Những người không có Tết

Thứ Sáu, 11/02/2022, 11:37

Trong khi mọi người đều được nghỉ ngơi, du xuân bên gia đình thì hơn 500 bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh (Hà Nội) không phút giây ngơi nghỉ, bởi đây là cơ sở điều trị nhiều bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch nhất miền Bắc…

Cuộc chiến trong phòng ICU

Từ tháng 12-2021, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã chuyển đổi hoàn toàn công năng thành Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 với quy mô hơn 500 giường ICU. Nơi đây tiếp nhận các bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch của Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Những ngày Tết, số ca mắc COVID-19 của Hà Nội và các địa phương vẫn rất cao, bệnh nhân nặng vào nhập viện dồn dập, cứ người này ra, người khác lại vào.

1.jpg -0
Các bé sơ sinh con của sản phụ F0 được điều dưỡng chăm sóc như con mình (Ảnh: Minh Tú)

“Ngày Tết của chúng tôi cũng như ngày thường, công việc vẫn như vậy, không có gì khác. Bệnh nhân luôn dao động từ 550-580 F0, trong đó có nhiều ca bệnh nặng phải thở máy, lọc máu”, BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc bệnh viện chia sẻ với tôi trong cuộc gọi đầu năm mới. Anh nói rằng, 2 năm nay, ngày thường cũng như ngày Tết, công việc của các bác sĩ, nhân viên y tế vẫn trong guồng quay điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Đây là cái Tết thứ 2 họ xa người thân. 

Khác với vẻ tĩnh lặng bên ngoài, ngay từ đêm 30 Tết, Khoa Hồi sức tích cực luôn bận rộn khi các bác sĩ và điều dưỡng đều xoay quanh bệnh nhân. Nơi đây luôn có trên dưới 40 F0 nặng, nguy kịch phải thở máy, chạy ECMO, lọc máu. Một ca trực 8 tiếng họ không có phút ngơi nghỉ. Bước vào đây chỉ có tiếng máy thở kêu “tít tít” liên tục trong 24 giờ, tiếng động khi các điều dưỡng thực hiện thao tác hút đờm cho bệnh nhân… Có F0 chuyển biến nguy kịch rất nhanh, bác sĩ phải đặt ống thở. Tất cả các thao tác này đều rất dễ lây nhiễm COVID-19.

Trung bình một điều dưỡng chăm sóc 1 bệnh nhân, 1 ca ECMO cần phải có 3-5 người hỗ trợ. Một bác sĩ chỉ phụ trách 2-3 ca ECMO là đã quá tải, chưa kể nhiều ca phải cấp cứu, huy động nhân lực lớn. Vì vậy, các bác sĩ, điều dưỡng ở Bệnh viện luôn phải làm gấp đôi, gấp ba công suất. Không kể ngày Tết, hơn 2 tháng nay, số lượng bệnh nhân nhập viện tăng mạnh, gây quá tải, các bác sĩ và nhân viên y tế làm việc không có ngày thứ bảy và chủ nhật.

BS Đồng Phú Khiêm, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực cho biết: “100% bệnh nhân vào hồi sức đều ở nhóm nguy kịch. Các bệnh nhân nặng chủ yếu là không tiêm vaccine, hoặc nhóm phụ nữ mang thai chưa được tiêm vaccine do họ sợ ảnh hưởng đến con. Nhóm bà bầu mắc COVID-19 có nguy cơ nặng cao hơn rất nhiều so với phụ nữ bình thường, nhất là người chưa tiêm vaccine. Ở Khoa hồi sức có trên 50% bệnh nhân nguy kịch là bà bầu, thậm chí có thời điểm bà bầu chiếm tới 2/3.

Trước đây khi chưa có vaccine, cứ 100 ca nhiễm trong cộng đồng thì có khoảng 10-15 trường hợp nguy cơ nặng và 5 trường hợp phải vào hồi sức, đây là con số rất lớn, gây quá tải hệ thống y tế. May mắn tại thời điểm này, diện bao phủ vaccine ở nước ta rất cao, thậm chí có một số tỉnh đã tiêm phủ mũi 3, nên nguy cơ F0 chuyển nặng phải vào hồi sức đã giảm rất nhiều (hơn 10 lần)”.

Theo BS Cấp, trong những ngày Tết không xảy ra tình huống đặc biệt. Căng thẳng nhất là cuộc chiến giành giật sự sống cho các sản phụ nặng và nguy kịch, nhưng rất may đến nay chưa có sản phụ nào tử vong. Trung bình mỗi ngày tại bệnh viện có từ 3-5 ca tử vong, ngày nhiều 7-8 ca, đều là người cao tuổi chưa tiêm vaccine hoặc có nhiều bệnh lý nền nặng.

Nhiều ca mổ cứu sản phụ

Không chỉ tiếp nhận các thai phụ nặng từ Hà Nội chuyển đến, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương còn tiếp nhận nhiều thai phụ từ các tỉnh chuyển về. Có người đã mổ lấy thai từ tuyến dưới, có người cả mẹ và thai nhi đang chuyển nặng được chuyển lên để điều trị chuyên sâu. Nhưng tất cả thai phụ hay sản phụ vào đây đều trong tình trạng nặng và rất nặng. Trong những ngày Tết, các bác sĩ đã thực hiện nhiều ca mổ cấp cứu, đón nhiều em bé con của sản phụ F0 chào đời bình an.

2.jpg -0

BS Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Trưởng Khoa Ngoại sản chia sẻ, Khoa có 6 bác sĩ và 15 điều dưỡng trực trong suốt những ngày Tết. Vào thời điểm sát Tết, Khoa điều trị cho 70 sản phụ, tuổi thai từ 28-38 tuần. Trong số đó chỉ có 2 thai phụ tiêm vaccine (1 người tiêm mũi 1, 1 người tiêm 2 mũi), còn lại đều chưa tiêm. “Sản phụ chưa tiêm vaccine mắc COVID-19 diễn biến rất nặng, nguy cơ cho mẹ và em bé. Mẹ bị khó thở, suy hô hấp, rối loạn đông máu. Nếu có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng người mẹ thì các bác sĩ phải mổ lấy thai”, BS Hà nói.

Điển hình là thai phụ ở Lai Châu bị COVID-19 ngày thứ 7, có thai 31 tuần, bị suy hô hấp, chuyển xuống bệnh viện trong tình trạng khó thở, SpO2 tụt, các bác sĩ đã hội chẩn để mổ lấy thai, hồi sức cho mẹ. Bé trai nặng 1,5kg, chào đời bình an, ngay sau đó được chuyển đến Khoa Hồi sức của Bệnh viện Nhi Trung ương, mẹ chuyển sang Khoa Cấp cứu để đặt ống thở máy.

Những ngày Tết, Khoa Ngoại sản phân theo ca làm việc 24/24, đủ nữ hộ sinh và bác sĩ phục vụ bệnh nhân. “2 năm qua, chúng tôi đã làm việc hết sức mình ở bệnh viện, có người ở bệnh viện đến 3-4 tháng không về nhà trong khi có con nhỏ, miễn sao sức khoẻ bệnh nhân tốt. Có sản phụ tử vong vì chưa tiêm vaccine, cả mẹ và con không qua khỏi vì rối loạn đông máu, tôi rất buồn. Tôi mong các mẹ tiêm đủ vaccine để bảo vệ bản thân và gia đình”, BS Hà chia sẻ.

Người mẹ thứ hai

Tại đơn vị chăm sóc trẻ sơ sinh có mẹ là F0 thuộc Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có 3 điều dưỡng chính chăm sóc cho từ 5-7 bé, thời gian cao điểm thì hơn 10 bé. Trước Tết, có thêm điều dưỡng của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Đa khoa Nam Định hỗ trợ. Điều dưỡng Đỗ Thị Hương vào đây từ ngày 3-1 và dự kiến ở 1,5 tháng.

khiêm.jpg -0
Bác sĩ Đồng Phú Khiêm trực tiếp điều trị cho nhiều F0 nặng, nguy kịch trong những ngày Tết

Chị chia sẻ: “Chăm con ở nhà như thế nào thì chăm các cháu như thế. Đêm nào cũng thức với các con vì không phải bé nào cũng dậy cùng lúc, mỗi bé lại muốn ăn một giờ, các cô cũng không thể cho ăn cùng lúc tất cả được, nên cứ hết lượt bé này lại đến lượt bé khác muốn ăn, thay bỉm. Nên cứ ngồi xuống một lát là phải đứng dậy để chăm các bé. Thường 1 người trực cả đêm hôm trước thì sáng hôm sau nghỉ. Tuy nhiên lúc nào cũng có 1 người ngồi đây cố định, 1 người di chuyển bệnh nhân, đón bé. Người sau khi trực cả đêm thì ngủ chút buổi sáng rồi lại vào thay ca”.

Khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc, nhiều sản phụ nặng phải kết thúc thai kỳ sớm, nên nhiều trẻ sinh non tháng phải chiếu đèn và thở lồng ấp. Việc chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng càng vất vả hơn vì phải theo dõi liên tục; các bé ăn kém, mỗi lần chỉ có 5-10ml, dễ hạ đường huyết nên ăn dầy bữa và chia nhỏ.

Chị Hương cho biết, từ đầu dịch đến giờ, chị đã chăm sóc rất nhiều bé sơ sinh. Thời gian đầu cảm thấy bức bối vì phải ở trong bệnh viện không được ra ngoài, nhưng ở mãi rồi cũng quen. “Chăm các con từ lúc lọt lòng đến lúc gia đình đón về nên mình có tình cảm như người mẹ thứ hai. Có bé ở đây nửa tháng nên mình có tình cảm lưu luyến lắm”, chị Hương chia sẻ.

Chị Hương có 2 con, con lớn 7 tuổi, con út 2 tuổi phải gửi về cho ông bà nội trông. Tranh thủ khi các cháu nín khóc, ăn no, nằm yên được một lúc chị mới gọi điện về nhà. Hoặc khi quá bận bịu, chị để điện thoại một góc, vừa làm vừa gọi cho con, để con xem em bé. “Con lớn thích mẹ xem lúc đang học nên mình thường bật điện thoại để đó, thỉnh thoảng ngó vào”, chị Hương kể.

Không chỉ riêng chị Hương mà ở bệnh viện có điều dưỡng còn chưa cai sữa cho con đã phải xa nhà vài tháng để chăm sóc cho F0. Vất vả nhất là chăm sóc các bé nặng phải thở oxy qua gọng kính. Ngoài việc phải theo dõi hô hấp tuần hoàn thì bé này rất khó ăn, oxy tụt liên tục nên lúc nào cũng phải quan sát.

hoi suc.jpg -0
Các bác sĩ, điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực làm việc xuyên Tết (Ảnh: Phong Sơn - Nguyễn Thắng)

“Con của các sản phụ F0 rất thiệt thòi vì sinh ra không được mẹ chăm sóc, bên cạnh lại không có người thân. Trước có cháu được 1,9kg, chân tay rất nhỏ, phải lấy máu nhiều lần, khi lấy máu mình thương lắm, chỉ mong bé ăn được nhiều, tăng được cân thì về chăm dễ hơn. Bố mẹ bé bị COVID, bà nội lên đón, nhìn cảnh đó rất thương. Lúc chăm bé, mình bảo con cố ăn nhé, ăn nhiều để lớn về nhà ông bà chăm đỡ vất vả”, điều dưỡng Hương tâm sự.

BS Nguyễn Trung Cấp cho biết, bệnh viện cố gắng tạo thuận lợi để các khoa, phòng chuẩn bị Tết cho các bác sĩ, nhân viên. Có một số nhóm thiện nguyện ủng hộ đồ ăn cho y bác sĩ và bệnh nhân trong những ngày Tết. Khối lượng công việc rất nhiều, quá tải bệnh nhân nặng nên các bác sĩ, nhân viên y tế cả ngày chỉ xoay quanh bệnh nhân, không còn thời gian mà nhớ nhà. Mỗi người làm việc 2 tháng, sau đó cách ly 1 tuần và về gia đình. Cứ luân phiên như thế đã 2 năm nay.

Và tôi cứ nhớ mãi lời tâm sự của BS Đồng Phú Khiêm: “Hai năm nay, đặc biệt từ tháng 5 đến giờ, chúng tôi phân công công việc không có khái niệm ngày nghỉ, lễ, Tết. Ngày Tết chúng tôi vẫn làm các công việc như thường ngày, không có gì khác biệt. Mọi người hỏi có tủi thân, chạnh lòng không? Có chứ, ai chẳng muốn sum họp bên gia đình. Nhưng với chúng tôi ở đây, tất cả vì sức khỏe bệnh nhân, sẵn sàng hy sinh hạnh phúc riêng tư để chạy đua với thời gian, cứu sống họ”.

Trần Hằng
.
.