Những người tìm lại mình bên phá Tam Giang
Nằm nép mình bên phá Tam Giang, ở xã Quảng Lợi (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), có một số người với nhiều lý do khác nhau nên vướng vào lao lý và phải trả giá cho những lầm lỗi của mình. Để rồi sau đó, khi mãn hạn tù trở về tái hòa nhập cộng đồng, họ quyết tâm làm lại cuộc đời và trở thành những công dân tốt, những cộng tác viên đắc lực của lực lượng Công an xã. Họ còn là những tấm gương tiêu biểu điển hình trong phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo ngay tại địa bàn nơi họ sinh sống.
Từ lái xe thuê, ra tù và lập công ty
Được sự giới thiệu của Công an huyện Quảng Điền, một ngày cuối tháng 9, chúng tôi tìm về nhà anh Hoàng Trọng Linh (SN 1992, trú tại thôn Hòa Lạc, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền). Tại đây, người nhà Linh cho biết, anh đang ở trang trại trên rú cát để xây nhà xưởng chăn nuôi vịt quy mô khép kín. Băng qua triền dốc cát trắng dưới nắng gắt, chúng tôi đến trang trại của Linh.
Gạt mồ hôi nhễ nhại trên trán, anh kể, do hoàn cảnh khó khăn nên không được học hành đến nơi đến chốn như các bạn và sau đó chọn học nghề lái xe với khao khát có công việc ổn định. Sau khi có giấy phép lái xe, Linh được một chủ xe tải thuê chạy chở hàng. Số tiền kiếm được Linh phụ giúp cha mẹ nuôi các em đến trường. Một ngày cuối năm 2016, khi điều khiển xe qua nút giao ở phường Hương Sơ (TP Huế, nơi từng xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông) thì Linh không may gây ra tai nạn với một xe máy.
“Vụ tai nạn không có ai tử vong mà nạn nhân chỉ bị thương tích. Sau vụ tai nạn đó là những tháng ngày tôi sống trong hoảng sợ, day dứt với những người bị thương. Có những đêm ngủ, tôi bỗng giật mình thức giấc do ám ảnh vết máu khi tôi bồng nạn nhân trên tay để đưa lên xe cấp cứu”, Linh kể lại với giọng nghèn nghẹn.
Rồi những ngày tiếp theo, mỗi lần nghe người nhà nạn nhân thông báo về khoản tiền viện phí, không ít lần Linh bật khóc khi chứng kiến cha mẹ mình vốn là nông dân nghèo khó phải chạy vạy vay mượn từng đồng để Linh đưa đến bệnh viện chi trả thuốc men cho nạn nhân. Ngày ra tòa, nạn nhân như thấy được sự thật thà, chân chất của một thanh niên mới lớn nên xin giảm án cho Linh. TAND TP Huế tuyên phạt Linh 6 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.
Ngày rời nhà đi thụ án, thực phẩm duy nhất mẹ Linh gói gắm cho con trai là chục gói mì tôm và đùm cá nục phơi khô. Vừa bước qua song sắt cánh cửa trại giam ở Lao Thừa Phủ, Linh buồn bã nhưng dần dần được sự động viên, giúp đỡ của cán bộ quản giáo, Linh sớm vượt qua, chấp hành cải tạo tốt. Tháng 3/2017, ra tù và trở về quê hương, chỉ vài ngày sau, Linh đến trình diện tại địa phương; chính quyền địa phương và công an xã bán chuyên trách thời điểm đó đã đến nhà, gặp gỡ, động viên Linh. Quá trình trò chuyện, Linh chia sẻ những suy nghĩ của bản thân, mong muốn được chính quyền quan tâm, tạo điều kiện, giúp đỡ để có công ăn việc làm. Sau khi nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, chính quyền địa phương và công an xã hỗ trợ Linh những phần việc trong khả năng. Cũng trong lúc này, Linh may mắn khi gặp một người “đàn anh” trong xã cũng từng đi tù về nhiều năm và đã hoàn lương, có kinh tế vững vàng giúp đỡ.
Thời điểm đó, trên địa bàn xã Quảng Lợi và các xã lân cận phát triển mạnh về trang trại. Nắm bắt thời cơ, Linh thuyết phục, bàn bạc với bố mẹ cầm sổ đỏ căn nhà cấp 4 vay ngân hàng 300 triệu đồng để Linh mua chiếc xe tải nhỏ chở đất cát làm san lấp mặt bằng. Vẫn biết đó là số tiền quá lớn nhưng vì thương con, mong con đứng dậy làm lại cuộc đời, bố mẹ Linh đã vay tiền cho con làm ăn. Nhiều người trong và ngoài xã biết tin Linh vừa đi tù về lại chịu khó làm ăn nên có việc gì cần, họ gọi cho Linh làm. Biết cách tính toán, làm ăn, chịu khó nên 4 năm sau, trả nợ xong, Linh kiếm được số tiền khoảng hơn 1 tỷ đồng.
Có được số tiền này, Linh tiếp tục đầu tư mua thêm 3 chiếc xe tải nhỏ loại cũ để chở đất cát san lấp. Chưa dừng lại ở đó, khi vùng rú cát Quảng Lợi ngày càng phát triển mạnh về mô hình trang trại tổng hợp, Linh đã mạnh dạn làm hồ sơ gửi lên chính quyền xin được cấp đất làm trang trại và được huyện Quảng Điền cấp cho 3 ha đất với thời hạn 20 năm.
“Với diện tích này, tôi trồng keo tràm, đào ao nuôi cá, chăn nuôi theo công nghệ sạch. Năm 2021, tôi thành lập công ty để có điều kiện vay thêm vốn mở rộng chăn nuôi, sản xuất. Nếu làm ăn may mắn thuận lợi, trừ mọi chi phí, mỗi năm tôi thu nhập khoảng 400-500 triệu đồng. Hiện, tôi có 5 lao động (lương khoảng 10-12 triệu đồng/tháng/người) làm việc thường xuyên, ngoài ra có nhiều lao động làm theo thời vụ. Để có được những kết quả như hôm nay, ngoài gia đình, người thân thì tôi được sự giúp đỡ rất nhiều từ chính quyền xã, các đoàn thể và nhất là Công an xã Quảng Lợi”, Linh cho biết. Hiện, anh đã có vợ và con nhỏ.
Ra tù, thi đỗ đại học và là gương kinh tế điển hình
Chia tay với Hoàng Trọng Linh, chúng tôi tiếp tục băng qua những cánh rừng tràm bạt ngàn xanh mát để đến với trang trại của Hồ Duy Kham (SN 1975, trú tại thôn Tháp Nhuận, xã Quảng Lợi) khi anh đang dọn dẹp lại xưởng để chuẩn bị thả lứa gà đầu tiên nuôi theo công nghệ khép kín. Trước chúng tôi là một Hồ Duy Kham với khuôn mặt hiền lành, chân chất của người nông dân. Giọng trầm buồn, pha chút ngượng ngùng, anh cho biết, 24 năm trước, khi vừa tốt nghiệp cấp 3, trong một lần đi chơi với nhóm bạn thì do tính bồng bột và hiếu thắng của tuổi trẻ nên chỉ một xích mích nhỏ, Kham lỡ tay đánh một người trong xã với tỷ lệ thương tích 16%. Sau vụ đánh người, Kham rất sợ và hối hận nhưng đã quá muộn.
“Thời điểm đó, vụ án của tôi được đưa ra xét xử lưu động ở làng nhằm giáo dục, răn đe những thanh niên mới lớn. Rất nhiều người đến xem, tôi mặc cảm và xấu hổ vô cùng và nghĩ rằng, khó có thể vượt qua được lúc này”, anh Kham nhớ lại.
TAND huyện Quảng Điền tuyên phạt Kham 9 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Lúc đó, bố mẹ, anh chị em của Kham như “ngồi trên đống lửa” vì ngày thi đại học của anh đã cận kề. Giấc mơ tìm kiếm con chữ của anh đành gác lại để bước vào song sắt của trại giam Lao Thừa Phủ. Kham kể, những ngày ở trong trại giam, Kham rất hối hận về hành vi mình gây ra cho nạn nhân. Rồi, những ngày mùa mưa xứ Huế, chứng kiến cảnh bố mẹ già tiều tụy, đạp xe từ quê lên thành phố quần áo ướt sũng, mang theo đùm đậu lạc rang nhà trồng được để vào trại giam thăm nuôi con mà lòng Kham quặn thắt, cố nuốt nước mắt vào lòng. Chứng kiến cảnh này, Kham nhủ với lòng mình phải cố gắng cải tạo tốt để sớm trở về với gia đình, báo hiếu bố mẹ.
Ngày ra tù, Kham vui mừng trở về nhà và điều đầu tiên Kham nói với mọi người trong gia đình là: “Con xin lỗi vì mọi chuyện con đã gây ra. Con hứa sẽ không bao giờ tái phạm và những ngày tới sẽ cố gắng ôn thi để nộp đơn vào kỳ thi đại học sắp đến”. Nghe Kham nói vậy, bố mẹ và anh chị em ngạc nhiên, mừng rơi nước mắt. Nhà nghèo, không có tiền đi học thêm, Kham ở nhà tự học là chính, chỗ nào chưa hiểu thì đạp xe lên thành phố, tìm những người bạn từng học cùng trước đây để nhờ họ hướng dẫn. Với sự kiên trì, chăm chỉ, năm 2002, Kham thi đậu vào Trường Đại học Quy Nhơn (Bình Định).
Sau khi ra trường, Kham đưa hồ sơ đến nhiều nơi để xin việc và với bảng điểm kha khá trong 4 năm đại học và may mắn được một tổng công ty xây dựng có trụ sở tại Bình Định nhận vào làm việc với chuyên ngành quản lý, điều động trang thiết bị, phương tiện máy móc... Công việc của Kham phải di chuyển qua nhiều tỉnh, thành, nơi đơn vị Kham triển khai công trình. Sau nhiều năm đi làm xa nhà, cứ mỗi lần về quê thăm gia đình, bố mẹ nói Kham đã lớn tuổi và khuyên con nên lập gia đình. Lúc này, Kham có chút tự ti khi cho rằng mình là “thằng tù tội” nên sợ khó ai chấp nhận. Không ngờ, ít tháng sau, Kham bén duyên với Trần Thị Vân, cô gái làm nghề nông ở cùng làng, kém Kham 13 tuổi. Rồi, 4 đứa con của vợ chồng Kham lần lượt ra đời. Hiện, cháu lớn học lớp 11, cháu nhỏ 7 tuổi.
Sau khi lập gia đình, Kham xin nghỉ việc ở tổng công ty và trở về quê hương bên phá Tam Giang để lập nghiệp. Tại đây, anh đã làm đơn gửi chính quyền địa phương xin được cấp đất làm trang trại và được cấp 4 ha đất. Với số vốn tích cóp trước đó cộng với số tiền vay mượn ngân hàng, vợ chồng anh mở trang trại nuôi lợn khép kín quy mô và nuôi cá trê, cá leo... Anh cho biết, thời điểm trước dịch COVID-19, trừ chi phí nhân công và các khoản khác, vợ chồng anh lãi khoảng 500-700 triệu đồng/năm. Trong 2 năm dịch COVID-19, trang trại chăn nuôi lợn của Kham tạm đóng cửa và anh đã kịp thời chuyển qua chăn nuôi gia cầm, nuôi cá với lãi ròng 1 năm cũng trên 200 triệu đồng. Gần đây, khi một số thương lái trong và ngoài tỉnh có nhu cầu đặt hàng thì anh chuyển qua mô hình chăn nuôi gà công nghệ khép kín. Hôm chúng tôi đến, trại chăn nuôi của anh đã hoàn thiện hơn 95% và dự kiến đầu tháng 10 này, anh sẽ thả nuôi lứa đầu tiên với hàng ngàn con gà, tạo điều kiện công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Trung tá Võ Tiến Thảo, Trưởng Công an xã Quảng Lợi cho biết, trên địa bàn xã có 6 người đi tù về hiện có công ăn việc làm ổn định, là gương điển hình trong phát triển kinh tế ngay tại địa phương, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Trong đó, gần đây có 2 điển hình nổi bật là Hoàng Trọng Linh và Hồ Duy Kham. Qua nắm địa bàn, công an xã nhận thấy, số người đi tù về này thường xuyên giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong việc làm ăn. Nhờ vậy, đến nay trong 6 người thì có 3 người lập trang trại, lập công ty và người còn lại mở xưởng mộc.
Điều đáng quý, những người này sau thời gian hòa nhập cộng đồng, họ có lối sống lành mạnh, có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng xã hội; tích cực tham gia và thực hiện tốt vào các mô hình phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Hằng năm, họ đã cung cấp cho công an xã, lực lượng an ninh, trật tự ở cơ sở nhiều nguồn tin có giá trị. Qua đó, giúp công an xã, công an huyện giải quyết sớm ngay từ cơ sở một số vụ việc, không để phát sinh phức tạp, bị động, bất ngờ góp phần đảm bảo bình yên cho những làng quê bên phá Tam Giang.