lực lượng CAND.
Lấy số đo ở thao trường
Để kịp thời may đo, sản xuất hàng ngàn bộ trang phục các khối CAND tham gia tập luyện và diễu binh trong sự kiện trọng đại của đất nước, hàng trăm CBCS, công nhân lao động Công ty TNHH một thành viên 19-5, Cục Công nghiệp an ninh, Bộ Công an đã nhiều tháng nỗ lực, đến tận thao trường đo trang phục, từ quần áo, giày, mũ cho từng CBCS, thi đua tăng ca sản xuất để kịp bàn giao đúng tiến độ.

Năm nay, lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vừa diễn ra rất trang trọng, hoành tráng tại TP Hồ Chí Minh. Nhìn từng khối CBCS mang trên mình những bộ quân phục đẹp, khỏe khoắn, mang dấu ấn riêng của từng lực lượng CAND, được đông đảo nhân dân cả nước cũng như bạn bè quốc tế trầm trồ khen ngợi khi tham gia diễu binh, diễu hành sáng 30/4 vừa qua khiến Đại tá Dương Mạnh Trường và các CBCS, công nhân lao động Công ty TNHH một thành viên 19-5 không khỏi tự hào.
Đại tá Dương Mạnh Trường, Tổng Giám đốc Công ty 19-5 chia sẻ, thực hiện kế hoạch 502 ngày 21/10/2024 của Bộ Công an về tổ chức lực lượng CAND tham gia diễu binh, diễu hành dịp 30/4/2025, từ cuối năm 2024, ngay sau khi được giao nhiệm vụ, Công ty 19-5 đã chủ động xây dựng kế hoạch, giao Chi nhánh phương Nam ở TP Hồ Chí Minh trực tiếp tổ chức sản xuất, đảm bảo may đo, sản xuất các mặt hàng cho lực lượng tham gia diễu binh, từ trang phục tập luyện cũng như trang phục chính thức.
Anh Phạm Văn Thương, Giám đốc Chi nhánh phương Nam cho biết, xác định đây là nhiệm vụ ý nghĩa, là niềm vinh dự của toàn đơn vị, ngay khi được giao nhiệm vụ, toàn thể CBCS, công nhân viên Chi nhánh phương Nam cảm thấy rất vinh dự. Tất cả mọi người từ lãnh đạo chỉ huy đến công nhân viên đều rất phấn khởi, không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng sắp xếp việc gia đình, tăng ca đến 10h đêm, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ.

Chị Lê Thị Hồng Diễm, Phó Giám đốc Chi nhánh phương Nam, trực tiếp phụ trách về chuyên môn kĩ thuật chia sẻ, ngay từ tháng 12/2024, khi nắm được kế hoạch, đơn vị đã chủ động bố trí cán bộ kỹ thuật cùng Bộ Tư lệnh CSCĐ đi xa hàng trăm cây số, đến tận các điểm đóng quân của CSCĐ tại các địa phương và đến các trường đại học, cao đẳng An ninh nhân dân, Cảnh sát nhân dân, cũng như đến tận thao trường tập luyện ở Đồng Nai để đo, nhập liệu trang phục, giày, mũ quân trang cho từng CBCS, học viên CAND được tuyển chọn, đảm bảo các CBCS tham gia diễu binh có trang phục vừa vặn, chỉn chu nhất, tôn lên vóc dáng, khí chất, tác phong của người chiến sĩ CAND. Trong đó, lúc đầu dự kiến trang cấp mỗi CBCS 2 bộ dành cho tập luyện và 1 bộ sử dụng chính thức cho lễ diễu binh, để nhanh chóng bắt tay vào may đo, sản xuất.
Từ trụ sở đơn vị ở Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh đến thao trường ở Long Thành, tỉnh Đồng Nai khoảng hơn 30 cây số, để tạo điều kiện cho các CBCS các khối tập trung tập luyện, bất chấp nắng nóng khắc nghiệt mùa khô miền Nam lên tới gần 50 độ C, chị Diễm và các cán bộ tổ kĩ thuật không nề hà đường xa, đến tận thao trường đo trang phục cho từng CBCS.
Thời gian đầu, đích thân Tổng Giám đốc Dương Mạnh Trường và Thượng tá Nguyễn Thị Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty phụ trách chuyên môn kĩ thuật còn nhiều lần trực tiếp bay từ Hà Nội vào tận nơi để cùng với cán bộ chi nhánh hướng dẫn kĩ thuật đo, cắt cho các công nhân viên. Không những vậy, chị Ngọc còn trực tiếp đến tận thao trường hướng dẫn đo và trực tiếp tham gia đo trang phục; quán xuyến các thành viên tổ kĩ thuật cách thức đo chuẩn, bởi đây là một trong những điều kiện tiên quyết để sản xuất ra những bộ trang phục chất lượng nhất, đảm bảo yêu cầu: đẹp, chuẩn. Bởi vậy, đòi hỏi các CBCS trong tổ công tác kĩ thuật phải có độ quan sát tốt.
Ví dụ, đối với khối đứng, trang phục không được dài quá, chùng quá, đối với khối diễu binh, trang phục không được quá ngắn, không được hở tất khi đá chân. Mỗi khối có tiêu chuẩn độ dài trang phục khác nhau, để khi cử động tạo tư thế vừa đẹp, vừa không bị gò bó, đảm bảo đúng điều lệnh CAND, toát lên phong cách, khí chất, dấu ấn riêng của từng lực lượng.
“Không ít bạn trong quá trình tập luyện nhiều tháng trời vất vả dưới tiết trời nắng nóng khắc nghiệt bị sụt cân, thậm chí có bạn bị sụt đến 7 kg chỉ trong vòng 1 tháng, trang phục rộng thùng thình, cạp bễ rộng gần gang tay, rúm ró, khiến anh em tổ công tác phải vất vả sửa đi sửa lại nhiều lần mới mặc vừa” - chị Diễm chia sẻ. Nhiều hôm, đợi các CBCS tập luyện xong để thử quân phục mới, đến khi “trả hàng” xong, nhìn đồng hồ đã 10h đêm, mấy chị em mới tất tả từ thao trường trở về nhà.
Thi đua tăng ca, đảm bảo tiến độ phục vụ lễ diễu binh
Chị Lê Thị Hồng Diễm cho biết, trong số 18 khối Công an các lực lượng tham gia diễu binh đợt này, có một số khối mặc trang phục mẫu mới hoàn toàn như: trang phục nữ Cảnh sát đặc nhiệm; nam sĩ quan không quân CAND; nam sĩ quan Cảnh sát Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; nam chiến sĩ CSCĐ dự bị chiến đấu mẫu mới và trang phục lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Do đây là những mẫu mới, lần đầu được đưa vào cắt may thử nghiệm nên nguyên liệu và phụ kiện không sẵn có. Một số loại nguyên liệu đơn vị phải tự chủ động khai thác nguồn thị trường, trong khi có những sắc phục từ lúc nhận được kế hoạch đến thời điểm phải bàn giao để CBCS tập luyện chỉ vỏn vẹn 1 tuần. Thời gian gấp gáp, đích thân chị Diễm được giao “đi chợ”, chọn lựa nguyên liệu vải, cùng các phụ kiện, cúc, nút, khóa... để triển khai cắt may ngay theo mẫu thiết kế cho kịp tiến độ. Nhiều hôm quên cả bữa trưa, chạy lùng khắp mấy khu chợ mà vẫn chưa tìm được nguyên phụ liệu ưng ý nên lại phải đặt hàng, chờ đợi, trong khi lòng nóng như lửa đốt vì thời hạn phải trả trang phục cho CBCS tập luyện đã quá gần.
Chị Nguyễn Mỹ Lại, công nhân tổ 1, tổ chuyên may trang phục nữ cảnh sát đặc nhiệm chia sẻ, kĩ thuật may đối với trang phục nữ cảnh sát đặc nhiệm tương đối khó. Nhiều chi tiết đòi hỏi kĩ thuật tay nghề cao so với bộ trang phục CSCĐ trước đây, chất liệu vải cũng dày hơn. Chị Trần Ngọc Trâm Mai, công nhân may tổ 4 lần đầu được tiếp cận cắt may trang phục mới của các lực lượng: không quân CAND, lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và lực lượng đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở lúc đầu cũng không khỏi bỡ ngỡ. Dù hai con còn nhỏ, bé lớn học lớp 1, bé nhỏ mới 2 tuổi, nhưng những ngày cao điểm chiến dịch, chị Mai đều nhờ ông bà hỗ trợ chăm con và đưa đón các bé đi học để chuyên tâm cùng đồng nghiệp tăng ca. Ủng hộ vợ, chồng chị Lại cũng không nề hà, xin nghỉ phép cơ quan, phụ vợ trông con để vợ yên tâm sản xuất.

Cũng như chị Lại, tổ 1, phân xưởng may có gần 50 công nhân, đa số là nữ và đều có con nhỏ. Thế nhưng, những ngày cao điểm chiến dịch may quân trang phục vụ lễ diễu binh, cả tổ chẳng ai bảo ai, đều sẵn sàng sắp xếp việc gia đình, con cái, ở lại tăng ca đến 10h đêm mỗi ngày. Dù vất vả nhưng tất cả anh chị em công nhân toàn đơn vị đều rất phấn khởi vì được đóng góp công sức của mình phục vụ lễ diễu binh, bởi mọi người đều hiểu rằng đây là sự kiện có ý nghĩa trọng đại của đất nước.
Có những giọt mồ hôi đổ trên thao trường và cũng có những giọt mồ hôi rơi trên công xưởng, tuy vất vả nhưng tất cả đều hòa chung một mục tiêu vì thành công của lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, vì niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.