Những người lính dầm mình trong lũ cứu dân

Thứ Tư, 22/11/2023, 13:59

Trong đợt mưa lũ lịch sử từ ngày 14 đến 16/11 tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, nước lũ dâng cao bất ngờ đã khiến hơn 60% nhà dân trên địa bàn toàn tỉnh bị ngập lụt. Nước lũ dâng nhanh làm nhiều gia đình không kịp trở tay, người già, trẻ em chưa được sơ tán; phụ nữ mang thai sắp vượt cạn kẹt trong tâm lũ; nhiều người dân vượt lũ xiết bằng thuyền, bị lật úp; nhiều người ốm đau không thể đến viện, giao thông chia cắt…

Để ứng cứu cho những trường hợp này, hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ Công an Thừa Thiên-Huế, đặc biệt là công an xã phường, cảnh sát đường thủy đã xuyên đêm dầm mình trong mưa lũ để giúp hàng trăm người kịp thời đến bệnh viện hoặc sơ tán ra khỏi vùng nguy hiểm, đến nơi an toàn...

Ứng cứu hàng chục thai phụ mắc kẹt trong lũ dữ

Đã 1 tuần trôi qua nhưng Trung tá Phạm Đắc Tài, cán bộ cảnh sát đường thủy Đội CSGT - Trật tự Công an TP Huế (Thừa Thiên-Huế) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại, anh và đồng đội đã trắng đêm dầm mình trong mưa lũ, trực tiếp đưa nhiều thai phụ, trong đó, có một số người sắp vượt cạn ra khỏi vùng nước lũ chảy xiết để kịp thời đến bệnh viện sinh nở.

Trung tá Tài kể: Từ khuya 14 đến ngày 16/11, lực lượng ứng cứu của TP Huế đã tiếp nhận hàng trăm cuộc điện thoại cần sự giúp đỡ của lực lượng cứu nạn, cứu hộ.Những thông tin đó ngay lập tức được chuyển về Đội CSGT - Trật tự để cán bộ, chiến sĩ cảnh sát đường thủy có mặt làm nhiệm vụ ứng cứu. Tổ công tác ứng cứu gồm 2 chiến sĩ cảnh sát đường thủy phối hợp với các đồng chí công an xã, phường trong khi đang di chuyển ghe thuyền, ca nô đến địa bàn ứng cứu này thì lại nhận được lệnh tại địa bàn khác có thai phụ sắp vượt cạn, cần đến bệnh viện gấp... Và, liên tục hơn 2 ngày đêm, những chiến sĩ cảnh sát đường thủy căng mình, dường như không kịp nghỉ ngơi để chạy đua với thời gian, dầm mình trong mưa lũ hiểm nguy để giúp đỡ, cứu người bị nạn.

Trung tá Lại Phước Linh, Phó Đội trưởng Đội CSGT - Trật tự Công an TP Huế - trực tiếp tiếp nhận thông tin và điều động lực lượng Cảnh sát đường thủy đến các vùng tâm lũ sơ tán người dân trong mưa lũ đến bệnh viện, đến nơi an toàn, nhớ lại: Khi một tổ công tác dưới nước dầm mình trong mưa lũ để tiếp cận nhà dân ứng cứu thì một tổ công tác khác trên bờ lại chọn địa điểm khô ráo và sẵn sàng đậu xe tại đó để kịp thời vận chuyển đến bệnh viện. Cuộc ứng cứu diễn ra liên tục, kéo dài trong hàng chục giờ đồng hồ.

“Lúc băng mình vào tâm lũ giữa dòng nước xiết, rất nhiều địa bàn mất điện, đường đi ở các hẻm, kiệt trong đêm tối rất khó định hình. Nhiều vùng giáp với đồng ruộng, cạnh sông nên nước lũ bao vây tứ phía, chỉ cần một chút sơ sẩy là tính mạng những người lính cứu hộ gặp hiểm nguy. Nhưng, khi nghĩ đến các thai phụ, người già yếu nếu chỉ đến bệnh viện chậm trễ vài phút thì tính mạng rất nguy hiểm, lực lượng làm nhiệm vụ đã bất chấp hiểm nguy, chạy đua với thời gian để làm sao ứng cứu người dân một cách sớm nhất, an toàn nhất”, Trung tá Tài chia sẻ.

Những người lính dầm mình trong lũ cứu dân -0
Thai phụ Huỳnh Thị L. và con nhỏ được cán bộ, chiến sĩ Công an sơ tán từ vùng lũ đến nơi an toàn.

Đến giờ, thai phụ Huỳnh Thị L. (trú tại đường Phan Chu Trinh, phường An Cựu, TP Huế) vẫn chưa hết xúc động khi nhớ lại các chiến sĩ Công an phường An Cựu đã vượt lũ đưa chị cùng 2 con nhỏ sơ tán đến nơi an toàn. Được biết, thời điểm này, chị L. mang thai tháng thứ 8. Khi nước lũ dâng cao bất ngờ khiến từ trong nhà chị ra đến ngoài đường có nhiều đoạn nước ngập sâu đến 1,5m. Tương tự, tại các phường Vỹ Dạ, Phú Thượng, Phú Hậu (TP Huế), tại các huyện, thị Hương Thủy, Quảng Điền, Phú Lộc, Phú Vang, Nam Đông..., rất nhiều người già neo đơn, trẻ em, phụ nữ mang thai đã được công an các xã, phường kịp thời sơ tán đến nơi an toàn. Chị Trần Thị M (ở đường Tuy Lý Vương, phường Vỹ Dạ) sắp đến ngày dự sinh cũng đã được Công an phường Vỹ Dạ và lực lượng bảo vệ dân phố vượt lũ sơ tán chị ra khỏi vùng lũ, đến tránh trú tại nơi cao ráo, an toàn.

Hay, thai phụ Nguyễn Thị Ph. (SN 1992, trú thôn Thanh Tuyền, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy) đến giờ vẫn không khỏi xúc động khi mẹ con chị đã vượt cạn thành công trong mưa lũ. Ngày 15/11, nước lũ dâng cao bất ngờ, cả xã Thủy Thanh bị ngập, nhiều nơi nước dâng cao hơn 2m. Lúc này chị Ph. có dấu hiệu trở dạ. Tại “rốn lũ” xã Thủy Thanh trước đây từng xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm ở các mùa mưa lũ do người dân tự dùng ghe thuyền đi lại trong lũ khiến gia đình chị rất lo lắng... Ngay sau khi chị gọi điện nhờ hỗ trợ, Công an xã Thủy Thanh đã lao vào nước lũ chảy xiết để đến nhà chị Ph. Tiếp đó, 2 cán bộ công an xã dùng ghe chở chị Ph. cùng người nhà đến bệnh viện an toàn.

Lao vào dòng nước lũ để cứu người

Thượng tá Lê Thị Hồng Nhung, Trưởng Công an huyện Quảng Điền (Thừa Thiên-Huế) cho biết, trưa 15/11, chiếc thuyền chở 6 người phụ nữ cùng 2 người đàn ông đang chạy qua đoạn nhà văn hóa xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền thì bị lật úp do nước lũ chảy xiết cộng với mưa rất to. Những người đi trên thuyền hoảng sợ, vẫy tay kêu cứu vì nước lũ trên nguồn đổ về càng lúc càng nhanh, trời mưa, nước lạnh. Đúng thời điểm này, lực lượng Công an xã Quảng Thành đang giúp dân sơ tán, di dời đồ đạc nên đã lao ra giữa dòng lũ, ứng cứu thành công cả 8 người trên thuyền, đưa vào trụ sở công an xã. Được biết, 6 nạn nhân đi trên thuyền đều trú tại thôn Tây Thành (xã Quảng Thành) là chị em ruột. Và, 2 người đàn ông đi cùng, trong đó 1 người điều khiển thuyền và người còn lại là cha ruột của 6 chị em, đi theo thuyền để hỗ trợ các con.

Trước đó, chiều tối 14/11, nhóm người này di chuyển bằng xe máy từ xã Quảng Thành lên xã Quảng An dự đám cưới. Trưa 15/11, khi xong việc, do nước lũ lớn nên 6 người đành thuê thuyền để trở về nhà thì gặp nạn. Sau khi ứng cứu thành công, các nạn nhân được Công an xã Quảng Thành đưa về nhà an toàn. Những người gặp nạn trên thuyền này thầm cảm ơn, bởi nếu không có các chiến sĩ công an xã kịp thời ứng cứu thì không biết tính mạng họ sẽ ra sao giữa dòng nước lũ chảy xiết.

Đại tá Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã kịp thời biểu dương việc làm ý nghĩa của Công an xã Quảng Thành nói riêng và Công an huyện Quảng Điền nói chung đã chủ động tham mưu các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương kịp thời giúp dân phòng, chống mưa lũ, cứu giúp rất nhiều người già, trẻ em, phụ nữ thai sản, bám địa bàn cơ sở với phương châm: Khi dân cần, dân khó có lực lượng Công an giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời.

Những người lính dầm mình trong lũ cứu dân -0
Cán bộ, chiến sĩ Công an xã, phường sơ tán người già ra khỏi vùng lụt.

Bên cạnh việc lao vào lũ dữ để cứu dân, lực lượng công an các xã, phường đã ngâm mình trong lũ, kịp thời giúp đỡ nhiều trường hợp đến bệnh viện cấp cứu. Điển hình, trưa 15/11, Công an xã Quảng An, huyện Quảng Điền nhận được điện thoại của người dân nhờ hỗ trợ đưa người nhà đang mất sức, cần lên chạy thận định kỳ tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 đóng tại xã Phong An, huyện Phong Điền. Là vùng “rốn” lũ của Thừa Thiên-Huế, thời điểm này, Quảng Điền nước lũ tứ bề, có nhiều nơi ngập sâu đến gần 2m. Lúc này, nước trên nguồn chảy về mạnh khiến lũ ở phía hạ nguồn càng dâng cao.

Công an xã Quảng An đã dầm mình trong mưa lũ đến nhà dân, rồi bố trí thuyền và 2 cán bộ lái thuyền chở 2 bệnh nhân gồm: Ông Nguyễn Định và bà Nguyễn Thị Ngân (trú thôn Đông Xuyên, xã Quảng An) chạy dọc sông Bồ đi từ xã Quảng An lên phường Tứ Hạ (thị xã Hương Trà). Tiếp đó, các chiến sĩ công an mượn xe máy chở 2 bệnh nhân đến bệnh viện, kịp thời chạy thận. Hay, khuya 15/11, qua đường dây nóng ứng cứu 1900.1075, Công an TP Huế nhận được tin báo, ông Lê Văn Mâu (71 tuổi, trú tại thôn Phú Khê, xã Phú Dương, TP Huế) bị ốm nặng, ảnh hưởng đến tính mạng, cần đưa đi cấp cứu kịp thời. Do lúc này, nước quá lớn, trời tối, không có phương tiện nào của người dân có thể tiếp cận. Ngay khi nhận tin báo, mặc dù mưa to, nước lớn, tổ cảnh sát đường thủy thuộc Đội CSGT - Trật tự đã dùng nhiều phương tiện để đến nhà ông Mâu và kịp thời đưa ông vào Bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu. Người nhà ông Mâu cho biết, ông bị bệnh tim nặng, lên cơn đau đột ngột. Nếu hôm đó, không có lực lượng Công an giúp đỡ, đưa đi viện thì tính mạng của ông gặp nguy hiểm.

Hay, vụ Công an xã Bình Tiến (thị xã Hương Trà) mưu trí, dũng cảm, đục tường cứu hai vợ chồng bị đất sạt lở vùi lấp trong đợt mưa lũ vừa qua khiến nhân dân rất cảm động. Do mưa lớn kéo dài, vào lúc 12h ngày 15/11 tại ngôi nhà của gia đình ông Trần Đình Minh (SN 1972, ở thôn Đồng Hòa, xã Bình Tiến) xảy ra sạt lở đất đá từ quả đồi phía sau nhà. Vụ sạt lở khiến ngôi nhà của gia đình ông Minh bị hư hại nghiêm trọng, hàng trăm khối đất đá đổ sạt, tràn vào nhà vùi lấp gần như toàn bộ. Do không chạy thoát kịp ra ngoài nên vợ chồng ông Minh bị đất đá vùi lấp.

Nhận được tin báo, Công an xã Bình Tiến đã cử lực lượng và tham mưu cho chính quyền địa phương, đề xuất phương án cho đục tường để khẩn trương cứu người gặp nạn. Vợ ông Minh là bà Nguyễn Thị Thủy Tiên (SN 1978) bị đất đá vùi lấp được lực lượng công an xã cứu thoát ra đầu tiên. Thời điểm sạt lở, ông Minh bị đất đá đè mắc kẹt vào bức tường nên lực lượng chức năng phải phá tường để cứu thoát ra ngoài. Sau hơn 30 phút nỗ lực, Công an xã Bình Tiến phối hợp các lực lượng chức năng của địa phương đã kịp thời giải cứu thành công, đảm bảo an toàn tính mạng cho vợ chồng ông Minh. “Nếu không có các chú công an và chính quyền đến ứng cứu kịp thời thì tính mạng vợ chồng tôi sẽ rất nguy hiểm”, ông Minh nói.

Những người lính dầm mình trong lũ cứu dân -0
Trung tá Phạm Đắc Tài căng mình trong mưa lũ, chạy đua với thời gian để cứu người.

Đợt mưa lũ diễn biến phức tạp tại Thừa Thiên-Huế (từ ngày 14 đến 16/11) đã khiến 5 người chết và bị thương. Công an tỉnh đã huy động khoảng hơn 2.000 lượt cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho người dân, giúp di dời người và tài sản, kêu gọi tàu thuyền neo đậu an toàn... hạn chế thiệt hại có thể xảy ra. Đặc biệt, công an các địa phương, nhất là lực lượng công an xã, phường, thị trấn đã phối hợp các lực lượng chức năng tham mưu chính quyền thực hiện phương án tổ chức di dời dân tại các khu vực có nguy cơ mất an toàn như ngập lụt tại các địa bàn thấp trũng, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ven sông, suối... Hơn 50 cano, xuồng cao su các loại, 15 xe chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, gần 2.000 áo phao cứu sinh, hàng chục máy cưa cầm tay... được sử dụng để tổ chức cứu nạn, cứu hộ, khắc phục sự cố, bảo đảm an toàn giao thông trong đợt mưa lũ phức tạp. Công an cơ sở đã lập hàng trăm tổ ứng cứu trực chốt tại các khu vực thấp trũng để sẵn sàng hỗ trợ di dời, sơ tán, giúp đỡ người dân.

Hải Lan
.
.