Những người nằm lại phía chân trời

Thứ Tư, 26/04/2023, 08:25

Giữa mênh mông biển trời, hàng trăm con hạc giấy, cùng với hoa đăng, lễ vật, hoa cúc dập dềnh trên sóng trôi về phía nơi các anh đã hy sinh, như lời tri ân của thế hệ hôm nay và mai sau, cùng mãi mãi một chân lý: Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam, chúng ta sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước!

Không bao giờ quên lãng

Cách đây 35 năm, ở quần đảo Trường Sa đã diễn ra cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc trên bãi đá Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao. Đây là cuộc chiến không cân sức giữa một bên là súng ống đạn dược và lực lượng đông đảo của đối phương, một bên là những chiến sĩ công binh của chúng ta - những người chỉ quen với việc “kê cao thềm Tổ quốc” và tấm lòng kiên trung, anh dũng. Các anh đã dùng thân mình để bảo vệ lá cờ đỏ sao vàng, bảo vệ đảo, bảo vệ từng tấc đất quê hương.

Những người nằm lại phía chân trời -0
Lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ trên biển.

Sự kiện lịch sử Gạc Ma đã minh chứng một cách đầy đủ, rõ nét phẩm chất những chiến sĩ cách mạng kiên trung, những người con ưu tú của đất nước, sẵn sàng xả thân, không lùi bước, quyết lấy máu mình để bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. “Hy sinh ở đảo đá Gạc Ma/ Các anh lấy ngực mình làm lá chắn/ Để một lần Tổ quốc được sinh ra/ Máu anh thấm vào lòng biển thẳm” ("Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra" - thơ Nguyễn Việt Chiến). Dù một phần biển đảo đã được gìn giữ, nhưng 64 người lính tham gia trận chiến năm đó đã vĩnh viễn nằm lại nơi biển cả sâu thẳm. Máu các anh hòa vào biển xanh, xương các anh đã vùi dưới đáy đại dương nhưng tên tuổi các anh được đời đời thế hệ hôm nay và mai sau ghi nhớ. “Không một ai bị lãng quên và không ai được phép quên lãng!" - đó là lời của những người cựu binh Gạc Ma, cũng như của hàng triệu trái tim người Việt Nam luôn tự nhắc nhở mình suốt nhiều năm qua.

Ghi ơn các anh, ở Bãi Dài, thuộc xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma với tượng đài có tên “Những người nằm lại phía chân trời” đã được xây dựng, khắc họa hình ảnh 64 người con quả cảm của Tổ quốc, trong giây phút cuối cùng, vẫn giữ chặt lá cờ Tổ quốc trên tay để đánh dấu mốc chủ quyền trên đảo đá Gạc Ma. Hình ảnh các anh đứng thành vòng tròn, bất tử trước mũi lê, làn đạn của kẻ thù, quyết tâm bảo vệ lá cờ Tổ quốc đã trở thành bản hùng ca bất tử, truyền ngọn lửa yêu nước, tình yêu biển đảo thiêng liêng cho các thế hệ hôm nay.

35 năm đã qua, nỗi bi thương nhưng đầy kiêu dũng về sự hy sinh của 64 chiến sĩ trong trận chiến sinh tử bảo vệ Tổ quốc trên nhóm đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao vẫn thổn thức trái tim yêu nước của người dân Việt Nam trong niềm tự hào và xót xa vô bờ bến. Trong chuyến hải trình công tác gần 1 tuần trên biển đến thăm và kiểm tra tại quần đảo Trường Sa, Đoàn công tác số 3 do Chuẩn đô đốc Trần Ngọc Quyết làm trưởng đoàn đã thực hiện nghi lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong trận chiến đấu sinh tử bảo vệ biển đảo tại cụm đảo này.

Những người nằm lại phía chân trời -0
Vòng tròn bất tử Gạc Ma với Tượng đài thể hiện sự chiến đấu kiên cường của chiến sĩ Gạc Ma vì chủ quyền biển đảo.

Trăm con hạc trắng bay về bồng lai...

Trong ráng chiều dịu nhẹ, hàng trăm con người kính cẩn dâng hương, thực hiện nghi lễ thả hoa đăng, hạc giấy và hoa cúc tưởng niệm. Hàng trăm con người ấy, có những vị tướng lĩnh đã từng kinh qua trận mạc, có những mái đầu đã bạc trắng, nhưng cũng có những người trẻ tuổi đôi mươi chưa từng một lần mặc áo lính, chưa một lần ra biển, những cô gái Hà thành mơ mộng văn chương... đều chung một niềm bi thương nhưng đầy tự hào. Họ, đều chung nhau một niềm biết ơn sâu sắc đối với sự hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ và không ai có thể quên những người lính đã dùng thân mình bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Để chuẩn bị cho nghi lễ tưởng niệm, ngoài hoa đăng, cúc trắng, cúc vàng mang từ đất liền ra, hơn 200 con hạc giấy đã được tổ hậu cần cùng nhóm nhà báo nữ và đoàn nữ văn công gấp trong 2 đêm lênh đênh trên tàu.

Để kịp tiến độ, đêm nào mọi người cũng thức tới hơn 12h, ngả nghiêng theo con sóng trên tàu để gấp hạc giấy. Lạ một điều là dù trước đó có thành viên say sóng, nằm vật cả ngày không ăn uống, nhưng khi ngồi gấp hạc giấy, dường như mọi sự mệt mỏi tan biến. Có lẽ, chỉ có niềm thương yêu và tin tưởng mãnh liệt mới góp sức cho những cô gái yếu đuối trước cơn sóng đủ sức ngồi cắt, xếp giấy và hoàn thành công việc với sự tỉ mẩn, tận tâm đến vậy. Để trong buổi lễ tưởng niệm, trong phút mặc niệm nghiêm trang, trong tiếng nhạc hồn tử sĩ, những con hạc giấy nâng niu linh hồn kiêu dũng của các anh. Cùng với đèn hoa trôi về phía đảo Gạc Ma, những bông cúc vàng, cúc trắng dập dềnh trên sóng như cầu nguyện cho linh hồn các anh siêu thoát. Những con sóng nhấp nhô như muốn xoa dịu vết thương đau đớn của các anh. Dòng nước mát lạnh, xanh thăm thẳm ôm các anh như lòng mẹ, gột rửa bớt những mất mát, hy sinh. Cầu mong các anh yên nghỉ. Tổ quốc ghi ơn các anh, nhân dân yêu thương các anh. Máu xương các anh đã hòa vào biển đảo, gìn giữ và khẳng định một chân lý bất diệt: Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam! Nhiều người không cầm được nước mắt, tiếng sụt sịt khiến không khí càng linh thiêng nhưng đầy cảm xúc.

Hồi còi hú dài những tiếng đầy thương cảm. Trung tướng Lê Văn Thắng, Giám đốc Học viện An ninh nhân dân chia sẻ: Cả hai lần đến với Trường Sa, ông đều có những cảm xúc lớn lao khi dự lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Với ông, đây là buổi lễ xúc động nhất trong chuyến đi, nó thể hiện sự tri ân của đoàn công tác đối với các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh để bảo về chủ quyền biển đảo Tổ quốc và giữ vững biên cương, giữ vững mảnh đất hương hỏa của cha ông đã hy sinh xương máu để truyền lại. Ông cũng cho rằng, đây là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, đặc biệt là các chiến sĩ hải quân để tiếp tục giữ vừng biên cương, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc cho hôm nay và cho mai sau. Trong mắt vị tướng già nhìn xa xăm, rưng rưng giọt lệ đó, ông dường như đang nghĩ đến cảnh những người lính tuổi đời còn rất trẻ, mới đôi mươi đã phải dùng thân mình tạo thành vòng tròn bất tử để bảo vệ lá cờ đỏ sao vàng, bảo vệ đảo, những liệt sĩ đó ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ, nếu đang sống, nhiều người còn ít tuổi hơn ông. Thịt da ai cũng là người, máu của các anh nhuộm đỏ cả đảo đá, xương các anh vùi sâu nơi biển cả. 35 năm, nỗi đau trong tim người lính như ông vẫn vẹn nguyên. Họ là đồng đội, là đồng chí, là anh em của ông đã vĩnh viễn không được trở về nhà. Khu mộ gió không có hài cốt, chỉ nhờ gió đưa hương hồn các anh về hội tụ. Những người mẹ, người cha, người vợ, người con vẫn mở rộng cửa mong các anh có thể được một lần về thăm nhà... “Còi tàu vang tiếng nấc giữa không trung/ “Hồn tử sĩ” vọng truyền theo ngọn sóng/ Chắp cánh về trời đàn chim hạc trắng/ Kính dâng anh vòng hoa kết sao vàng” (“Những cách hạc Gạc Ma” - thơ Phạm Quốc Trung)

Cũng chung niềm xúc động, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết: Với cá nhân anh và hàng triệu người Việt Nam, Trường Sa, Hoàng Sa vĩnh viễn là máu thịt của Việt Nam - đó là chân lý không bao giờ thay đổi. Sự hy sinh dũng cảm, kiên cường của 64 chiến sĩ trên cụm đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao là đại diện cho hình ảnh kiên trung, bất khuất của của gần 100 triệu con dân Việt Nam. Chúng ta sẵn sàng hy sinh thân mình để bảo vệ từng tấc đất, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc.

Những người nằm lại phía chân trời -0
Những cánh hạc nâng bước bồng lai.

“Đến với quần đảo Trường Sa, tự tay dâng hương, thả hoa đăng, hạc giấy, hoa cúc dâng lên các anh hùng, liệt sĩ là tấm lòng và tình cảm của cán bộ, đảng viên các cơ quan, ban, ngành tham gia Đoàn công tác số 3. Đứng trên tàu, nơi mà các cán bộ, chiến sĩ của đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao đã chiến đấu và hy sinh để bảo vệ, giờ phút nhớ về các anh, ai cũng xúc động, muốn dành nén tâm hương để cầu mong các anh siêu thoát, thanh thản nằm trong lòng đất mẹ và cũng nhắc nhở những người đang sống, đang công tác phải phấn đấu rèn luyện thật tốt để xứng đáng với sự hy sinh của các anh, để cho độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững, cho mọi người có điều kiện công tác, học tập như hôm nay”, đồng chí Nguyễn Thái Học xúc động nói.

Trong ráng chiều lấp lánh, trong làn gió mát dịu nhẹ, những bông cúc trắng tinh khôi như trái tim trong trắng và kiên trung của những anh hùng, liệt sĩ đang dập dềnh trên sóng. Biển dịu dàng và bao dung, chở che, ôm những đóa hoa, nâng cánh những chim hạc, gửi tới các anh niềm yêu thương vô bờ bến.

“Vùi sâu dưới đáy những gì đau thương, biển lại hát tình ca, biển kể chuyện quê hương” ru các anh yên nghỉ. Tổ quốc nghiêng mình trước các anh. Vòng tròn bất tử sẽ được các thế hệ hôm nay và mai sau nối tiếp, ôm trọn một vòng đất nước. Các anh đã hòa vào biển cả, nhưng nơi tượng đài các anh, hoa đã rực rỡ, chim vẫn hót líu lo trên những cây phong ba, cây bàng vuông được đưa từ ngoài đảo về trồng, nay đã vươn lên xanh ngát. Những bông hoa sứ trắng vẫn lặng lẽ tỏa hương thơm ngát như tên tuổi mãi lưu truyền của các liệt sĩ. Các anh hãy yên nghỉ trong tiếng ru rì rào của rặng phi lao ven bờ và trên đảo. Các anh đã không còn đau nữa, 64 bông hoa muống biển tím ngát màu thủy chung sắt son. Hãy yên lòng, vì các anh trong tim của mỗi người con đất Việt. Khi dòng máu đỏ da vàng còn chảy thì biển trời Việt Nam vẫn được bảo vệ, gìn giữ!

Hà An
.
.