Những người mẹ trong màu áo xanh lam

Thứ Tư, 18/01/2023, 09:53

Ai đã từng sống trong đại dịch COVID-19, hẳn sẽ chưa thể quên hình ảnh về những người mẹ kiên cường chiến đấu giành giật sự sống cho đứa con trong bụng, để rồi lịm đi giữa lằn ranh sinh tử. Những đứa trẻ mồ côi mẹ trong phút giây chào đời, được trao gửi cho người ở lại và may mắn có thêm những người mẹ nuôi mang màu xanh áo lính.

Mẹ nuôi đặc biệt

Vậy là mùa xuân thứ hai, những đứa trẻ mồ côi có thêm người mẹ nuôi mang màu xanh áo lính. Đây là chương trình “Mẹ đỡ đầu” nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi vì COVID-19 do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động đã lan rộng khắp cả nước từ cuối năm 2021. Tại Tiền Giang, Hội Phụ nữ Công an tỉnh đã nhanh chóng triển khai chương trình về với các em, ôm ấp, nâng niu và trở thành chỗ dựa tinh thần để các em vơi bớt phần nào nỗi cô đơn, lạc lõng trong những ngày gian khó.

Những người mẹ trong màu áo xanh lam -0
Về với các em, góp chút yêu thương cho mùa xuân trong đầy.

Trong số 65 trẻ mồ côi mà Hội Phụ nữ Công an tỉnh thăm hỏi, tặng quà hằng năm có hai bé được hội nhận làm mẹ đỡ đầu. Trường hợp đáng thương là bé Đồng Thị Kim Ngân, 10 tháng tuổi, một trường hợp đặc biệt khó khăn ở ấp 5B, xã Phú Cường, huyện Cai Lậy. Khi mang thai được 7 tháng, người mẹ bị nhiễm COVID-19, buộc phải mổ bắt con. Bé Ngân chỉ nặng 7,5 gam và may mắn được cứu sống, nhưng mẹ thì không kịp nhìn mặt con. Từ quê nhà, bà Trần Thị Thu Thảo tức tốc lên thành phố nhận cháu ngoại. Bà ôm đứa trẻ đỏ hỏn vào lòng, lấy thân mình sưởi ấm cho cháu suốt một tháng trời. Hơi ấm của bà ngoại như tiếp thêm sức mạnh để đứa trẻ chiến đấu và kiên cường sống sót.

Trở về từ bệnh viện, bà Thảo dồn hết thời gian và sức lực chăm sóc cháu, vì bé sinh non nên sức khỏe kém, hay quấy khóc và phải thường xuyên nhờ tư vấn của bác sĩ. Bà Thảo gầy đi vì lo lắng, nỗi lo bỉm sữa, thuốc men, lo cơm áo hằng ngày. Bà không thể đi làm được, mọi việc trông vào ngày công phụ hồ của chồng, nhưng bữa có bữa không. Thương cho người bà khổ sở và thương nhiều hơn đứa trẻ bất hạnh, mồ côi mẹ lại thiếu vắng tình cha.

Từ ngày có những người mẹ “áo xanh lam” về thăm hỏi, cuộc sống của bà cháu nhẹ nhàng và thoải mái hơn. “Các cô cho chúng tôi tình yêu thương và sự chia sẻ. Bé Kim Ngân có thêm người mẹ công an lúc nào cũng vui cười. Dù chỉ làm mẹ nuôi một năm nhưng đó sẽ là kỷ niệm sâu sắc để mai này khôn lớn, con phải nhắc nhớ không quên”, bà Thảo tâm sự.

Cũng từ ngày làm mẹ của những đứa trẻ mồ côi, chị em trong Hội Phụ nữ cảm thấy mình có thêm niềm vui và động lực để cho đi và hy sinh nhiều hơn nữa. Trung tá Quách Thị Thu Vân, Chủ tịch Hội Phụ nữ Phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị Công an tỉnh Tiền Giang cho biết, với trẻ em mồ côi, ngoài việc hỗ trợ vật chất thì giá trị tinh thần cũng vô cùng quan trọng, nhằm xoa dịu nỗi đau mất mát. Những hoạt động thiện nguyện, luôn xuất phát từ trái tim nhân hậu sẽ giúp các bé có thêm điểm tựa vững bước trong cuộc sống.

Một đứa con khác của các chị là bé Lưu Huỳnh Ngọc An Nhiên, 9 tháng tuổi, ở ấp Hòa Phú, xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè. Mẹ bé An Nhiên nhiễm COVID-19 khi mang thai 8 tháng và buộc phải mổ bắt con. Ngày con chào đời cũng là ngày mẹ từ giã nhân gian.

Những người mẹ trong màu áo xanh lam -0
Mẹ nuôi là chỗ dựa tinh thần để các em mồ côi vơi bớt cô đơn.

Thương các cháu, cảm thấy có bổn phận với em gái đã khuất, chị Huỳnh Thị Hồng Xuân tạm thời chia tay chồng để về nhà cha mẹ đẻ. Ngày về, chị Xuân nói với chồng: “Chúng mình chưa có con, nếu thương em thì để em về với ba mẹ và hai cháu nhỏ, còn không thì đành chịu”. Lựa chọn tình thân thay vì tình yêu, chị Xuân bảo sẽ không ân hận hay hối tiếc điều gì cả. Cả cuộc đời còn lại, chị sẽ là bờ vai cho các con. Hoàn cảnh vốn chật vật, mong manh thì mới đây, ông Huỳnh Văn Bé Sáu, 67 tuổi, là cha chị Xuân và ông ngoại của bé An Nhiên đi làm chẳng may bị té ngã đập đầu, phải nghỉ ở nhà dưỡng bệnh và chạy chữa thuốc thang. Nỗi lo cuộc sống chuyển sang đôi vai gầy của chị Xuân, dù chị chưa biết mình sẽ làm gì để có tiền.

Trước mắt, chị vừa làm mẹ, vừa làm cha của hai bé. Trên bé An Nhiên còn một chị gái là Lê Thị Bảo Trâm, 12 tuổi. Lúc sinh thời, mẹ bé Trâm hết lòng lo cho con gái sau khi cuộc hôn nhân đầu tiên tan vỡ. Con lớn một chút, người mẹ gửi ở nhà với ông bà ngoại để lên TP Hồ Chí Minh làm thuê. Rồi chị gá nghĩa với một người đàn ông, nhưng chưa kịp vui thì tai họa ập tới. Cơn đại dịch COVID-19 đã mang chị đi, khuất nẻo đường về. Hai đứa trẻ mồ côi từ độ đó.

Từ ngày mẹ mất, Bảo Trâm thường nhớ đến hình bóng của mẹ. Bé hay nói với mẹ Xuân của mình là “con nằm chiêm bao thấy mẹ Ngọc về, con nhớ mẹ”, chị Xuân thương cháu đứt ruột nhưng không biết phải làm sao bù đắp nỗi nhớ này. Rồi bé viết nhật ký, kể về ngày tháng còn mẹ ruột trên đời, những ký ức thân thương khi còn có mẹ. Bé lo sợ sau này bà ngoại mất, liệu mình còn ai để nhường tựa, liệu em gái có bị mang cho người khác... Nét chữ tròn trịa ngây thơ của bé Bảo Trâm cứ nhòe đi bởi nước mắt. Thấy con thường sầu muộn, chị Xuân lựa lời khuyên nhủ: “Vẫn còn có mẹ Xuân và những người mẹ công an của con, không ai bỏ rơi con. Cố gắng học thật giỏi để sau này nuôi em gái và chăm sóc ông bà ngoại”.

Hoàn cảnh của hai chị em bé Bảo Trâm luôn khiến những người mẹ nuôi day dứt. Mỗi lần về thăm con, các chị đều cố gắng nán lại với bé nhiều hơn có thể. Trung tá Hồng Vân kể, ngoài kinh phí hỗ trợ hằng quý, các chị còn chuẩn bị quần áo, nhu yếu phẩm và tặng thêm cho các con một khoản tiền do chị em trong hội quyên góp.

Nhận các con ngay từ ngày đầu gian khó, hiểu được nỗi mất mát lớn lao mà các con đang phải gánh chịu, chị em trong hội thường bảo nhau, mỗi người đều phải cố gắng, dành tình yêu thương cho các con thêm chút nữa. Đây không chỉ là trách nhiệm, mà còn là lương tâm, đạo đức của con người với nhau trong cuộc sống này.

Mong một mùa xuân ắp tiếng cười

Ngoài hai người con nuôi, những đứa trẻ mồ côi do đại  dịch COVID-19 vẫn đang nhận được sự hỗ trợ, thăm hỏi hường niên của Hội Phụ nữ Công an tỉnh. Các chị đã đến từng gia đình thăm hỏi, động viên, chia sẻ cùng các em. Mỗi gia đình, mỗi hoàn cảnh khác nhau, nhưng điểm chung là nỗi đau mất mát người thân, là sự khó khăn trực chờ trước mắt.  Mùa xuân mới đã đến, nhưng nhà của ba chị em Phan Thảo Vy (xã Điềm Hy, huyện Châu Thành) vẫn còn trống vắng đến quặn lòng.

Những người mẹ trong màu áo xanh lam -0
Trung tá Hồng Vân trao quà của chương trình “Mẹ đỡ đầu” cho con nuôi.

Các em đã mất đi hơi ấm và sự chăm sóc của mẹ khi còn quá nhỏ. Cha làm phụ hồ và ông bà ngoại bệnh tật không đi lại được. Cuộc sống khốn khó cứ nhói lòng người. Trung tá Hồng Vân chia sẻ, chị trăn trở và cảm giác lòng mình thật nặng nề mỗi khi trở về từ cơ sở. Yêu thương thôi chưa đủ, thứ mà những đứa trẻ mồ côi cần ngay lúc này là cơm áo gạo tiền, là một cái Tết tràn ngập tiếng cười.

Mùa xuân ấm no cũng chính là mong ước của hai em Nguyễn Ngọc Châu và Nguyễn Thị Kim Xuyến ở xã Long Khánh, thị xã Cai Lậy. Hai đứa trẻ từng có một mái ấm gia đình đủ đầy. Trước đây, hai em sống cùng cha mẹ tại TP Hồ Chí Minh. Đại dịch tràn về, cha mất do COVID-19, mẹ cũng mất việc. Không trụ nổi ở thành phố, mấy mẹ con đùm túm về quê ngoại lánh nạn. Giờ đây, những đứa trẻ này đã bình yên sau dông bão, nhưng phía trước vẫn còn mịt mù khi cuộc sống còn quá chật vật, khó khăn.

“Trên đời này, ai cũng được sinh ra bởi một người mẹ. Nhưng, không phải người mẹ nào cũng trọn vẹn với những đứa con của mình. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo, đôi khi được sống cùng con thôi cũng là một đặc ân rồi. Thấu hiểu điều đó, chúng tôi mong mỏi cả xã hội hãy chung tay vì các con, hãy mở rộng tấm lòng đến với trẻ mồ côi để mùa xuân này và những mùa xuân sau, luôn có tiếng cười hạnh phúc”, Thiếu tá Nguyễn Thị Ngọc Quyên, Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an tỉnh Tiền Giang chia sẻ.

Ngọc Hoa
.
.